Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Tàu chiến Việt Nam đụng độ Trung Quốc tại khu vực giàn khoan 981



TQ huy động 80 tàu chiến xâm lược Biển Đông, tấn công tàu Việt Nam

Tàu quân sự Trung Quốc xâm nhập vào tận vùng biển Việt Nam, cách đảo Lý Sơn 50 hải lý

CTV Danlambao - Xung đột tại Biển Đông ngày càng căng thẳng khi Trung Quốc đã huy động lực lượng hùng hậu lên đến 80 tàu chiến và hàng chục tốp máy bay quân sự hộ tống cho giàn khoan khổng lồ 981 xâm lược vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, các đội tàu quân sự có vũ trang của Trung Quốc còn ngang nhiên đột nhập vào sâu bên trong vùng biển Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn 50 hải lý.
Theo tin từ cuộc họp báo do bộ ngoại giao Việt Nam tổ chức vào chiều ngày 7/5, liên tiếp trong các ngày từ 2/5 cho đến ngày 7/5, tàu chiến Trung Quốc đã mở nhiều đợt tấn công nhắm vào tàu của lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam. 6 nhân viên kiểm ngư Việt Nam đã bị  thương tích, 8 tàu cá hư hỏng sau khi bị tàu chiến Trung Quốc đâm húc và tấn công bằng vòi rồng.

'Mọi sự chịu đựng đều có giới hạn'
Xung đột tại Biển Đông đã trở nên căng thẳng sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan 981 và nhiều tàu chiến xâm lược vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam. Vị trí mà lực lượng phía Trung Quốc an ngữ cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, ngay trước cửa ngõ vào cảng Đà Nẵng.
Các video clip do nhà nước Việt Nam phổ biến ghi lại cảnh tàu chiến Trung Quốc cố tình đâm vào tàu của cảnh sát biển Việt Nam với tốc độ cao. Nhiều hình ảnh cho thấy tàu Việt Nam bị Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công với áp lực mạnh.
Trong lần xâm lược này, Trung Quốc đã huy động 7 tàu quân sự túc trực, trong đó có tàu hộ vệ tên lửa và tàu tuần tiễu tấn công nhanh. 
Trong các đợt tấn công nhằm vào tàu Việt Nam, phía Trung Quốc còn huy động nhiều máy bay trực thăng bay với độ cao thấp để uy hiếp, bên dưới tàu chiến Trung Quốc mở vũ khí ở tình trạng sẵn sàng chiến đấu gây nên tình trạng căng thẳng.
Trả lời phóng viên AP, ông Ngô Ngọc Thu - phó tư lệnh, tham mưu trưởng bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam nói rằng cho đến thời điểm này, lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam vẫn đang 'hết sức kiên trì kiềm chế' trước thái độ hung hăng của phía Trung Quốc.
Tuy vậy, ông Ngô Ngọc Thu cũng lên tiếng cảnh báo: “Nhưng mọi sự chịu đựng có giới hạn. Nếu tiếp tục đâm vào chúng tôi, chúng tôi cũng sẽ có tự vệ tương tự để đáp lại”.
'Không loại trừ một biện pháp nào'
Cán bộ kiểm ngư Việt Nam bị thương, phải cấp cứu
sau khi bị tàu chiến Trung Quốc tấn công
Cho đến thời điểm này, hải quân Việt Nam chưa trực tiếp có mặt tại khu vực xung đột quanh giàn khoan 981. Giới chức Việt Nam khẳng định lực lượng hải quân cũng đang theo dõi rất sát tình hình.
Tại Đà Nẵng, nhiều bạn đọc Danlambao cho biết nhiều ngày nay xuất hiện nhiều máy bay, trực thăng bay ra vào biển. Các hoạt động quân sự diễn ra nhộn nhịp hơn so với mọi ngày.

Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 7/5 tại bộ ngoại giao, ông Trần Duy Hải - phó chủ nhiệm ủy ban biên giới quốc gia khẳng định Việt Nam sẽ sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của VN.
Ông Trần Duy Hải gọi đây là 'vấn đề rất nhạy cảm và nguy hiểm', chính phủ Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua hòa bình, đàm phán và thương lượng. 
“Tuy nhiên chúng ta không thể loại trừ một cái biện pháp nào cả”, ông Hải khẳng định.
Tàu cảnh sát biển Việt Nam bị tàu chiến Trung Quốc đâm rách
Trên mặt ngoại giao, chính phủ Việt Nam cho biết đã thực hiện 8 cuộc giao thiệp nghiêm túc với phía Trung Quốc về vấn đề này. Tuy nhiên, thông tin được phổ biến cho thấy Trung Quốc tiếp tục tỏ thái độ trịnh thượng khi yêu cầu Việt Nam 'chấn chỉnh việc làm sai trái'. 
Thậm chí, trong cuộc điện đàm với bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, ủy viên quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì lớn tiếng yêu cầu VN 'chấm dứt việc cản trở hoạt động của các công ty Trung Quốc tại Hoàng Sa'.
Lên tiếng về vụ việc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã mạnh mẽ cáo buộc việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào Biển Đông là 'khiêu khích', việc tàu chiến Trung Quốc cố tình đâm vào các tàu Việt Nam là hành vi đe dọa 'nguy hiểm'.

Trước hành động xâm lược ngày càng trắng trợn của Trung Quốc, nguy cơ mất nước đã quá rõ ràng. Giải pháp duy nhất là Việt Nam cần trở thành đồng minh với Hoa Kỳ để đủ sức chống chọi lại kẻ thù Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không chấp nhận cải thiện nhân quyền thì không thể hy vọng nhận được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.

Tàu chiến Việt Nam đụng độ Trung Quốc tại khu vực giàn khoan 981

CTV Danlambao - Chiều ngày 6/5/2014, bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm cấp cao với ủy viên quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì. Ông Phạm Bình Minh lên tiếng phản đối việc Trung Quốc huy động tàu chiến và mang giàn khoan 981 án ngữ ngay trong vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam. 
Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông ngày một gia tăng, thông tin về các trận quần thảo, đụng độ giữa tàu chiến của cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc liên tục được cập nhật trên các trang mạng không chính thống.

Áp dụng mọi biện pháp bảo vệ chủ quyền
Theo nội dung được đăng trên website Bộ ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh tuyên bố 'không thể chấp nhận và kiên quyết phản đối' hành động của Trung Quốc khi đưa tàu chiến và giàn khoan 981 vào khu vực cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý.
Người đứng đầu bộ ngoại giao Việt Nam nêu yêu cầu phía Trung Quốc phải rút ra khỏi vùng biển này, đồng thời lên tiếng cảnh báo “Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình”. 
Từ khi giữ vị trí phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao đến nay, đây được xem là một tuyên bố khá cứng rắn của ông Phạm Binh Minh trước thái độ hung hăng của Trung Quốc. 
Dù vậy, cuộc điện đàm cấp cao của ông Phạm Bình Minh dường như chỉ mang tính độc diễn, nội dung phần phản hồi hoặc tuyên bố của người đồng nhiệm phía Trung Quốc không hề được nhắc đến.
Trước đó, bộ ngoại giao Việt Nam cũng đã trao công hàm phản đối đến đại sứ quán Trung Quốc vào hôm 4/5/2013. Cùng ngày, thứ trưởng ngoại giao hai nước cũng đã có cuộc điện đàm nhằm 'giao thiệp nghiêm túc' về vụ việc trên.
Kịch chiến trên biển
Đáp lại sự phản đối của Việt Nam, ngày 5/5/2014, phía Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên mở rộng phạm vi cấm tàu bè chung quanh giàn khoan 981 lên thành 4,8 km. Có tin nói rằng thêm nhiều tàu chiến cũng được hải quân Trung Quốc huy động bảo vệ giàn khoan khổng lồ trị giá 1 tỷ đô la này.
Các trang mạng lớn của Trung Quốc lên tiếng cáo buộc lực lượng chức năng Việt Nam đã 'sách nhiễu nghiêm trọng' giàn khoan 981. 
Một số nguồn tin không chính thống của TQ nói rằng nhiều tàu của cảnh sát biển Việt Nam đã tìm cách tấn công giàn khoan.
Trên số số trang mạng tại Việt Nam, nhiều nguồn cũng khẳng định rằng lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã cử tàu ra ngăn chặn giàn khoan 981. Thông tin về các đợt quần thảo, đụng độ giữa tàu chiến của cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc cũng được mô tả khá chi tiết.
Các trận kịch chiến xung quanh giàn khoan 981 được mô tả diễn ra hết sức căng thẳng, các bên được lệnh không nổ súng. Tàu chiến của Việt Nam chủ yếu tìm cách ngăn chặn hoặc va chạm bằng cách đâm húc vào tàu Trung Quốc.
Các cơ quan truyền thông chính thống tại Việt Nam đều có những bài viết lên án hành động xâm lược mới nhất của Trung Quốc, trong đó có những tuyên bố hết sức cứng rắn chủ yếu đến từ các cựu quan chức, tướng lãnh cộng sản về hưu. 
Theo thông báo của Bộ ngoại giao Việt Nam, vào lúc 16 giờ chiều ngày 7/5/2014, một buổi họp báo về việc rung Quốc đưa giàn khoan HD-981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam sẽ diễn ra tại nhà khách phính phủ tại Hà Nội.
CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét