Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

Đảng Cộng sản giữa lòng New York


Đảng Cộng sản giữa lòng New York

Cập nhật: 10:51 GMT - chủ nhật, 4 tháng 5, 2014 
 

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Mỹ từ 1934 đến 1945, ông Earl Browder
Cũng giống như phong trào cộng sản trên thế giới, Đảng Cộng sản Mỹ đã hứng chịu một cú trời giáng khi Liên bang Xô-viết sụp đổ hồi năm 1991. Nhưng vẫn còn một nhóm nhỏ đảng viên vẫn còn hoạt động.

‘Vì nhân dân’

Nằm cách Phố Wall không xa, trên tầng bảy của một tòa nhà tám tầng trang nhã trên đường West 23rd là trụ sở của Đảng Cộng sản Mỹ.
Văn phòng sáng sủa và hiện đại. Trên tường treo những bức chân dung đen trắng của các nhân vật lãnh đạo trong lịch sử của đảng còn trên các kệ sách chất đầy các tác phẩm của Marx, Engels và Lenin.
Tòa nhà này được mua lại để làm nơi Đảng hoạt động vào những năm 1970 trước khi người ta tranh nhau kiếm chỗ ở khu vực xung quanh có tên là khu Chelsea.
“Chúng tôi đã mua được với giá hời,” ông Roberta Wood, bí thư kiêm phụ trách tài chính của Đảng, nói.
Trước hiện thực của đời sống tư bản, tất cả các tầng lầu, trừ hai tầng, đã được cho thuê. Thu nhập từ việc cho thuê dùng để duy trì ấn phẩm People's World, một ấn phẩm trên mạng vốn là hậu duệ trực tiếp của tờ Daily Worker, tờ báo của đảng đã ngừng hoạt động từ lâu.
Đảng Cộng sản Mỹ nói họ có từ 2.000 đến 3.000 đảng viên trên toàn quốc. Họ chỉ có hai người được hưởng lương là Chủ tịch Đảng Sam Webb và cấp phó của ông là Jarvis Tyner, người từng là một ứng viên phó tổng thống trong những năm 1970.
"Chủ nghĩa xã hội sẽ đưa đến một kỷ nguyên mới ở đất nước này. Của cải của Hoa Kỳ lần đầu tiên sẽ được sử dụng vì lợi ích của nhân dân."
Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Mỹ
Mục tiêu cao nhất của Đảng cho thấy tham vọng lớn lao của họ.
“Chủ nghĩa xã hội sẽ đưa đến một kỷ nguyên mới ở đất nước này,” cương lĩnh của Đảng viết, “Của cải của Hoa Kỳ lần đầu tiên sẽ được sử dụng vì lợi ích của nhân dân.”
“Mục tiêu dài hạn của Đảng,” theo lời Chủ tịch Webb, “là xã hội cộng sản, là nơi kết thúc mọi phân chia giai cấp, một xã hội bình đẳng nơi vai trò của Nhà nước không còn nữa’.
Đảng Cộng sản đã từng có sự hiện diện mạnh mẽ trong đời sống chính trị Hoa Kỳ. Vào thời hoàng kim của nó vào những năm 1930 và 1940 nó có một hệ thống cơ sở Đảng vững chắc trên khắp đất nước và giành được thắng lợi trong một số cuộc bầu cử địa phương.
Có ba dân biểu Đảng Dân chủ là đảng viên bí mật của Đảng Cộng sản.
Số lượng đảng viên chưa bao giờ vượt quá 100.000 nhưng ảnh hưởng của Đảng đã lan rộng.

‘Có tác động’

Các đảng viên Cộng sản Mỹ họp hội nghị từ xa
“Chắc chắn Đảng Cộng sản đã có tác động đến đời sống ở Mỹ,” ông Harvey Klehr, một giáo sư khoa học chính trị ở Đại học Emory ở thành phố Atlanta, nói.
Chiến tranh Lạnh bắt đầu cũng là lúc các đảng viên Đảng Cộng sản và đồng minh của họ bị trù dập nhất là dưới bàn tay của Thượng nghị sỹ Joe McCarthy.
Thời kỳ này đã gây thiệt hại nặng nề cho Đảng, ông Vernon Pederson, giáo sư Sử học tại Đại học Great Falls, bang Montana, cho biết.
“Việc này đối với họ giống như là tất cả những gì chúng ta nói sắp xảy ra đã xảy ra – cuộc cách mạng đã đến và đây là đợt đàn áp đầu tiên đúng như những gì chúng ta đã từng dự báo,” ông nói thêm.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Đảng Cộng sản Mỹ có một hệ thống bí mật hoạt động song song và một số đảng viên do thám cho Moscow.
Cho đến những năm 1980, Đảng được Liên Xô tài trợ mạnh mẽ, Giáo sư Klehr cho biết, và số tiền này bị FBI biết và theo dõi.
Tuy nhiên nhiều đảng viên đã bỏ Đảng sau hành động của Liên Xô ở Hungary hồi năm 1956 và ở Cộng hòa Czech và Slovakia hồi năm 1968 trong khi Đảng vẫn duy trì đường lối bảo thủ thân Moscow.
Sự phân rã sau cùng của Đảng xảy ra khi ông Gus Hall, lãnh đạo Đảng từ năm 1959 cho đến 2000, ủng hộ cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev hồi năm 1991.
Cuộc khủng hoảng kinh tế hồi năm 2008 đã làm gia tăng sự quan tâm của công chúng vào Đảng Cộng sản
Giáo sư Pederson nói ông ‘hơi ngạc nhiên’ việc Đảng Cộng sản Mỹ có thể trụ được sau cú sốc Liên Xô sụp đổ và nói điều này là do một số đảng viên chủ chốt ‘đơn giản không bỏ cuộc bất chấp mọi việc có mờ mịt thế nào’.
“Họ có niềm tin hết sức mạnh mẽ và tên tuổi của họ đã gắn liền chặt chẽ với Đảng Cộng sản,” ông nói.

Nhiệm vụ trước mắt

Sam Webb, lãnh đạo hiện tại của Đảng, hiện đã 68 tuổi, lưng cong và giọng nói cộc lốc. Ông thích nói chuyện về tình hình chính trị hiện nay hơn là lý tưởng của Đảng.
Nhiệm vụ trước mắt, theo ông, là đánh bại phe ‘cực hữu’ ở Mỹ bằng cách tham gia vào liên minh các nhóm cánh tả rộng lớn vốn có cùng mục tiêu là chống bất bình đẳng kinh tế và vận động cho quyền của các nhóm thiểu số.
Đảng đang đối mặt với thách thức về tuổi tác đảng viên – người đứng đầu đảng bộ New York nhớ lại ông đã dự hơn 100 tang lễ vào đầu những năm 2000. Tuy nhiên họ cũng cho biết con số đảng viên và số tiền đảng phí gia tăng chút ít và giải thích rằng điều này là do công chúng quan tâm nhiều đến cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008 cũng như việc cánh hữu tấn công những người bên Đảng Dân chủ mà họ gọi là ‘xã hội chủ nghĩa’.
Webb nhắc đến các sự kiện khác gần đây, trong đó có phong trào Chiếm phố Wall, ứng viên theo đường lối xã hội chủ nghĩa Kshama Sawant được bầu vào hội đồng thành phố Seattle và việc ông Bill de Blasio đắc cử thị trưởng New York.
Mục tiêu cuối cùng của Đảng Cộng sản Mỹ là một xã hội không còn giai cấp và bóc lột
Ông cũng nói rằng ngay cả những người bên Đảng Cộng hòa cũng đang nói về nghèo đói.
“Tình hình trong nước đang thay đổi, mọi người đang nghĩ về bất bình đẳng kinh tế,” ông nói.
Một xã hội xã hội chủ nghĩa là mục tiêu trước mắt, theo Webb, trong khi chủ nghĩa cộng sản ‘thì còn ở rất xa’.
Tuy nhiên, những người đã theo dõi hoạt động của Đảng Cộng sản Mỹ, thì không đồng tình với đường lối của đảng này.
“Lập trường của họ thật ra là không có gì khác biệt với các nhóm dân chủ xã hội cánh tả,” ông Ron Radosh, một sử gia và một nhà văn đã rời Đảng sau việc Liên Xô đưa quân vào Hungary hồi năm 1956, nhận xét.
“Thậm chí tôi còn không hiểu vì sao có người lại đi theo Đảng,” ông nói thêm.

‘Chống Cộng vẫn mạnh’

Giáo sư Klehr thì mô tả Đảng ‘gần như là một giáo phái, một sự tôn thờ’ và nói ông đã không còn chú ý đến đảng này gần 10 năm trước vì nói đã trở nên ‘không liên quan’ gì đến cuộc sống.
Ngay cả đảng cứng rắn như Đảng Cộng hòa cũng đã bắt đầu nói về nghèo đói ở Mỹ
Ông Tony Pecinovsky, 36 tuổi, một nhà tổ chức của Đảng ở các bang Kansas, Missouri và Tennessee, cho biết các ký ức ngày càng phai mờ về Chiến tranh Lạnh và các hoạt động vận động quần chúng đã làm giảm những tiếng xấu về Đảng Cộng sản nhưng thành kiến của người dân vẫn còn.
“Có người đã gọi tôi là phần tử khủng bố trong nước,” ông nói, “Tôi từng nhận được những cuộc gọi đe dọa. Có những kẻ còn xuất hiện trước nhà tôi.”
“Chống Cộng và tất cả những thứ như thế vẫn còn rất hiện hữu trong đời sống cánh hữu và ở các phần tử cứng rắn ở đất nước chúng tôi.”
“Chúng tôi cố chứng minh mình bằng hành động và không nói nhiều đến cộng sản.”
Chủ tịch Đảng Webb nói ông không bị phản ứng gay gắt khi giới thiệu mình là một người cộng sản. Một số người trẻ – có lẽ không hiểu nhiều về thế giới – thậm chí còn cho rằng đó là ‘điều hay’.
"Chống Cộng và tất cả những thứ như thế vẫn còn rất hiện hữu trong đời sống cánh hữu và ở các phần tử cứng rắn ở đất nước chúng tôi."
Ông Tony Pecinovsky, 36 tuổi, một nhà tổ chức của Đảng Cộng sản Mỹ
Tuy nhiên ông cũng nói rằng cuối cùng có lẽ đảng của ông sẽ rũ bỏ một số hành trang lịch sử khi nói cần xây dựng liên minh với các đảng phái cánh tả khác.
Hướng tới Đại hội Đảng vào tháng Sáu tới, ông nói ông muốn tạo ra một bầu không khí để cho các ‘đồng chí’ của ông tự do bày tỏ quan điểm, trong đó có việc thay đổi tên của Đảng.
“Một số người nghĩ rằng chúng tôi phải xem xét thay đổi tên gọi. Một số người lại cho rằng không nên. Cho nên chúng tôi đã nhất trí sẽ tạo không gian cho mọi người thảo luận về việc này,” ông nói.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2014/05/140504_marx_in_manhattan.shtml

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét