Lễ Độc lập Hoa Kỳ và di dân Việt Nam
Cali Today News - Dân Việt tỵ nạn xây dựng cuộc sống trên đất mới trong khi thế giới chuyển tiếp giữa 2 thế kỷ 20 và 21. Về kỹ thuật, điện tử thay đổi toàn bộ đời sống.Về nhân văn, với sự chấp nhận hôn nhân đồng tính, Hoa Kỳ đã tiến bước rất dài trên phương diện tư tưởng, bỏ xa phần còn lại của thế giới cả trăm năm. Người Việt đã có mặt trên miền đất lịch sử trong giai đoạn lịch sử. Xin cùng quay về với lịch sử lập quốc Hoa Kỳ. Lịch sử quê hương mới bao dung lịch sự mà di dân bốn phương trời sống chết tìm đến. Vào được rồi thì chỉ còn thấy những ông tổng thống trên tờ giấy bạc hàng ngày.
Ngày quốc lễ
Ngày 4 tháng 7 hàng năm là ngày lễ trọng đại nhất của Hoa Kỳ. Đó là ngày Mỹ quốc Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776 và bắt đầu chiến tranh cách mạng chống lại Anh quốc trong 6 năm. Đến 1782 Anh và Mỹ ký thỏa ước ở Paris và công nhận Hoa Kỳ độc lập. Người Mỹ đã chiến thắng trận chiến tranh đầu tiên của lịch sử Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. (Đã có nhiều ý kiến khác, nhưng tác giả xin dùng tên này) Sau kỳ kiểm kê dân số 2010 nước Mỹ dần dần trở thành là đất nước của các sắc dân mà trong đó da trắng sẽ chỉ còn dưới 50% tổng số.
Là công dân gốc Việt trong đợt di dân cuối cùng của thế kỷ 20, chúng ta nên tìm hiểu về đất nước mà chúng ta lập nghiệp. Các di dân tỵ nạn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ đã được dự ngày kỷ niệm 200 năm lập quốc vào năm 1976. Đến bây giờ nước Mỹ đã già thêm gần 40 năm nhưng lịch sử trẻ trung của Hiệp Chủng Quốc rất phong phú và cũng rất độc đáo. Hoa Kỳ là quốc gia bao gồm tất cả các sắc dân, các ngôn ngữ, các tập tục văn hóa. Nước Mỹ đã có các kỷ niệm vừa hung bạo vừa nhân từ. Tiêu diệt da đỏ, bắt da đen làm nô lệ, kỳ thị da vàng, đem quân đi làm cảnh sát trên thế giới, đi đến đâu là gây sóng gió ở đó. Hoa Kỳ cũng là quốc gia phát huy tự do dân chủ toàn cầu, viện trợ kinh tế, quân sự, giáo dục, xã hội, văn hóa cho toàn thể các quốc gia chậm tiến trên thế giới.
Nước Mỹ sống giữa 2 đại dương và có ba múi giờ. Biên cương của Hoa Kỳ trên địa cầu là một vùng đất bao la tiếp giáp với Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Tiểu bang Alaska của Hoa Kỳ là ải địa cầu trấn giữ Bắc Băng Dương. Biên giới không gian của Hoa Kỳ lên đến mặt trăng và Mỹ quốc cũng là quốc gia tiên phong ghi dấu vết trên Hỏa tinh. Hai ngàn vệ tinh kinh tế thương mại và quân sự của Hoa Kỳ canh gác toàn vùng khí quyển của quả đất. Đế quốc nhân văn của Hiệp Chủng Quốc thống trị thế giới bằng các đại sứ quán và tòa lãnh sự luôn luôn tấp nập các khách hàng xin visa.
Việt Nam tham dự diễn hành Văn hóa tại New York (Photos NVD)
Cơ sở ngoại vi của các sứ quán Hoa Kỳ là những chỗ bán thức ăn Fast Food McDonald, Kentucky, nước Coke, nhạc Rock và quần Jeans. Mỹ phát thực phẩm cho dân nghèo toàn thế giới nhưng đi đến đâu cũng bị đuổi về nhà: Yankee go home. Đó là Hoa Kỳ ngày nay, quá trẻ trung vì chỉ có hơn 230 năm lập quốc. Đất nước mà chúng ta đang là công dân có đứng lên tuyên thệ bảo vệ và tuyệt đối trung thành. Vì vậy chúng ta cũng nên biết qua lịch sử của quê hương mà phần đông chúng ta sẽ cùng các thế hệ tiếp theo ở lại đời đời.
Ai là người đầu tiên trên đất Mỹ?
Các nhà nhân chủng học cho biết 12 ngàn năm trước lục địa còn dính liền cuối thời băng giá, Á châu và Mỹ châu nối tiếp ở phía Bắc. Con người tiền sử Á Châu đi tìm đường sống đã đi từ Á qua Mỹ. Sau đó quả đất chuyển đổi, hai lục địa tách xa nhau. Người Á châu tiền sử trở thành thủy tổ của các bộ lạc ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, thực ra đây cũng chỉ là giả thuyết.
Thực tế ghi nhận đây là miền đất mới không có nhiều chỉ dấu của các nền văn minh ngàn năm trước như Âu châu. Lịch sử ghi nhận đã có dấu vết các bộ lạc tàn lụi. Sau cùng chỉ còn các bộ lạc da đỏ tồn tại cho đến thời kỳ 1500 các sắc dân tây phương mới đến Mỹ bằng đường biển. Nổi danh nhất là nhà hàng hải Columbus năm 1492 đi tìm Á châu lại khám phá ra Mỹ châu. Rồi tiếp theo là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh Cát Lợi, Pháp, Đức rồi đến Nga và các quốc gia Đông Âu.
Các cuộc chiến đẫm máu, triền miên ở tân lục địa giữa người địa phương và dân giang hồ mới đến. Chiến tranh giữa các thế lực Tây phương. Sau cùng Anh quốc ổn định được tại phần lớn miền Đông Hoa Kỳ và các di dân bắt đầu lên đường. Con tàu Hoa Tháng Năm, May Flower nổi tiếng đến Mỹ năm 1620 vỏn vẹn có 100 người mà một nửa là thủy thủ đoàn. Con tầu này đã trở thành biểu tượng của di dân định cư trên đất mới vì có đem theo gia đình.
Năm 1621 di dân được mùa đã cùng tổ chức Lễ Tạ Ơn và ăn tiệc mừng với dân da đỏ trong một lễ Thanksgiving đầu tiên của nhân loại. Nhưng rồi những ngày vui qua mau. Thổ dân tại Mỹ chết dần vì bị giết, bị đói, bị bệnh, có thể do các mầm bệnh từ tây phương đem đến.
Trong khi đó từ 1620 đến 1732 tức là hơn 100 năm, một nước Mỹ thuộc Anh đã hình thành với 13 tiểu bang liên hiệp ở miền Đông. Phần lớn làm nghề nông, trồng thuốc lá, trà, và lúa. Các vùng khác thuộc Tây Ban Nha, Pháp vẫn còn tranh chấp. Cuộc chiến 1754 giữa Pháp và Anh giành đất trong 7 năm, sau cùng Anh thắng và mở rộng biên cương thuộc địa. Tiếp theo nước Anh cần tiền cho mẫu quốc nên đánh thuế các thuộc địa, thu tiền các nhà sản xuất và các đồn điền tại Hoa Kỳ. Chính sách thuế của Anh ban hành năm 1774 trở thành mầm mống cho cuộc chiến giành độc lập tại Hoa Kỳ. Tướng Washington nhận trách nhiệm lãnh đạo cuộc chiến tranh cách mạng vào năm 1775 và chính thức đứng ra tuyên bố độc lập 1776. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập do Thomas Jefferson đại diện tiểu bang Virginia viết ra lúc ông 33 tuổi được coi là một áng văn tuyệt tác nhất của nhân loại và mở đầu cuộc chiến dành độc lập cho đến chiến thắng cuối cùng bằng hiệp định Paris 1782.
Sau chiến thắng, Hoa Kỳ có 5 năm xây dựng dân chủ từ 1782 đến 1787 để hiến pháp ra đời với 9 tiểu bang chính thức rồi đến 13 tiểu bang thỏa hiệp. Những lá cờ Mỹ đầu tiên có 9 ngôi sao rồi 13 ngôi sao và bây giờ là 50 ngôi sao. Suốt từ buổi bình minh của Hiệp Chủng Quốc cho đến nay, nước Mỹ đã trải qua biết bao nhiêu là biến động. Từ hơn 4 triệu dân vào năm 1800 trở thành trên 300 triệu vào năm 2013. Trên giấy tờ có 237 năm lập quốc nhưng thực sự quốc gia này đã thành hình từ trên 300 năm.
Ý nghĩa Hiệp Chủng Quốc
Phải chăng Hoa Kỳ là một đĩa rau trộn gồm đủ mọi sắc thái nhưng tía tô vẫn là tía tô, rau giấp cá vẫn nồng nàn mùi tanh của biển mặn. Hay đây là nồi cháo mà mọi thứ thực phẩm đã được hòa tan thành một hương vị mới. Cái đó còn tùy hoàn cảnh, tùy địa phương và thời gian. Trước khi nói đến nhân quyền, tự do và bình đẳng, nước Mỹ đã trải qua các giai đoạn hành động tàn nhẫn với các sắc dân thiểu số. Vào thế kỷ thứ 19, da trắng buộc dân da đỏ phải di cư tập trung vào các khu vực dành riêng, phần nhiều là đồng khô, cỏ cháy. Thảm kịch diễn ra trên các con đường mòn di chuyển dân da đỏ được gọi là: Đường mòn nước mắt.
Da đỏ già trẻ lớn bé đều phải ra đi, bỏ nhà cửa, vườn trại để vào các khu hoang vu xa cách vạn dặm. Hàng chục ngàn người đã chết. Trong khi đó ở miền Nam Hoa Kỳ, dân da đen bị bắt làm nô lệ đem từ Phi châu qua đã trở thành một lực lượng lao động quan trọng. Những bàn tay đen đủi đã xây dựng nên nền nông nghiệp miền Nam nuôi cả nước Mỹ vào thời kỳ lập quốc với những vườn bông vải trắng xóa. Nhưng cũng chính da đen là vấn nạn cho cuộc chiến tranh tương tàn Nam Bắc. Những người da đen bỏ trốn các nông trại đã bị đánh roi cho đến chết. Câu chuyện Uncle Tom với bài ca da đen lừng danh: Let my people go, Hãy cho dân tôi đi, trích dẫn từ Thánh Kinh đã trở thành một vấn nạn trong lương tâm Hoa Kỳ.
Da đỏ xin ở lại thì bị đuổi đi. Da đen xin đi thì bị giữ lại. Ngay khi nội chiến chấm dứt, da đen được giải phóng mà vẫn còn bị kỳ thị.
Cuộc chiến đấu vĩ đại của một đàn bà da đen năm 1955 không chịu ngồi phía sau xe bus đã trở thành một cuộc tổng đình công tẩy chay xe bus tại Hoa Kỳ. Từ cuộc đình công này, da đen có được một nhà lãnh đạo đầy huyền thoại là mục sư King mà tên tuổi trở thành một ngày quốc lễ.
Rồi đến lịch sử Tây tiến làm đường xe lửa đem da vàng Nhật Bản và Trung Hoa nhập cuộc. Các tiền nhân di dân châu Á cũng đã ngậm đắng nuốt cay ở miền Tây Hoa Kỳ trong suốt thời lịch sử cận đại. Dân da vàng có một thời chỉ được làm cu ly đường xe lửa hay thợ giặt ủi.
Sau cùng đến lượt chúng ta. Việt Nam ngày nay có một triệu bẩy trăm ngàn người tại Hoa Kỳ. Sau đợt di tản 75 tiếp đến là thuyền nhân từ 75 đến 95 rồi là các HO, con lai, ODP đoàn tụ nhập cư cho đến cuối thế kỷ thứ 20. Sau cùng là diện hôn nhân. Mười quận hạt có dân số đông đảo nhất là Orange, Santa Clara, Los Angeles, Houston, San Diego, Seattle, Oakland, DC, và Dallas. Chúng ta không phải là sắc dân cuối cùng, và chúng ta không phải là sắc dân duy nhất có quê hương cố quốc. Di dân tỵ nạn Việt Nam tùy theo hoàn cảnh và cảm nghĩ, có người mang theo quê hương, có người bỏ lại quê hương. Tuy nhiên chúng ta không thể hành xử khác tập thể di dân trong trách nhiệm xây dựng đất mới. Sắc dân nào cũng có những niềm tự hào của họ. Ai cũng có các hãnh diện về truyền thống văn hóa, ngôn ngữ của cội nguồn. Điều quan trọng là phong cách đối xử và tìm hiểu để hội nhập. Chúng ta phải cảm ơn những người đi trước đã mở đường. Kể cả người xấu lẫn người tốt đã sống và đã qua đi trong công cuộc chinh phục đất nước vĩ đại này. Có điều hết sức trùng hợp là dù bất cứ sắc dân nào, dù cố quốc lầm than hay tươi sáng. Dù quê hương cũ còn độc tài cộng sản hay đã tự do dân chủ, di dân đến đây là ở lại đây. Những nhà văn Nga và Đông Âu lưu vong chống Cộng đã từng sống chết với quê hương rồi cũng phải nói rằng: Quê hương bây giờ là nơi chúng ta sống có hạnh phúc. Đó là lý do người Anh ngày xưa chiến đấu chống cố hương để trở thành người Mỹ. Người Nhật trong đệ nhị thế chiến, bị cầm tù trong trại tập trung nhưng vẫn tình nguyện cầm súng chiến đấu chống Thiên Hoàng để trở thành người Mỹ. Bởi vì trên thế giới chỉ có Hoa Kỳ mới thực sự là đất của cơ hội. Nơi mà di dân bạc tình hưởng mọi phúc lợi nhưng vẫn được hiến pháp bảo vệ để chê bai tổ quốc. Quốc gia mà con một người da đen ngoại quốc, xuất thân cán sự cộng đồng đã trở thành tổng thống. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ hơn 200 năm trước đã ghi điều khoản bất hủ là con người được quyền mưu cầu hạnh phúc
Mùa hè năm nay, để chào mừng Lễ Độc lập lần thứ 238, tối cao pháp viện Hoa Kỳ đã ban hành nghị quyết lịch sử: Công nhận hôn nhân đồng tính, cho phép các cơ thể khác biệt cũng được mưu cầu hạnh phúc.
Và bây giờ là chuyện dân Việt tại Hoa Kỳ
Một lần nữa, đợt người Việt đầu tiên ở Mỹ sẽ là những cây tràm, cây đước giữ chặt đất cho một cộng đồng tương lai phát triển. Con cháu chúng ta sẽ vừa nhớ ơn ông cha đã đến đất này mà cũng không hổ thẹn về những đóng góp của chúng ta trong những giai đoạn đầu tiên. Bỏ lại phía sau con sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long và dãy Trường Sơn. Bây giờ ta phải làm quen với con sông Sacramento và rặng Rocky Mountain để con cháu ta đứng lên đáp lời sông núi mới.
Xin hãy công bình với hoàn cảnh. Hãy lưu tâm ngày 4 tháng 7 của Hoa Kỳ. Bước ra khỏi cái ghetto của cộng đồng nhỏ hẹp, tham dự vào cái xã hội vĩ đại đã đem phúc lợi cho chúng ta. Đó là cách hay nhất để xây dựng cùng một lúc cộng đồng tại Mỹ và quê hương bỏ lại ở Việt Nam. Bao gồm cả giấc mơ tự do và dân chủ. Hãy làm một công dân tốt và chân thành với xứ “tạm dung”, chúng ta sẽ góp phần xây dựng dân sinh tại Hoa Kỳ và đồng thời xây dựng cả dân quyền cho Việt Nam.
Giao Chi, San Jose
Nguồn: http://nangmoi14.blogspot.com/2014/07/le-oc-lap-hoa-ky-va-di-dan-viet-nam.html
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét