Nỗi buồn mùa Hạ
Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-07-07
2014-07-07
Mùa hè năm nay có lẽ sẽ được ghi dấu như một mùa hè đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đất nước như đang đứng trước một khúc quanh với nhiều lối rẽ, rẽ về đâu? Về đâu là đúng, là sai? Hay là cứ con đường mòn cũ mà đi? Mà con đường mòn ấy cũng chẳng biết là đúng hay sai, chỉ biết là đi như vậy mấy chục năm nay, vô cùng quen thuộc! Cái ngả rẽ ấy và sự do dự ấy làm bồn chồn, thổn thức bao nhiêu tâm hồn người dân Việt. Cái bồn chồn ấy bao phủ những nỗi buồn trên khắp các trang blog trong mùa hè này.
Xin mượn hai câu hát của nhạc sĩ họ Trịnh để bắt đầu và cũng xin mượn ý của cây bút Hạ Đình Nguyên mà đặt cho tựa bài điểm blog hôm nay.
Người phu quét lá bên đường
Quét cả nắng hồng, quét hạ buồn tênh
Tác giả Hạ Đình Nguyên là một sinh viên tranh đấu chống sự can thiệp của người Mỹ vào Việt nam trước đây. Ông đã âm thầm phục vụ cho chế độ mới sau năm 1975 lịch sử. Một ngày nọ ông xuống đường chống Trung quốc xâm lược dù biết rằng tình cảm ấy của ông không được những đồng chí cũ đang cầm quyền của ông tán thành. Trong những ngày tháng sáu này, chứng kiến những gì đang diễn ra tại Ba Đình, Hà nội, quanh đi quẩn lại có hai từ Kiện hay không Kiện, Kiện người láng giềng phương Bắc, hay vẫn sát cánh đồng chí anh em với người …lạ. ấy! ông ngao ngán mượn lời nữ văn sĩ Pháp Francois Sagan, Buồn ơi chào mi.
Lời chào ở đây không phải là lời chào tống tiễn, mà lại là lời chào đón nhận, không phải chỉ có một mà nhiều nỗi buồn!
Không buồn sao được khi năm trăm con người tiếng là quyền lực nhất đất nước đang yên lặng để cho những chiếc tàu cảnh sát biển nhỏ bé ra khơi đương đầu với giặc dữ, nỗi buồn lên tới nỗi bi hài khi blogger Cánh cò viết lời tựa cho bài viết mới của mình về những con tàu ấy là Tả tơi trong anh dũng
Con tàu ấy, cũng như con tàu Việt nam đang tả tơi, trong một hoàn cảnh không kém bi hài mà Cánh Cò mô tả:
Con tàu Việt Nam vậy là đã có hướng đi, quẹo trái, tránh phải, lùi một, tiến ba rốt cuộc gì cũng phải thực hiện bằng được mục tiêu Chủ Nghĩa Xã Hội. Khi đã tới được nơi muốn tới thì dân tộc sẽ quang vinh, đảng sẽ tiếp tục là kim chỉ nam, là niềm tự hào khôn nguôi của dân tộc.
Từ miền Tây sông Hậu, Giang nam Lãng tử hỏi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng:
TBT Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý cử tri cần phân biệt rõ nhân dân Trung Quốc và lãnh đạo Trung Quốc...”. Nghĩa là ông Trọng khẳng định Nhân dân TQ khác với Đảng cộng sản TQ”, ĐCSTQ khác biệt và đối lập với nhân dân TQ. Vậy thì, vì sao ông còn đồng ý cử 300 cán bộ Đảng sang Quảng Châu để học tập bồi dưỡng công tác Đảng.
Quả là khó hiểu.
Trở lại với những nỗi buồn trong mùa hè này nhà văn Võ Thị Hảo cảm thán một cách đau đớn:
Trước họa xâm lăng đang chẹn cổ, nếu Việt Nam chậm cải cách thể chế nghĩa là tự sát.
Một quốc gia gần trăm triệu dân mà tự sát trong thời đại đầy những cơ hội cứu dân cứu nước và cường thịnh này thật khốn nạn thảm khốc biết chừng nào!
Nhưng vì sao nhà văn lại nghĩ đến một đại bi kịch tập thể như vậy?
Trước họa xâm lăng
Tác giả Đào Tiến Thi nghiền ngẫm bốn câu thơ của Bế Kiến Quốc về ngày Hà nội thất thủ năm xưa:
Thuở ấy non sông lâm trận giặc
Pháo mã bâng khuâng lạc thế cờ
Vua thì nhu nhược, triều đình nát
Lòng ai trung nghĩa hoá bơ vơ.
Đào Tiến Thi viết:
Tình cảnh đất nước hôm nay sao giống hệt vậy. Sỹ phu hôm nay sao cũng giống hệt vậy. Và bi đát hơn nhiều. Bơ vơ, ngơ ngác. Dường như chấp nhận. Dường như buông xuôi.
Bằng một ngôn ngữ ít trau chuốt hơn, Giáo sư Nguyễn văn Tuấn từ nước Úc cũng bày tỏ nỗi buồn của mình trên trang FB của ông:
Nói gì thì nói, tôi thấy chỉ có một số ít người ở VN quan tâm đến tình hình Biển Đông, tuyệt đại đa số chẳng ai quan tâm. Họ quá bận rộn bươn chải với cuộc sống mỗi ngày thì thì giờ đâu mà nghĩ chuyện xa xôi. Một số người thì không làm gì cả vì họ nghĩ là hoài công do VN chỉ là một phiên bản của Tàu và tự mình làm nô lệ cho Tàu, vậy thì nói làm gì cho mất công.
Một quốc gia gần trăm triệu dân mà tự sát trong thời đại đầy những cơ hội cứu dân cứu nước và cường thịnh này thật khốn nạn thảm khốc biết chừng nào!Một số nhỏ thì nghĩ đã có Đảng và Nhà nước lo, nên họ thoải mái nhậu nhẹt. Nói chung, tôi gọi đó tình trạng– mỏi mệt cảm xúc. Người ta đã chai lì cảm xúc trước những thông tin về Biển Đông và hình ảnh tàu VN bị đâm va, người ta hờ hững với những phát biểu mà có cũng như không vì chẳng có ý nghĩa gì, và sự chai lì đó cực kì nguy hiểm cho đất nước và dân tộc này.
- Nhà văn Võ Thị Hảo
Vâng, hãy trách mình trước khi trách kẻ thù.
Phải chăng trong lòng dân tộc này vẫn còn nhiều bất ổn, nhiều cái khó nói.
Đến xem một buổi trao giải thưởng văn chương của cộng đồng người Việt ở Berlin, Người buôn gió cho biết có những quyển sách không được trao giải vì thiếu tính….Đảng!
Anh nói rằng đã mấy mươi năm sống ở nước Đức tự do mà vẫn còn mùi đấu tố Hồng Vệ Binh.
Và rồi cũng tại nước Đức anh chứng kiến những đồng bào mình giương cao cờ đỏ sao vàng biểu tình chống Trung quốc. Anh viết:
Đã qua lâu rồi những thời phát động phong trào quần chúng, để diễn lấy điểm, để ghi công với cấp trên, dù tàn dư của nó chắc chắn đến bây giờ không hẳn đã dứt. Nhưng ở một thời đại thực dụng thế này, hàng ngàn con người bỏ công việc, thú vui để hăng hái đi tuần hành phản đối quân xâm lược, mạnh mẽ hét vang những lời đả đảo bằng hai thứ tiếng. Chắc chắn đó là tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm, một tinh thần truyền thống của dân tộc truyền lại trong mỗi tâm thức người Việt, dù bất kỳ ở đâu hay thời thế nào. Chỉ có tinh thần như thế mới làm nên thành công của các cuộc biểu tình.
Khi đưa hình ảnh những người Việt cờ đỏ biểu tình chống TQ nên trang của cá nhân tôi, nhiều bạn có lời lẽ khá nặng nề. Các bạn có lý do của các bạn, nhưng cũng nên để một cái nhìn nào đó riêng rẽ về tấm lòng những người dân tham gia trong cuộc biểu tình đó.
Mối rạn nứt cờ vàng cờ đỏ trong lòng người Việt vốn là một nỗi buồn mấy mươi năm chưa dứt.
Hàn gắn với nhau chưa xong, tìm đồng minh với bên ngoài cũng không dễ.
Đành buông xuôi?
Tổng bí thư Trọng nói với cử tri Hà nội rằng không thể làm cách nào khác vì phải sống gần láng giềng Trung Quốc. Ông nói điều đó như một định mệnh, mặc dù ông là người cộng sản. Blogger Bách Việt nhắn với ông rằng:
Nếu là nhà ở thì có thể bán nhà dời đến chỗ khác sống, nhưng với đất nước thì chỉ có cách giữ nước hoặc bán nước, và do đó nói là không thể chọn láng giềng là đúng. Nhưng chọn bạn thì ai cấm? Vậy mà VN tự cấm mình khi các vị lãnh đạo thay nhau nhau tuyên bố với thế giới "VN không liên minh với ai...". Làm sao phải "chưa khảo mà xưng" như vậy nhỉ, nếu không phải là do sợ bóng sợ gió? Đó là bài bản gì nếu không phải là kế sách của kẻ bạc nhược?
FBker Sông Hàn dường như cũng muốn nhắn lời tới ông Trọng và những đồng chí của ông đang điều hành đất nước:
Anh có thể còn nghèo nhưng anh hành xử như những kẻ nhược tiểu thì không xứng đáng để có đồng minh tin cậy và vì thế không chắc đã có thể tự định đoạt được chủ quyền. Cái ước mơ đứng một mình (độc lập) trong cảnh nghèo mà hạnh phúc chẳng khác gì một thứ hàng xa xỉ và viển vông.
Học giả Lê Tuấn Huy từ Việt Nam cũng khuyến cáo những người đang điều hành đất nước ở Ba Đình:
Nghĩ rằng có thể thắng Trung Quốc nhờ mặt trận lòng người mở ra bên trong nó và trong lòng nhân dân thế giới, như đã từng làm với nước Mỹ, là điều tuyệt đối không tưởng. Hoa Lục toàn trị của thế kỷ XXI không phải là Hoa Kỳ dân chủ của thế kỷ XX để mà phải chịu áp lực của công luận trong và ngoài nước và chịu sự phán xét trực tiếp của người dân nước mình.
Và thưa quí vị, dù sao trong mùa hạ này người Việt nam cũng có một tin vui vô bờ bến, người tù chính trị trẻ tuổi Đỗ Thị Minh Hạnh được trả tự do.
Nhà báo Phạm Chí Dũng thốt lên rằng cánh chim báo bão đã tự do. Ông nói rằng:
Phía trước không chỉ là bầu trời tự do với riêng cô, mà một chân trời mới đang hé rạng cho các tổ chức xã hội dân sự ở đất nước đầy cam go này.
Nhà giáo Nguyễn Thượng Long, sau khi bày tỏ nỗi đau buồn trước tình hình đất nước trong bài Quốc Thổ Trầm Luân dân tộc lụy của mình cũng cất lên lời hy vọng:
Người ta đã chai lì cảm xúc trước những thông tin về Biển Đông và hình ảnh tàu VN bị đâm va, người ta hờ hững với những phát biểu mà có cũng như không vì chẳng có ý nghĩa gì...Nếu xã hội chúng ta ngày càng đông những trang lứa trẻ ngày càng can đảm vượt qua được mọi nỗi “…hà sự phạ Côn Lôn” hay “…hà sự phạ Hoả Lò” thì đó là hồng phúc dân tộc vẫn còn và tôi vững tin giới trẻ Việt Nam hôm nay sẽ vực dậy được một QUỐC THỔ đang bị tả tơi hao hụt vì ngoại xâm lẫn cả nội xâm và cũng vực dậy được tinh thần của một dân tộc đã quá mệt mỏi vì những hệ luỵ bởi những trầm luân mà họ đã phải chịu đựng.
- Giáo sư Nguyễn văn Tuấn
Đó cũng là niềm hy vọng của người cựu tù trẻ tuổi:
Điều đó làm Hạnh vô cùng hạnh phúc. Giới trẻ càng phát triển hơn là động lực khuyến khích, làm Hạnh càng tự tin, càng vững mạnh bước tiếp con đường mà mình đã lựa chọn.
Niềm hy vọng ấy cũng được một thủ lĩnh sinh viên bên nước Úc bày tỏ trong sự cố gắng hàn gắn những cộng đồng cờ vàng cờ đỏ trong cuộc biểu tình tại Melbourne ngày 11/5 vừa qua.
Tôi rất là đau lòng khi sang đây và thấy sự chia rẽ của người Việt chúng ta rất là lớn. Câu hỏi của anh cũng là sự trăn trở của tôi trong mấy năm qua. Vấn đề hòa giải là rất lớn và có thể có nhiều giải pháp.
Riêng đối với tôi thì cuộc biểu tình vừa rồi là một cố gắng để hòa giải. Trong đó chúng tôi nói rõ chúng tôi dùng cờ đỏ nhưng khuyến khích những người cởi mở đến với chúng tôi, và chúng tôi không dè dặt gì chuyện cờ vàng.
Và có giây phút rất xúc động khi chúng tôi và các cô chú cùng bỏ hết những biểu ngữ xuống, nắm tay nhau đưa lên trời cùng hát bài Nối vòng tay lớn.
Những cánh chim báo bão và sự hàn gắn có phải là niềm vui chớm nở sau bao nỗi buồn của mùa hè này?
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét