Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Kêu gọi phản biện, ông Dũng có thực tâm?


Kêu gọi phản biện, ông Dũng có thực tâm?

Phản biện khoa học, tranh luận, thảo luận dân chủ là những cách thức để đi đến chân lý”. Lời nói ấy nếu xuất phát từ sự chân thành thì đáng quý lắm. Vậy nhưng, sự thật trước mắt và những thứ đã xảy ra khiến cho nhiều người nghi ngờ sự chân thành trong câu nói của ông Dũng.


Cali Today News - Trong lần làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vào chiều ngày 29/7, ông Thủ tướng nước Cộng Sản Việt Nam đã có câu nói khiến cho nhiều người sửng sốt: “Chính phủ hết sức quan tâm, mong muốn lắng nghe được nhiều ý kiến tư vấn phản biện từ xã hội, các nhà khoa học, giới trí thức…Phản biện khoa học, tranh luận, thảo luận dân chủ là những cách thức để đi đến chân lý”. Lời nói ấy nếu xuất phát từ sự chân thành thì đáng quý lắm. Vậy nhưng, sự thật trước mắt và những thứ đã xảy ra khiến cho nhiều người nghi ngờ sự chân thành trong câu nói của ông Dũng.

Vào ngày 24/7/2009, chính ông Dũng là người đã ký quyết định số 97/2009/QĐ-TTg ban hành danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ (gọi là Quyết định 97) trong đó nêu rõ: Cá nhân thành lập tổ chức khoa học công nghệ “chỉ hoạt động trong lĩnh vực thuộc Danh mục ban hành kèm theo Quyết định này. Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan đảng, nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ”.


Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng. Photo courtesy: talkvietnam.com

Đây rõ ràng là một quyết định cấm tiệt phản biện công khai của những nhà trí thức, nó cho thấy việc làm phản khoa học, phản tiến bộ, phản dân chủ của Thủ tướng Dũng. Trước tình hình bị bóp nghẹt tự do, Viện Nghiên cứu phát triển (IDS) được điều hành bởi những tiếng nói phản biện nổi tiếng xưa nay, như: GS Hoàng Tụy, TS Nguyễn Quang A, TS Phạm Chi Lan …đã tuyên bố tự giải thể để phản đối quyết định trên. Cũng cần biết thêm, Viện IDS được thành lập vào cuối năm 2007 tại Hà Nội. Đây là một Viện nghiên cứu 100% vốn tư nhân và do các nhà khoa học, các thành viên sáng lập tư nhân, góp vốn xây dựng.

Ngay liền sau đó, như để đáp trả cho thái độ khảng khái, bất tuân của các vị trí thức, ông Dũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng “xử lý những phát biểu thiếu tinh thần xây dựng của một số cá nhân” thuộc IDS.

Vào đến thời điểm này, khi ông Dũng với những phát biểu mong muốn lắng nghe được tiếng nói phản biện thì cái Quyết định 97 kia vẫn còn hiệu lực. Và nếu nó vẫn còn hiệu lực những tiếng nói phản biện há chẳng phải buộc gửi cho các cơ quan đảng, nhà nước? Và như thế nếu những lời nói phản biện không thuận nhĩ rất dễ bị cho vào sọt rác và lúc đấy những lời nói của ông Dũng cũng chỉ là một chiêu mánh mung của người làm chính trị.

Ở Việt Nam, nhà nước cấm tiệt những tiếng nói phản biện, những người có những phản biện mặc nhiên trở thành những kẻ phản động và nằm trong danh sách của Công an. Họ là những đối tượng sẽ bị điểm mặt. Những lời nói phản biện của ngay cả những người trong nội bộ đảng CSVN cũng không thoát khỏi sự trả thù của chế độ. Trường hợp của Trung tướng Trần Độ là điển hình. Ông này bị trù dập cho đến ngay cả khi chết.

Vào thời kỳ mà chính quyền Việt Nam gọi là Đổi mới, đã có lần ông Tổng Bí thư đảng CSVN vào thời đó là Nguyễn Văn Linh cũng có một chiêu bài tương tự, ông “cởi trói” cho văn nghệ sỹ. Rất nhiều những tác phẩm giá trị được ra đời với những con người mà đến nay chúng ta được biết đến tên tuổi của họ, như: Nhà văn Nhật Tuấn, nhà văn Phạm Thị Hoài, nhà văn Dương Thu Hương…. Và cho đến nay, hai trong số ba con người nói trên đang phải lưu vong ở xứ người. Họ đang phải chịu những đòn thù của chế độ vì đã dám có những tác phẩm nói lên thực trạng xã hội.

Hay gần đây hơn, những người thực sự có tâm huyết với tình yêu đất nước bao la đã bị nhốt tù vì dám cất lên tiếng nói phản biện. Họ là Trần Huỳnh Duy Thức, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào... Một khi ông Dũng vẫn còn nhốt những người dám nói lên tiếng nói chân thành thì liệu còn ai dám cất tiếng nói. Một khi những người này còn bị nhốt trong tù thì việc kêu gọi của ông Dũng há chẳng phải là làm trò cười cho thiên hạ hay sao. Hay ông Dũng đang nghĩ rằng, trí thức Việt Nam đều là những kẻ khù khờ để ông thoải mái dắt mũi?

Trong một chế độ mà quyền tự do ngôn luận bị bóp nghẹt đến độ tinh vi và thô thiển thì chẳng thể nào có được những tiếng nói phản biện theo đúng nghĩa của nó. Người dân có quyền nghi ngờ những lời ông Dũng chính là một phương cách để mà ông cùng với đồng chí của ông trừ khử những thành phần chống đối đang tồn tại ở đất nước độc tài toàn trị.

Sẽ là còn quá sớm để chúng ta đưa ra những nhận định, kết luận vội vàng. Thế nhưng, chúng ta chờ đợi sự chân thành của ông Dũng như thế nào thông qua bức thư ngỏ của 61 cán bộ đảng viên lão thành kêu gọi đảng CSVN từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô-Viết. Những người ký đơn ấy là những người trí thức, họ kêu gọi chính quyền phải chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ. Nếu làm được như thế thì người dân mới tin vào sự chân thành của ông.

Người Quan Sát (Calitoday)

Nguồn: https://www.blogger.com/blogger.g?blogID=3481882599258351049#editor/target=post;postID=487521047908487978

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét