Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Bùi Anh Trinh – TRỞ LẠI BÀN ĐÀM PHÁN VỚI 69 YÊU SÁCH CỦA NGUYỄN VĂN THIỆU


Bùi Anh Trinh – TRỞ LẠI BÀN ĐÀM PHÁN VỚI 69 YÊU SÁCH CỦA NGUYỄN VĂN THIỆU

Portrait of Nguyen Cao Ky and Nguyen Van Thieu 
Trích sách “Giải Mã Những Bí Ẩn của Chiến Tranh Việt Nam” của Bùi Anh Trinh

Trở lại bàn đàm phán với 69 yêu sách của Nguyễn Văn Thiệu
Năm 1972, ngày 26-10,  Hà Nội cho công bố trên đài phát thanh các điều khoản của bản đề nghị cuối cùng mà Hà Nội đã trao cho Kissinger vào ngày 8-10.  Đồng thời lên án Washington là đơn phương hủy bỏ những thỏa thuận đã đạt được trong các cuộc đàm phán sau cùng tại Paris. Tại Washington Kissinger trả lời báo chí rằng mọi việc vẫn tiến hành như kế hoạch của nó.  Hoa Kỳ vẫn tôn trọng những điều đã thỏa thuận được trong các cuộc đàm phán sau cùng. Và “hòa bình đang ở trong tầm tay”.
* Chú giải :  Hà Nội quyết định công bố kết quả mật đàm là để trừng trị Nixon về tội thất hứa, họ nghĩ rằng với công bố đó Nixon sẽ gặp khó khăn trong ngày bầu cử.  Tuy nhiên đúng như Nixon đã tiên liệu, công bố này không làm cho uy tín của ông bị giảm đi, mà trái lại cử tri Hoa Kỳ tin rằng áp lực của Nixon đối với Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa đã có hiệu lực, nghĩa là Nixon đổi sang tư thế thương thuyết trên thế mạnh.
Trong khi đó Kissinger bị dựng dậy lúc nửa đêm vì tuyên bố của HN. Quá hoảng hốt ông không kịp đối phó nên đã lỡ miệng tuyên bố “hòa bình ở trong tầm tay”.  Sau này hồi ký của ông cho biết lúc đó ông cảm thấy hổ thẹn và đã nghĩ tới chuyện xin từ chức.  Hồi ký của Nixon cũng cho biết ông lâm vào tình thế khó xử với tuyên bố của Kissinger bởi vì ông đang toan tính sau bầu cử ông sẽ “lên cấp” những yêu sách đối với Hà Nội chứ không “nhẹ nhàng” như hiện tại.
Báo chí tha hồ chế nhạo Kissinger.  Qua tuyên bố của Hà Nội thì rõ ràng sự việc đã đi tới mức mấp mé của tan vỡ, thế mà Kissinger dám nhơn nhơn nói rằng mọi việc ổn cả thì quả là da mặt dày.  Sau đó là phản đối của Liên Xô và Trung Quốc về việc HK thất hứa.  Tệ hại hơn nữa là câu tuyên bố của Kissinger đã khiến cho Tổng thống Thiệu càng có lý do để kết luận rằng Kissinger là tay đại bịp, chính Tổng thống đã dứt khoát không ký mà Kissinger lại dám nói là hòa bình ở trong tầm tay !  Tầm tay nào?
Trong khi đó tại Paris phái đoàn của Mặt trận  GPMN nhờ đọc báo mới biết được những đề nghị ngày 8-10 của Hà Nội.  Họ ngạc nhiên vì không thấy đá động gì đến số phận của 38.000 cán bộ của họ đang bị VNCH giam giữ.  Bà Nguyễn Thị Bình và ông Nguyễn Cơ Thạch đi tìm Lê Đức Thọ để phản đối ( Lưu Văn Lợi, Các Cuộc Thương Lượng của Lê Đức Thọ & Kissinger tại Paris ).
Trong bản sơ thảo hiệp định mà Lê Đức Thọ đưa cho Kissinger ngày 8-10 thì Bắc Việt trao trả tù binh với Nam Việt và Hoa Kỳ.  Còn 38 ngàn quân CSMN bị giam vì tội võ trang chống lại chính quyền VNCH thì không được đá động tới;  nghĩa là số phận của họ sẽ được giải quyết sau khi VNCH và MTGPMN thành lập được Chính phủ Ba Thành Phần.  Rồi chính phủ này sẽ quyết định tha hay không là tùy theo sự thương lượng giữa phe VNCH và phe MTGPMN, dưới sự trung gian chứng kiến của phe Trung lập.
Năm 1972, ngày 27-10, phía HK gởi công hàm cho Hà Nội, xin lỗi về việc không thực hiện lịch trình đúng theo giao hẹn bởi vì đã có những biến chuyển mới, nhất là trả lời phỏng vấn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng với phóng viên Borchgrave có nhiều cách hiểu khác đi so với tinh thần bản dự thảo mà hai bên đồng thỏa thuận, đồng thời xin mở lại cuộc họp tại Paris vào ngày 1-11-1972 và kéo dài cho tới khi nào xong việc.  Hà Nội để tới ngày 4-11 mới trả lời đồng ý họp lại vào ngày 14-11. Phía Hoa Kỳ đề nghị ngày 15-11.  Sau đó do Lê Đức Thọ bị bệnh nên dời lại ngày 20-11.
Năm 1972, ngày 28-10. Từ Sài Gòn đại sứ Bunker điện cho Kissinger, báo cho biết Thiệu đã có văn bản dự thảo hiệp ước bằng tiếng Việt tịch thu được của CSVN ngay trong những ngày Kissinger đang có mặt tại Sài Gòn. ( Thực ra là trước khi Kissinger đến Sài Gòn ).  Hồi ký của Kissinger ghi lại : “Thật là một chuyện khó nuốt”.  Kissinger đã hiểu vì sao Thiệu và Hoàng Đức Nhã đã có thái độ không mấy đẹp đối với ông.
Năm 1972, ngày 7-11, Nixon thắng phiếu tại 49 trong số 50 tiểu bang của Hoa Kỳ.  Kết quả bầu cử khiến cho Nixon yên lòng đối phó với Hà Nội trên thế mạnh, giờ đây Trung Quốc, Liên Xô và nhân dân Hoa Kỳ đều ủng hộ ông thì không còn một e ngại nào đối với ông trong kế hoạch thương thuyết.
Năm 1972, ngày 9-11, Tướng Haig, phụ tá của Kissinger được phái sang Sài Gòn với một lá thư của Tổng thống Nixon mà trong đó ông sẽ chứng minh quyết tâm ủng hộ Tổng thống Thiệu bằng cách sẽ tổ chức gặp mặt với Tổng thống Thiệu sau khi hiệp ước được ký kết.
Nixon thành thực nói với Tổng thống Thiệu rằng bây giờ hoặc Tổng thống Thiệu sẽ cùng với ông trình diễn cho dư luận thấy rằng hai quốc gia đồng tâm hiệp lực đối phó với CSVN hoặc là phải thú nhận với dư luận rằng hai nước đi theo hai lối khác nhau để phục vụ cho quyền lợi riêng của mỗi nước.
Đọc xong thư của Nixon, Tổng thống Thiệu nói với Haig : “Liệu ông có thể chấp nhận quân Nga ở lại trên đất nước Hoa Kỳ rồi tuyên bố rằng đã đạt được hiệp ước hòa bình với Nga?”. Theo kể lại của cựu Tổng thống Thiệu với phóng viên của báo Spiegel thì Tướng Haig không trả lời nổi.
Sau đó Tổng thống Thiệu trả lời thư cho Nixon,  trong đó nói rằng Tổng thống Nixon đã lầm khi kết tội ông cố tình trì hoãn hiệp ước.  Sư thật là ông không thể ký một hiệp ước mà quân đội của kẻ thù lại được phép đóng quân trên lãnh thổ của đất nước ông.
Ba ngày sau Nixon trả lời thư của Thiệu, trong đó nói rằng viêc đặt ra một hệ thống giám sát sự rút quân khỏi Miền Nam của Bắc Việt không hiệu lực bằng bắt họ phải thừa nhận có quân tại Miền Nam và buộc họ không được sử dụng quân đội đó để phá hiệp định.  Trong trường hợp đã có bằng chứng là họ sử dụng quân đội để phá bỏ hiệp định thì Tổng thống Nixon cam kết sẽ phản ứng một cách “mạnh mẻ và nhanh chóng”.
Năm 1972, ngày 20-11, Kissinger và Lê Đức Thọ gặp nhau tại Paris ( Tài liệu của CSVN do Lưu Văn Lợi công bố: “Ta cũng cho rằng về thời gian ta không vội. Nếu Nixon muốn giải quyết chiến tranh trước khi nhận nhiệm vụ nhiệm kỳ mới 20 tháng 1 năm 1973 và muốn đưa một số tù binh về nước trước lễ Noel thì chính họ bị thời gian thúc bách. Ta cần phát huy lợi thế của ta để buộc họ phải giữ nội dung đã thoả thuận” ).
- Buổi sáng, Lê Đức Thọ dành một buổi sáng để đả kích sự thất hứa của Kissinger.
- Buổi chiều Kissinger trình bày những điều mà phía HK thấy cần phải thương lượng lại, quan trọng là đòi không ghi “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam” vào hiệp ước vì trên thực tế đây không phải là một chính phủ; và đòi rút lức lượng ngoại nhập ra khỏi Miền Nam.
Để gây ấn tượng, Kissinger nêu ra 69 điểm đề nghị sửa đổi của phía VNCH.  Không ngờ vừa nghe xong thì Lê Đức Thọ nổi cơn thịnh nộ, ông lớn tiếng cáo buộc Kissinger là “lừa đảo trắng trợn”.  Sau này trong hồi ký Kissinger thừa nhận đây là một sai lầm chiến thuật của ông, vì rõ ràng 69 điểm này là đòi hỏi phải sửa lại toàn bộ những thỏa thuận từ trước tới nay. ( Theo hồi ức của Hoàng Đức Nhã thì có 64 điểm cần làm sáng tỏ chứ không phải 69 ).
Ngày 21-11,
- Buổi sáng, Lê Đức Thọ bác đề nghị xóa bỏ danh xưng “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam” và bác đề nghị rút quân Bắc Việt ra khỏi Miền Nam.  Nhưng ông đồng ý vùng phi quân sự phải được tôn trọng, tức là trở lại thời kỳ sau Hiệp ước Geneve.  Kissinger hoan nghênh việc này ( Sau này LĐT mới biết rằng mình bị hố bởi vì có nghĩa là Bắc Việt phải trả lại vùng đất Quảng Trị mà họ đã chiếm đóng trong cuộc tấn công Mùa Hè Đỏ Lửa ).
- Buổi chiều , Lê Đức Thọ nhắc lại công hàm của Tổng thống Nixon cho rằng bản dự thảo hiệp ước coi như đã hoàn thành, chỉ còn vài chi tiết nhỏ.  Thọ cho rằng nếu đúng như vậy thì Kissinger hãy nhanh chóng thỏa thuận những điều vừa mới bàn.  Kissinger cho biết ông còn phải hỏi ý kiến của Nixon.
Theo ghi chép của Lưu Văn Lợi thì không khí cuộc họp trở nên căng thẳng, nguyên văn biên bản còn lưu trong hồ sơ Bộ ngoại giao CSVN :
“Lê Đức Thọ tiếp tục:  – Chúng tôi đã cố gắng hết sức. Cả thế giới đều biết. Còn bây giờ các ông đề nghị không thảo luận nữa chúng tôi cũng tán thành.
Và hỏi lại Kissinger:    – Các ông có muốn đàm phán nữa không? Nếu ông Cố vấn muốn thôi thì chúng tôi cũng thôi, mà muốn bàn nữa thì chúng tôi bàn, mà bàn thì phải có đi có lại.
Kissinger hỏi: – Ông Cố vấn đưa ra một tối hậu thư?
Lê Đức Thọ đập bàn: – Về Chương IV thì đúng như thế. Mấy chữ chúng tôi nói không thể nào thay đổi: ba thành phần, hội đồng các cấp, tên hội đồng. Ba điều đó chúng tôi không nhân nhượng.
Kissinger: – Tôi phải về xin ý kiến Tổng thống?
Lê Đức Thọ: – Tùy các ông. Giải quyết được thì có hoà bình, không giải quyết được thì chiến tranh tiếp tục.
Cuộc thảo luận kết thúc trong không khí nặng nề. Không hẹn ngày gặp lại – Kissinger chỉ nói sáng mai sẽ liên hệ với Việt Nam (Hà Nội). Tình thế tỏ ra bế tắc”.
Lê Đức Thọ báo cáo về Hà Nội :  “Mỹ đã thay đổi nội dung Hiệp định, lật ngược lại toàn bộ vấn đề quan trọng, coi như đàm phán lại”.
Cuộc đàm phán bế tắc
            Năm 1972, ngày 23-11, Tổng thống Nixon ra lệnh cho Kissinger: “Tôi chỉ thị cho ông ngừng thương thuyết và chúng ta trở lại áp lực quân sự cho tới khi bên kia chịu thương thuyết lại.  Cần làm cho họ đừng tưởng rằng chúng ta không còn chọn lựa nào khác hơn là chấp nhận các điều kiện của họ”. ( Ngày 23 tại Hoa Kỳ nhưng là ngày 24 tại Paris )
            Sáng ngày 25 tại Paris, Kissinger xin gặp Lê Đức Thọ và chuyển chỉ thị của Nixon đến cho Lê Đức Thọ, Thọ chế giễu : “Đe dọa chúng tôi chẳng tác dụng gì đâu.  Chúng tôi đã đánh nhau với các ông trong mười năm và thương thuyết với các ông trong nhiều năm rồi, nên nay phải có thái độ đi đến giải quyết, không thể dùng đe dọa được đâu”.  Kissinger tỏ vẻ mệt mỏi và đề nghị ngưng họp trong 1 tuần, hai bên hẹn gặp lại nhau vào ngày 4-12-1972.
BÙI ANH TRINH

Nguồn: http://vantuyen.net/2014/09/21/bui-anh-trinh-tro-lai-ban-dam-phan-voi-69-yeu-sach-cua-nguyen-van-thieu/
 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét