Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

Châu Âu sẽ cấm vận ODA đối với Việt Nam?


Xã luận cuối tuần 14/6/2014: Châu Âu sẽ cấm vận ODA đối với Việt Nam?

Thường Sơn
Con Ngựa 2014 chắc chắn là một năm bị đá hậu của nhóm lợi ích ODA ở Việt nam. Chỉ vài tuần lễ sau khi xảy ra vụ việc 6 quan chức ngành đường sắt Việt Nam bị bắt tạm giam do bị nghi nhận tổng cộng 16 tỷ đồng tiền hối lộ từ công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC), vào đầu tháng 6/2014, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã ra thông báo cho biết các khoản vay mới bằng đồng yen và các khoản tài trợ cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã bị đình chỉ.
Thậm chí đến mức là một sự đình chỉ vô thời hạn, ứng với hạn ngạch đạo đức giới quan chức tham nhũng ODA đã không còn biết giới hạn chấm mút là gì.

Tuy một số quan chức trong chính phủ Việt Nam vẫn không muốn thừa nhận sự thật phũ phàng trên, song tất cả đã phơi bày ra ánh sáng. Tục ngữ Việt “Đi đêm có ngày gặp ma” đã ứng nghiệm dù quá muộn màng. Nếu vào năm 2013 phía Thụy Điển đã bắt buộc phải ngừng vô thời hạn các khoản viện trợ ODA cho Việt Nam sau khi phát hiện hàng loạt gian dối của quan chức Việt, đến năm nay ngay cả Bộ Ngoại giao Australia vài vài quốc gia khác cũng bắt đầu cắt giảm viện trợ.

40%!

Câu chuyện lãng phí và thất thoát vốn ODA đã được nêu ra từ rất lâu và có nhiều ví dụ để dẫn chứng. Tiêu biểu nhất là vụ PMU18 vào năm 2006, với hình ảnh rất tiêu biểu của trưởng ban PMU18 Bùi Tiến Dũng thuộc Bộ Giao thông Vận tải – một kẻ đã tắm bia khi quan hệ với gái.

Sau đó, báo chí Nhật Bản – chứ không phải báo chí Việt Nam – đã phát hiện công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương của Nhật đã phải hối lộ cho quan chức Việt Nam phụ trách dự án đại lộ Đông-Tây ở Thành phố Hồ Chí Minh một phần hoa hồng tương đương 10% giá trị hợp đồng. Lúc đó cũng là một trưởng ban của PMU Đông-Tây là Bùi Ngọc Sĩ đã nhận số tiền hối lộ trên 800.000 đô la.

Năm 2011, đến lượt cơ quan chủ quản của các PMU là Bộ Giao thông đã đưa ra phương án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam có tốc độ 300-400 km/giờ với kinh phí lên đến 55 tỉ đô la, chiếm một nửa GDP của toàn quốc vào thời điểm đó.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đóng vai trò quán quân trong việc đưa ra những dự án rất lớn, ngốn rất nhiều tiền – tiền từ ngân sách, tiền đi vay mượn của nước ngoài – trong những năm mà nền kinh tế gần như suy thoái toàn diện. Vào tháng 4/2012 trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã bước vào năm suy thoái thứ tư, Bộ Giao thông Vận tải còn đưa ra dự án dùng 10.000 tỉ đồng từ ngân sách để xây dựng trụ sở mới. Ngay lập tức dư luận đã phản ứng rất dữ dội, cho là một đề xuất kỳ quái, hoàn toàn vô trách nhiệm đối với nhân dân.

Thậm chí còn có những tỉ lệ tham nhũng, thất thoát cụ thể đối với ODA ở Việt Nam. Chẳng hạn trong một lần hiếm hoi báo điện tử Vietnamnet đã nêu ra một minh họa cụ thể: từ năm 2009-2010, sau khi đại sứ quán Nhật tại Việt Nam loan báo sẽ viện trợ không hoàn lại để một số tỉnh xây trường học, đường sá hạ tầng… thì có một phụ nữ mà tờ báo không dám nêu tên, chỉ cho biết là cư ngụ tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Phụ nữ này đã liên lạc với lãnh đạo nhiều xã ở Hà Tĩnh để đặt vấn đề chạy dự án, với điều kiện khi thành công phải cắt cho bà ta 40%.

Sau đó nguồn vốn ODA đã được rót về cho ba xã ở Hà Tĩnh, trong đó có một xã tên là Gia Phố được nhận 80.000 đô la để xây dựng trường tiểu học. Chính quyền xã này đã lấy 8.000 đô la chia cho nhau, rồi lấy thêm 24.000 đô la chi cho người phụ nữ làm môi giới. Tỉ lệ 40% tương tự cũng xảy ra ở huyện Cẩm Xuyên. Và do bị ăn chặn, các cơ sở giáo dục, đường sá ở ba xã trên đều phải giảm quy mô và chất lượng.

Cấm vận ODA?

Tham nhũng, thất thoát ODA trong suốt những năm vừa qua cho thấy ở Việt Nam đã hình thành những nhóm lợi ích ODA. Nhóm lợi ích này dựa vào hoạt động độc quyền và đặc thù của chính sách, câu kết với những nhóm thân hữu kể cả với các chính khách để móc ráp để có được những hợp đồng đặc quyền về ODA và phân bổ cho các địa phương, nhận hoa hồng.

Thế nhưng nghịch lý quá lớn là trong khi các giải pháp phòng chống tham nhũng lãng phí tuy vẫn được nhà nước nhắc đến là phải thực hiện một cách quyết liệt, tuyệt đại đa số các vụ phát hiện về ODA đều do người dân và báo chí, hoàn toàn không phải do nhà nước phát hiện.

Cũng đến nay, ở Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ tổ chức giám kiểm độc lập nào cho một khu vực được coi là nhạy cảm như ODA. Những tổ chức phi chính phủ Việt Nam muốn làm việc này thì không được cho phép thành lập, trong khi đó những tổ chức phi chính phủ nước ngoài vốn có truyền thống kiểm định những dự án lớn như thế này lại chưa hoạt động ở Việt Nam, và cũng chưa được được một cơ quan nhà nước Việt Nam nào mời.

Điều gì phải đến đã đến. Năm 2012, ngay trước thềm hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ giữa kỳ năm 2012, chính Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã không ngần ngại tuyên bố ngừng 3/4 dự án ODA tài trợ cho Việt Nam do nghi ngờ một số cơ quan đơn vị sử dụng chi sai khoảng 11,4 tỉ đồng trên tổng số tiền 69 tỉ đồng do Đan Mạch tài trợ, tức là tương đương khoảng 19,9 triệu cua-ron.

Dù Australia, Nhật Bản và các nước trong Liên minh châu Âu đều là những đối tác quan trọng về thương mại và đầu tư nước ngoài của Việt Nam, tuy nhiên danh nghĩa đối tác không phải là tất cả. Lòng tin chở được núi lớn, nhưng khi lòng tin bị lợi dụng một cách thậm tệ thì nền kinh tế kiệt quệ sau gần bảy năm suy thoái của Việt Nam sẽ khó mà chinh phục được ngay cả một vạt đồi.

Hiện tượng cắt giảm ODA đối với Việt Nam cũng vì thế đang có hơi hướng như một phong trào dân sự, và có thể lan ra hàng loạt các quốc gia Bắc Âu như Na Uy, Đan Mạch và Hà Lan. Đó và đây, những lời cảnh báo từ các đại sứ quán châu Âu đã liê tiếp được tung ra. Nếu không có những biện pháp cứng rắn hơn nhiều để khắc phục tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực ODA, Chính phủ Việt Nam và các bộ ngành liên quan sẽ chẳng còn mấy cơ hội để được nhận nguồn tài trợ béo bở này.

T.S.
Nguồn:
http://vietnamhumanrightsdefenders.net/2014/06/14/xa-luan-cuoi-tuan-1462014-chau-au-se-cam-van-oda-doi-voi-viet-nam/
{Thế giới Người Viêt.Net }

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét