Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Mỹ sẽ ép Trung Quốc tới cùng ở Biển Đông?

Mỹ sẽ ép Trung Quốc tới cùng ở Biển Đông?
Cập nhật lúc 09h22" , ngày 06/08/2014
(VnMedia) - Trung Quốc lên giọng thách thức tuyên bố sẽ xây dựng bất kỳ thứ gì họ muốn trên những quần đảo ở Biển Đông. Đáp lại, Mỹ cứng rắn tuyên bố sẽ ép tới cùng để buộc nước này phải tự nguyện dừng các hành động gây căng thẳng ở Biển Đông.



Ảnh minh hoạ

Trung Quốc thách thức trước thềm hội nghị ASEAN


Trung Quốc có thể xây dựng bất kỳ thứ gì mà nước này muốn ở trên các quần đảo của Biển Đông. Đây là lời đáp trả mà một quan chức cấp cao của Trung Quốc đưa ra trước thêm một cuộc họp quan trọng của ASEAN trong đó có nội dung bàn về đề xuất ngừng bất kỳ các hoạt động nào có thể làm leo thang căng thẳng ở vùng biển tranh chấp.

Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á tuần này sẽ tiến hành các cuộc đối thoại an ninh ở Myanmar với các đối tác, trong đó có đại diện đến từ các nước như Mỹ và Trung Quốc. Tình trạng leo thang căng thẳng trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông có thể sẽ là một trong những nội dung trọng tâm của các cuộc thảo luận.

Trước đó, hồi tuần trước, Ngoại trưởng Philippines đã tiết lộ, trong cuộc họp Diễn đàn Khu vực ASEAN sắp tới, Manila sẽ đề xuất biện pháp chấm dứt bất kỳ hành động nào gây căng thẳng ở các vùng lãnh hải tranh chấp ở Biển Đông trong kế hoạch 3 phần của nước này..

Mỹ - một đồng minh thân thiết của Philippines, cũng đã kêu gọi tất cả các bên ngừng các hoạt động ở những khu vực lãnh hải tranh chấp nhằm làm dịu căng thẳng.

Manila cáo buộc Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động xây dựng trên ít nhất 3 bãi cạn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ông Yi Xianliang – Vụ phó Vụ Các Vấn đề Đại dương và Biển của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã tuyên bố trước các phóng viên rằng, Trung Quốc có “tất cả các quyền để xây dựng trên những quần đảo, hòn đảo như một cách để nâng cao các điều kiện sống cơ bản ở đó”.

Ông Yi còn trắng trợn và ngang ngược tuyên bố, "quần đảo Trường Sa là phần lãnh thổ của Trung Quốc và việc Trung Quốc làm gì hay không làm gì với nó phụ thuộc vào quyết định của Trung Quốc. Không ai có thể thay đổi lập trường của chính phủ Trung Quốc”.

Quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Ttừ nhiều thế kỷ nay, ít nhất là từ thế kỷ 17, Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần đảo này còn là vô chủ. Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách hòa bình, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế mà không gặp phải sự phản đối của bất cứ quốc gia nào.

Trong thời kỳ Pháp thuộc (từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20), Chính phủ Pháp đã nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời phản đối yêu sách của các nước khác đối với hai quần đảo này.

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng đã được thừa nhận tại Hội nghị San Francisco tháng 9 năm 1951 – Hội nghị giải quyết vấn đề quy thuộc các vùng lãnh thổ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 với sự tham gia của 51 quốc gia. Tại Hội nghị này, Trưởng Phái đoàn Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp bất cứ sự phản đối nào từ 50 quốc gia tham dự còn lại. Mặt khác, đề xuất của đoàn Liên Xô trao chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc đã bị đa số đại biểu trong Hội nghị phản đối với tỷ lệ số phiếu là 46 phiếu chống.

Hiệp định Geneva năm 1954 về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Theo Hiệp định, Pháp sẽ rút khỏi lãnh thổ của Việt Nam theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam và trong thời hạn thỏa thuận giữa các bên. Phù hợp với Hiệp định Geneva, sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1956, Việt Nam Cộng hòa đã tiếp quản việc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam Cộng hòa đã tuyên bố khẳng định chủ quyền và có các hành vi thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Trung Quốc là một trong những nước tham gia Hội nghị quốc tế về Đông Dương tại Geneva 1954 biết rất rõ điều này và Trung Quốc có trách nhiệm tôn trọng các văn kiện quốc tế của Hội nghị đó.

Mỹ sẽ ép Trung Quốc tới cùng?

Bất chấp sự phản kháng mạnh mẽ của Trung Quốc trước đề xuất của Philippines, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tuyên bố đầy cứng rắn tại cuộc họp của các quốc gia Đông Nam Á rằng, Washington sẽ ép đến cùng để các nước phải tự nguyện chấm dứt các hành động làm nghiêm trọng thêm tình hình ở Biển Đông.

Ông Daniel Russel – nhà ngoại giao cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á, cho biết trước chuyến đi của Ngoại trưởng Kerry đến tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) rằng, lời kêu gọi trên không có gì mới cũng chẳng có gì lạ mà chỉ nằm trong “lẽ thường”.

Một trong những ưu tiên của Ngoại trưởng Kerry trong chuyến đi đến Đông Nam Á lần này là tìm cách làm dịu căng thẳng ở Biển Đông – nơi khoảng 5 nghìn tỉ USD giao dịch thương mại qua đường biển đi qua hàng năm và cũng là nơi đang chứng kiến cuộc tranh chấp quyết liệt giữa Trung Quốc với 4 nước láng giềng Đông Nam Á.

"Nền kinh tế khu vực quá quan trọng và quá mong manh vì thế các nước không được sử dụng lời đe doạ sử dụng sức mạnh quân sự hay bán quân sự để trả đũa nhau cũng như để doạ dẫm, ép buộc nhau”, ông Russel đã nói như vậy.

Kiệt Linh - (tổng hợp)

Nguồn: http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=29964

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét