Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Bằng tiến sĩ y Việt Nam không được thế giới công nhận?

Bằng tiến sĩ y Việt Nam không được thế giới công nhận?

GS Nguyễn Văn Tuấn

Nói rằng bằng tiến sĩ y khoa VN không được thế giới công nhận cũng không hẳn sai, nhưng cũng nên nói thêm rằng bằng bác sĩ của VN cũng chẳng được ai công nhận. Hai chữ “công nhận” ở đây còn tuỳ vào bối cảnh. Nếu ứng viên tốt nghiệp tiến sĩ ở VN mà có bài báo khoa học công bố trên những tập san quốc tế có impact tốt thì ứng viên vẫn có thể xin việc bất cứ nơi nào trên thế giới. Còn nếu tiến sĩ VN không có công bố gì thì đúng là chẳng ai công nhận. Nhưng bác sĩ thì khác, hai chữ “công nhận” gắt gao hơn tiến sĩ. Bác sĩ có bằng cấp từ VN không được hành nghề khám chữa bệnh ở các nước phương Tây, vì bằng cấp của họ không được công nhận và họ chưa qua tái huấn luyện lâm sàng ở nước sở tại.

Bài viết này (1) có vài so sánh theo tôi là dễ gây ngộ nhận, có lẽ do người phát biểu chưa am hiểu vấn đề đào tạo đại học ở các nước như Mĩ hay Úc. Không nên so sánh kiểu như “Ở Mỹ không coi trọng TS bằng bác sĩ. Người Mỹ ít làm TS, và nếu muốn người ta có thể có bằng TS trước khi trở thành BS” (1). Tôi đồ rằng chính người nói chưa chắc hiểu hệ thống đào tạo ở các nước như Mĩ hay Úc. Bằng tiến sĩ là thuộc loại academic (hàn lâm), còn bằng bác sĩ là thuộc loại vocational training (hướng nghiệp). Không nên lẫn lộn hai triết lí đào tạo này và môi trường tác nghiệp. Nếu hành nghề khám chữa bệnh thì dĩ nhiên bác sĩ quan trọng hơn tiến sĩ. Nhưng nếu hành nghề nghiên cứu trong các đại học, viện nghiên cứu, thì tiến sĩ quan trọng hơn bác sĩ.



Nói người Mĩ ít làm tiến sĩ là không hẳn đúng. Trước đây, các đại học đào tạo ra bác sĩ, nhưng họ chỉ loay hoay khám chữa bệnh và nặng với nhiệm vụ lâm sàng, nên kiến thức khoa học rất kém. Làm bác sĩ mà kém khoa học thì chẳng khác gì thợ khám chữa bệnh. Thế là sau này có “phong trào” học tiến sĩ để thăng tiến trong nghề nghiệp. Nhưng bác sĩ quá bận nên làm sao có thì giờ đi học tiến sĩ. (Ở Mĩ đâu có học tiến sĩ tại chức như VN). Thế là có trường đại học đề ra sáng kiến chương trình MD-PhD. Hình như là Đại học Johns Hopkins có sáng kiến này đầu tiên, rồi sau đó các trường khác làm theo. Theo chương trình MD-PhD sinh viên học tiền lâm sàng 2 năm, sau đó chuyển sang chương trình PhD từ 3-5 năm, và sau đó là hoàn tất chương trình lâm sàng 2 năm. Do đó, khi tốt nghiệp, sinh viên vừa trở thành bác sĩ mà cũng là nhà khoa học tạm hoàn chỉnh.
Xem thường nghiên cứu cơ bản

Có một câu phát biểu tuy đúng nhưng tôi nghĩ có hơi hám … nguỵ biện vì so sánh giữa táo và cam: “TS nhiều khi ở lĩnh vực chuyên sâu quá, làm việc ở các viện nghiên cứu, các labo chưa chắc đã đáp ứng được nhiệm vụ ở BV là khám chữa bệnh giỏi.”

Câu nói trên nếu từ một bệnh nhân thì có thể bỏ qua, nhưng nếu từ một bác sĩ thì nó thể hiện cái “ignorance” và thiếu hiểu biết của người bác sĩ. Nói ngắn gọn: Không có nghiên cứu cơ bản thì không có nền y khoa hiện đại như hiện nay. Anh chàng bác sĩ cho một viên thuốc và bệnh nhân khỏi bệnh, và tưởng đó là công của mình, nhưng anh quên rằng để có viên thuốc đó là một quá trình nghiên cứu công phu, lâu dài, và phải qua bao nhiêu thất bại mới có được viên thuốc đó. Cách nói đó cho thấy người bác sĩ hời hợt, chỉ nhìn thấy cái ngọn mà không nhìn thấy cái gốc.

Câu hỏi quan trọng hơn là: Thế nào là “giỏi”? Ai đánh giá anh là “giỏi”? Ngày ngày khám bệnh, cho thuốc, và thấy bệnh nhân cải tiến, có bác sĩ nghĩ như vậy mình là giỏi. Bệnh nhân cũng nói mình là giỏi. Thế là bác sĩ nghĩ mình giỏi thật, và tự hào với cái giỏi đó, xem ai cũng không giởi bằng mình, ai cũng không quan trọng bằng mình. Có bác sĩ tự xem mình là thánh, là ông trời con. Một kiểu nói theo tiếng Anh là self-serving và self-important.

Cho dù có định nghĩa giỏi là gì và có đánh giá khách quan, một người bác sĩ có thể chữa bệnh giỏi nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì chỉ là người thợ. Ở quê tôi ngày xưa có chú Sáu T, chú chỉ là y tá nhưng do kinh nghiệm lâu năm, chú là vị cứu tinh cho dân làng mấy chục năm trời (nhưng cũng không biết bao nhiêu là nạn nhân). Nhưng dù sao thì chú vẫn là “thợ”, chứ không phải “sĩ”. Để thành “sĩ” người thầy thuốc cần phải biết về khoa học. Để “giỏi” bác sĩ không chỉ dừng ở chỗ thấy bệnh nhân tốt hơn mà còn phải tìm hiểu có thật sự thuốc có tác dụng hay cái gì khác, tại sao thuốc có tác dụng và cơ chế tác dụng là gì, tại sao kháng thuốc, cơ chế kháng thuốc là gì, v.v. Những câu hỏi đó không thể trả lời bằng lâm sàng, mà phải có nghiên cứu cơ bản. Đó chính là lí do tại sao nhiều bác sĩ bỏ cả sự nghiệp để theo đuổi nghiên cứu cơ bản.

Tôi nghĩ cái quan điểm nằm trong câu “Tiến sĩ nhiều khi ở lĩnh vực chuyên sâu quá, làm việc ở các viện nghiên cứu, các labo chưa chắc đã đáp ứng được nhiệm vụ ở BV là khám chữa bệnh giỏi” nó nguỵ biện và nguy hiểm. Nguy hiểm là vì nó khuyên bác sĩ không nên làm nghiên cứu khoa học. Nguy hiểm là vì nó xem thường nghiên cứu cơ bản và những người dấn thân làm nghiên cứu cơ bản. Chính vì xem thường nghiên cứu cơ bản nên y khoa VN không phát triển nổi, không sáng chế được cái gì quan trọng. Để sáng chế cần phải có nghiên cứu cơ bản. Nhưng nghiên cứu cơ bản ở VN không được xem trọng (thể hiện qua câu phát biểu vô trách nhiệm trên) thì làm sao sáng chế được gì. Không sáng chế được thì phải dùng cái của người khác, và thế là biến VN thành một nước lệ thuộc vào nước ngoài.

Nguồn: FB Nguyen Tuan 
 
  Nguồn: http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=30388 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét