Vì sao chính quyền 'sợ' xã hội dân sự?
Cập nhật: 16:26 GMT - chủ nhật, 20 tháng 4, 2014
Nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay
đang rất quan ngại các phong trào vận động cải cách xã hội ôn hòa, mà
đặc biệt là phong trào của các tổ chức dân sự, vì chính quyền sợ rằng
thiết chế chính trị - xã hội này sẽ 'tranh giành quần chúng' và 'ảnh
hưởng' của Đảng, theo một học giả gốc Việt từ Mỹ.
Tuy nhiên, xã hội dân sự như trên thực tế phát
triển ở nhiều quốc gia và tại Việt Nam lâu nay đã chứng tỏ là rất cần
thiết đối với sự phát triển và cân bằng xã hội, Đảng và chính quyền Cộng
sản Việt Nam sẽ xử lý ra sao vấn đề vừa muốn độc quyền, vừa cần có sự
đồng thuận của dân và các tổ chức của dân tham gia."Độc quyền, cho dù có thật lòng muốn giúp đất nước “tiến nhanh tiến mạnh” đi nữa, cũng dẫn đến độc đoán. Và độc đoán đã dẫn đến những sai lầm mà hậu quả là sự suy yếu của xã hội và của cả chính quyền"
GS Ngô Vĩnh Long
GS. Ngô Vĩnh Long: Nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay rất quan ngại xã hội dân sự, mặc dầu phong trào dân sự, dân chủ đang còn rất manh nha và chủ yếu chỉ mới có sự hiện diện của một vài diễn đàn trên các mạng và một số nhóm “ái hữu”.
Lý do chính là nhà cầm quyền, ngay từ sau chiến tranh, đã muốn độc quyền và đã tìm cách triệt tiêu xã hội dân sự bằng cách giải tán hầu hết các tổ chức mà họ cho có thể tụ tập quần chúng.
Độc quyền, cho dù có thật lòng muốn giúp đất nước “tiến nhanh tiến mạnh” đi nữa, cũng dẫn đến độc đoán. Và độc đoán đã dẫn đến những sai lầm mà hậu quả là sự suy yếu của xã hội và của cả chính quyền.
Do đó, nhà cầm quyền lại càng sợ mất quyền nên càng chuyên quyền để hầu mong có thể củng cố quyền lực.
'Bàn cờ chính trị'
Trước đây, trong thập kỷ rất khó khăn sau năm 1975, chính quyền còn phải dựa vào dân để bảo vệ đất nước. Cho nên chính quyền đã phải để cho dân “phá rào”, nhưng chỉ trong các lãnh vực kinh tế thôi.
Cho đến nay, những đòi hỏi về nhân quyền và dân chủ hoá—đừng nói gì với tư cách cạnh tranh hay thách thức—đều đã bị đàn áp, kể cả đối với những người có công với đất nước và có chức vụ lớn trong Đảng và trong chính quyền.
"Việc họ quyết định tương lai của đất nước ra sao và bằng cách nào thì người ngoài chẳng thế nào biết được. Chỉ biết là nếu họ không dựa vào quần chúng thì quyết định như thế nào đi nữa cũng không có tương lai"
GS Ngô Vĩnh Long
BBC: Theo Giáo sư, trên bàn cờ chính trị của VN hiện nay, đâu là những người chơi chính, họ sẽ quyết định tương lai của đất nước ra sao, bằng cách nào?
Trên bàn cờ chính trị của Việt Nam hiện nay những người chơi chính vẫn còn là những đảng viên và những quan chức cao cấp.
Việc họ quyết định tương lai của đất nước ra sao và bằng cách nào thì người ngoài chẳng thế nào biết được.
Chỉ biết là nếu họ không dựa vào quần chúng thì quyết định như thế nào đi nữa cũng không có tương lai.
'Nhân tố quyết định'
Xã hội dân sự, bất cứ ở nước nào đi nữa, cũng là nhân tố quyết định và cuối cùng để bảo vệ sự sống còn của chế độ và an ninh bền vững cho xã hội.
Một lực lượng chính trị, hay xã hội, xuất hiện để thay quyền mà không có một xã hội dân sự lành mạnh thì chỉ lại dẫn đến chuyên quyền mà thôi.
Lịch sử đã chứng minh điều này, và một số ví dụ điển hình gần đây gồm có các trường hợp như Ai Cập, Irak và Libya. Do đó, một chính thể, nếu muốn tồn tại vững chắc, phải tạo điều kiện cho một xã hội dân sự được phát triển.
BBC: Ông có cho rằng có một quan hệ Đảng anh - Đảng em, nước lớn - nước bé giữa Trung Quốc và Việt Nam và ảnh hưởng của Trung Quốc, của giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc có thể mạnh đến nỗi mà VN khó thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng, dù là trong năm, mười năm nữa, để cải tổ?
"Vấn đề ở đây không phải là thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng mà là để ảnh hưởng đó chi phối đời sống xã hội và an ninh quốc gia của mình đến mức nào. "
GS Ngô Vĩnh Long
Vấn đề ở đây không phải là thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng mà là để ảnh hưởng đó chi phối đời sống xã hội và an ninh quốc gia của mình đến mức nào.
Ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với Canada và Mexico) rất khác so với ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên (Bắc Hàn) và Myanmar (Miến Điện), một trong những lý do đã khiến Myanmar tìm lối thoát.
Myanmar là một nước yếu, chịu đựng ảnh hưởng đơn độc rất lâu, mà còn đang tìm được lối ra huống chi một nước Việt Nam đã hi sinh rất nhiều cho độc lập, tự do?
Vấn đề là lãnh đạo Việt Nam có muốn “sống mà vì nước, sống vì dân” hay không, hay sống xa hoa trên sự tủi nhục của đất nước và lầm than của nhân dân. Cái đầu mà lọt thì cái thân khắc thoát.
'Kịch bản tương lai'
Kịch bản chuyển biến an lành nhất và nhanh nhất cho đất nước và dân tộc là chuyển đổi đường lối và chiến lược trong Đảng và Nhà nước.
Tất cả những biến đổi chính trị và thay đổi thể chế qua các phương cách khác đều có những giá rất đắt phải trả trong tương lai, gần hay xa.
BBC: Cuối cùng, thời điểm xảy ra cải tổ, thay đổi, thậm chí là cách mạng có thể là bao giờ và các lực lượng chính trị ở VN hiện nay, kể cả Đảng CS và các bên là đối thủ, các lực lượng chính trị - xã hội, nên có sự chuẩn bị ra sao cho quá trình này, nếu tất cả đều muốn có vị trí của mình trong tương lai?
"Để chuẩn bị cho quá trình thay đổi thì ngay bây giờ phải bắt đầu nuôi dưỡng một xã hội dân sự, qua đó các thành phần trong xã hội có thời gian và điều kiện tranh đấu và bảo vệ quyền lợi của họ vì lợi ích chung của dân tộc và đất nước"
GS. Ngô Vĩnh Long
Hiện nay ở Việt Nam chỉ có một Đảng Cộng Sản và những phe nhóm (lợi ích hay đối thủ) trong đó.
Các lực lượng chính trị-xã hội bên ngoài chưa có, hay chưa có thể hoạt động cùng với nhau và cọ sát với nhau để có thể dẫn đến hoà giải, hoà hợp.
Để chuẩn bị cho quá trình thay đổi thì ngay bây giờ phải bắt đầu nuôi dưỡng một xã hội dân sự, qua đó các thành phần trong xã hội có thời gian và điều kiện tranh đấu và bảo vệ quyền lợi của họ vì lợi ích chung của dân tộc và đất nước.
Nếu những người có quyền và tiền vẫn muốn giữ vị trí của mình trong tương lai thì đất nước và dân tộc sẽ không có tương lai.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét