SÀIGÒN NGÀY THÁNG CUỐI...
20 Tháng 4 2014 lúc 4:43
Thế
là sau năm năm làm việc với Đệ Thất Không Đoàn Hoa Kỳ tại Tân Sơn Nhất,
tôi lại chuyển qua một nhiệm sở mới là Toà Đại Sứ Mỹ cũng tại thủ đô
Sàigòn. Những tay sĩ quan và hạ sĩ quan trẻ của đơn vị gọi là Phân Đội
Alpha của Đệ Thất Không Đoàn là những người lính thật vui vẻ cởi mở và
rất là thân thiện mà tôi không bao giờ quên được, nhất là sau bao nhiêu
chuyến là một thành viên trong cùng một toán công tác, sau bao nhiêu
chuyến cùng bay với nhau trên vận tải cơ khổng lồ Hercules C-130 ra Vùng
I và Vùng II Chiến ThuậtNhờ vào thời gian làm việc cho Không Quân Mỹ và Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ mà tôi ý thức được rằng người Mỹ nắm rất vững về những tình hình biến chuyển trên chiến trường, tương quan lực lượng đôi bên và cũng biết rất rõ về đối phương tức là Cộng quân Bắc Việt và đám Việt Cộng trong Nam; và Hoa Kỳ có một sức mạnh quân sự phải nói là đa dụng, vạn năng và khủng khiếp thừa sức đè bẹp hay tiêu diệt Cộng quân bất cứ trong không gian và thời gian nào.
Chính vì thế mà niềm tin của tôi vào đồng minh Hoa Kỳ đã từ từ thuyên giảm một cách rõ rệt khi thấy người Mỹ khoanh tay để cho Cộng Sản tràn vào các đô thị, kể cả Sàigòn và Chợ Lớn ngày Tết Mậu Thân 1968. Họ cũng chấp nhận những sự di tản chiến thuật rút khỏi tỉnh Phước Long, rồi sau nầy khỏi Kông Tum, Plei Ku, Vùng II, để xẩy ra Đại Lộ Kinh Hoàng là dịp cho Cộng quân pháo kích giết hại hàng chục ngàn dân lành vô tội dọc theo Quốc Lộ này. Họ đã đem B-52 ra Miền Bắc để rải thảm 12 ngày đêm kể cả thủ đô của Cộng Sản là Hà Nội và phong tỏa cảng Hải Phòng, nhưng lại ngừng ngay cuộc ném bom đó khi Hà Nội đồng ý quay trở lại bàn đàm phán. Những người dân sống tại miền Bắc đều nói rằng chỉ cần B-52 rải thảm thêm vài ngày nữa là Bắc Việt giương cờ trắng đầu hàng; nhưng phía chính phủ Nixon lúa bấy giờ và tay “phù thủy” người Do Thái Henry Kissinger tại Washington chỉ muốn kéo Hà Nội trở lại vòng đàm phán để họ có thể rút khỏi miền Nam, chứ không muốn một Hà Nội thua trận.
Hiệp Định Paris được ký kết một cách đơn phương giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt dù rằng phía VNCH chúng ta cực lực phản đối. Hoa Kỳ vẫn ký để rút quân kể cả các cố vấn ra khỏi Miền Nam trong khi họ biết chắc chắn rằng Bắc Việt sẽ vi phạm hiệp định và vẫn bám chặt vào các căn cứ địa của nó tại Miền Nam. Những năm 1964, 1965, khi họ đến với chúng ta trên danh nghĩa Đồng Minh thì các tổng thống HK đều cam kết, với chế độ VNCH còn non trẻ của chúng ta, để chống lại sự bành trướng của Cộng Sản trong vùng Đông Nam Á. Khi họ muốn rút đi những năm đầu của thập niên 70, thì họ lại ký kết với kẻ thù chứ không cần đến ý kiến và chữ ký của chúng ta nữa, và buộc VNCH phải ngồi ngang hàng với đám VC là MTGPMN. Hiệp Định Paris chính là con dao mà đồng minh Hoa Kỳ đã ngầm đưa cho Cộng Sản Bắc Việt và quan thầy của chúng để thanh toán chế độ VNCH chúng ta nhanh chóng hơn.
Quả thật làm đối thủ của Hoa Kỳ dễ hơn rất nhiều so với làm đồng minh của họ bởi vì hầu như người Mỹ kể cả Tổng Thống của họ nhiều khi công khai hoá luôn cả những kế hoạch mà họ dự tính cho cả thế giới biết.
Sau khi ký kết được như ý muốn Hiệp Định Paris, đồng minh Hoa Kỳ lại thi hành một chiến thuật cắt giảm viện trợ, cả về quân sự lẫn kinh tế, trong chiến lược bỏ rơi đồng minh VNCH đơn độc chiến đấu trong tình trạng thiếu súng ống đạn dược và nhiên liệu, để chống lại cả một khối Cộng Sản Quốc Tế đầy gian manh và hiểm độc đang càng yểm trợ mạnh mẽ cho Cộng Sản Bắc Việt, và đám VC trong Nam theo chủ trương của quan thầy CSVN là “đánh cho đến người Việt Nam cuối cùng”. Trong lịch sử loài người tự cổ chí kim có lẽ không có một cuộc chiến đấu nào can trường anh dũng và oai hùng hơn cuộc chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà - chiến đấu trong đơn độc nhưng với một chính nghĩa sáng ngời và một lòng quả cảm vô biên đến viên đạn và hơi thở cuối cùng để bảo vệ miền Nam tự do.
QLVNCH đã một mình chiến đấu bảo vệ Miền Nam chống lại cả một khối Cộng Sản bao gồm Nga Sô, Trung Cộng, Khối CS Đông Âu, Bắc Hàn, Cu Ba và CS Việt Nam, dù rằng Mỹ và đồng minh đã bỏ mình ra đi - chứ không chịu đầu hàng giặc phiến Cộng cõng rắn Trung Cộng và Nga Sô vào cắn gà nhà.
Thế rồi cái gì phải đến đã xảy ra, Miền Nam bị lui dần vào thế bị động dù rằng tinh thần quân dân cán chính vẫn vững vàng. Nhưng súng thì thiếu đạn dược và chiến đấu oanh tạc cơ thiếu nhiên liệu bom, rockets, thì miền Nam không thể chống lại được quân xâm lược Cộng Sản đã càng lúc càng mạnh hơn, kể từ khi Hoa Kỳ và các lực lượng đồng minh khác như Úc, Tân Tây Lan, Phi Luật Tân, Đại Hàn, v.v… lần lượt rút lui khỏi Miền Nam ngay sau khi Hiệp Định Paris ký kết ngày 27 tháng Giêng năm 1973.
Qua đầu năm 1975, tình hình càng lúc càng tồi tệ hơn và VNCH lúc đó giống y như vị anh hùng Samson, trong truyện phim Samson & Dalilah, mắt đã không còn nhìn thấy gì và với bộ tóc đã bị cắt ngắn, tượng trưng cho sức mạnh không còn nữa của Samson, và tay chân thì bị xiềng xích, đang bị một bọn người lùn khả ố dùng những chiếc kìm sắt dứt ra từng miếng thịt trên thân thể của mình.
Ngày 30 tháng Tư năm 1975, Miền Nam mà trái tim là Sàigòn trút hơi thở cuối cùng, đóng lại một chương đầy oai dũng và can trường của quân dân miền Nam VN. Trong thời gian bị tập trung trong trại giam ở Miền Bắc, tôi có một dịp may được chuyền tay đọc một tạp chí Reader’s Digest là cuốn nguyệt san mà tôi thích nhất trước kia, trong đó có một bài viết mà tôi không sao quên được của một vị luật sư người Cu Ba về sự thất bại của cuộc đổ bộ tại Vịnh Con Heo. Câu chuyện này đã phần nào soi sáng thêm về việc Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam những năm đầu thập niên 1970’s.
Sau khi cuộc đổ bộ thất bại và chế độ Fidel Castro đang khủng bố, đàn áp và trả thù tàn bạo những chiến sỹ Cách Mạng Cu Ba Tự Do bị bỏ rơi trên vịnh Con Heo lúc đó, thì một vị luật sư trong phong trào kháng chiến chống Fidel Castro đã trốn thoát được qua Hoa Kỳ và ông ta thề rằng nếu phải bỏ ra suốt cuộc đời mình để tìm hiểu tại sao cuộc đổ bộ hoàn hảo như vậy để tái chiếm lại Cu Ba và lật đổ chế độ của Fidel Castro mà cuối cùng lại bất ngờ bị hủy bỏ thì ông ta cũng phải đi tìm.
Theo kế hoạch, cuộc đổ bộ này đã được tập dượt và coi như là toàn hảo với sự yểm trợ của không và hải quân Mỹ để làm cỏ những chiếc máy bay cũ kỹ của Cu Ba; các lực lượng Cách Mạng Cu Ba lưu vong sẽ đổ bộ lên Vịnh Con Heo để tiến vào tái chiếm Cu Ba.
Câu trả lời mà vị luật sư này tìm ra được là kế hoạch đã được chu toàn vào thời gian cuối nhiệm kỳ của Tổng Thống Eisenhower; nhưng lúc thi hành thì giờ phút chót TT kế nhiệm là John Kennedy đã ra lệnh hủy bỏ toàn bộ kế hoạch và không quân Mỹ đã không xuất hiện như mong đợi. Tầu chiến HK đã âm thầm rút ra khơi bỏ lại lực lượng vừa đổ bộ nằm phơi mình trên Vịnh Con Heo cho từng đoàn máy bay của Fidel Castro đến dội bom và oanh kích. Cuộc nổi dậy và tái chiếm Cu Ba bị dập tắt trong uất hận và ngậm ngùi. Chúng ta có thể hình dung ra được sự trả thù tàn bạo và ghê rợn của Fidel Castro đối với những chiến sỹ Cu Ba Tự Do còn sống sót trên bãi biển sau lần đổ bộ ấy như thế nào rồi.
Miền Nam của chúng ta cũng đã bị rơi vào tình trạng tương tự. Đầu tháng Tư năm 1975, tình hình rất xáo trộn bất lợi cho chế độ VNCH vì Hoa Kỳ đã để lộ rõ cho cả đồng minh VNCH và cả kẻ thù là CS Bắc Việt thấy rằng Mỹ đang di tản nhân viên Sứ Quán của họ ra khỏi Miền Nam. Văn Phòng Tùy Viên Quân Sự (Defense Attache’s Office: D.A.O) được lệnh di tản trước.
Tôi vào họp với các cố vấn Mỹ thuộc Toà Đại Sứ HK ở Sàigòn vào đầu tháng Tư thì nhận được chỉ thị rằng tất cả những nhân viên nào mà không thiết yếu (non-essential) sẽ được ưu tiên di tản trước với gia đình của họ, và những nhân viên nào thiết yếu (essential) thì phải ở lại để yểm trợ cho các Phủ Bộ, các cơ quan an ninh, tình báo, Bộ Tưlệnh Cảnh Sát, v.v. của VNCH đến giờ phút cuối.
Tôi và một số bạn đồng nghiệp được lệnh ở lại và được các cố vấn cam kết là sẽ có trực thăng đến tận nhà để đón chúng tôi vào giờ phút cuối cùng của Sàigòn. Lần lượt một số bạn đồng nghiệp của tôi đã ra đi theo gia đình làm việc cho cơ quan D.A.O. và chúng tôi vẫn ở lại.
Lần họp cuối cùng với nhân viên Tòa Đại Sứ HK là ngày 27-4-1975. Tình hình đã tồi tệ. Phía Toà Đại Sứ HK gần như bất lực, và tuyên bố ngưng hoạt động. Tôi ra về trong lòng nặng trĩu vì người anh Cả của tôi lúc đó là Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng của Sư Đoàn 5 Bộ Binh không có tin tức thời gian gần đây. Chỉ có độc nhất gia đình người anh thứ ba là Thiếu Tá Hải Quân nhờ đi du học tại Rhode Islands đầu năm 1975 nên đã may mắn đoàn tụ được trên đất Mỹ với vợ con đi theo cơ quan D.A.O di tản qua được vào tháng Ba.
Vì gia đình tôi lúc đó cư ngụ tại vùng ngoại ô của Sàigòn, nên tôi đưa vợ và hai đứa con nhỏ lên bên Nội tại Quận Ba một thời gian xem sao, vì ngày 28 một tên phi công nội tuyến VC đã dội bom xuống phi trường Tân Sơn Nhất và người Mỹ tuyên bố hủy bỏ kế hoạch di tản bằng đường hàng không.
Tối ngày 29 tháng Tư, tôi quyết định cho vợ con vào Tòa Đại Sứ chứ không ngồi chờ đợi nữa. Sau khi giã từ Mẹ và các em, tôi lái chiếc xe Renault đến cổng sau của Toà Đại Sứ thì thấy thiên hạ đen nghịt và nhốn nháo đầy những người; nhưng chiếc cổng sắt đã đóng và trên bức tường bao quanh khu vực, Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đang gườm súng không cho ai ra hay vào nếu không có lệnh. Tôi đưa vợ con đến sát chân tường và tuy có thẻ nhân viên tòa đại sứ trong túi nhưng không biết rằng có thuyết phục được các tay lính TQLC này cho vợ con tôi đi theo hay không.
Nếu tôi vào được bên trong mà vợ con bị bỏ rơi lại thì có thể sẽ bị VC trả thù, ý nghĩ đó cứ luẩn quẩn trong đầu tôi một lúc rồi đột nhiên trong một giây tôi quyết định, một quyết định đã làm thay đổi hẳn cả một đời người. Tôi quyết định ở lại cũng vợ con và đưa vợ con tôi về lại nhà bên Nội.
Khi Mẹ tôi nhìn thấy tôi thì chỉ hỏi được một câu là tại sao con không đi? Tôi trả lời rằng tôi không thể ra đi một mình được trong khi Mẹ và tất cả gia đình đều ở lại và ông anh Cả thì chưa có tin tức gì. Lúc đó thì ông anh thứ Hai của tôi nghe tin đồn ở đâu không biết thì tỏ ra lạc quan và nói rằng thế nào cũng có chính phủ Liên Hiệp và chắc mình không sao đâu. Ông ấy là người may mắn nhất vì sau đó đi “cải tạo” chưa đến ba cuốn lịch nhờ làm việc cho ngành Quân Y.
Tối hôm đó, tôi ngủ không được và chỉ có một điều an hận là mình mới 29 và chết quá trẻ. Sáng ngày hôm sau 30 tháng Tư lúc khoảng 10 giờ, đài phát thanh loan báo lệnh “bàn giao” của Tổng Thống mới lên là Dương Văn Minh, “Big Minh”. Tôi nghe như một phát súng nổ bên tai vậy, bèn lên trên lầu của nhà Mẹ tôi trên đường Trương Minh Giảng để thu xếp quần áo trở về nhà trong Phú Lâm.
Một lúc sau thì nghe thấy tiếng xe tăng chạy một cách nặng nề vào trong thành phố, tôi đẩy nhẹ cửa sổ ra nhìn xuống đường thì thấy một đoàn xe tăng T-54 đang lăn bánh từ hướng Ngã Ba Ông Tạ chạy qua nhà Mẹ tôi về hướng chiếc cầu và tôi thấy như toàn thể bầu trời đang sụp đổ trước mặt mình.
Chiều hôm đó, tôi lái xe đưa vợ con về lại căn nhà cũ. Tôi đã mua sẵn một hộp thuốc ngủ loại mạnh và định cùng với cả gia đình quyên sinh chứ không thể sống nổi với Cộng Sản được. Nhưng nhìn hai đứa con đang say ngủ ngây thơ vô tội, lòng tôi chùng xuống, tôi lại bỏ ý nghĩ đó và quyết định là sẽ ở nhà và chờ họ đến bắt mình rồi phó mặc cho số mệnh.
Mấy ngày sau, một chiếc xe díp chạy vào trong sân nhà tôi, với ba người mặc sắc phục như công an, trong đó có một tay có vẻ là tên chỉ huy, ngừng trước nhà và hỏi tìm tôi. Họ đưa tôi đến một căn nhà ba từng tại ngã Ba Ông Tạ, bên ngoài là tiệm Thợ May nhưng không ngờ trên lầu trước kia là VC nằm vùng trong đó. Sau ba ngày thẩm vấn liên tục, tên chỉ huy tự giới thiệu là Trung Tá có lẽ thuộc cơ quan Phản Gián từ Miền Bắc, nói giọng Bắc một cách lạnh lùng bảo tôi về sửa soạn để đi “tập trung cải tạo”. Lúc đó tôi vẫn chưa để ý đến hai chữ “tập trung”. Sau này tôi mới thấu hiểu được cách dùng chữ của VC vì ở tù tập trung có nghĩa là bị giam giữ không hạn định và không có án lệnh.
Thế rồi lệnh của Ủy ban Quân Quản mới “tiếp thu” Sàigòn ra lệnh cho chúng tôi chuẩn bị một tháng đi “học tập cải tạo”, “để thành công dân tốt”, để được hưởng “chính sách khoan hồng nhân đạo” của Đảng và Nhà Nước. Những người đi “cải tạo” mười ngày thì kéo dài ra vài năm. Những người đi một tháng thì trở thành sáu tháng, vài năm, mười năm, mười lăm năm; và còn lại 100 người cuối cùng thì bị giam giữ đến năm thứ mười bẩy tại giam Hàm Tân Z-30D.
“Hãy nhìn những gì Cộng Sản làm, đừng nghe những gì Cộng Sản nói”, câu nói ấy chưa bao giờ đúng và đầy ý nghĩa như vậy.
Khi tôi bước chân vào chốn ngục tù thì hai đứa con gái và con trai của tôi mới lên bốn và lên năm, lúc tôi trở về thì chúng đã bước vào lứa tuổi đôi mươi. Bây giờ cả hai cháu đều đã có gia đình riêng và mỗi khi có dịp gặp lại chị em cháu trên San Jose hay chúng xuống đây thăm tôi, tôi lại nghĩ rằng có lẽ tôi đã quyết định đúng vào cái buổi tối đêm 29 tháng Tư năm ấy tại cổng sau của Toà Đại Sứ Mỹ Sàigòn; và quyết định đúng không dùng thuốc ngủ cho các con mình và tự vẫn.
Con người ta quả là có số mệnh dù đôi lúc số mệnh đã quá ư nghiệt ngã với mình.
Năm Giáp Ngọ 2014,
Kỷ niệm lần thứ 39 - Ngày Quốc Hận.
(Hồi Ký của Phạm Gia Đại)
Nguồn: https://www.facebook.com/notes/la-huy/s%C3%A0ig%C3%B2n-ng%C3%A0y-th%C3%A1ng-cu%E1%BB%91i/363088313831945
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét