Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

QUYẾT ĐỊNH PHỦ CỜ & XIN MIỄN PHỦ CỜ CHO VIỆT DŨNG

 

QUYẾT ĐỊNH PHỦ CỜ & XIN MIỄN PHỦ CỜ CHO VIỆT DŨNG

Ngay sau khi Việt Dũng đột ngột qua đời Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Miền Nam Cali đã chính thức ra một quyết định làm lễ phủ cờ cho chiến sĩ Việt Dzũng (http://nsvietnam.blogspot.ca/2013/12/le-phu-co-cho-chien-huu-viet-dzung.html). Quyết định của Liên Hội không có gì ngạc nhiên khi xét về tinh thần đấu tranh của Việt Dũng, một người nặng lòng với đất nước, dân tộc, tận hiến cả cuộc đời cho công cuộc quang phục quê hương. Việt Dũng tuy chưa một lần khoác áo chiến binh nhưng quả thật xứng đáng được phủ Cờ Vàng.

Xin nói lại cho rõ là quyết định phủ cờ cho Việt Dũng không phải là quyết định của gia đình hay một cá nhân mà là quyết định của Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Miền Nam Cali và có thể nói là đã được đa số Người Việt Hải Ngoại đồng ý (http://www.baocalitoday.com/ - Thăm dò ý kiến). Đó là chưa nói đến nguồn tin chưa được kiểm chứng cho rằng ước nguyện của Việt Dũng là được phủ cờ lúc nằm xuống.

Sau khi quyết định của Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Miền Nam Cali được đưa ra thì gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của một số cá nhân. Nhưng vì mong muốn tang lễ của Việt Dũng được tiến hành và diễn ra một cách êm xuôi, tốt đẹp cho nên những sự phản đối ấy đã không được chuyển đi một cách rộng rãi.

Kế đến là có tin đồn gia đình đã xin phép được miễn nghi thức "Phủ Cờ" vì những sự phản đối đến từ một số cá nhân. Và tin này đã được xác nhận một cách chính thức qua lời giải thích của ông Nam Lộc ("Vì sao không có nghi thức phủ cờ trong tang lễ của cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng?" - http://www.baocalitoday.com/vn/tin-tuc/cong-dong/vi-sao-khong-co-nghi-thuc-phu-co-trong-tang-le-cua-co-ca-nhac-si-viet-dzung.html).

Khi nhận được lời giải thích của ông Nam Lộc thì một số người đã vội vã chuyển đi với sự tin tưởng là - làm gì có những sự phản đối về việc phủ cờ cho Việt Dũng, đó chỉ là những tin đồn, những lời bịa đặt, ...

Trước tiên bản tin đó là lời giải thích của ông Nam Lộc, một người ăn nói duyên dáng, lịch sự, khéo léo, thứ đến đây là một bản tin chính thức cho nên lời lẽ và ngôn từ đều mang tính chất ngoại giao như vậy muốn hiểu ý nghĩa thật sự của bản tin này thì phải chịu khó suy nghĩ một tí xíu. Trong trường hợp này người tây phương (Anh, Úc, Mỹ, ...) có thành ngữ "read between the lines"!

Tuy là một người ăn nói duyên dáng, lịch sự, khéo léo nhưng cũng có lúc vì không kềm được nổi cảm xúc cho nên trong bài điếu văn cho Việt Dũng ("Điếu văn của MC Nam Lộc đọc trong tang lễ nhạc sĩ Việt Dzũng" - http://www.baocalitoday.com/vn/tin-tuc/cong-dong/dieu-van-cua-mc-nam-loc-doc-trong-tang-le-nhac-si-viet-dzung.html) ông Nam Lộc đã thốt ra: "Oan nghiệt hơn nữa, là phải tiếp tục hứng nhận những đánh phá từ kẻ thù, cùng những tỵ hiềm, ganh ghét nhỏ nhoi nơi trần thế."

Như vậy mặc dầu nói rằng "Quyết định này hoàn toàn không chịu ảnh hưởng hoặc vì e ngại bởi bất cứ áp lực của một cá nhân, hội đoàn hoặc tổ chức nào" nhưng sự thật thì có lẽ không hoàn toàn như vậy. Tuy nhiên phải công nhận rằng quyết định xin miễn phủ cờ là một quyết định khôn ngoan, đúng đắn biết đặt quyền lợi "Quốc Gia" (Cộng đồng Người Việt hải ngoại là một nước Việt Nam không biên giới nằm ngoài Việt Nam, trãi rộng trên khắp thế giới) lên trên quyền lợi cá nhân và gia đình để không gây ra những xào xáo, tranh cải ồn ào trong cộng đồng một cách không cần thiết nhất là trong thời gian tang lễ của Việt Dũng.


NHỮNG SỰ PHẢN ĐỐI VỀ VIỆC PHỦ CỜ CHO VIỆT DŨNG

Nếu thật sự có những sự phản đối thì mọi người cũng muốn biết những sự phản đối ấy như thế nào? Dưới đây là một số email tiêu biểu có nội dung phản đối về việc phủ cờ cho Việt Dũng (lấy từ Diễn Đàn Phố Nắng) để chứng thực điều đã được nói trên.

>>>

Chinh Nghia <chinh.nghia@rocketmail.com> wrote:

Tại tôi thấy diễn đàn TVBQGVN đưa tin với tiêu đề Chiến Sĩ Việt Dzũng qua đời rồi thấy có người đưa cả cờ Việt Nam Cộng Hòa trên có dòng chữ Tổ Quốc Ghi Ơn nên đâm ra hoảng nên phải hỏi lại cho rõ.

À ra vậy, mai mốt nếu Ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh, Lữ Anh Thư, Trúc Hồ và những thành viên của Phong Trào Hưng Ca, ca sĩ TT Asia, SBTN đi xa chúng ta chắc cũng tiến hành phủ cờ và treo bảng Tổ Quốc Ghi Ơn, treo cờ rũ chứ gì?

Ôi ! Rõ chán cho chữ với nghĩa. Nghi thức tôn nghiêm, kính cẩn dành cho những người đã xả thân chiến đấu, hy sinh vì nhiệm vụ Bảo Quốc An Dân nay trở thành trò hề điếm nhục ở hải ngoại. Đầu óc như thế chẳng trách nào mất nước.

Kim Âu
DEC 20/2013

+

<kimau48@yahoo.com> wrote:

Nhiều khi thấy những tên khoa bảng ngu đần như Hồng Lĩnh đưa ý kiến lên diễn đàn, tôi thấy ngán ngẩm cho nhận thức và kiến thức của loại tiến sĩ giấy này. Đầu óc của Hồng Lĩnh kém cỏi đến nỗi không phân biệt được CHIẾN SĨ với KÉP HÁT, không phân biệt được CHIẾN TRƯỜNG với SÂN KHẤU, không phân biệt được THỰC TẾ với HƯ CẤU. Còn tệ hơn nữa khi Hồng Lĩnh không có chút hiểu biết nào về giá trị thiêng liêng cao cả của “LỄ NGHI QUÂN CÁCH”. Người quốc gia chân chính phải biết tôn trọng những giá trị của CHÍNH NGHĨA để hành động có CHÍNH DANH. Người quốc gia chân chính không lấy HƯ làm THỰC, không ngu đần cho rằng những TUỒNG TÍCH, HOẠT CẢNH TRÊN SÂN KHẤU là những CHIẾN CÔNG DŨNG CẢM, THẮNG LỢI HUY HOÀNG.

Bởi khi tuồng diễn hạ màn, hậu trường sân khấu là những con người nguyên vẹn mang bản chất xướng ca mà thôi.

Người dẫn chương trình và những đào thương, kép độc, nhạc công, ca công, vũ công nhớn nhác kiếm bầu “show” để lãnh tiền nhất là những “show” ế khách có khả năng bị quỵt. Chẳng có sự hy sinh và lý tưởng đấu tranh nào ở trong môi trường sinh hoạt phường tuồng đó cả.

Diễn tuồng yêu nước không phải là yêu nước đích thực và chỉ có những thứ đầu óc chứa toàn chất cặn bã, hoang tưởng mới đồng hóa những văn nghệ sĩ, ca công, nhạc công, vũ công với những người chiến sĩ, những quân nhân làm nhiệm vụ bảo quốc an dân đích thực. Xã hội nào, tập thể nào ngu muội đần độn như vậy tự thân phải băng hoại. Thực tế cho thấy tập thể “tha phương cầu thực ở hải ngoại” chính là một tập thể như vậy. Ngược lại những người quốc gia còn “giữ gìn tư cách tỵ nạn” luôn luôn đủ ý thức nhận biết những trò PHƯỜNG TUỒNG chỉ để mua vui trong vài trống canh.

Nhớ bài học này nhé Hồng Lĩnh!

Kim Âu
DEC 23/2013

+

Nhìn lại thời nay bọn Cộng sản Việt Nam phong cơ man là anh hùng. Đến nỗi ra ngõ là gặp anh hùng. Anh hùng lao động, gánh cứt cũng anh hùng nhưng chúng rất hèn với giặc, ác với dân vì cách phong anh hùng như vậy chỉ là "họa hổ bất thành, phản loại khuyển". Vậy mà chúng vẫn cứ an nhiên trường trị dù xét lại thì ở hải ngoại đâu có thiếu anh hùng với anh thư. Có điều anh hùng, anh thư ở hải ngoại hiện nay cũng được tấn phong theo kiểu “Vẽ Hổ Thành Chó” mà thôi.

Buồn thay

Kim Âu
Dec 24/2013

<<<

Và sau khi Trúc Hồ ra thông báo dời buổi lễ tưởng niệm Việt Dũng về trụ sở SBTN (http://nsvietnam.blogspot.com.au/2013/12/viet-dzung-1958-2013-chuong-trinh-le.html) thì Kim Âu đã xách mé như sau:

"Hai người lính trên tượng đài đánh bật cái trò hề Vẽ Hổ Thành Chó về lại sân khấu SBTN"

Sau khi bị phản đối trên Facebook (https://www.facebook.com/son.ha.927?fref=ts) và diễn đàn một cách mạnh mẻ thì Kim Âu đã đổi giọng và vịn vào Lễ Nghi Quân Cách để phản đối một cách yếu ớt với một email như sau:

>>>

Chinh Nghia <chinh.nghia@rocketmail.com> wrote:

Bạn trẻ hiểu lầm quá rồi! Không ai ngăn cản việc sử dụng quốc kỳ cho người quá cố.

Chúng tôi chỉ không đồng ý sử dụng Lễ Nghi Quân Cách vốn chỉ dùng cho những Chiến Sĩ Vị Quốc Vong Thân.

Và tôi là người lên tiếng đầu tiên, sau đó cô Diễm Chi đã email cho tôi biết gia đình đã quyết định tôn trọng quy tắc của QLVNCH. Tôi cũng đã được xem buổi trao cờ cho gia đình VD và xác nhận thủ tục như vậy là đủ và đúng.

Quốc kỳ vẫn phủ lên thân thể người quá cố theo nghi thức công dân sau đó gia đình sẽ thu hồi gấp lại trước khi mai táng hay hỏa thiêu.

VNCH là một quốc gia có hiến pháp, pháp luật có những thủ tục, nghi thức được quy định chặt chẽ cho dân, quân, cán, chính. Ngày nay VNCH và QLVNCH đã đi vào lịch sử nếu quý vị tin rằng chính nghĩa quốc gia là thực hữu trước tiên hãy tôn trọng những tín niệm và nghi thức thiêng liêng bất khả tư nghị của nền cộng hòa.

Bản thân chúng tôi khi qua đời sẽ không chấp nhận phủ cờ theo Lễ Nghi Quân Cách vì cũng không có bất kỳ người nào có thẩm quyền ban phát nghi thức đó dù chúng tôi đã tận hiến và trong ba sọc đỏ của quốc kỳ đã có máu của chúng tôi. Để có được hai câu thơ "An Lộc địa sử ghi chiến tích, Biệt Kích Dù vị quốc vong thân" bao nhiêu người trai hùng đã ngã xuống vĩnh viễn ở Đồng Long. Để có được nhạc phẩm "Cờ bay" hàng nghìn chiến hữu của chúng tôi đã đi vào thiên cổ trong lứa tuổi thanh xuân. Xin hãy biết kính trọng những tử sĩ của nền cộng hòa, nếu không các bạn sẽ không bao giờ hiểu được thế nào là Hồn Sử và Hồn Thiêng Sông Núi.

Kim Âu
DEC 28/2013

<<<

Rất tiếc là có những người khi chuyển đi đoạn email của Kim Âu (ở bên trên) là họ chỉ chuyển đi một sự thật đã bị cắt xén, nói nôm na chỉ là một nửa sự thật, mà người ta thường nói "Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật"!

Bây giờ có lẽ mọi người đã rỏ là lý do tại sao những email với nội dung phản đối việc phủ cờ cho Việt Dũng đã không được chuyển đi rộng rãi trong thời gian tang lễ của Việt Dũng, là vì với những lời lẽ khiếm nhã, xách mé, mĩa mai các email này đã không có chổ đứng trong hàng ngàn bài viết, bài thơ, những lời chia buồn, bày tỏ lòng thương tiếc đến Việt Dũng.


VẤN ĐỀ PHỦ CỜ & PHẠM VI TRANH LUẬN

Vấn đề phủ cờ

Bây giờ hãy bàn đến vấn đề phủ cờ một cách đúng đắn. Về việc xác định vinh dự phủ cờ dành cho những ai và trong trường hợp nào thì đã có những ý kiến, lập luận, dữ kiện đưa ra như sau:

"Nghi thức tôn nghiêm, kính cẩn dành cho những người đã xả thân chiến đấu, hy sinh vì nhiệm vụ Bảo Quốc An Dân nay trở thành trò hề điếm nhục ở hải ngoại." (Trích từ email của Kim Âu ở bên trên)

"Nhưng đối với chính thể VNCH thì luật lệ đã được ghi rõ rằng “lễ nghi quân cách” này chỉ dành riêng cho quân đội mà thôi, đồng thời chỉ có những người hy sinh vì tổ quốc mới nhận được vinh dự đó." ("Vì sao không có nghi thức phủ cờ trong tang lễ của cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng?" - http://www.baocalitoday.com/vn/tin-tuc/cong-dong/vi-sao-khong-co-nghi-thuc-phu-co-trong-tang-le-cua-co-ca-nhac-si-viet-dzung.html)

(Ghi chú: Cứ tạm thời chấp nhận sự hiện hữu của cái "luật lệ đã được ghi rõ rằng" mặc dầu chưa có ai trưng ra được cái văn bản quy định luật lệ phủ cờ như thế nào.)

"Thời quân đội Quốc Gia Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp, quốc kỳ vàng ba sọc đỏ chỉ được phủ lên quan tài quân nhân tử trận. Nhưng sang đến thời Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa, tục lệ này được nới rộng cho cả bên lực lượng bán quân sự, cán bộ và công chức nếu họ hy sinh đang lúc thừa hành công vụ. Sở dĩ tục lệ này được nới rộng ra hàng ngũ những người không phải quân nhân là để cho công bằng vì trong chiến tranh, nếu có người hy sinh vì quân vụ thì cũng có người hy sinh vì công vụ, họ cũng phải được nhận vinh dự mà quốc gia dành cho họ." ("Tôi chết đừng phủ cờ vàng?" - http://www.daivietquocdandang.net/dungphucovang.htm)

(Ghi chú: Việc phủ cờ được nói đến trong bài này như là một "tục lệ" chứ không phải là một "luật lệ đã được ghi rõ ràng". Mà đã là "tục lệ" thì việc áp dụng thường rất uyển chuyển, thay đổi theo từng thời kỳ, hoàn cảnh và không bị ràng buộc bởi một sự quy định hay điều luật nào cả.)

Tóm lại, theo quan điểm "rộng", một cách công bằng, vinh dự phủ cờ dành cho những người hy sinh vì quân vụ hay công vụ. Nhưng, theo quan điểm "hẹp", có một số cá nhân đã gay gắt đòi cái vinh dự này chỉ dành riêng cho quân đội mà thôi.

Như vậy cho dầu theo quan điểm "rộng" hay "hẹp" thì từ sau ngày 30/04/1975 tất cả những vinh dự phủ cờ đã được thực hiện ở hải ngoại đều là một việc làm sai trái, vi phạm luật lệ, lạm dụng lá Cờ Vàng.

Lý do: không có một ai hy sinh vì công vụ hay quân vụ mà chỉ là chết già, chết bịnh, chết vì tai nạn thậm chí nghi thức phủ cờ còn được thực hiện cho những người chỉ biết ru rú trong nhà, trùm mền chống cộng, vinh thân phì gia, hoặc còn tệ hơn nữa là những người xếnh xáng áo gấm về làng, ăn nhậu, nhảy đầm, du hí, không hề tham gia các sinh hoạt đấu tranh, từ chối, tránh né cả việc cầm Cờ Vàng, đứng dưới Cờ Vàng, chào quốc kỳ VNCH, phản bội lại Chính Nghĩa Quốc Gia, bôi nhọ cộng đồng Người Việt hải ngoại, bội nhọ tập thể QLVNCH.

Vậy thì tại sao những người này được phủ cờ mà Việt Dũng lại bị phản đối?! Đã lạm dụng lá Cờ Vàng, không làm đúng với luật lệ qui định (do chính mình nêu ra) mà lại còn phản đối việc phủ cờ cho một người đã tận hiến cả cuộc đời cho công cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam. Thật là mĩa mai!

Hơn thế nữa - "Như tất cả mọi người đều biết, quốc kỳ là một biểu tượng cao quí của quốc gia và dân tộc. Dân tộc của mỗi quốc gia bao gồm mọi giới Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh. Việc bảo vệ và xây dựng quốc gia không đơn thuần trông cậy vào một thành phần nào trong xã hội mà phải trông cậy vào tòan thể mọi giới, mọi người dân. Vì thế, việc phủ quốc kỳ trên quan tài của người quá cố là một hành động để ghi công về những việc làm, những đóng góp của người quá cố đối với quốc gia." ("AI XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC PHỦ QUỐC KỲ VNCH TẠI HẢI NGOẠI?" - http://www.luatkhoasanjose.com/2014_01_01_archive.html)

Phạm vi tranh luận

Khi đưa ra một vấn đề để tranh luận trước nhất là phải xác định vấn đề đó một cách rõ ràng, cụ thể dựa trên những dữ kiện, những ý kiến, những chi tiết đã được nêu ra - như đã làm bên trên. Thứ đến là cùng nhau tranh luận và chỉ tranh luận trong phạm vị (scope of discussion) của vấn đề đó mà thôi.

Vấn đề (đề tài) tranh luận ở đây là: Vinh dự phủ cờ trên quan tài.
Lý do tranh luận: Xác định những ai và trong trường hợp nào được hưởng vinh dự phủ cờ.

Tổng hợp những ý kiến, luật lệ nêu ra ở bên trên và để tránh những sự tranh cải kéo dài vô ích thì chúng ta hãy (tạm) chấp thuận cái quan điểm "hẹp" về việc phủ cờ - tức là vinh dự phủ cờ chỉ dành riêng cho các quân nhân hy sinh vì quân vụ (chết trong lúc đang thi hành công việc, chết ngay tại mặt trận hoặc chết sau khi được chuyển về hậu cứ vì bị thương tích tại mặt trận).

Một khi đã chấp thuận luật lệ phủ cờ như đã định thì không còn có lý do gì để tiếp tục tranh luận về vấn đề này và nếu có thì chỉ có thể tranh luận trong phạm vi của việc phủ cờ trên quan tài và người được hưởng vinh dự này phải là quân nhân hy sinh vì quân vụ. Chấm hết.

Có nghĩa là muốn phủ bất cứ cái gì lên trên quan tài mà không phải là lá Cờ Vàng thì không có vấn đề gì, hay không phủ Cờ Vàng lên trên quan tài mà lại phủ lên trên thân xác của người quá cố theo như ý nguyện thì cũng không có vấn đề gì. Đây là những việc làm hoàn toàn không vi phạm luật lệ phủ cờ, lễ nghi quân cách vậy những ai cảm thấy không bằng lòng và vẫn tiếp tục tranh luận bằng cách lái vấn đề phủ cờ sang một hướng khác thì đã đi ra ngoài phạm vi tranh luận (scope of discussion). Nếu chúng ta không tự giới hạn trong phạm vị tranh luận mà cứ tiếp tục cải chầy cải cối thì hoá ra chúng ta không tranh luận về một vấn đề dựa trên lý lẽ trong sáng, dựa trên tinh thần dân chủ mà là chúng ta cải cho lấy có, cải để dành phần thắng thua.


GIẢI PHÁP CHO VẤN ĐỀ PHỦ CỜ

Có hai trường hợp được phủ cờ - “theo công trạng” hay “theo ý nguyện”.

Phủ cờ theo công trạng

Mặc dầu "Vũ khí đấu tranh hiện nay của cộng đồng người Việt Quốc Gia tại hải ngọai, biện pháp dùng quân sự khó thực hiện. Chính vì thế, phương cách đấu tranh hữu hiệu chính là bao gồm trên mọi lãnh vực: chính trị, vận động ngọai giao, truyền thông, văn hóa, kinh tế, tôn giáo, tài chánh v.v.. Mọi mũi dùi tấn công bọn độc tài CSVN đều đáng được ca ngợi và vinh danh." ("AI XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC PHỦ QUỐC KỲ VNCH TẠI HẢI NGOẠI?" - http://www.luatkhoasanjose.com/2014_01_01_archive.html)

Nhưng như đã xác định ở bên trên - vinh dự phủ cờ chỉ dành cho những người hy sinh vì quân vụ hay quân vụ, và theo quan điểm "hẹp" thì vinh dự này chỉ dành riêng cho quân đội, tức là những quân nhân tử trận. Vậy thì những ai dựa vào lập luận này để bênh vực cho sự phản đối việc phủ cờ cho Việt Dũng, nhất là các vị ở trong quân đội, xin hãy tôn trọng tuyệt đối luật lệ phủ cờ như đã nêu.

Các vị ở trong quân đội chắc hẳn phải biết tôn chỉ (khẩu hiệu) TỔ QUỐC - DANH DỰ - TRÁCH NHIỆM, vậy thì các vị phải biết đặt TỔ QUÔC lên trên hết tức là phải tôn trọng luật lệ phủ cờ của quốc gia một cách tuyệt đối; phải lấy DANH DỰ của mình mà tâm nguyện rằng nếu không chết vì hy sinh cho tổ quốc (tử trận) thì không được hưởng vinh dự phủ cờ; và phải có TRÁCH NHIỆM ra lệnh cho cấp dưới, thuyết phục cấp trên là phải thi hành đúng đắn luật lệ phủ cờ cho chính mình và cho đồng đội.

Cũng chính vì là một người có danh dự, có trách nhiệm và biết đặt tổ quốc lên trên hết cho nên Thiếu Tướng Lê Quang Lưỡng đã trối trăn như sau:

"Tôi làm tướng không bảo vệ được nước, khi nước mất tôi đã không dám chết theo nước, nên khi tôi chết già yêu cầu đừng phủ quốc kỳ lên quan tài tôi, vì tôi tự biết mình không xứng đáng được hưởng lễ nghi nầy."

Vậy xin đừng nói một đàng làm một nẻo như bọn VC, mà hãy noi gương Tướng Lê Quang Lưỡng để tạo sự kính trọng đối với đồng đội, đối với các thế hệ con em, các hậu duệ của QLVNCH.

Cũng xin đừng có lớn tiếng phản đối việc phủ cờ dành cho những người quả thật xứng đáng được hưởng vinh dự này một khi cái luật lệ phủ cờ (do chính mình nêu ra) đã bị vị phạm, lạm dụng một cách vô kỹ luật, vô trách nhiệm.

Phủ cờ theo ý nguyện

Có những bạn trẻ sinh ra và lớn lên (lúc ở trong nước) không hề nghe nói về lá Cờ Vàng, không hề thấy được lá Cờ Vàng, vậy mà khi ra đến hải ngoại những người này đã nhanh chóng tìm hiểu ý nghĩa của lá Cờ Vàng và tỏ ra yêu quí, tôn kính lá Cờ Vàng.

Được sự dẫn dắt của thế hệ cha anh, các con em thuộc thế hệ trẻ đã không những yêu quí, tôn kính lá Cờ Vàng mà họ còn đồng hành với cha anh dấn thân tranh đấu cho Việt Nam lấy lá Cờ Vàng làm biểu tượng cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền.

Cũng vì trân quý lá Cờ Vàng mà đã có không ít những người thuộc thế hệ cha anh cũng như thế hệ con em đã có ý nguyện là được phủ Cờ Vàng lúc nhắm mắt bằng những lời lẽ thật cảm động - "Tôi đã mất Tổ Quốc, thân xác tôi không được chôn trong lòng đất mẹ, lá cờ Vàng là đất mẹ của tôi, vì vậy tôi muốn lá Cờ Vàng quấn xác tôi, phủ quan tài của tôi như thể tôi được ôm trong vòng tay của đất mẹ."

Và khi bị phản đối thì đã lập luận rằng: "Khi sống, tôi đã choàng cờ trên vai đi biểu tình tỏ rõ lập trường, khi chết, tại sao tôi không được choàng cờ trên quan tài của tôi. Đó là lần cuối thân xác gỗ của tôi được đụng tới lá cờ thì tại sao không được."

Theo như luật lệ phủ cờ đã được nêu trên, để tránh sự tranh cải, ồn ào không cần thiết thì không nên phủ Cờ Vàng nhưng thay vào đó là một tràng hoa kết thành Cờ Vàng phủ trên quan tài và phủ hết chiều dài của quan tài (thay vào vị trí của lá cờ) - Đẹp vô cùng! Như vậy thì người nào và với lý do gì, lý lẽ gì có thể chống đối việc phủ quan tài bằng một tràng hoa có màu cờ mà mình yêu quí.

(Ghi chú: Sau khi tiển đưa linh cửu ra nghĩa trang, nếu là thiêu thì tràng hoa này có thể đem về đặt bên cạnh bàn thờ của người quá cố, còn nếu chôn thì đặt tràng hoa ngay trên nấm mộ vừa mới đắp, trang trọng và ấm áp vô cùng.)

Thêm vào đó, Cờ Vàng có thể được đắp trên thân xác của người quá cố như ý nguyện, hay tốt nhất là xếp lá cờ lại và đặt ngay ngắn lên ngực người quá cố rồi để hai tay của người quá cố lên trên lá cờ như trong tư thế đang ôm, đang ấp ũ lá cờ. Như vậy là hoàn toàn không vi phạm luật lệ phủ cờ, lễ nghi quân cách mà lại làm đúng với ý nguyện của người vừa nằm xuống.

Xin nhắc lại - luật lệ phủ cờ đòi hỏi người nằm trong quan tài nếu muốn hưởng được vinh dự phủ cờ thì phải có đầy đủ 2 điều kiện: (1) phải là một quân nhân và (2) chết trong khi thi hành quân vụ. Chỉ có thế thôi.

Do đó nếu đã không có cờ phủ trên quan tài thì người quá cố có là quân nhân hay không, qua đời vì bất cứ lý do gì và gia đình có làm bất cứ những gì để đáp ứng ý nguyện của người nằm xuống trong việc bày tỏ sự trân quý đối với lá Cờ Vàng thì không ai có thể nói là đã vi phạm luật lệ phủ cờ.


THAY CHO LỜI KẾT

Việt Dũng đã ra đi với muôn vàn thương tiếc của hàng triệu người Việt trong nước và ở hải ngoại. Lắng lòng lại nếu chúng ta nghĩ rằng "everything happens for a reason" (mọi việc xảy ra đều có nguyên do của nó) thì chúng ta cũng có thể tin là Việt Dũng đã được bề trên gọi về sau khi đã hoàn thành sứ mạng giao phó nơi trần thế.

Trộm nghĩ, nếu hàng ngàn người tiển đưa Việt Dũng với mỗi người một lá Cờ Vàng trong tay thì cho dù trên quan tài Việt Dũng không được phủ MỘT lá cờ (như ước nguyện) mà lại được tiễn đưa bằng một RỪNG Cờ Vàng thì hương linh của Việt Dũng sẽ được mãn nguyện biết bao!

VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC!
— cùng với Quang Che, Nguyễn Quang Duy, Phuong Nguyen, Hung Ngo, Alex Nguyen, Vũ Tuân, Thi Nhan Dao, Mary Tuyết, Nhung Truong, Hoang Tran, Thanh Nguyen, Anh Huynh, Hùng Sơn, Hélène Nguyễn, Peter Dao, Hélène Nguyễn, Lamngoc Le, Tuan Le, Quang Nguyen, Chan Son Ngu Wu, Khuong Nguyen, Long Điền, Hoang Nguyen, Phi Vũ, Hanh Dang, Lee Le II, Cat Bui Vuong Van, Người Phản Động, Quynh Tram Viet Nam, Tôn Nữ Mậu Thân, Hoang NguyenChau Kelley
Bỏ thích · · Chia sẻ · 5 Tháng Giêng

Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1450875321802090&set=a.1376075655948724.1073741828.100006389071637&type=1&theater

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét