Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Cây mai của người tù

 
 Nhất Chi Mai- Hà Nội

Lời tựa.
    Xin mời các chiến hữu và quý độc giả thưởng thức bài viết rất hay và xúc động của một trong muôn ngàn cựu tù binh cải tạo- Chiến Sĩ QL.VNCH- trong các trại tù CSVN,. Qua tác phẩm Cây Mai của Người tù...! mỗi khi mùa xuân về...và để nhớ lại thời chinh chiến đã qua...!!! trong lòng người cải tạo.

 Cây mai của người tù   | 
     Contributed by: Admin  |  Views: 4.465
Patrick Lăng (Viết tặng Ngọc Mai - Springfield, Virginia )

Tự nhiên như thế, mọi người đều yêu thích mùa xuân. Có phải chăng mùa xuân là mùa của trời đất giao hòa cùng vạn vật, mùa của thời tiết tuyệt vời, mùa của bao nhiêu lễ hội ở các đình chùa với hương trầm nghi ngút, mùa của cỏ cây hoa lá như thay áo mới để vui đùa với lũ bướm đàn ong...
Xuân là thế đó, đôi mắt của các em bé long lanh như những hạt sương buổi sớm, đôi má của các thiếu nữ như hồng thêm lên một tí và mùa xuân của các người lớn tuổi cảm thấy mình như được khỏe mạnh thêm lên. Riêng phần tôi, mùa xuân phải nói thêm là mùa của hoa mai, là loại hoa tôi yêu thương nhất. Trong khi các loài hoa khác như hoa sen được tôn vinh là hoa quân tử hoặc hoa lan là hoa vương giả thì đối với tôi số một vẫn là hoa mai. Đôi mắt của ai đó sao mà sâu thẩm mênh mông để lộ chút tình riêng tư từ những ngày tháng cũ!
Tôi nhìn tôi từ dĩ vãng mà vẫn biết mình còn chút tình với mùa xuân, khi những nụ mai vàng óng ả khoe sắc trên cành lá xanh xanh. Tôi yêu loài hoa ấy vô cùng, hơn cả các loài hoa sen, hoa hồng, hoa lan với màu sắc ngợp trời đang lung linh trong những cơn gió Tết.
Có lẽ ngoại tôi đã ấn một dấu son vào trí nhớ của tôi từ khi còn nhỏ. Ngoại đã trồng một cây mai thon thả, e ấp dưới tàn lá của hai cây vú sữa trước sân nhà. Ngoại sống trong một căn nhà ở ngoại ô của một quận lỵ an bình nhất thuộc miền Nam VN dù cuộc chiến giữa Bắc quân và Nam quân đang diễn ra một cách khốc liệt nhất trên quê hương từng giờ từng phút. Đó là nơi mà những năm tôi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường khi còn thơ ấu, không bao giờ tôi bỏ qua những ngày cuối tuần hay nghỉ lễ để sống với tuổi thơ xinh đẹp, hồn nhiên như những cánh diều thênh thang trong gió.
Vườn nhà ngoại tôi trồng rất nhiều cây ăn trái như: chuối, ổi, cam, quít... và trong những dịp nầy tôi vẫn thường giúp ngoại tôi xách nước tưới cây, nhất là giàn trầu của ngoại. Ngoại tôi thường nhìn tôi làm công việc nầy và có lần ngoại thắc mắc hỏi tôi: "Sao ngoại thấy con tưới trầu và các cây khác mỗi gốc chỉ có một thùng mà cây mai thì con tưới tới hai thùng. Sao vậy?".Tôi mỉm cười trả lời với ngoại: "Dạ con tưới cây mai hai thùng vì mỗi khi mai trổ bông nó làm cho nhà ngoại sáng và đẹp hẳn lên so với các nhà khác" Ngoại tôi cũng cười và quay sang nói với ông Ba là em ruột của ngoại: "Cái thằng nầy mới có bây lớn mà đã lãng mạn rồi, hồi nó ăn thôi nôi đã chọn cây viết, chắc sau nầy lớn lên nó sẽ theo nghề đó".
Hoa mai vẫn ở trong đầu của tôi khi còn đi học vì tôi rất mê những bộ truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Tôi thường say sưa thảo luận với bạn bè trong sân trường hay mỗi khi có dịp về những nhân vật ấy như Vô Kỵ, Triệu Minh, Đoàn Dự, Vương Ngọc Yến, Kiều Phong, A Tỷ... Một điểm đặc biệt là tôi rất thích đoạn Trương Vô Kỵ đã dùng một cành mai đánh bại cặp vợ chồng Hà Thái Xung-Ban Thục Nhàn, chưởng môn phái Côn Luân trên đỉnh núi Thiên Sơn với bạt ngàn hoa mai trắng. Còn trong bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ, tôi đã say mê đọc có thể nói là quên tất cả mọi việc đang xảy ra quanh mình khi tới đoạn Lệnh Hồ Xung bị Hướng Vấn Thiên bày mưu lừa gạt đưa đến Mai trang để đấu trí với Tứ trang chúa là những nhân vật có một không hai trong chốn giang hồ hầu cứu Nhậm Ngã Hành đang bị giam dưới đáy Tây Hồ. Trong đoạn nầy, nhiều khi tôi tưởng tượng Mai trang hẳn là đẹp lắm vì chỉ trồng duy nhất một loại hoa nầy và lúc đó tôi tha hồ vẽ ra cảnh trí thần tiên của Mai trang, một nơi chỉ có trong sách vở chứ không bao giờ có ngoài thực địa.
Mai và tôi đã gắn bó rất nhiều trong cuộc đời, kể cả khi giã từ sách vở để theo nghiệp binh đao. Mai đã hiện diện trên cổ áo tôi theo cấp bậc mà quân đội đã ban cho và cùng đi với tôi vào nơi gió cát, kể cả những nơi cái sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc mà thôi. Tôi nhớ lại có một bài hát trong đó có câu.... đồn anh đóng ven rừng mai, nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa? cũng đã thấy nao lòng cho người lính chiến vì nhiệm vụ mà quên cả mùa xuân.
Tôi cũng từng đóng quân ven rừng mai khi ở Quốc lộ 14 nối liền hai tỉnh Kontum-Pleiku và tôi đã từng đi vào rừng mai lẫn cúc đại đóa trong những tháng năm giáp Tết. Màu vàng của hai loài hoa nầy cộng với khí trời se lạnh của đất Tây nguyên đã khiến tôi ngợp trong ánh vàng chói lói, cảnh vật như một bức tranh tuyệt vời mà có lẽ chỉ có những người mà "chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" như chúng tôi mới cảm nhận được những gì tạo hóa đã ban cho nhân loại.
Rồi đến những ngày đen tối của đất nước đổ ập xuống cho quân dân miền Nam. Chúng tôi đã phải buông súng theo lệnh đầu hàng của một con người mà tư cách chẳng ra gì lại lên lãnh đạo quốc gia trong những tháng năm dầu sôi lửa bỏng. Hai tiếng "đầu hàng" tôi chẳng biết nó nằm ở đâu, trong bài học nào của các lớp học về quân sự, giờ lại được đem ra sử dụng để đẩy chúng tôi vào thế dở sống dở chết khi đang cầm súng bảo vệ miền Nam thân yêu. Cũng hai tiếng "đầu hàng" quái ác nầy đã làm cho một số các bậc anh hùng phải mượn cái chết để giữ gìn tiết tháo như người xưa đã dạy
"Làm tướng mà không giữ được thành thì phải liều mình mà chết theo thành".
Trở lại số phận chúng tôi, những người bại trận ai ai cũng hiểu rằng Bắc quân chẳng tử tế gì khi ra lệnh tất cả anh em chúng tôi phải lên đường đi vào các trại tập trung cải tạo đồng thời hiểu ngầm rằng đó là con đường dẫn vào địa ngục trần gian. Ở đây, không có công ước quốc tế về qui chế tù binh mà chỉ có sự trả thù tinh vi thâm độc làm cho không biết bao nhiêu sinh mạng con người đã gục ngã vì nhiều lý do: bệnh tật, tra tấn, xử bắn... trong giai đoạn nầy.
Giống như bao trại cải tạo khác, trại của chúng tôi cũng di chuyển liên tục nhiều nơi và cây mai một lần nữa gắn bó với tôi khi tôi lao động ở một nông trường sản xuất.
Đây là giai đoạn tương đối dễ thở cho đám tù binh vì trại giam nằm giữa đồng trống mênh mông và công việc chính hàng ngày là đi làm ruộng hoặc đào kinh lấy nước tưới tiêu cho nông trường. Mỗi khi đi lao động, chúng tôi thường đi qua một xóm của người dân miền Nam chất phác, họ biết chúng tôi là những người đã từng cầm súng bảo vệ họ nay vì thất trận nên đành phải chịu sống kiếp tù đày, do đó họ rất có cảm tình với chúng tôi.
Trong xóm nầy tôi biết nhà của một lão nông có một miếng vườn trồng toàn cây mai để bán Tết. Đây quả thật là một bất ngờ lớn đối vối tôi trong hoàn cảnh tù đày. Tôi kiếm cách làm quen với gia đình bác Ba vì tôi không biết người lão nông nầy tên gì chỉ biết danh xưng theo thứ tự trong gia tộc theo cách gọi của người miền Nam, có khi thì ngồi nghỉ trưa trước nhà của bác, khi thì xin gáo nước mưa để uống. Thời gian ở nông trường nầy cũng khá lâu nên bác Ba đã quen mặt chúng tôi, lâu lâu bác gởi biếu vài cân khoai lang hoặc một vài nải chuối... món quà thôn dã đơn sơ nhưng chứa đựng cả một tấm lòng nhân hậu của hầu hết người dân Nam bộ.
Trong thời gian lao động tại đây, giờ nghỉ trưa tôi thường quanh quẩn trong vườn mai nhà bác, khi thì vặt lá bị sâu, khi thì mân mê những mầm non mới nhú hoặc có khi đứng chiêm ngưỡng những cội mai được trồng lâu năm với hình dáng như cây thế trong những chậu lớn để bán nguyên cây. Hình như thấy được nỗi đam mê của tôi nên bác Ba cũng thường theo tôi ra vườn mai nhà bác để nói chuyện cho vui. Bác còn chỉ cho cách chăm sóc, vặt lá hoặc uốn các cành non, hầu tạo ra các thế của cây. Bác nói với tôi là trước năm 75, nhiều khi bác chỉ cần bán một cặp mai kiểng thôi bác cũng đã có đủ tiền để mua gạo cho cả nhà ăn quanh năm rồi. Tôi trả lời bác là số tiền đó lớn thật, nhưng so với công chăm sóc trong nhiều năm trời mới có được cặp mai như vậy thì công đó lớn gấp nhiều lần. Bác mỉm cười nói với tôi là gặp được người biết hưởng thức và dám bỏ tiền ra mua như thế, bác rất vui lòng không cần so bì hơn thiệt.
Một hôm bác theo tôi ra vườn tay mang theo một cây mai nhỏ được trồng trong một cái chậu bằng đất nung thật xinh và nói rằng bác biếu tôi để mang về trại chăm sóc cho vui vì bác nghe tin chúng tôi sắp phải di chuyển đi nơi khác. Bác còn nói thêm rằng cây mai nầy là loại mai năm cánh, quí hơn các loại mai thường được bán trong dịp Tết. Tôi vô cùng xúc động vội nói lời cám ơn bác Ba, một lão nông nhân hậu, thật thà và mang chậu mai ra về trong lòng rất hân hoan sung sướng.
Bắt đầu từ lúc đó, tôi có thêm một thú vui nho nhỏ sau những giờ lao động nhọc nhằn là chăm sóc cây mai nho nhỏ như chăm sóc một người bạn thân thiết của mình. Một số bạn tù cùng đội với tôi lấy làm ngạc nhiên, thậm chí có một vài người còn lên tiếng phê bình: "Ở tù bị đói khổ liên miên mà còn bày đặt học đòi theo thú chơi hoa của người xưa". Tôi chỉ mỉm cười không trả lời, riêng có anh Thế, (hiện tại anh đang định cư tại Toronto, Canada) là bênh vực tôi "Tụi mầy sao giờ lao động còn có màn uống trà, đánh cờ tướng, nó không tham dự mấy món nầy thì phải cho nó giải trí bằng cách riêng của nó, không lẽ bắt nó nằm gác tay lên trán thở dài hoài thì sống sao cho nổi". Từ đó, họ mới thôi đả kích tôi.
Sau khi bị di chuyển thêm ba trại nữa, một số lớn anh em chúng tôi được thả, số còn lại khoảng vài chục người, trong đó có tôi, cuối cùng được định cư ở Sóc Trăng. Trong thời gian đi lao động tại đây, chúng tôi vô cùng mang ơn những người dân tại địa phương nầy vì cung cách đối xử nhân hậu như những người mẹ, người dì dành cho tù nhân cải tạo.
Thời gian lặng lẽ trôi qua và chúng tôi sống âm thầm chờ ngày được trả tự do với những toan tính riêng tư trong đầu hầu sẽ thực hiện khi rời khỏi nơi đây để trở về cuộc sống bình thường ngoài xã hội. Một ngày của tháng 8 năm 1981, tôi và tất cả các bạn tù được ban quản huấn trại tập họp "để làm việc", cũng giống như các lần trước, giấy ra trại được phát cho anh em chúng tôi, sau khi cán bộ trại giam phát biểu những lời dối trá ca ngợi đảng đã có chính sách khoan hồng đối với tù binh. Tôi vội vàng thu xếp tất cả các đồ đạc của mình vào trong túi xách và không quên mang theo chậu mai, rời khỏi nhà giam trực chỉ bến xe để kiếm phương tiện về quê càng sớm càng tốt.
Sau khi đón được xe, tôi đưa hành lý của tôi bao gồm cả chậu mai mà tôi đã nâng niu, chăm sóc trong những năm tháng không thể nào quên nơi ngục tù cộng sản cho người phụ xế chất trên mui rồi bước lên xe hầu tìm một chỗ đứng vì không còn một ghế trống nào để ngồi.
Khoảng nửa giờ sau xe bắt đầu lăn bánh, người chủ rời khỏi chỗ ngồi dành riêng cho mình đi thâu tiền thì một bất ngờ lớn lại đến với tôi, khi bà nầy cứ ngó tôi đăm đăm và miệng lại hỏi nhỏ:
- "Xin lỗi, có phải ông là Trung úy C. trước ở Sư Đoàn 22 Bộ binh không?”
Tôi rất ngạc nhiên, nhưng cũng trả lời:
- "Dạ phải! Sao bà lại biết tôi?”
Bà chủ xe kéo tôi ra phía trước và mời tôi ngồi nơi ghế dành riêng cho bà và nói "ông thầy ngồi đây, chờ một chút tới bến, mình sẽ nói chuyện sau".
Trong khi tôi cố gắng nhớ lại người đàn bà nầy là ai và sao lại biết mình thì xe đã đến bến. Hành khách lục tục rời khỏi xe, tôi chờ cho mọi người xuống hết rồi mới đứng dậy bước ra khỏi xe, hỏi người phụ xế túi xách của tôi. Anh ta trả lời, không còn hành lý nào của khách trên mui cả. Tôi ngẩn người bảo anh ta xem kỹ lại giùm một lần nữa, nhưng anh ta trả lời là không có.
Đúng lúc ấy, bà chủ xe bước đến và mời tôi vào quán để uống nước. Tôi đành đi theo, nhưng trong lòng tiếc ngẩn ngơ cái túi xách của mình vì đã mất luôn cả chậu mai mà tôi đã bao năm bỏ công nâng niu chăm sóc.
Sau khi kêu nước uống cho mọi người xong, bà chủ xe bắt đầu hỏi tôi:
-"Trung Úy có nhớ tôi là ai không?”
Tôi ngập ngừng, trả lời:
-"Xin lỗi chị, thật tình tôi không nhớ rõ chị lắm. Vả lại xin chị kêu tôi bằng tên đủ rồi, đừng kêu cấp bậc cũ nữa vì vô tình sẽ gặp rắc rối mà mình không thể nào lường trước được.
- "Thôi cũng được! tôi gọi Trung úy là ông thầy như chồng tôi. Tôi là vợ của Hạ Sĩ Thành trong toán lao công đào binh thi hành án ở đơn vị do ông thầy chỉ huy. Hồi đó chồng kể lại lúc mới ra Kontum gặp mùa đông rất lạnh, ông thầy đã ra lệnh lấy quần áo lính và mền của đơn vị phân phát cho toán lao công và chính vì vụ nầy ông thầy đã bị phạt 15 ngày trọng cấm vì tội phát quân trang sai nguyên tắc.”
Chị ta lại nói tiếp:
- "Tất cả lao công đào binh hồi đó không bao giờ quên ơn ông thầy. Riêng phần chồng tôi, trong một lần đi tải đạn đã bị thương vì pháo kích, chính một tay ông thầy xin máy bay tản thương, đồng thời làm tờ trình về cấp trên xin ngưng thi hành án phạt trước thời hạn và cho chồng tôi tiếp tục phục vụ quân đội. Nhờ đó mà chồng tôi mới được sống sót đến ngày nay".
Lúc nầy tôi mới nhờ ra và trả lời cho chị là tôi chỉ làm những công việc đó vì nhiệm vụ thôi chớ không phải ban ơn cho ai hết.
Chị ta lại hỏi tiếp:
- "Ông thầy bây giờ làm ăn ra sao? và đi xuống Sóc Trăng làm gì?”
Tôi trả lời là tôi vừa mới được tha từ trại cải tạo. Chị ta ngẩn người có vẻ không tin. Tôi đưa cho chị xem tờ "giấy ra trại" đoạn cám ơn chị đã không lấy tiền xe mà còn mời tôi uống nước.
Trong lúc tôi đứng lên từ giã, chị vội móc túi lấy cọc tiền, không cần đếm, để cho tôi, nhưng tôi từ chối và nói rằng tôi chỉ có một mình có thể tự kiếm sống được trong khi chị còn cả một gia đình cần phải lo. Tôi cám ơn chị một lần nữa vì sự cư xử đầy tình người, rồi vội vã bước đi nhưng không quên gởi lời hỏi thăm tất cả mọi người trong gia đình chị. Cuộc đời của tôi hoàn toàn lật sang trang mới, dù được tự do, nhưng tôi hiểu, tinh thần của tôi bị suy sụp rất nhiều, sau một thời gian dài sống âm thầm chịu đựng.
Tôi phải chấp nhận một lối sống "đi bên cạnh cuộc đời" dù phải chứng kiến hàng ngày bao cảnh trái tai gai mắt của chế độ nầy mang lại cho dân. Tôi dần dần trở thành hòa thượng "nói không được", một nhân vật trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký từ lúc nào tôi cũng không hay. Thêm một giai đoạn đầy cay đắng của cuộc đời chụp lên tôi mà không có cách chi vùng vẫy để thoát ra được.
Tôi sống câm nín, lạnh lùng hầu như xa lánh tất cả mọi người, có lẽ là do chán đời hơn là sợ sệt. Mỗi khi Tết đến, tôi cũng không màng đi dạo chợ hoa để tìm cho được những cành mai thật đẹp để chưng trong nhà như lúc trước, vì đối với tôi, mọi vật chung quanh đều trở nên vô nghĩa. Quả thật, tôi đang mang trong đầu "Hội chứng bại trận" sau nhiều năm trời sống trong lao lý, như một căn bệnh nan y mà không thuốc nào chữa khỏi.
Khi anh em kháo nhau tin chính phủ Mỹ chấp thuận cho những người tù cải tạo tối thiểu 3 năm được định cư tại Mỹ, như kẻ chết đuối vớ được cái phao, tôi lo hoàn tất hồ sơ xuất cảnh với mục đích duy nhất là rời VN càng sớm càng tốt.
Lên đường sang Mỹ cuối năm 1992 và tất cả phải bắt tay làm lại từ đầu. Tôi thường nói đùa với bạn bè rằng, mình đang đi đoạn đường chiến binh 3, sau khi hoàn tất đoạn đường chiến binh 1 ở quân trường và đoạn đường chiến binh 2 ở trai tù cộng sản.
Những năm đầu tiên hội nhập ở xứ người, tôi cũng nếm đủ trăm cay, nghìn đắng của cuộc đời, có nhiều khi cảm thấy rã rời, hụt hẫng, khi phải đối phó với những lọc lừa, có lúc như té quị xuống, tưởng chừng như không đứng dậy nổi. Nhưng tôi tự nhủ với lòng rằng, mình đã bị nhiều phen như thế nầy rồi, bây giờ lãnh thêm một vài đòn cũng không sao, phải đứng dậy lao về phía trước mà chiến đấu tiếp.
Dần dà, cuộc sống của chúng tôi cũng ổn định và lúc nầy, tôi mới có được chút thời gian sống cho riêng mình với những quá khứ tươi đẹp ngày xưa. Mỗi khi nhớ đến ngoại, tôi lại thì thầm một mình như để nói cho ngoại nghe: "Con chưa bao giờ cầm được cây viết để nuôi sống thân mình, con chỉ cầm súng, hết súng lại cầm cuốc, cầm len để đào đất, đào kinh, rồi bây giờ lại cầm mỏ hàn, máy đo điện thế để nuôi sống thân mình. Con xin lỗi ngoại vì đã không làm tròn ước mơ của ngoại ngày xưa..."
Mang tâm trạng tương tư những cánh mai vàng rực rỡ trong nắng xuân nơi quê hương cách xa nửa vòng trái đất, tôi, người xa xứ vẫn thường đi xem những nơi triển lãm hoa, nhưng nơi trưng bày cây kiểng mua vui cho người thưởng ngoạn hay kể cả những nơi bày bán các loại đào, hoa sứ, vạn thọ,,, trong những dịp Tết ta nơi đất khách quê người, cho đến một hôm, tình cờ tôi thấy một chậu mai đơn độc nằm giữa những chậu hoa đầy màu sắc khác đang khoe mình trong gió lạnh và nắng xuân.
Chậu mai nầy gầy gò khẳng khiu và chỉ có duy nhất một nụ hoa đang nở lẻ loi như cố hết sức mình để làm đẹp lòng người xem một cách tội nghiệp. Tôi cứ đứng bần thần, nhìn cây mai cô độc và càng nhìn, tôi càng nhớ tha thiết cây mai của ngoại tôi, rừng mai của một thời chinh chiến, vườn mai của nhà bác Ba và chậu mai theo tôi trong những năm tháng ngục tù.
Nhớ ơi là nhớ, những kỷ niệm đẹp đẽ trong đời, tôi giống như người bị mộng du, lòng đang mang nặng những u hoài, nuối tiếc. Tôi cảm thấy hồn mình chùng xuống và tan loãng trong gió chiều lạnh buốt của Calị Văng vẳng bên tai tiếng hát của người ca sĩ quen thuộc ngày xưa càng làm lòng tôi thêm nhức nhối: "Chiều nay thấy hoa cười lại nhớ một người. Chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ, người nơi xa xăm phương trời ấy, lòng còn buồn, còn thương, còn nhớ, nắng phai rồi em ơi !!!.”

 Nguồn: http://www.vn.net/article.php/20060201080724736

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét