Khắp nơi cảnh giác du khách Việt: Xuất ngoại rồi bỏ trốn
Published on January 15, 2014
Lợi dụng con đường du lịch, nhiều người Việt Nam bỏ trốn ở lại (ảnh minh họa)
Published on January 15, 2014
Lợi dụng con đường du lịch, nhiều người Việt Nam bỏ trốn ở lại (ảnh minh họa)
Xét duyệt tiêu chuẩn đưa người Việt Nam đi du lịch nước ngoài chủ yếu thông qua hồ sơ, song, một số trường hợp vẫn bỏ trốn trót lọt nhờ hồ sơ rất ‘sáng’. Đối tượng đã tìm đủ chiêu trò để trốn ở lại nước sở tại thông qua con đường du lịch.
Tìm mọi cách bỏ trốn
Trường hợp gần đây nhất là đầu tháng 12/2013, cả đoàn khách 15 người Việt Nam đã “mất tích” ở Israel. Đoàn khách này do một công ty ở Hà Nội tổ chức thông qua việc gom khách lẻ. Hành trình bay, phỏng vấn vào Israel diễn ra suôn sẻ, song đến giờ ăn, khách lần lượt “biến mất”. Đầu tiên còn 2 người, rồi chỉ còn 1 người, cuối cùng chẳng còn ai cả. Họ trốn mà không cần hộ chiếu. Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Israel thì đây là lần thứ 3 xảy ra chuyện khách du lịch Việt Nam bỏ trốn ở nước này.
Trên thực tế, việc khách du lịch Việt Nam trốn ra nước ngoài qua con đường du lịch là không hiếm. Trong đó, Israel chưa phải là “điểm đến” được nhiều người lựa chọn, mà đứng đầu là Hàn Quốc, rồi đến Hongkong, Nhật Bản, Đài Loan, Australia, châu Âu…
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc kinh doanh Công ty du lịch TransViet Travel, cho hay, người có ý định bỏ trốn khi đi du lịch thường giở nhiều chiêu trò để qua mắt đơn vị tổ chức (công ty du lịch) cũng như đơn vị cấp thị thực (visa).
Ông Đạt kể, TransViet từng là nạn nhân của một một cú lừa cực kỳ ngoạn mục. Đoàn khách này vốn là nhân viên một công ty xây dựng có số vốn đăng ký vài chục tỷ đồng. Vị giám đốc đã từng đi tour Hàn Quốc của TransViet, nay đứng ra tổ chức cho lao động đi, gồm mấy chục anh em và kèm cả vợ con. Không ngờ, sang đến nơi, vẫn có 2 khách bỏ trốn. Hóa ra, tay giám đốc đã đứng ra bảo lãnh hợp đồng lao động, tài chính, thu nhập… cho lao động trốn. Nếu người lao động có bị nhà chức trách Hàn Quốc bắt lại, họ cũng chỉ bị phạt vài nghìn USD rồi trục xuất về nước, trong khi giám đốc nếu cố tình “kiếm ăn” thì phi vụ này cũng lãi cả chục ngàn đô, ông Đạt cho hay.
Hàn Quốc là nơi nhiều khách du lịch Việt Nam bỏ trốn nhất. Tại nước này, lượng lao động Việt Nam ở lại đông, lên tới cả trăm ngàn người, chưa kể những cô dâu Việt lấy chồng Hàn hoặc bản thân lao động đi xuất khẩu trước đó đã trốn ra ngoài làm, nay lại muốn sang. Cộng đồng lao động bất hợp pháp Việt Nam ở bên đó khá đông cũng là mắt xích kéo du lịch bất hợp pháp. Khi các kênh xuất khẩu lao động chính thức bị khóa thì chỉ còn kênh du lịch.
“Thường thì ở khách Việt Nam đi du lịch sang Hàn, sang đó họ sẽ có người nhà hoặc anh em bạn bè đón. Có khi họ còn tạm biệt nhau trước mặt hướng dẫn viên mà không thể làm gì được. Người trốn non thì cần thị thực, còn ‘cáo già’ thì không. Thậm chí, họ lập cả sổ đỏ giả để chứng minh có năng lực tài chính”, ông Đạt nói.
Hơn nữa, theo ông Nguyễn Hữu Lâm, Giám đốc Văn phòng tại Việt Nam của Công ty dịch vụ du lịch Arirang, mỗi năm có vài trường hợp khách Việt trốn ở lại Hàn Quốc. Một công ty khác chuyên gom khách Việt đi Hàn tại Hà Nội vừa rồi cũng có hơn 10 trong đoàn 20 người bỗng dưng… “mất tích”.
Đại diện Công ty Du lịch Việt tại Hà Nội kể thêm, tháng 10/2013, có hai vợ chồng trên 40 tuổi người Sài Gòn đăng ký đi tour Hàn Quốc tại công ty. Hồ sơ rất đẹp, cơ quan cấp visa cũng không lăn tăn gì. Nhưng, đi du lịch đến ngày thứ 4 thì người chồng bỏ trốn. Bà vợ bàng quan như không có chuyện gì xảy ra vì kế hoạch bỏ trốn đã lên từ trước. “Không ai nghĩ hơn 40 tuổi rồi còn trốn, hơn nữa hồ sơ lại rất sáng – đúng là kế hoạch hoàn hảo”, vị này tặc lưỡi.
Ngoài ra, thị trường Hongkong cũng báo động do du khách Việt Nam trốn ở lại. Ông Nguyễn Tiến Đạt nói rằng trước tình trạng này, Đại sứ quán Trung Quốc đã liên tục thay đổi chính sách cấp thị trường đối với người Việt Nam.
Hay tại thị trường châu Âu, thấy khách có ý định bỏ trốn, công ty du lịch nghi ngờ đã áp tải khách ra tận sân bay nhưng vẫn không tin tưởng, phải nhờ cả nhân viên hàng không giám sát đến tận cổng ra, lên máy bay mới yên tâm vì sợ khách lại nghĩ ra chiêu trò gì để được vào khu cách ly, tìm cớ trốn thoát – ông Đạt kể thêm.
Xét duyệt kỹ, tránh thiệt hại
Số liệu từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam ước tính, năm 2012, có khoảng 3,5 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, trong đó riêng Hàn Quốc một năm đón khoảng 120.000 lượt khách Việt Nam. Việc các cá nhân lợi dụng con đường du lịch để bỏ trốn đang gây thiệt hại không nhỏ cho các DN lữ hành cũng như uy tín, hình ảnh quốc gia.
Chẳng hạn, các đơn vị lữ hành có thể bị nhà chức trách Hàn Quốc phạt tới 10.000 USD với 1 người bỏ trốn, kể cả khi anh chỉ là đối tác của phía du lịch công ty Việt Nam như Arirang. Khách trốn nhiều quá, họ sẽ bị tịch thu giấy phép. Mà với kinh nghiệm từ bản thân, ông Nguyễn Tiến Đạt cho hay cứ 10 hồ sơ đi Hàn Quốc thì có vài trường hợp nghi ngờ là sẽ trốn.
Với công ty Du lịch Việt, Đại sứ quán Hàn Quốc từng dừng cấp visa cho khách của doanh nghiệp này trong 3 tháng, và phía châu Âu năm 2012 cũng dừng cấp 6 tháng, thiệt hại đủ đường.
Theo các công ty làm khách out-bound (đưa khách đi du lịch nước ngoài), để hạn chế mức thấp nhất tình trạng khách du lịch bỏ trốn, thì khó nhất là khâu xét duyệt hồ sơ làm thủ tục xin thị thực.
Để tránh ra sai sót, kinh nghiệm của các công ty ty lữ hành là phải xem xét hồ sơ, chắt lọc kỹ càng. Chẳng hạn, về độ tuổi, quan hệ thân nhân vợ chồng, giấy tờ tài sản nhà đất, sổ tiết kiệm, ngân hàng; về mối quan hệ nhân thân, công việc của bản thân người đi du lịch, mối quan hệ của họ với cơ quan làm việc, bảo lãnh của cơ quan làm việc…
Hoặc, hộ chiếu đã đi nhiều nước chưa. Nếu hộ chiếu trắng mà mua tour đi Hàn Quốc, nhất là lại chưa lập gia đình, thì phía du lịch thường từ chối luôn.
Các công ty cũng rất lưu ý với khách quê ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh,… vì nguy cơ trốn cao vì họ thường có cộng đồng địa phương bên nước sở tại. Riêng visa với người Quảng Ninh, Hải Phòng xin đi Hongkong, Đại sứ quán Trung Quốc còn từ chối không cấp vì tỷ lệ bỏ trốn cao.
Ông Nguyễn Hữu Lâm cho hay, nhân viên có kinh nghiệm chỉ cần liếc hồ sợ là biết có thể tin tưởng khách không hay phải xem xét lại. Chẳng hạn, yêu cầu khách bổ sung hồ sơ, nếu khách không có ý định bỏ trốn sẽ bổ sung ngay, còn nếu trốn thì hầu hết là bỏ… Những đối tượng này thường ở vùng quê, học vấn thấp, không hiểu hết các thủ tục, điều kiện. Tuy nhiên, ông nguyễn Tiến Đạt cảnh báo, do kinh tế khó khăn nên đối tượng bỏ trốn không chỉ là người lao động mà giàu có cũng trốn, chẳng hạn như đi để trốn nợ.
Trước tình trạng khách du lịch Việt bỏ trốn tại Israel, Tổng cục Du lịch Việt Nam vừa có công văn số 17 cho biết sẽ kiên quyết ngăn chặn hành vi lợi dụng con đường du lịch để đưa người Việt Nam ra nước ngoài bất hợp pháp.
Trước khi bán tour, cần kiểm tra thông tin khi khách, đặc biệt là những khách mua tour từ một số địa phương bỏ trốn trước đó (Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương… ).
Nếu phát hiện khách mua tour đi Israel có dấu hiệu nghi ngờ phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn.
Nếu có chứng cứ khẳng định bỏ trốn, lập tức yêu cầu đối tác ở nước ngoài sở tại báo cho cảnh sát để ngăn chặn kịp thời. Đồng thời, thông báo cho đại sứ quán Việt Nam tại Israel, Tổng cục Du lịch, các cơ quan chức năng liên quan để xử lý.
THEO VIETNAMNET
Nguồn: http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=26544 |
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét