Cô Ký Ðiệu, một Thiên Nga gẫy cánh! Lê Tường Vũ
Viết để nhớ Thiên Nga Nguyễn Thị Hồng Vân
và những Thiên Nga đã hy sinh vì Tổ Quốc


Lời nói đầu: Trước và sau năm 1975, một số người có nghe đến Thiên Nga và những người trong Ngành, thuộc các đơn vị ở các cơ quan khác nhau, đều biết có một đơn vị tình báo nữ Thiên Nga nhưng hầu hết đều không biết rõ sự hoạt động và hiệu quả của Biệt Ðội tình báo nầy, trừ cơ quan mà đơn vị nầy thống thuộc.

Chúng tôi có biết, thật ra là nghe, những nữ Thiên Nga của Biệt Ðội nầy đã bay khắp nơi, sống cùng mọi tầng lớp từ “thượng vàng hạ cám”, trong giới thượng lưu cho đến lao động cùng đinh, thậm chí xâm nhập các các tổ chức của địch từ nội thành đến các mật khu của Việt Cộng. Nghe thì nghe chứ đa số đều “điếc” vì những cánh Thiên Nga nầy bay vút đâu khỏi trời xanh, trong những vầng mây mù, sương đặc nên trở thành mờ ảo không thấy tâm dạng dù có sát cạnh bên mình. “Khiếp thật!” Một đồng nghiệp người Bắc buột miệng để kết thúc buổi “trà dư tửu hậu” đề cập đến Biệt Ðội Thiên Nga.





Một trong mấy ngày đầu tháng 5 năm 1975, một số tổ công tác của chúng tôi trong Lực Lượng Kháng Chiến Nội Biên hình thành khẩn cấp ngay sau ngày ông Minh, Tổng Thống “bất hợp hiến”, tiếm quyền để buộc các nơi buông súng đầu hàng, giao Miền Nam Tự Do cho bạo quyền Cộng Sản Hà Nội- được lịnh hỗ trợ cho một “đơn vị” thi hành công tác kháng Cộng. Việc hỗ trợ nầy rất đơn giản là rải người, phục xung quanh các ngả đường gần nhà hàng khách sạn Ðồng Khánh trong khu vực Chợ Lớn để khi có biến động thì túa ra, ngả xe dồn đống tạo cản trở sự truy kích của Việt Cộng hầu các Chiến Sĩ Quốc Gia tẩu thoát.

Trong quan sát chính diện, tổ chúng tôi tiếp cận nhìn thẳng nhà hàng Ðồng Khánh từ góc đường bên nầy. Khoảng 9 giờ sáng, một người mặc thường phục nhưng có vẻ chỉ huy bước ra khỏi nhà hàng với 2 người dường như là tùy tùng đứng ngay góc đường chờ chiếc xe du lịch do một bộ đội lái từ từ trờ tới. Với cặp mắt trong nghề, chúng tôi thoáng thấy một cô gái khá đẹp ngồi trên chiếc Honda Dame đã nổ máy ở lề đường cùng chiều, lướt lên, qua khỏi góc đường, không cần quay đầu và với kiếng chiếu hậu, cô đưa ngược tay về sau với khẩu súng nhỏ. Chỉ một tiếng nổ khô khốc, tên xếp ngã gục ngay lề đường khi xe rước vừa đậu lại vì viên đạn đã xuyên vô đầu. Những tên tùy tùng sững sờ lo vực xếp lên, cô gái đã vặn thêm ga và chiếc honda vọt đi, quẹo vào con đường nhỏ và mất hút, trong khi bọn Việt Cộng hốt hoảng loay quay không báo động kịp thời nên chúng tôi chỉ dạo chơi trong một ngày quang đảng. Sau đó, chúng tôi được cho biết “đơn vị” đó là một nữ Thiên Nga đơn độc hạ một tên Tướng tình báo của Việt Cộng vừa từ Hà Nội mới vào. Chúng tôi chỉ lập lại hai tiếng của anh bạn trước đây: “Khiếp thật!”

Và rồi sau đó, suốt công tác rủi dong từ Miền Tây, đến Miền Ðông, lên Cao Nguyên, trong bao lần nhập nội thành, và trước khi sa vào tay giặc, chúng tôi có ít nhứt hai lần được sự tiếp trợ của nữ Thiên Nga và trong đó một lần đau xót “tuân lịnh Thiên Nga” ban chỉ huy rút thoát để hai cánh Thiên Nga (một đã bị thương) ở lại cản hậu và hy sinh tại một địa điểm trên đường Nguyễn Tri Phương. Những oai hùng của những trang liệt nữ nầy ai biết?! Những hy sinh của các Chiến Sĩ Quốc Gia hoạt động âm thầm, ở lại kháng Cộng trong lòng địch và chấp nhận tự sát, những bản án tử hình, những tra tấn tù đày trong các xà-lim, trong các trại tập trung có còn ai luyến nhớ hay không!? Riêng phần chúng tôi, vừa biết nhau thì lực lượng ngoại thành đã mang một món nợ không nhỏ với những cánh Thiên Nga.

Cầm trên tay cuốn Ðặc san Phượng Hoàng Xuân Bính Tuất 2006 của Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, với bài của Chị Nguyễn Thanh Thủy, một Thiên Nga đầu đàn của Biệt Ðội, viết về “Cô Ký Ðiệu” -Thiên Nga Nguyễn Thị Hồng Vân- làm tôi buồn nhớ đến một người em, người em gái không hơn không kém, chưa một lần chào hỏi câu nào khi chạm mặt, mặc dầu đã biết nhau ở những năm dài. Nhưng chắc chắn có điều là tôi hoàn toàn không biết đó là một đồng nghiệp ở khác đơn vị, nhứt là Biệt Ðội Thiên Nga, và chúng tôi chỉ biết sau khi Thiên Nga nầy bị tù rồi trở về bởi những tài liệu mà chúng tôi cần phải biết. Do những liên quan trước và “dự trù liên quan” sau nhưng thất bại vì… địch đã ra tay trước, tôi càng nhớ đến những Thiên Nga đã gẫy cánh, nhớ nhiều đến “Cô Ký Ðiệu”: một cô bé…

**

Thiệt tình mà nói, trong khu xóm nầy không ai nhớ là gia đình một mẹ với ba con về đây từ lúc nào. Mướn một căn nhà ọp ẹp cuối ngõ, một phần năm gác lên nền đất, bốn phần chính còn lại là ván sàn, vách tôn mái lá, nằm chông chênh trên một tẻ rạch ngắn của con sông phía sau Viện Nhu Ðạo Quang Trung, gần Cầu Sắt hơn là cầu Xa lộ Phan Thanh Giản, người mẹ được gọi là Bà Thợ Thêu, vì không cần biết tên thật của bà, bởi bà tối ngày lui cui thêu mướn những vải hàng mà bà lãnh về để kiếm tiền nuôi con ăn học. Hai người con gái lớn và một đứa con trai. Người chị lớn tên Hồng Vân, em kế là Hồng Ðào, còn đứa trai nhỏ thì hầu như ít ai để ý tới.

Với dáng người mảnh khảnh, ốm cao vừa phải, Hồng Vân với dung nhan thùy mị duy nặng nét trầm tư sắc lạnh. Người ta chỉ thấy Vân đi học rồi về lầm lủi không buồn nói tới ai dù một câu chào hỏi. Thanh niên trong xóm nhìn nét mặt lúc nào cũng nghiêm nghị nên chẳng đứa nào dám chọc ghẹo và nghĩ chắc cô ta mặc cảm nhà nghèo. Chẳng bù với cô em Hồng Ðào cũng cao ráo, sắc nét hơn, khá đẹp, thường tươi cười trò chuyện với trang lứa quanh nhà.

Cũng vì nhà nghèo, không có tiền bắt đường nước vào nhà, đêm đêm Hồng Vân chờ gần nửa đêm đường xóm vắng người mới quảy đôi thùng đi ra gần đầu xóm có một phông-tên nước công cộng bốn vòi để hứng nước gánh về cho cả nhà sử dụng trọn ngày hôm sau. Ðám thanh niên lại nghĩ cô nàng mắc cở nên phải chờ tới khuya mới đi gánh nước. Tôi cũng có để ý, nhìn đôi thùng nước nặng 40 kg trĩu quằn nặng trên đôi vai còm cõi của cô với khúc đường khá xa mà lòng cảm thấy xốn xang. Ðôi lần hình như tôi muốn nói gì đó nhưng lại thôi vì sợ hiểu lầm. Và sự thể cứ hoài vậy nên mọi người thấy quen, chẳng mấy người quan tâm nữa.

Tôi lại chọn thêm môn bên Văn Khoa nên những lúc rỗi rảnh và có giờ học, từ cơ quan đi bộ qua trường Ðại học Văn Khoa nằm trên đường Ðinh Tiên Hoàng, và lại gặp Hồng Vân ôm mấy sách vở thong dong ở sân trường. Chạm mặt, tôi khẻ nghiêng đầu chào toan hỏi thăm thì Hồng Vân cũng nhẹ nhàng cúi đầu, chớp mắt, hơi cười xếch rồi lảng đi vào các dãy lớp. Tôi mất hứng, nhún vai bảo thầm trong bụng: “Cô bé con nầy khá kiêu kỳ, cứ như tiểu thư đài các”. Và bao lần nữa cũng thế!

Rồi vì công tác, tôi không thường xuyên ở Saigon nên cũng chẳng buồn nhớ đến những gì không liên quan, không đáng nhớ. Và tôi chắc mọi người trong khu xóm cũng không để ý đến cô nàng nầy nếu… không có những ngày sau 30 tháng 4 năm 1975.

Khi Việt Cộng chiếm được Miền Nam Việt Nam, chúng buộc các viên chức, sĩ quan của chế độ VNCH phải đi “trình diện học tập”. Các công chức có cấp, Cảnh Sát Quốc Gia, Sĩ quan Quân Ðội lũ lượt ra đi là cái lẽ thường của những người “bại trận (!)”, nhưng sau đó người ta không thấy bóng dáng Hồng Vân đâu cả?

Miền Nam bị cướp phá, Saigon bị xác xơ thì còn mấy ai vui thú hay có tiền bạc đâu mà se sua trang trí nên Bà Thợ Thêu đã không còn thêu may nữa. Trong xóm và ở các nơi lân cận vùng Dakao, Tân Ðịnh, Thị Nghè,… người ta thấy Bà “Thợ Thêu” quảy hai chiếc thúng có các bình và chai đựng nước mắm để bán nước mắm lẻ ở những khu lao động. Tóc bà đã nhuốm bạc, trắng lớp hai mang tai, nước mắt lúc nào cũng lưng tròng sầu tư với gánh nặng quằn vai trên đôi dép bẹp dí rảo chân đi kiếm chút đỉnh tiền trong xã hội hoang tàn hầu nuôi hai đứa con còn trẻ dại và… lâu lâu gắng thăm nuôi người con gái lớn, Nguyễn Thị Hồng Vân, bị Việt Cộng giam giữ trong Trại Tập Trung vì tội là Sĩ Quan của Việt Nam Cộng Hòa.

-“Ủa, cô Vân đó là sĩ quan của mình hả? Ai mà biết! Giỏi thật!” Ðó là câu của mấy bà hàng xóm kháu nhau khi biết cô gái đi tù với giọng cả nể. -“Ê mầy, chị đó là sĩ quan Quốc Gia đó. Tụi mình đâu thấy chỉ mặc đồ lính. Lúc trước mà ẩu tả chọc ghẹo tầm bậy thì thấy mẹ rồi. Sĩ quan là có võ đó mà đàng hoàng quá!” Bọn thanh niên trong xóm bỏ nhỏ, kể những tay đã đi lính đều đề cập trong niềm cảm phục. Sự nể phục cô gái đã đi tù cũng biểu lộ đối với người mẹ nghèo khổ cùng hai đứa em trong ngôi nhà rách nát.

Trong chốn lao tù, trong những Trại Tập Trung khổ ải của Việt Cộng, tánh tình của Vân cũng như thuở nào. Thâm trầm, nhũn nhặn, không bon chen tranh giành như số ít người trong tù bắt đầu chuyển tánh, Hồng Vân vẫn dành những thâm trầm đó để một mình suy tư những gì mà chỉ riêng mình biết. Những lúc đó, Vân mân mê gọt dũa móng tay khiến bạn bè xung quanh nghĩ rằng vô tù rồi mà cũng còn điệu đàng, làm đẹp. Và cái tên “Cô Ký Ðiệu” được bắt đầu.

“Cô Ký Ðiệu” cũng làm đơn giản sự phân biệt vì thời gian đó trong tù có hai người đều mang tên Hồng Vân. Cô kia là Trần Thị Hồng Vân, một sĩ quan của Trường Nữ Quân Nhân; cô nầy họ tên trọn vẹn là Nguyễn Thị Hồng Vân, một nữ sĩ quan của ngành Cảnh Sát. Hồng Vân “Trần” và Hồng Vân “Nguyễn” quá dài dòng hơn một người được đặt tên “Ký Ðiệu”.

Khoảng ba năm hoặc hơn, “Cô Ký Ðiệu” được tha về nhà thì khu xóm mới biết rõ ràng hơn cô là một nữ sĩ quan thuộc Cảnh Sát Quốc Gia mà cái bà An Ninh Tổ Dân Phố xầm xì ra vẻ: “Con nhỏ đó không hiền đâu. Nó là tình báo đó. Xê-I-A… Thiên Nga gì đó.” Mọi người lại quan tâm, thương hại với ánh mắt nhìn thán phục. Hồng Vân thì chẳng màng đến những cái chung quanh. Cô vẫn như ngày nào, lo phụ giúp mẹ và em những việc trong nhà, không giao du cùng ai khác.

Ðơn vị khu vực ở nội thành đã bắt đầu ngắm nghía cánh Thiên Nga nầy, muốn móc nối nhưng quá nhiều khó khăn. Chúng tôi không có hấp tấp trong việc nầy bởi những ghi đậm về tài năng, lòng kiên cường, chấp nhận hy sinh của những cánh Thiên Nga đã gặp nên hoàn toàn tin tưởng công việc móc nối cho hoạt động nội thành. Khó khăn thứ nhứt là sự kiểm soát an ninh của Việt Cộng đối với các tù nhân đã được thả về. Cái thứ hai là không biết cô ta có tin chúng tôi hay không. Vì địch đã tạo ra một thế nghi kỵ lẫn nhau, khó ai tin ai, và đã sử dụng những cái bẫy “tổ chức chống Cộng” giả để bắt thêm hoặc bắt lại những con người có tinh thần tranh đấu cho Quốc Gia rất nhiều. Vì thế, tôi lại phải có dịp nhập nội thành cùng với hai cận vệ.

Với “mác báo chí”, không chấp nhận trình diện (đi tù) khi có lịnh, thoát ly gia đình với sự truy tầm của an ninh Cộng Sản từ lâu, tôi tin chắc khi trở về là cô đã biết. Biết và quen nhau thì hy vọng sẽ dễ dàng hơn. Nhưng… mấy lần toan tính đều bất thành vì sau lưng cô là những “cái đuôi” bám rất kỹ. Riêng tôi thì với thân phận của mình nên phải kỹ càng hơn. Và rồi chúng tôi thêm nóng lòng, sốt ruột bởi những tin tức được báo cáo…

Trong mặt trận tình báo, địch có thể gài người bên ta và ta cũng có gài người bên địch. Nhân viên xâm nhập của ta cho biết tình trạng của “Ký Ðiệu” khá nguy nan. Bởi thời gian trước ngày mất nước, Thiên Nga “Ký Ðiệu” có nhiệm vụ xâm nhập vào các tổ chức sinh viên học sinh, phụ nữ tranh đấu chống đối chính quyền để săn lùng những tên cán bộ Việt Cộng nằm vùng điều khiển. Rất nhiều thành công với hàng loạt cán bộ VC trong các giới đã bị lực lượng an ninh ta tóm gọn. Nay Hồng Vân trở về trong sự tức tối của bọn sinh viên nằm vùng, nhứt là đám ở Ðại học Luật Khoa Saigon nay dưới trướng của Trung Tá VC Ba Sơn tức Luật sư Nguyễn hữu Cảnh và Thiếu Tá VC Huỳnh bá Thành tức Họa sĩ Ớt ở Phòng Bảo Vệ Chính Trị – PA16. Bọn chúng gay gắt lên án “Ký Ðiệu” là một tên tình báo “nguy hiểm ác ôn”, đánh phá “cách mạng” rất nhiều nên cần phải triệt hạ. Sau nhiều lần hội họp, bọn chúng quyết định ra tay, phương án được soạn thảo và tiến hành.

Chúng tôi được tin càng nôn nao lo lắng. Dự tính gắng liên lạc để báo tin hoặc tạo dịp ép buộc, bắt cóc “Ký Ðiệu” rời khỏi nội thành và theo chúng tôi trở về cao nguyên. Nhưng… lại cái “nhưng” quái ác khiến kế hoạch bất thành bởi địch đã ra tay trước một cách lộ liễu và dã man!

Vì ở tù về phải lên xuống trình diện an ninh, trong sự quản chế nên “Ký Ðiệu” của chúng ta không đi làm đâu được để phụ giúp gia đình. Cuối cùng, Vân xin và được nhận đi dạy thí công “xóa nạn mù chữ” ban đêm ở một trường học gần cầu Thị Nghè. Việc dạy học nầy cũng làm Công An VC khó chịu và nghi ngờ. Dạy học là tiếp xúc với một số người, “xóa nạn mù chữ” là tiếp xúc với nhiều thành phần, tuổi tác. Biết đâu, không khéo kiểm soát thì địch có thể liên lạc, chuyển tin, báo cáo những bất lợi cho “cách mạng”. Thiên Nga mà! Nguy hiểm lắm! Tiến hành phương án đã định.

Một sĩ quan an ninh VC đảm trách thi hành trực tiếp. Thông thường theo đúng giờ xong lớp, Hồng Vân lên xe đạp đi về kẻo mẹ trông thì tên sát thủ mặc sắc phục trên chiếc honda 67 xoáy nòng phóng nhanh xuống dốc cầu Thị Nghè, cuối đường Hồng Thập Tự sau Thảo Cầm Viên, đụng thẳng mạnh vào chiếc xe đạp mong manh mà Hồng Vân đang cởi đạp từ từ. Chiếc xe đạp gãy cong, Hồng Vân té văng xuống lề bất tỉnh. Vài người trông thấy nhưng không biết rõ tình trạng cô giáo ra sao, sống chết thế nào, vì đèn đường khúc đó thường mờ tối. Mấy người chưa qua cơn hoảng hốt, vì thấy Công An là sợ rồi, thì có xe cứu thương chạy tới khiêng xốc cô giáo và bỏ chiếc xe đạp còng queo lên xe cùng tên sát thủ chạy sau thẳng hướng Saigon. Mọi người mừng rỡ bảo: “May quá! Sao có xe cứu thương tới liền… Chắc hổng sao.”

Trời gần khuya, Bà “Thợ Thêu” không thấy Hồng Vân về nên lo lắng, cùng con gái kế Hồng Ðào đi bộ kiếm tìm. Tới gần khu trường học hỏi han thì biết có một tai nạn đụng xe ban tối và có xe nhà thương chở đi rồi. Hai mẹ con quày quả kiếm xe lên Tân Ðịnh hỏi nhà thương thì không có, ra bịnh viện Saigon thì cũng được trả lời là không. Do đó cả hai người trở về lên Phường Công An báo cáo.

Vầng mây đen lại phủ trên lên căn nhà bất hạnh! Suốt mấy ngày, bà mẹ bỏ buôn bán thẩn thờ đi tìm con, về nhà gục đầu rũ rượi, mất thần kêu gào tên con gái!

Sáng ngày thứ tư, nhựt báo “Saigon Giải Phóng” loan tin với tít “Một người chết trở về” với nội dung một gia đình tương đối khá giả có người “con gái” bị tai nạn đụng xe chết, đã đem xác về làm ma chay và hỏa thiêu cấp tốc xong thì hôm sau người con gái đó lại trở về. Cô ta bảo là đi chơi với bạn vài ngày chớ đâu có chết. Gia đình cô gái đó lại làm tiệc ăn mừng. Vậy xác “cô gái” kia là ai?

Ðược tin nầy, hai mẹ con khốn khổ đi ra nhà báo hỏi tin, có địa chỉ của gia đình được đề cập để tìm đến. Họ đã nhận xác từ nhà thương Saigon và đinh ninh là con của họ nên đã làm đám và hỏa táng. Trở lại bịnh viện Saigon hỏi han và năn nỉ, hai mẹ con được một lao công trong đó mủi lòng lén lút đưa đôi dép của người bạc số đêm hôm đó. Ðôi dép của Hồng Vân! Bà “Thợ Thêu” chỉ gào lên tiếng “Con” rồi ngã lăn bất tỉnh. Hồng Ðào chỉ còn nước kêu xích lô nhờ đưa mẹ lên xe chở về.

Hôm sau, khi tỉnh dậy, bà lại cùng Hồng Ðào đi tới gia đình hôm trước, xác định đó là con gái của bà, cảm ơn sự tang ma và xin hủ đựng tro cốt đã hỏa thiêu để mang về thờ cúng. Gia đình nọ bảo theo tục lệ của “dòng họ” nên sau khi hỏa táng, tro cốt đã mang ra đổ xuống sông Saigon để trôi ra biển (?). Một cơn ngất lịm đến với người mẹ khổ đau, và người em gái Hồng Ðào cũng sờ sửng chẳng còn hồn. Tất cả rồi lặng yên. Lặng yên trong câm nín của một gia đình có người con làm sĩ quan “Ngụy”. Hồng Vân đã bị giết, xác thân tro cốt cũng bị hũy đi không còn tăm vết!!

Người mẹ quá khổ đau đã gục ngã, suốt ngày chỉ khóc than ấm ức chẳng nên lời, không còn nước mắt vì cặp mắt đã khô tròng như dòng sông đã cạn. Mọi sự khiếu nại, kêu oan chỉ hoài công vô vọng với những nạt nộ dọa hăm là không chứng cớ. Tất cả phải cam chịu! Bà biết riêng bà, và không những chỉ riêng bà hay gia đình bà chịu cảnh tang thương mà còn nhiều, sẽ còn nhiều gia đình của những người Quốc Gia phải hứng trọn những đòn thù của những “người” được gọi là chiến thắng.

Rồi người ta không thấy đứa con trai út đi về đâu, không biết Bà “Thợ Thêu” trôi dạt sống chết nơi nào. Thỉnh thoảng chiều chiều, có người thấy cô em tên Hồng Ðào đi thơ thẩn ngoài đường, da xanh xao nhưng khuôn mặt trái xoan vẫn còn xinh đẹp. Hồng Ðào đi đi, nhìn trời nhìn đất rồi cười cười nói nói riêng mình. Người ta đau xót lắm! Nhìn thấy phải ráng đi khỏi thật nhanh, mím chặt môi cố ngăn dòng nước mắt cứ chờ chực lăn trào… và như thế coi chừng gánh họa.

Có người nói cô Ðào đã bị bịnh tâm thần, cứ lang thang đây đó cả ngày lẩn đêm. Trên những con đường vắng, trong những con hẽm tối tăm với nhan sắc dễ nhìn, Ðào thường bị những phần tử bất lương, không còn nhân tánh làm xằng bậy chẳng chút tội tình. Tới lúc nào đó, người ta không còn thấy bóng dáng người em Hồng Ðào xinh đẹp, cũng như Bà mẹ “Thợ Thêu” đau khổ suốt đời và người em trai nhỏ còn khờ dại của một Thiên Nga Nguyễn Thị Hồng Vân đã gãy cánh trong căm hờn tức tưởi!!

Chợt nhớ chợt thương, tôi mong những nén hương lòng trên những dòng chữ luyến lưu nầy được tỏa đi, bay bổng, lên cao, cao vút vào cõi mông lung đến tận nơi vĩnh hằng có em đang ngự. Tôi muốn nói với em rằng, Nguyễn Thị Hồng Vân, một Thiên Nga gẫy cánh, dù gần ba mươi năm qua nhưng mọi người vẫn nhớ, người chỉ huy em vẫn nhớ, anh vẫn nhớ với dáng dấp cao gầy của em, cong chịu sức nặng đong đưa của đôi thùng nước như mới ngày nào. Mong em ra đi thanh thản và linh thiêng phù hộ những người Chiến Sĩ Quốc Gia giữ vững lòng tin phải có ngày khôi phục lại một đất nước tang hoang, gầy dựng lại một Quốc Gia Việt Nam bền vững phú cường.

Và mượn cuối lời, chúng tôi, mong đợi ở người Chị Cả Thiên Nga cùng Biệt Ðội chọn một ngày giỗ chung cho những Thiên Nga đã gẫy cánh. Chừng đó để chúng tôi, và cả chúng ta, có dịp cùng nhau thắp vài nén nhang đứng trước bàn thờ với bao hương linh của những Anh Thư Liệt Nữ chứng giám sự sắt son thề nguyền không bao giờ phản bội máu xương của của các anh chị em đã hy sinh vì đại nghĩa, vì Tổ Quốc và Dân Tộc. Cũng chừng đó, chúng tôi có dịp tạ lễ ghi ơn những Thiên Nga mà chúng tôi đã trót mang món nợ cũng khá nặng nề đó là đất nước. Chân thật.