Những tượng đài lịch sử VN ở California
Cập nhật: 12:48 GMT - thứ năm, 14 tháng 11, 2013
“Lễ động thổ xây dựng Bức tường
Tưởng niệm Quân Dân Cán Chính Việt Nam Cộng hòa sẽ diễn ra trong cuối
tháng 11 này tại San Jose.”
Đó là phát biểu của cô Hoàng Mộng Thu, người
cùng Biệt đoàn Văn nghệ Lam Sơn khởi xướng dự án từ nhiều tháng qua. Sau
những vận động với thành phố, thu nhận ý kiến của cựu quân nhân, của
cộng đồng và trong ba tuần qua đã có sinh hoạt gây quỹ.Đồng hương từ nhiều thành phố quanh vùng như San Jose, San Francisco, San Rafael, Stockton đã về Oakland tham dự văn nghệ gây quỹ với sự góp mặt của ca sĩ Phương Hồng Quế trong quân phục phi công, các giọng ca cây nhà lá vườn như Hà Cẩm Tú, Thu Nga, Trung Kiên, Ái Loan… với tà áo dài cùng Biệt đoàn Văn nghệ Lam Sơn trong sắc áo của nhiều đơn vị quân đội.
Đây là nhóm bạn trẻ trong thập niên qua đã đem những hùng ca vinh danh người lính Việt Nam Cộng hòa và những bản tình ca viết cho lính, về lính đến với sinh hoạt cộng đồng.
"Đã gần 40 năm trôi qua nhưng khi nhắc đến Tướng Nam người lính cũ của ông đã không ngăn nổi giòng lệ xúc động"
Trong buổi văn nghệ, biệt đoàn đã dựng lại vở bi hùng kịch “Quân lệnh cuối cùng” về những giờ phút cuối của Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn 4 Vùng 4 Chiến thuật.
Trước khi vở kịch diễn ra, cựu Trung úy Lê Ngọc Danh, sĩ quan tùy viên ở bên cạnh Tướng Nam cho đến giây phút cuối cùng đã lên diễn đàn nói về vị chỉ huy. Theo ông, Tướng Nam có nhân cách đạo đức của một Phật tử, có tình huynh đệ chi binh của một vị tướng hết lòng với lính, ăn ở và sống gần gũi với thuộc cấp mà không phân biệt quan, quân. Bảy giờ sáng 1-5-1975 tướng Nam đã tự sát bằng súng.
Đã gần 40 năm trôi qua sau cái chết của một vị tướng thà tuẫn tiết theo thành chứ không đầu hàng địch, nhưng khi nhắc đến Tướng Nam người lính cũ của ông đã không ngăn nổi giòng lệ xúc động, cũng như nhiều khán giả khi xem vở bi hùng kịch.
Ghi dấu lịch sử
Đó là Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Chuẩn tướng Trần Văn Hai, Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Đại tá Hồ Ngọc Cẩn và Trung tá Nguyễn Văn Long.
Sau lưng chân dung của các sĩ quan này là hình ảnh những người lính Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Bức tường Tưởng niệm dài 4 mét, cao 2.5 mét sẽ được xây dựng trong Công viên Lịch sử Kelly ở thành phố San Jose, bên cạnh Bảo tàng Thuyền nhân và Việt Nam Cộng hòa đã có từ mười năm qua.
Với Bức tường, đây là một công trình nữa ghi dấu lịch sử và đóng góp vào đời sống xã hội, văn hóa và chính trị của người Việt tại Hoa Kỳ.
Nhắc đến người Việt hải ngoại, giới truyền thông và nghiên cứu thường chú ý đến người Việt sinh sống tại California, nơi được coi là trung tâm sinh hoạt tiêu biểu cho người Việt tại Mỹ.
Khi cuộc chiến Việt Nam với sự can dự của người Mỹ kết thúc vào tháng Tư 1975, khoảng 130 nghìn người Việt đã bỏ quê hương ra đi vào lúc đó và đa số được Hoa Kỳ đón nhận cho định cư.
Trong hai thập niên kế tiếp, cả triệu người tiếp tục rời Việt Nam bằng thuyền hay vượt biên giới đường bộ đến một quốc gia Đông Nam Á trước khi được định cư ở nước thứ ba, đông nhất cũng tại Hoa Kỳ.
Qua thời gian đầu lo ổn định và hòa nhập vào cuộc sống mới, người Việt đã dần tái tạo nét văn hóa truyền thống và để lại những di sản lịch sử của mình trên quê hương Hoa Kỳ.
Tại miền nam California, Quận Cam là nơi tập trung đông người Việt sinh sống nhất đã chính thức được gọi là Little Saigon từ 25 năm qua. Ở đó có hàng vạn cơ sở thương mại, thường xuyên có các sinh hoạt chính trị người Việt, trình diễn văn hóa đặc thù Việt Nam.
Hết lòng yểm trợ
Năm 2003 Tượng đài Chiến sĩ Việt Mỹ được xây dựng trên công thổ thành phố Westminster. Đây là nơi đầu tiên ở Mỹ có dân cử gốc Việt từ năm 1992, Nghị viên Tony Lâm, và hiện nay có thị trưởng gốc Việt đầu tiên là ông Tạ Đức Trí.Cũng tại thành phố này, trong nghĩa trang Peek có Đài Tưởng niệm Thuyền nhân bỏ mình trên đường vượt biển tìm tự do được khánh thành năm 2009. Nghĩa trang này cũng là nơi nhiều người Việt ở Quận Cam chọn để yên giấc nghìn thu.
Miền Bắc California, tại San Jose có Bảo tàng Thuyền nhân và Việt Nam Cộng hòa trưng bày hàng nghìn di vật của một quốc gia đã hiện hữu hai mươi năm, từ 1954 đến 1975, trước khi bị xóa tên trên bản đồ chính trị thế giới.
Trong đó cũng ghi lại lịch sử hình thành của cộng đồng người Mỹ gốc Việt kể từ tháng Tư 1975, từ chiếc thuyền vượt biển, ca khúc của Nam Lộc viết trong những ngày còn trong trại tị nạn, những di vật của cựu tù nhân trại cải tạo cho đến thành đạt của sinh viên học sinh, của những doanh nhân, khoa học gia, chính trị gia gốc Việt. San Jose, thành phố có đông người Việt nhất hiện cũng có Phó Thị trưởng gốc Việt là cô Madison Nguyễn.
Ông cho biết trong Công viên Lịch sử Kelly, ngoài di sản người Việt còn có bảo tàng của người Hoa, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Mễ Tây Cơ và 30 ngôi nhà cũ từ phố chính San Jose được đưa vào công viên để bảo tồn trước khi thành phố này phát triển và trở thành thủ đô của vùng thung lũng điện tử cách đây gần nửa thế kỷ.
Hàng năm công viên đón nhiều học sinh trong vùng và sinh viên đại học, trong đó có nhiều con em gốc Việt, đến thăm để tìm hiểu về lịch sử thành phố và nguồn gốc những sắc dân đã đến đây định cư.
Việc xây dựng Bức tường Tưởng niệm, cựu dân biểu Trần Minh Nhựt, cố vấn ban tổ chức gây quỹ nhấn mạnh:
“Đây là một cú đấm vào lãnh đạo Hà Nội vì chính quyền cộng sản không thể dẹp bỏ nó như trong quá khứ đã áp lực các quốc gia Đông nam Á đục bỏ đài tưởng niệm thuyền nhân vượt biển được dựng lên ở Indonesia, Malaysia.”
Ông nói Bức tường này, cũng như Tường Đá đen ở Thủ đô Washington và Đài Tưởng niệm Sons of San Jose ở thành phố San Jose là để tưởng nhớ đến những chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ miền Nam tự do trước năm 1975.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một nhà báo tự do ở California, Hoa Kỳ.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2013/11/131114_vn_historical_monuments_california.shtml
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét