Chống cộng… phải chăng để thành lập một chế độ độc tài khác?
Đăng bởi BTV VAOL vào Chủ nhật, ngày 14 tháng bảy năm 2013:Ai cũng biết rõ những đặc tính trên của cộng sản. Chính vì cộng sản có những đặc tính ấy mà chúng ta mới chống lại và quyết tâm dẹp bỏ chế độ của họ. Thế còn những người đang tích cực muốn lật đổ chế độ cộng sản nhưng lại có những đặc tính y hệt cộng sản thì ta phải đối xử thế nào?
Giả sử họ lật đổ được chế độ cộng sản đang hiện hành thì chuyện gì sẽ xảy ra? Đây chỉ là giả sử thôi, vì với cách chống cộng kiểu loại trừ nhau, đánh phá lẫn nhau của họ thì chắc chắn phải đến "tết Công-gô" họ mới đủ sức mạnh và khả năng làm được việc ấy! Tuy nhiên, để vấn đề được sáng tỏ, chúng ta cũng cứ giả sử chuyện không tưởng ấy sẽ xảy ra như một phép lạ, thì chế độ do họ thành lập sẽ đi theo hướng nào?
Cha đẻ của thuyết "tam quyền phân lập" là Montesquieu viết: "Kinh nghiệm muôn thuở cho biết bất cứ ai có quyền lực đều có khuynh hướng lạm dụng quyền lực; lạm dụng cho đến mức gặp phải giới hạn" (*). Nếu chưa nắm được một quyền lực nào trong tay mà ta đã muốn ép buộc mọi người phải chống cộng theo kiểu của mình, theo đường lối của mình, ai không chấp nhận thì ta chụp mũ họ là việt gian không cần chứng cứ, và coi họ như kẻ thù cần phải loại trừ; thế thì khi có quyền lực trong tay, ta sẽ sử dụng quyền lực ấy thế nào? Chắc chắn ta sẽ hành xử "y chang" như Việt cộng đã làm, và sẽ thành lập một chế độ độc tài khác y hệt như chế độ cộng sản, có thể ít tàn bạo hơn mà cũng có thể tàn bạo không kém! Lúc ấy, dân tộc ta lại phải tốn bao nhiêu xương máu và công sức nữa để đấu tranh lật đổ chế độ độc tài mới ấy do ta vừa thành lập. Nếu thế thì tội nghiệp cho dân tộc ta quá!
Quyền lực cũng như tiền bạc có thể tha hóa người nào có nó trong tay. So sánh tình trạng của một người khi chưa có quyền lực với lúc đã có quyền lực, ta thường thấy tốt ít hơn, xấu nhiều hơn. Nghĩa là người rất tốt thành tốt vừa, tốt vừa thành bình thường, bình thường thành xấu, và xấu thành rất xấu. Điều này có thể thấy rất rõ đối với cộng sản. Khi chưa có quyền lực, họ có thể tỏ ra rất tốt, nhưng khi nắm được quyền lực rồi, họ trở thành rất xấu. Cũng vậy đối với những người đang chống cộng hiện nay, nếu họ cũng có những đặc tính y hệt cộng sản như đã nói trên, thì khi có quyền bính trong tay, họ cũng hành xử tàn bạo không khác gì cộng sản! Đó là điều chắc chắn!
Vì thế, những người đang chống cộng hiện nay, nếu muốn xây dựng một đất nước tự do dân chủ và cường thịnh thật sự, thì phải dứt khoát từ bỏ những đặc tính của cộng sản. Đó là: không chấp nhận những ai có đường lối chống cộng khác mình, ai có quan điểm hay phương cách đấu tranh khác mình thì chụp mũ họ là việt gian, là cộng sản, không cần một chứng cứ có giá trị nào cả, quyết hạ uy tín của họ trước quần chúng để loại trừ họ khỏi vòng chiến chống cộng...
Những người đang đấu tranh chống lại chế độ độc tài cộng sản hiện nay rất đa dạng, họ có những chủ trương, khuynh hướng, suy nghĩ rất khác nhau, do xuất thân từ những gốc tích khác nhau, được xã hội hun đúc khác nhau, do cách nhìn, góc độ nhìn và do nhiều yếu tố khác nhau... Do đó, những cá nhân hay tổ chức chống cộng có rất nhiều dạng khác nhau. Mỗi dạng quy tụ một số người cùng lập trường, cùng đường lối đấu tranh với nhau và tạo thành một nhóm hay một tổ chức.
Trước thực tế đa dạng đó, nếu những người chống cộng ai cũng quyết tâm loại trừ những người có quan điểm hay đường lối khác mình, thì đó chính là cách phá hoại hữu hiệu nhất lực lượng chống cộng vốn vẫn chưa đủ mạnh. Và đó cũng chính là kế ly gián mà CSVN đang cố gắng thực hiện trong hàng ngũ chống cộng cả trong lẫn ngoài nước. Và điều rất đáng tiếc là rất nhiều người chống cộng tích cực đã vô tình sa vào bẫy của chúng.
Ý thức được sự đa dạng đó, chúng ta cần tìm hiểu những khác biệt của nhau, sự hợp lý của nhau để chấp nhận lẫn nhau hầu liên kết với nhau thành sức mạnh. Đó là điều tối cần thiết hiện nay trước tình trạng vô cùng nguy hiểm của nước nhà trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Phải liên kết lại, đừng chia rẽ nữa!
Dưới đây là một số dạng tiêu biểu khác nhau của những cá nhân hay tổ chức có cùng mục tiêu chống cộng hay chống chế độ đang hiện hành tại Việt Nam.
Dạng 1: Chống cộng, nhưng chủ yếu là chống độc tài. Họ cho rằng chế độ đang cai trị đất nước hiện nay chỉ còn là cộng sản trên danh nghĩa. Thực chất của chúng còn tệ hại và xấu xa hơn cả cộng sản, vì hiện nay chúng đích thực là một đảng cướp. Do đó, phải lật đổ chế độ hiện hành là vì chúng độc tài, tàn bạo và bán nước hơn là vì chúng là cộng sản. Nếu chế độ hậu cộng sản mà độc tài thì cũng cần phải tiếp tục chống.
Dạng 2: Chống cộng trước đã, độc tài tính sau. Điều quan trọng đối với họ là phải lật đổ chế độ cộng sản trước đã, làm được chuyện đó là đã thỏa mãn rồi. Còn sau đó là chế độ nào thì chưa quan tâm tới, hoặc để "hạ hồi phân giải".
Dạng 3: Chống cộng sản nhưng chủ trương không hận thù. Những người này chịu ảnh hưởng của tôn giáo. Các tôn giáo nói chung đều chủ trương không hận thù, sẵn sàng tha thứ nếu kẻ ác hối hận và từ bỏ sự ác. Đối với họ, hận thù không phải là một động lực tốt. Nếu lấy hận thù làm động lực đấu tranh thì đó cũng là điểm trùng hợp với cộng sản.
Dạng 4: Chống cộng với động lực hận thù. Biết bao nhiêu người là nạn nhân vô cùng đau khổ của chế độ cộng sản tàn bạo. Sự công bằng đòi buộc chúng phải đền tội, vì thế "thù thì phải trả". Hận thù cộng sản chính là động lực mạnh nhất để thúc đẩy mọi người đấu tranh. Muốn tiêu diệt cộng sản, phải cổ võ lòng hận thù cộng sản.
Dạng 5: Chống cộng nhưng sẵn sàng đối thoại với cộng sản. Họ cho rằng cộng sản có thể chấp nhận thay đổi chế độ nếu họ thấy sự thay đổi ấy có lợi cho quyền lợi cá nhân hay gia đình của họ, nhất là có thể cứu họ thoát khỏi sự trả thù thảm khốc khi người dân phẫn nộ nổi dậy (như trường hợp Gadhafi, Mubarak, Ceaucescu, Honecker, v.v.). Giữa hai cái xấu, ắt nhiên họ phải chọn cái xấu nào ít tai hại hơn. Đối thoại để họ nhận ra lối thoát ấy hầu họ tự chuyển đổi, hoặc để có phe nào đó trong nội bộ của họ nổi dậy lật đổ chế độ hầu "đái công chuộc tội". Như thế tiết kiệm được biết bao xương máu và thời gian đấu tranh... Vả lại, cho tới nay, chưa thấy ai đưa ra một phương cách nào khác có tính thuyết phục và hữu hiệu để chấm dứt chế độ độc tài đang hiện hành.
Dạng 6: Chống cộng quyết liệt, không chấp nhận đối thoại. Đối thoại với cộng sản là vô ích. Cộng sản chỉ có thể thay thế chứ không bao giờ thay đổi (Yeltsin). Hy vọng cộng sản thay đổi thì hoàn toàn là ảo tưởng. Đối thoại với cộng sản là đối thoại "với cái đầu gối". Nếu cộng sản thật sự muốn đối thoại thì họ phải chấp nhận từ bỏ chế độ độc tài, và phải biểu lộ điều đó qua hành động như thả tất cả các tù nhân chính trị, cho các tôn giáo được tự do hành đạo, cho các báo chí được tự do phát hành, v.v.
Dạng 7: Trước nguy cơ bị Trung cộng xâm lược, một số người chống cộng nghĩ rằng cần phải tạm thời hợp tác với Việt Cộng để chống Trung Cộng hầu cứu đất nước khỏi rơi vào tay ngoại bang đã, chuyện Việt cộng thì tính sau. Nếu để Trung cộng biến nước mình thành một tỉnh của họ rồi thì lúc đó có chống Việt cộng cũng vô ích.
Dạng 8: Dù có nguy cơ bị Trung cộng xâm lược, ta cũng không thể nào hợp tác với Việt cộng để chống Trung cộng. Vì Việt cộng đã hoàn toàn bị Trung cộng mua chuộc, chúng chỉ tiếp tay tạo thuận lợi cho Trung cộng xâm chiếm Việt Nam, chứ không có chút thiện chí nào chống Trung cộng cả. Kinh nghiệm lịch sử thời chống Pháp cho thấy hợp tác với cộng sản thì chỉ bị cộng sản lợi dụng và cuối cùng bị cộng sản tiêu diệt. Đừng bao giờ dại dột mà hợp tác với cộng sản!
Dạng 9: Chống cộng nhưng không tôn vinh cờ vàng. Họ thường là những người xuất thân từ miền Bắc trước 1975. Vì chưa từng sống dưới chế độ VNCH, nên cờ vàng của VNCH này vẫn còn xa lạ đối với họ. Tuy trong bụng không chấp nhận cờ máu của cộng sản, nhưng vì còn sợ bị cộng sản hãm hại, nên họ chưa thể công khai biểu lộ điều đó.
Dạng 10: Chống cộng là phải tôn vinh cờ vàng. Cờ vàng là cờ của dân tộc chứ không phải chỉ là cờ của VNCH, nó biểu tượng cho lý tưởng tự do dân chủ. Muốn chống cộng hữu hiệu phải có một lá cờ làm biểu tượng để đoàn kết. Hiện nay không có một lá cờ nào có thể làm biểu tượng tốt hơn cờ vàng ba sọc đỏ. Do đó, không tôn vinh cờ vàng thì là việt gian!
Dạng 11: Nhiều người chống cộng rất tích cực, nhưng gặp những trường hợp khó giải quyết và bất khả kháng (**), thì họ chấp nhận hoặc treo cả hai loại cờ (vàng và đỏ), hoặc không treo cả hai loại cờ, vì lúc phải phát biểu lập trường, họ chưa nghĩ ra cách giải quyết nào khác tốt hơn để gỡ rối vấn đề.
Dạng 12: Nhiều người chủ trương dù khó khăn cũng phải tranh đấu để cờ của CSVN không bao giờ được tung bay trong các nước tự do dân chủ trên thế giới, mà phải là cờ vàng tượng trưng cho một Việt Nam tự do. Không thể chấp nhận treo cả hai cờ hoặc không treo cả hai cờ.
Dạng 13: Nhiều người từ Việt Nam du lịch hải ngoại, vì còn phải sống dưới ách độc tài cộng sản, không muốn khi trở về nước bị công an hỏi han, khó dễ, nên đã tránh né cờ vàng, không muốn vào những nơi có cờ vàng, sợ bị chụp hình và công an trong nước biết được… (***)
Dạng 14: Một số ít người trong nước du lịch hải ngoại, dù khi về nước có bị cộng sản phiền nhiễu, vẫn ngang nhiên chấp nhận cờ vàng, không tránh né. Vì họ chủ trương "nhập gia tùy tục", không thể đến với bà con tị nạn cộng sản mà lại tránh né lá cờ mà họ trân trọng. Cũng tương tự như người ở hải ngoại về nước không thể tránh né lá cờ đỏ sao vàng nếu muốn đến cơ quan nhà nước để làm giấy tờ, hay để tiếp xúc với ai đó ở cơ quan.
Dạng 15: Có những người không đặt nặng hình thức, nên trong một vài trường hợp họ đã khởi đầu một cuộc họp mà không chào cờ VNCH vì họ đã mời tham dự buổi họp cả "những người muốn tránh né cờ vàng" (như đã nói trong trường hợp trên) mà không muốn làm họ khó xử. Hoặc để dễ dàng liên kết với những người tuy chống cộng nhưng chưa mặn mà với lá cờ VNCH.
Dạng 16: Có những người chủ trương người Việt quốc gia đã họp với nhau đông đảo thì phải chào cờ VNCH, đó là luật định. Ai không chấp nhận luật này thì… hẳn nhiên là… thân cộng, v.v.
Dạng 17: Đối với những người đã, đang phục vụ trong chế độ cộng sản, sẵn sàng áp dụng chính sách chiêu hồi, mời gọi và vui mừng đón nhận họ trở về với Đại Khối Dân Tộc để cùng đấu tranh chống độc tài cộng sản, đem lại tự do nhân quyền cho toàn dân.
Dạng 18: Đối với những người đã, đang phục vụ trong chế độ cộng sản, phải coi họ như kẻ thù vì họ đã từng trực tiếp hay gián tiếp phục vụ cho chế độ kẻ thù của dân tộc, từng giết chết hay hãm hại những người thân yêu nhất của mình là người dân, hoặc là quân cán chính trong chế độ VNCH. Việc họ bỏ từ đảng, chống lại đảng hay đấu tranh cho tự do dân chủ ta không nên vội vàng tin tưởng sự thật lòng của họ, và sự trở cờ đó không xóa được tội ác của họ.
Dạng 19: Nhiều người ghét cộng sản nhưng vẫn về Việt Nam du lịch hay gửi tiền về Việt Nam cho thân nhân.
Dạng 20: Có những người chống cộng quyết liệt và biểu lộ điều đó qua việc không về Việt Nam du lịch khi cộng sản còn thống trị, cũng không gửi tiền về Việt Nam vì đó là một hình thức nuôi chế độ cộng sản tồn tại.
V.v. và v.v.
Còn rất nhiều dạng chống cộng khác nhau nữa với những cung cách và mức độ khác nhau, tùy theo cách suy nghĩ và hoàn cảnh mỗi người, mỗi nhóm.
Nói chung, ai cũng cho suy nghĩ hay cách chống cộng của mình là đúng, là tốt (thậm chí đúng nhất, tốt nhất), vì nếu biết là sai, là dở thì theo lẽ thường họ đã thay đổi, không suy nghĩ như vậy nữa. Một khi nghĩ mình đúng thì ai cũng có khuynh hướng lấy cái đúng của mình làm tiêu chuẩn để phán đoán người khác là đúng hay sai: hễ ai suy nghĩ giống mình là đúng, ai khác mình hay ngược với mình là sai. Dường như đó là bản năng rất tự nhiên nơi con người.
Nhưng nếu ai cũng cứ nhất định lấy cái đúng của mình làm tiêu chuẩn đúng sai và ép buộc người khác phải suy nghĩ giống mình thì đó chính là nguồn gốc phát sinh chia rẽ, chống đối lẫn nhau, và là nguyên ủy của tâm thức độc tài, độc đoán. Tâm thức này khiến người ta dễ dàng vi phạm quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, đồng thời tạo nên những chế độ độc tài tàn bạo trên thế giới.
Những người ý thức điều đó thì nhận ra sự phân biệt đúng sai ấy mang rất nhiều tính tương đối; và ai thật sự muốn đấu tranh cho tự do dân chủ thì phải từ bỏ tâm thức độc tài ấy ngay trong đầu óc mình, trong cách suy nghĩ của mình.
Nếu cùng mục tiêu chống cộng với nhau, cùng đấu tranh cho tự do dân chủ với nhau mà ta không chấp nhận những cách suy nghĩ khác biệt của nhau thì hóa ra ta tự cô lập hóa nhau, tách rời lẫn nhau. Lúc đó mỗi người trở thành một hòn đảo, tách biệt và xa cách nhau… Và tập hợp của chúng ta giống như những hạt cát trong một đống cát, tuy bên nhau nhưng không dính liền với nhau thành một khối. Như thế, không bao giờ chúng ta trở thành một lực lượng có sức mạnh để làm được một việc gì lớn lao, đừng nói tới chuyện giải thể chế độ cộng sản!
Muốn có sức mạnh phải liên kết lại. Không có cách nào khác!
Thiết tưởng những người cùng lý tưởng xây dựng đất nước, cùng mục đích thực hiện tự do dân chủ, cùng muốn chống kẻ thù chung là cộng sản, nếu chưa đồng ý được với nhau, hay chưa liên kết được với nhau thì ít ra là đừng chống nhau, đừng đánh phá nhau, đừng phê bình chỉ trích nhau. Hãy chấp nhận đối lập như dân chúng của những nước dân chủ: "đối lập chứ không đối kháng", nghĩa là không chống báng, không đánh phá đối lập, không coi đối lập như kẻ thù (****).
Tốt nhất, trước khi lên tiếng chỉ trích ai, chống báng ai, hãy suy nghĩ xem hành động đó có lợi cho ai, cho cộng sản hay cho công cuộc đấu tranh chống cộng?
Những ai muốn thực hiện đoàn kết, xin hãy can đảm nhưng cũng hãy tế nhị và nhẹ nhàng can gián những người chống cộng mà lại đi đánh phá những người chống cộng khác! Đừng để "phe mình đánh phe ta"! Đừng để tình trạng "chống cộng thì ít mà chống nhau thì nhiều"!
© Người Việt Thầm Lặng
(*) Nguyên văn: "C’est une expérience éternelle que tout homme qui a du pouvoir est porté à en abuser; il va jusqu’à ce qu’il trouve des limites." (Charles-Louisde Secondat Montesquieu, L’Esprit des Lois, XI, 4). Bản dịch tiếng Anh: "It is an eternal experience that every man who has power is drawn to abuse it; he proceeds until he finds the limits." (Montesquieu, The Spirit of the Laws)
(**) Như trường hợp treo cờ ở trường đại học Fullerton, California, Hoa Kỳ. Ban giám hiệu rất khó xử vì sinh viên học ở đây có những người từ Việt Nam qua, mà cũng có những người tị nạn cộng sản. Treo cờ đỏ sao vàng thì bị các sinh viên tị nạn phản đối, treo cờ vàng ba sọc đỏ thì bị sinh viên từ trong nước đến không đồng ý. Mà treo cả hai cờ hoặc không treo cờ nào cũng đều phát sinh vấn đề. Cuối cùng nhờ sự tranh đấu hợp lý của các sinh viên tị nạn cộng sản, ban giám hiệu đã chấp nhận chỉ treo cờ vàng ba sọc đỏ, là biểu tượng cho lý tưởng của một nước Việt Nam tự do.
(***) Công an cộng sản thấy người nào trong nước ra hải ngoại mà chụp hình dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ thì kết án người ấy phản động, là theo "ngụy", theo "thế lực thù địch"… Ở hải ngoại, một số người chống cộng cũng hành xử tương tự công an cộng sản: khi có ai về nước mà bị chụp hình dưới lá cờ đỏ sao vàng hoặc bên cạnh tượng Hồ Chí Minh thì lập tức chụp mũ họ là thân cộng, là cộng sản!
(****) Tại các nước dân chủ, các đảng đối lập là những đảng có lập trường khác biệt nhau, thậm chí đối nghịch nhau, nhưng vẫn liên kết với nhau để cùng xây dựng đất nước, đồng thời để kiểm soát lẫn nhau tránh trường hợp lạm dụng quyền bính… Họ có thể tranh cãi với nhau kịch liệt để tìm ra đường hướng tốt nhất. Sau khi tranh cãi, bên đuối lý hay bên thiểu số sẵn sàng chấp nhận quyết định cuối cùng theo hướng của bên thắng lý hay bên đa số. Những người đang đấu tranh cho tự do dân chủ cần học bài học của dân chúng những nước dân chủ: đối lập chứ không đối kháng, vẫn có thể hợp tác và liên kết chặt chẽ với nhau!
Nguồn: http://www.vanganh.info/2013/07/chong-cong-phai-chang-e-thanh-lap-mot.html
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét