Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Người trẻ với ước vọng phát triển Xã hội Dân sự tại Việt Nam

Người trẻ với ước vọng phát triển Xã hội Dân sự tại Việt Nam

Các bạn trẻ đòi thả các blogger bị bắt ở sân bay Tân Sơn Nhất sau khóa học Xã hội Dân sự tại Philippines



Trà Mi - VOA - 20.10.2013
Một nhóm bạn trẻ lần lượt bị bắt giữ khi về nước trong tháng này sau chuyến học về Xã hội Dân sự theo lời mời của một tổ chức phi chính phủ của Hàn Quốc có văn phòng tại Philippines.

Trong khóa học nửa tháng của tổ chức Asian Bridge, 13 blogger Việt được hướng dẫn đi thăm và tìm hiểu công việc của rất nhiều tổ chức dân sự phi chính phủ, được học hỏi kinh nghiệm từ các diễn giả danh tiếng từng tích cực giúp đỡ những người dân không có tiếng nói trong đó có đại diện của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Hỗ trợ Pháp lý Nhân đạo của Philippines, Liên minh Các Hội Nông dân và Ngư dân Philippines, cùng các thượng nghị sĩ, luật gia Philippines.

Về đến Việt Nam, tất cả các bạn đều bị câu lưu và phải trải qua các cuộc chất vấn của an ninh kèm theo những lời cảnh cáo mang tính đe dọa ngay khi đặt chân xuống sân bay cửa khẩu.

Các vụ bắt giữ này đã khiến tổ chức Asian Bridge có mục tiêu kết nối các xã hội dân sự ở châu Á lên án là “rất đáng quan ngại” và kêu gọi Việt Nam tôn trọng các quyền cơ bản của công dân để họ có thể tự do đi lại và tìm hiểu về sự phát triển của xã hội dân sự tại các quốc gia trong khu vực” thay vì “gieo rắc sự sợ hãi”.

Xã hội Dân sự là gì? Tại sao các bạn trẻ này lại sao quan tâm đến Xã hội Dân sự? Họ đã rút tỉa được những gì từ chuyến đi và từ phản ứng của nhà cầm quyền Việt Nam? Liệu họ có thể ứng dụng được các kiến thức vừa học vào môi trường Việt Nam hay chăng và bằng cách nào?

Mời quý vị cùng Tạp chí Thanh Niên tìm hiểu qua cuộc trao đổi với 3 bạn trẻ trong nhóm là Minh, Châu Văn Thi, và Lâm Bùi.

Petter Lâm Bùi: Mình tham gia khóa học này vì rất quan tâm đến XHDS ở Việt Nam vì thật ra XHDS ở Việt Nam còn rất mơ hồ và còn ít người quan tâm hay biết đến. Khi được lời mời tham gia qua Philippines học để hiểu biết hơn, Lâm rất hào hứng muốn mang những kiến thức đó về đóng góp cho XHDS tại Việt Nam.

Trà Mi: Từ khi nào các bạn bắt đầu nghe đến và bắt đầu tìm hiểu về khái niệm XHDS?

Châu Văn Thi: Trong lần tôi đi trao Tuyên bố 258 cho Liên minh EU ở Hà Nội, đại diện ngoại giao của EU hỏi chúng tôi sao không áp dụng và phát triển XHDS, một hình thái xã hội dân chủ được các nước tiến bộ ứng dụng. Từ đó, tôi bắt đầu để ý đến khái niệm XHDS và tôi đi tìm hiểu.

Minh: Trong cuộc sống hằng ngày, tôi cảm thấy vấn đề nhân quyền ở Việt Nam không được đảm bảo, không được đề cao. Kể từ khi tìm hiểu, tôi thấy rằng để nhân quyền được tôn trọng, để tiếng nói ngừoi dân được chấp nhận thì phải là tiếng nói của đám đông và XHDS là những tổ chức như vậy. Họ tập trung với nhau để cùng chia sẻ những vấn đề cùng quan tâm. XHDS có phát triển thì đất nước đó mới phát triển. Đó là sự phản biện giữa xã hội với nhà nước. Nhận thấy tầm quan trọng của XHDS, tôi đã tìm đến khóa học này.
 
Blogger ‘bị tạm giữ sau khi học về xã hội dân sự ở Philippines’

Anh Bùi Tuấn Lâm tức Facebooker Peter Lam Bui (trái), và Trần Hoài Bảo tức Facebooker Vô Thường (phải) chụp trước giờ ra sân bay về Việt Nam. (Ảnh: Danlambao)



VOA - 15.10.2013
Một blogger cho biết anh mới bị giữ tại phi trường Tân Sơn Nhất khi cùng với hơn một chục người Việt Nam khác tham dự một khóa học về xã hội dân sự do tổ chức Asian Bridge (Nhịp cầu châu Á) tổ chức tại Philippines.

Anh Bùi Tuấn Lâm cho VOA Việt Ngữ biết anh đã phải làm việc với đại diện của ‘Cục Phòng chống khủng bố của Bộ Công an trong suốt 16 tiếng đồng hồ’.

“Những vấn đề làm việc xoay quanh vấn đề em đi qua đó như thế nào, làm sao biết được khóa học này mà đi qua, rồi qua bên đó gồm những ai, gặp gỡ những ai, làm việc với những ai và bao nhiêu người qua đó học về những vấn đề gì. Rồi người ta hỏi là em có ý định sau khi học xong thì về có giữ những điều đó để làm ở Việt Nam hay không. Và người ta nhấn mạnh rằng tổ chức Asian Bridge thực sự là phía sau lưng có thế lực thù địch và những tổ chức của Việt Nam đứng đằng sau để chống phá lại nhà nước Việt Nam, chế độ Việt Nam."

Anh Lâm cho biết sau khi hóa học hoàn thành hôm 3/10, một số học viên Việt Nam trở về nước trước và bị giữ tại sân bay, nhưng anh vẫn quyết định về nước vì anh nghĩ rằng anh đi học ‘để hiểu hơn nhằm trở về giúp ích cho xã hội dân sự cũng như sự phát triển nói chung ở Việt Nam’.

Anh Lâm cho biết anh tìm được thông tin khóa học ở trên mạng và đã đăng ký tham gia học.

“Tất cả những vấn đề em học được đa phần là học về cách thức để phát triển xã hội dân sự ở Việt Nam như thế nào, rồi học về những quyền của công dân, quyền của con người. Trong quá trình đó em cũng được gặp các tổ chức của quốc tế như Liên Hiệp Quốc hay các tổ chức của Philippines về vấn đề xã hội dân sự ở Philippines. Rồi bọn em được đi tham quan, gặp gỡ các dân biểu Thượng viện, Hạ viện Philippines, các nhà lãnh đạo của người ta để mình thấy xã hội dân sự ở Philippines rất là phát triển và người dân được quyền tham gia và giám sát [nhà nước] một cách tự nhiên chứ không phải như ở Việt Nam.”

Theo anh Lâm, Asian Bridge là một tổ chức phi chính phủ của Hàn Quốc có chi nhánh tại tại Philippines.

Thông tin trên mạng của tổ chức này viết rằng ‘Asian Bridge nhắm mục tiêu kết nối các xã hội dân sự ở châu Á nhằm đạt được các giá trị chia sẻ và chung sống hòa hợp’.

Tổ chức này còn cho hay, mục tiêu hoạt động của họ là trở thành một cầu nối nhằm thiết lập một cộng đồng chung sống hòa bình và lâu bền trong khu vực.

Sau khi các học viên bị bắt tại Việt Nam, tổ chức Asian Bridge đã lên tiếng kêu gọi Việt Nam ‘tôn trọng các quyền cơ bản của mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là các học viên tham gia khóa học của họ, để họ được tự do ra đi, học hỏi về việc phát triển xã hội dân sự ở các nước khác trong khu vực’.

Asian Bridge cũng cho biết họ là tổ chức phi chính trị, đồng thời kêu gọi Việt Nam khuyến khích các công dân học hỏi thêm về lịch sử, xã hội của các nước khác, thay vì khiến dân chúng phải sợ hãi khi làm điều đó.
Nguồn: http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=24800

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét