SUY TRẦM KINH TẾ : NỖI LO LẮNG QUEN THUỘC
" Kinh tế và đất nước Hoa Kỳ đi về đâu? Với gần 300 năm lập quốc vững vàngvới nền Dân chủ, Tự Do, Nhân quyền, thiển nghĩ không ai có thể biến đất nước này thành Xã hội hay Cộng sản chủ nghĩa. Một ông TT như thế sẽ bị QH giật xuống, bất tín nhiệm ngay.Như ai cũng thấy con đường trước mặt là rất khó khăn; 2009 có thể còn khó khăn hơn 2007 và 2008. Cử tri Hoa Kỳ thích thay đổi (change we need), thích hảo ngọt và nay họ đã mãn nguyện. Chúa nhật vừa rồi, ở hầu hết các nhà thờ Công giáo và Tin Lành tại Mỹ, người ta hát bài: *O beautiful for spacious skies, For amber waves of grain... * vào sau lễ để cầu xin Thượng Đế thương đất nước này, phá mọi sự dữ! " (GS Xuân Vũ Trần Đình Ngọc)
Thăng trầm kinh tế là hiện tượng cố hữu trong nền kinh tế thị trường tự do (free market economy). Lúc thịnh vượng, mọi người lạc quan phấn khởi. Ngược lại, khi kinh tế suy đồi, người ta trở nên bi quan và lo lắng. Đoạn văn trên trích từ bài "Nền Kinh Tế Hoa Kỳ Đi Về Đâu?" của GS Xuân Vũ Trần Đình Ngọc đã nói lên nỗi lo lắng quen thuộc của người dân Hoa Kỳ trước nạn suy trầm kinh tế (economic recession) hiện nay. Điều nầy rất dể hiểu vì mọi xuống dốc kinh tế đều mang đến ảnh hưởng tệ hại trên mọi mặt, từ thị trường tài chánh (financial market), thị trường hàng hoá (product market), đến thị trường lao động (labor market). Hiện tình kinh tế Hoa kỳ có thể được tóm tắc qua những diễn biến sau đây.
(1) Sư Thất Bại Của Các Ngân Hàng Kinh Doanh và Tín Dụng
Cuộc khủng hoảng địa ốc (do những tài trợ bừa bãi và thái quá của các ngân hàng) đã đưa đến hiện trạng khủng hoảng tài chánh: Hằng chục ngân hàng thương mại và tín dụng lớn như IndyMac Bank, Fannie Mae, và Freddie Mac đã bị lỗ lã nặng nề và có cơ nguy đi đến tình trạng khánh tận. Ngoài ra, hàng trăm ngân hàng nhỏ trên toàn quốc bị khánh tận và đóng cửa. Do đó, trước những bất mãn và sợ hải của dân chúng, chánh phủ Hoa Kỳ đã phải ra tay can thiệp (như dành quyền điều khiển các cơ quan tín dụng lớn như Fannie Mae và Freddie Mac) nhằm trấn an quần chúng trước sự đe dọa của nạn suy trầm kinh tế.
Cuộc xuống dốc kinh tế nầy đã đưa đến tình trạng khan hiếm tiền tệ -- ngân hàng không có đủ tiền cho vay vì không thâu đuợc nợ – có phương hại đến guồng máy sản xuất và tiêu thụ của quốc gia .
* Các nhà sản xuất (các công ty lớn nhỏ) không vay được tiền để tạo vốn đầu tư và sản xuất. Do đó, sản lượng quốc gia (national product) bắt đầu xuống dốc.
* Người tiêu thụ không vay được tiền để mua nhà hoặc tài trợ các nhu cầu tiêu thụ khác (mua xe, chửa bệnh v.v.). Điều nầy dẫn đến tình trang ứ động trên các thị trường, từ thị trường tiêu thụ cho đến thị trường lao động.
Những suy thoái kinh tế nêu trên tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến mức nhân dụng (employment) trên toàn quốc. Các công ty bị lỗ lã và thiếu vốn đầu tư sản xuất phải sa thải nhân công, đưa đến tình trạng thất nghiệp (unemployment). Và nạn thất nghiệp dĩ nhiên sẽ mang đến tình trang khiếm khuyết lợi tức. Khiếm khuyết lợi tức sẽ dẫn đến tình trạng ế ẩm trên thị trường . Vòng suy thoái lẩn quẩn nầy, nếu thị trường không được điều chỉnh kịp thời, sẽ đưa đến một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Đây là mối lo ngại của đa số quần chúng Hoa Kỳ hiện nay.
(2) Tình Trạng Thất Nghiệp Hiện Nay
Trong trạng thái kinh tế quân bình (economic equilibrium) , số thất nghiệp tự nhiên (natural rate of unemployment) là vào khỏang từ 4% đến 5% [Số thất nghiệp này được gọi là "thất nghiệp tự nguyện" (voluntary unemployment)], gồm các cá nhân tự ý không muốn đi làm, thí dụ một số phụ nữ quyết định ở nhà làm nội trợ hoặc một số người nào đó muốn bị thất nghiệp để hưởng trợ cấp xã hội thay vì đi làm.
Hiên nay tỷ lệ thất nghiệp đã lên trên 6%, vượt qúa "tỉ lệ tự nhiên". Đây là một trong những dấu hiệu của suy trẩm kinh tế. Trong chiều hướng hiện tại , con số nầy có thễ tiến đến 7% hoặc 8% trong một ngày gần đây. Các công ty đã bắt đầu sa thải nhân công, điển hình là CityGroup tuyên bố sắp sa thải thêm 40,000 nhân viên. Ngoài ra nhiều công ty công nghệ và dịch vụ nhỏ trên toàn quốc đang cắt giảm nhân dụng hoặc đóng cửa vì phá sản.
(3) Thị Trưòng Chứng Khoán Tuột Dốc
Hiện nay, chỉ số (indexes) của the Dow Jones Industrial Average, NASDAG và S&P 500 đã giảm xuống khoảng 40% so với các chỉ số ấy vào giờ nầy năm ngoái. Điều nầy có nghĩa là nếu ta có $100,000 trong trương mục 401K vào muà Thu 2007, bây giờ chỉ còn $60,000. Đây là một mất mát không nhỏ.
Ba mấu chốt kinh tế kể trên cho thấy rằng chúng ta đang đứng bên bờ của một cuộc suy trầm kinh tế đáng lo ngại nếu lực lượng cung cầu trên thị trường không tự điều chỉnh kịp thời.
(Trong bài viết ngắn nầy, người viết tạm không đề cập đến ngoại thương và kimh tế toàn cầu, hy vọng chúng tôi sẽ có dịp bàn tới trong tưong lai nếu thời gian cho phép).
Vậy, NỀN KINH TẾ HOA KỲ SẼ ĐI VỀ ĐÂU ?
Nếu lịch sử là một hướng dẫn viên đáng tin cậy, thì NỀN KINH TẾ HOA KỲ SẼ VƯỢT QUA CƠN THỬ THÁCH NẦY VÀ SỄ TIẾP TỤC PHỒN THỊNH TRONG TRƯỜNG KỲ, nếu cơ cấu kinh tế thị trưòng tự do đuợc bảo vệ triệt để.
Dĩ nhiên, trong những ngày sắp tới, tình trạng kinh tế sẽ trở nên tồi tệ hơn, trước khi được phục hồi và tiếp tục tăng triển.
Như đã nói trong phần nhập đề, "thăng trầm kinh tế là hiện tượng cố hữu trong nền kinh tế thị trường tự do". Thật vậy, trong hơn một thế kỷ vừa qua, từ 1900 đến 2001, đã có 21 cuộc suy trầm kinh tế (xin xem biểu đồ dưới đây). Nhìn vào biểu đồ này, chúng ta thấy rằng trung bình cứ khỏang 4 năm là có xảy ra một cuộc suy trầm kinh tế. Cuộc suy trầm nặng nhất là cuộc đại khủng hoảng kinh tế (the great depression) 1930-1933, kéo dài đến 43 tháng. Và sau đó, 2 cuộc suy trầm kéo dài nhất (1973 và 1981) là khoảng 15 tháng (một năm 3 tháng) . Cuộc suy trầm vừa qua, bắt đầu vào năm 2001, kéo dài không đến 10 tháng. Ta có thể chia 100 năm qua làm hai thời kỳ: tiền và hậu thế chiến thứ II. Trong thời kỳ tiền chiến, trung bình một suy trầm kinh tế kéo dài khỏang 19 tháng. Trong thời hậu thế chiến II, thời gian kéo dài trung bình của các cuộc suy trầm nầy giảm xuống phân nữa, chỉ còn khỏang 10 tháng . Đây là một chỉ dấu tốt của diễn tiến kinh tế Hoa Kỳ : Kinh nghiệm đã giúp cho giới sản xuất và tiêu thụ ngày càng nhanh chóng trong việc đối phó với các nạn suy trầm kinh tế.
Nguyên nhân của các cuộc suy trầm trong nền kinh tế thị trưòng tự do có thể được tóm tắc bằng hai chử "THAM "(greed) và SỢ (fear), 2 cá tính cố hữu "bất toàn" của con người. Sự tham lam đưa đến mức thặng dư (excess) cung hoặc cầu, và sự qúa đáng nầy đưa đến tình trạng bất quân bình trên thị trường. Và cái bất quân bình nầy dẫn tới sự sợ hãi (như nỗi lo sợ và hoang mang hiện nay). Chính sự lo sợ nầy lại đưa đến những hành động vô lý (như tranh nhau rút tiền ra khỏi ngân hàng hoặc bán hết cổ phiếu với gía rẻ mạt), và sau cùng dẫn đến một suy trầm kinh tế.
May thay, cả hai giới sản xuất và tiêu thụ ở một nước tự do dân chủ như Hoa Kỳ, theo thời gian, đã đạt được kinh nghiệm, trình độ kiến thức cần thiết cũng như đủ khả năng để đối phó với những khó khăn kinh tế và mạnh tiến trên con đường phát triển quốc gia mà không cần sự can thiệp (thường không hữu hiệu) của nhà nước . Sự nhúng tay của chánh quyền chỉ có hiệu quả trong đoản kỳ. Trong tường kỳ, sự điều hoà kinh tế thị trường đuợc sắp xếp bởi bàn tay vô hình (invisible hand) muôn thuở của lực lượng cung/cầu trên thị trường.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người ta thường qui trách và đòi hỏi chính quyền can thiệp và điều khiển với hy vọng nền kinh tế sớm trở lại mức quân bình. Điều nầy rõ ràng đã đi ngược lại cơ chế thị trường TỰ DO, trong đó chính phủ (một cơ quan HÀNH PHÁP) được lập ra để thay mặt toàn dân giữ gìn trật tự và luật pháp quốc gia (law and order) , đồng thời bảo vệ sự toàn vẹn lảnh thổ, chống ngoại xâm (defense). Chính phủ trong một thể chế tự do dân chủ không phải được thiết lập nhằm kiểm soát nền kinh tế quốc gia như nhà nước cộng sản với hệi thống kinh tế chi huy. Và do đó mọi biện pháp kinh tế của chính phủ Hoa Kỳ, trong thực chất, đều có tính cách chánh trị và tâm lý nhằm xoa diệu mổi lo sợ cũng như nhằm duy trì sự ủng hộ của quần chúng .
Lấy một thí dụ điển hình về trường hợp "The Big Three" (GM, Ford và Chrysler) đang đi đến tình trạng khánh tận và vận động yêu cầu chánh phủ giúp đở. Có quan niệm cho rằng chính phủ nên can thiệp -- dùng 25 tỷ Mỹ kim để "bail out" 3 công ty nầy -- nhằm tránh những hậu quả tai hại khi ba công ty lớn này phá sản, đặc biệt là hằng trăm ngàn nhân công sẽ bị thất nghiệp. Trong đoản kỳ, biện pháp nầy có thể tạm thời giúp 3 công ty đó tiếp tục hoạt động trong một vài năm. Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để các công ty nầy được tiếp tục hoạt động và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nếu họ không có cách nào để sản xuất hữu hiệu hơn (more efficiently) và nâng cao phẩm chất (quality) của hàng hoá (xe hơi) mà họ sản xuất để có một chổ đúng vững chắc trên thị trường, thì trước sau gì họ cũng phải đi đến tình trạng khánh tận. Và chính phủ không thể dùng tiền của dân (tax payers) để tiếp tục tài trợ cho sự lỗ lã do cách quản trị và sản xuất kém hữu hiệu của các công ty nầy.
Nếu ba công ty đó không thể thay đổi phương cách quản trị và sản xuất, thì trước sau gì họ cũng bị phá sản vì lỗ lã dù chính phủ có gúp đở hay không. Chính phủ có thể tài trợ, nhưng không có khả năng trực tiếp điều động lực lượng cung và cầu trên thị trường. Nói một cách nôm na, chính phủ không thể bắt buộc qúy vị và tôi mua xe GM , Chrysler hoặc Ford và chính phủ cũng không thể bắt buộc các công ty nầy bán giá rẻ hơn cái giá mà họ đang bị lỗ hằng tỷ Mỹ kim mỗi tam cá nguyệt, để tái lập cán cân quân bình trên thị trường xe hơi. Thí dụ đơn sơ kể trên cho thấy rằng mọi can thiệp của chính phủ đều vô hiệu trong trường kỳ. (Chính vì điểm nầy mà quốc hội Hoa Kỳ dù muốn tài trợ cho 3 hảng xe lớn nầy cũng phải đòi hỏi họ phải đưa ta một chương trình khả thi trong việc dùng số tiền chính phủ tài trợ để chấn chỉnh guồng máy sản xuất và quản trị cuả họ, trước khi bỏ phiếu thuận cho chương trình tài trợ)
Đến đây, một câu hỏi cần được đặt ra là: Làm sao hai lực lượng cung cầu có thể tự điều chỉnh để đưa nền kinh tế thị trường trở lại thế quân bình? Câu trả lời rất đơn sơ, nhưng rất thật: Cái gì đi xuống có lúc phải đi lên . Thật vậy, lấy một thí dụ đơn giản trên thi trường đia ốc. Trong năm vừa qua, số lượng nhà bán ra (số cung) vượt hẳn số người mua nhà (số cầu). Hậu qủa là giá nhà xuống qúa thấp. Ở những thành phố như Orlando, FL và Phoenix, AZ ,giá nhà có trường hợp sụt giảm hơn 50% . Hiện nay, những người cần mua nhà cũng chưa dám mua vì SỢ (FEAR) nhà tiếp tục xuống giá. Tuy nhiên đến một lúc nào đó, giá nhà xuống qúa thấp, người mua nhà để ở hoặc đầu tư bắt đầu mua. Khi các bảng bán nhà biến dần, người ta bắt đầu tranh nhau mua vói hy vọng ( hoặc sợ) giá nhà tiếp tục gia tăng , đến một lúc nào đó số cung sẽ gặp số cầu và thị trường địa ốc sẽ trở lại thế quân bình.
Định luật thiên nhiên: Sau cơn mưa trời lại sáng. Điều nầy vẫn đúng với hoạt động kinh tế thị trường tự do. Hai lực lượng cung cầu sẽ tự điều chỉnh và nền kinh tế sẽ phục hồi và tiếp tục tăng tiến sau mỗi cuộc suy trầm . Lịch sữ kinh tế Hoa kỳ suốt thế kỷ vừa qua đã hùng hồn chứng minh sư hữu hiệu của "bàn tay vô hình" của thị trường tự do .
Đây là cái đẹp của TỰ DO và là cái thú vị trong cuộc sống thăng trầm của những công dân luôn có niềm tin vào TỰ DO. Dĩ nhiên là "không bao giờ nói: không bao giờ". Lịch sử có thể chuyển hướng và "ngày tận thế" cũng có thể là một điều khả hữu. Tuy nhiên đây là một vấn đề ngoài tầm kiểm soát của con người . Hơn nữa, bi quan, yếm thế hoặc sợ hãi không là một thái độ bổ ích cho chính mình và cho xã hội.
Đời là một cuộc hành trình thú vị và, thiết nghĩ, chúng ta nên hân hoan thưởng thức.
Hương Sàigòn
(09/19/2010)
Nguồn: http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=4625
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét