Hoa Kỳ khơi động lại cuộc chiến Việt Nam |
Written by Lê Quế Lâm |
Thursday, 25 October 2012 08:52 |
Hoa Kỳ khơi động lại cuộc chiến Việt Nam
Nhân ngày Chiến Sĩ Trận Vong năm nay (Memorial Day 28/5/2012) cũng là lễ kỷ niệm lần thứ 50 Chiến tranh Việt Nam (50th
Anniversary of the Vietnam War), Tổng thống Obama cùng Phó tổng thống
Biden, Đệ nhất phu nhân Michelle, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta và Đại
tướng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Demsey đã đến Nghĩa trang Quốc
gia Arlington, tham dự hai nghi thức trọng thể để tưởng niệm những chiến
sĩ đã hy sinh để bảo vệ Hoa Kỳ và lý tưởng tự do của nhân loại.
Tại
Nghĩa trang Quốc gia, ngoài khu Tưởng niệm Memorial Amphitheatre -nơi
tổ chức các lễ quốc tang, kỷ niệm Memorial Day (thứ Hai cuối cùng của
tháng Năm hàng năm) và Veterans Day (11/11 hàng năm), còn có một nơi tôn
nghiêm luôn được một tiểu đội Lục Quân với lễ phục ứng hầu thường trực.
Đó là Mộ Chiến Sĩ Vô Danh (Tomb of the Unknows) -nơi an nghĩ vĩnh viễn
những chiến sĩ vô danh của HK đã tử trận trong bốn trận chiến lớn nhất
của lịch sử của họ. Đầu tiên là các tử sĩ vô danh trong Thế chiến I được
chôn cất ngày 11/11/1921 dưới sự chủ tọa của Tổng thống Warren G.
Harding. Ngày 11/11, nay trở thành ngày Quốc lễ “Cựu Chiến Binh”
(Veterans Day). Tiếp theo là các tử sĩ vô danh trong Thế chiến II, chiến
tranh Triều Tiên. Và sau cùng, cho đến ngày hôm nay, là các chiến sĩ vô
danh đã hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam. Lễ an táng đã được cử hành
ngày 28/5/1984 dưới sự chủ tọa của Tổng thống Ronald Reagan. Ngày 28/5
trở thành ngày Cựu Chiến binh Chiến tranh Việt Nam.
Sau
khi đặt vòng hoa tưởng niệm các Chiến sĩ Trận Vong, TT Obama tuyên bố:
“Trong suốt 9 năm qua, năm nay là lần đầu tiên không còn một binh sĩ Mỹ
nào phải chiến đấu và hy sinh tại Iraq nữa”. Ông cam kết sẽ tận lực kết
thúc cuộc chiến tại đây và rút toàn bộ binh sĩ Hoa Kỳ ra khỏi Iraq, đưa
họ trở về đoàn tụ với gia đình. Ông cũng cam đoan sẽ giảm thiểu cường độ
chiến tranh ở Afghanistan và lần lượt rút binh sĩ Mỹ về nước. Buổi
chiều, tổng thống và phu nhân cùng các giới chức cao cấp đến Đài Tưởng
Niệm Cựu Chiến binh Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial Wall) thường
được gọi là Bức tường Đá Đen, tham dự lễ tưởng niệm cùng các cựu chiến
binh và thân nhân những chiến sĩ đã tử trận ở VN. Trong bài phát biểu
đầu tiên của một vị tổng thống HK tại Đài Tưởng niệm Cựu chiến binh VN
kể từ năm 1993, TT Obama đã nói nhiều về cuộc chiến VN với niềm cay đắng
lẫn tự hào. Ông được các cựu chiến binh nhiệt liệt tán thưởng, vỗ tay
liên tục. Dưới đây là một số đoạn trong bài phát biểu hùng hồn và cảm
động của TT Obama do Thẩm Vân dịch.
“…
Hôm nay là ngày Chiến Sĩ Trận Vong, chúng ta nhớ lại tất cả những người
đã âm thầm cho đi mọi thứ trong chiến tranh, ngõ hầu chúng ta có thể
đứng đây trong vinh quang. Và hôm nay bắt đầu kỷ niệm 50 năm ngày chúng
ta tham chiến tại Việt Nam. Chúng ta vinh danh tên tuổi của những người
lính đã được khắc lên bia đá, tên của 58.282 người Mỹ yêu nước. Chúng ta
chào mừng tất cả những người đã cùng tham chiến với họ.
…Ở
đây, chúng ta cảm nhận được chiều sâu sự hy sinh của các bạn. Và ở đây,
chúng ta nhìn thấy được phần lớn hơn câu chuyện của người Mỹ. Cha ông
chúng ta, với sự sáng suốt, đã trao cho chúng ta một nhiệm vụ. Họ đã đặt
ra để làm cho đất nước ngày càng được hoàn hảo hơn. Và do vậy, các thế
hệ theo sau phải nối tiếp công việc đó để tiếp tục tiến về phía trước,
để vượt qua quá khứ nhiều khi đau đớn, để tiếp tục phấn đấu cho lý tưởng
của chúng ta.
Và một trong những chương đau đớn nhất trong lịch sử của chúng ta là cuộc chiến Việt Nam, đặc biệt nhất là cách hành xử của
chúng ta đối với quân đội của chúng ta, những người đã tham chiến ở đó.
Các bạn thường bị quy trách nhiệm cho một cuộc chiến tranh mà các bạn
đã không bắt đầu, khi mà lẽ ra các bạn cần được tán thưởng vì đã phục vụ đất nước với lòng dũng cảm.
(Vỗ tay). Đôi lần các bạn bị quy trách nhiệm vì đã có những hành động
xấu, khi mà sự tham chiến cao quý của nhiều người lẽ ra nên được tán
dương. Các bạn trở về nhà và nhiều lần đã bị gièm pha, phỉ báng, khi mà
lẽ ra các bạn phải được tôn vinh. Đó là điều sỉ nhục của đất nước, một sự sỉ nhục không bao giờ để xảy ra nữa. Và đó là lý do tại sao hôm nay ở đây, chúng ta xác quyết rằng nó sẽ không còn xảy ra một lần nào nữa. (Vỗ tay.)
Do
vậy, phần chính của Lễ Kỷ Niệm 50 năm hôm nay sẽ dành để nói về câu
chuyện của các bạn mà lẽ ra chúng đã được nói từ lâu. Đây là cơ hội để
nói lên sự sòng phẳng, đó là một trong nhiều cách chúng ta tiếp tục hoàn
thiện sự hợp nhất của chúng ta, hãy sòng phẳng với nhau và nó được bắt
đầu từ hôm nay. Bởi vì lịch sử sẽ vinh danh sự tham chiến của các bạn,
và tên của các bạn đã đính vào cuộc chiến đã kéo dài trong hai thế kỷ
qua.
Hãy
cho tôi nói về câu chuyện thế hệ của những người tham chiến, bất kể màu
da, niềm tin, giàu, nghèo, sĩ quan hay lính nhập ngũ, những người đã
tham chiến với lòng yêu nước và danh dự như bất cứ ai đã từng đi trước
các bạn. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng hầu hết những người đã phục vụ
cuộc chiến tại Việt Nam đã lựa chọn làm như vậy. Nhiều người trong các
bạn đã tình nguyện. Khi đất nước có chiến tranh, các bạn đã nói, “hãy
đưa tôi ra chiến trường.” Điều này bao gồm cả những chị em phụ nữ đã
tham chiến tại Việt Nam -mỗi người các bạn là một tình nguyện viên. (Vỗ
tay.) Cả những người đã được tuyển chọn nhập ngũ, họ cũng đã ra đi và
mang trên vai trọng trách của họ – các bạn đã tham chiến; các bạn đã làm xong nhiệm vụ của mình.
Các
bạn đã kiên trì dù phải đối mặt với một số điều kiện tàn bạo nhất mà
người Mỹ đã từng chịu trong chiến tranh. Những cơn nóng ngột ngạt. Những
trận mưa mùa như trút nước. Kẻ thù có thể đến từ bất cứ nơi đâu và biến
mất một cách nhanh chóng. Những trận chiến trong thành phố khốc liệt
nhất trong lịch sử, và những trận đánh chiếm ngọn đồi dữ dội có thể kéo
dài trong nhiều tuần lễ. Có thể kể ra đây những địa danh tử thần như là
Briarpatch, Zoo và Hỏa Lò Hà Nội – những tù binh chiến tranh Việt Nam
của chúng ta không chỉ đơn giản là đã chịu đựng, các bạn đã viết lên
những câu chuyện phi thường nhất về lòng dũng cảm và liêm chính trong
quân sử. (Vỗ tay)
Là
một quốc gia, từ lâu chúng ta đã từng tuyên dương lòng quả cảm của quân
đội chúng ta tại Normandy và Iwo Jima, vành đai Pusan và Heartbreak
Ridge. Hãy cho tôi nói về lòng can đảm của các bạn tại Huế và Khe Sanh,
tại Tân Sơn Nhất và Sài Gòn, từ Hamburger Hill đến Rolling Thunder. Hầu
như ai cũng thường quên rằng các bạn, những người lính tham chiến tại Việt Nam, đã chiến thắng trên mọi trận đánh chính mà các bạn đã tham dự. (Vỗ tay)
Khi
các bạn trở về, tôi biết nhiều người trong các bạn đã giấu đi những huy
chương, đặt chúng trong ngăn kéo, hoặc bỏ vào một chiếc hộp đặt trong
tủ quần áo. Các bạn tiếp tục sống cuộc sống của mình -bắt đầu từ gia
đình rồi theo đuổi những nghề nghiệp. Rất nhiều người trong các bạn đã
không hề nói về việc mình đã tham chiến. Hệ quả là, quốc gia này không
phải lúc nào cũng coi trọng những gì sẽ đến với cuộc sống của các bạn.
Nào, chúng ta hãy nói về câu chuyện của một thế hệ khi đã trở về nhà, và họ đã sống ra sao. Mặc dù nhiều người Mỹ đã quay lưng lại với các bạn, nhưng các bạn đã không bao giờ quay lưng lại với nước Mỹ.
(Vỗ tay.) Giống như các thế hệ đi trước, các bạn đã cởi bỏ quân phục,
nhưng các bạn đã không bao giờ ngừng phục vụ… Với những người đã từng
phục vụ trong quân ngũ, các bạn đã được thăng cấp, đã trở thành những
người lãnh đạo trong các ngành, đã học hỏi được những kinh
nghiệm từ Việt Nam, và đã xây dựng lại quân đội chúng ta thành đội quân
tinh nhuệ nhất mà thế giới đã từng biết đến. (Vỗ tay.) Và chúng
ta hãy nhớ lại tất cả những cựu chiến binh Việt Nam đã trở về và tham
chiến một lần nữa, trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Các bạn
không ngừng phục vụ. (Vỗ tay)
Ngay
cả khi các bạn đã thành công trong những nỗ lực này, các bạn còn làm
một điều gì đó hơn nữa – có lẽ đây là điều quan trọng nhất mà các bạn đã
làm, đó là các bạn đã săn sóc cho nhau. Các bạn quan tâm lẫn nhau, các
bạn còn quan tâm đến những lớp người đi sau. Các bạn đã tự đảm nhận sứ
mệnh để nắm chắc rằng quân đội ngày nay cần nhận được sự tôn trọng và hỗ
trợ mà tất cả các bạn hầu như đã không hề nhận được trước đây. (Vỗ tay)
Tại các sân bay, khi những người lính chúng ta trở về và vừa ra khỏi máy bay, các bạn đã đến để bắt tay họ. (Vỗ tay.) Nhờ
các bạn mà trên khắp nước Mỹ, mọi cộng đồng đều chào đón đội quân chúng
ta trở về từ chiến trường Iraq. Và khi quân đội chúng ta trở về từ
Afghanistan, toàn thể Thế Hệ 9/11 đều xứng đáng được đất nước Hoa Kỳ
chào đón. Điều đó đã xảy ra một phần là nhờ các bạn. (Vỗ tay.)
Đấy
là câu chuyện của những quân nhân tham chiến tại Việt Nam của chúng ta,
những câu chuyện cần được nói đến. Đó là tất cả ý nghĩa của Lễ Kỷ Niệm
50 năm hôm nay. Đó là một cơ hội khác để nói với các cựu chiến binh Việt
Nam về những gì mà lẽ ra chúng ta đã phải nói từ lâu: Các bạn
đã hoàn tất bổn phận. Các bạn đã tham chiến trong danh dự. Các bạn đã
làm cho chúng tôi tự hào. Các bạn đã trở về và giúp xây dựng đất nước mà
chúng ta hằng yêu thương và ấp ủ.
Vì
vậy, ở đây hôm nay, điều đó phải được nói ra, các bạn đã đạt được vị
trí xứng đáng trong các thế hệ vĩ đại nhất. Lúc này, tôi yêu cầu tất cả
các cựu chiến binh Việt Nam, những ai có thể đứng được, xin vui lòng
đứng lên, và tất cả những ai đã đứng, xin hãy giơ cao tay -chúng ta hãy
hô to những lời đơn giản mà chúng ta thường hay hô khi chào đón đoàn
quân trở về: Chào mừng các bạn đã trở về. (Vỗ tay). Chào mừng các bạn đã
trở về. Chào mừng các bạn đã trở về. Cảm ơn các bạn. Chúng tôi đánh giá
cao các bạn. Chào mừng các bạn đã trở về. (Vỗ tay)
Năm
thập kỷ đã phân chia những người Mỹ, lễ kỷ niệm năm nay có thể nhắc nhở
chúng ta về những gì chúng ta chia sẻ cho nhau như những người Mỹ. Điều đó bao gồm tôn vinh các cựu chiến binh Việt Nam bằng cách không bao giờ quên những bài học của cuộc chiến tranh đó.
Vì
vậy, khi đất nước cần gửi thanh niên nam nữ vào con đường nguy hiểm,
chúng ta phải luôn giao cho họ một sứ mệnh rõ ràng, chúng ta phải luôn
cung cấp cho họ một chiến lược đúng đắn, chúng ta phải trang bị cho họ
các thiết bị cần thiết để có thể hoàn thành công việc. Chúng ta phải
thấy họ trở về. (Vỗ tay) Các nhà lãnh đạo cần phải thẳng thắn về những
rủi ro và tiến độ của cuộc chiến, và cần có một kế hoạch để đem quân đội
trở về trong danh dự.
Chúng ta quyết
không bao giờ quên cái giá của chiến tranh, bao gồm cả sự mất mát khủng
khiếp các thường dân vô tội -không chỉ ở Việt Nam, nhưng trong tất cả
các cuộc chiến tranh. Chúng ta biết rằng sự hy sinh và tham chiến của
các bạn là định nghĩa của vinh quang, nhưng chiến tranh tự nó không phải
là vinh quang. Chúng ta ghét chiến tranh. Khi chúng ta chiến đấu, chúng
ta làm như vậy để bảo vệ mình bởi vì đó là điều cần thiết.
Trong
nền dân chủ, chúng ta có thể tranh luận và không đồng ý, ngay cả trong
thời chiến… Nhưng chúng ta không bao giờ sử dụng lòng yêu nước như là
một đòn phép chính trị. Người yêu nước có thể hỗ trợ một cuộc
chiến tranh, người yêu nước cũng có thể phản đối một cuộc chiến tranh.
Và bất cứ quan điểm nào, chúng ta hãy luôn luôn đoàn kết và hỗ trợ quân
đội, là những người đang đối mặt với hiểm nguy. (Vỗ tay) Đó là nghĩa vụ quan trọng của chúng ta. (Vỗ tay)
Và
khi một người lính không bao giờ trở về – bao gồm cả 1.666 người Mỹ vẫn
còn mất tích từ chiến tranh Việt Nam – chúng ta phải quyết tâm làm đủ
mọi cách trong khả năng của mình để đem họ trở về…
Nhiều
người cho rằng kỷ nguyên chiến tranh này là một vết sẹo trên đất nước
chúng ta, nhưng đây là những gì tôi muốn nói. Như bất kỳ vết thương nào
đã lành, các mô xung quanh nó đều trở nên cứng cáp và mạnh mẽ hơn trước.
Và trong ý nghĩa ấy, cuối cùng, chúng ta đã có thể nhìn thấy được di
sản thực sự của cuộc chiến Việt Nam. Vì Việt Nam và vì các cựu chiến
binh, ngày nay chúng ta sử dụng sức mạnh của Mỹ thông minh hơn, chúng ta
biết vinh danh quân đội hơn, chúng ta chăm sóc các cựu chiến binh tốt
hơn. Vì những bài học quí báu của Việt Nam, vì các bạn, đất nước chúng ta còn mạnh hơn trước. (Vỗ tay)
Và
cuối cùng, trong lễ kỷ niệm hôm nay và cả những năm kế tiếp, chúng ta
hãy nhớ những gì đang liên kết chúng ta lại như một con người. Điều này
thật quan trọng cho tất cả chúng ta, dù cho bạn đã tham chiến trong cuộc
chiến Việt Nam hoặc bạn đã chiến đấu chống lại nó, hay dù cho bạn còn
quá trẻ để được định hình bởi nó. Điều quan trọng là trẻ em của chúng ta
hiểu được sự hy sinh các bạn đã làm tại Việt Nam.
Tôi
biết vết thương chiến tranh chậm lành… Nhưng hôm nay chúng ta bước thêm
một bước khác. Việc kể câu chuyện của các bạn vẫn còn tiếp tục. Việc
hoàn thiện đất nước của chúng ta đang tiếp tục. Và từ nhiều thập kỷ, tôi
hy vọng những lớp người trẻ khác sẽ ghé thăm nơi này và họ sẽ học được
câu chuyện của những người đã từng tham chiến –những người mà họ chưa
bao giờ gặp, những người đã chiến đấu một cuộc chiến tranh mà họ không
bao giờ biết -và khi đã cảm thông và tỏ lòng biết ơn, di sản của các bạn
sẽ tồn tại. Vì các bạn là những anh hùng thật sự và tất cả các bạn đều được ghi nhớ”.
TT
Obama đã phát biểu như trên nhân kỷ niệm lần thứ 50 Chiến tranh Việt
Nam (28/5/2012). Trước đó, được sự chấp thuận của Quốc Hội, ngày
25/5/2012 tổng thống đã ký ban hành một sắc lệnh về chương trình kỷ niệm
sự kiện quan trọng này, sẽ không bao giờ phai mờ trong lịch sử HK.
Chương trình sẽ được phát động sâu rộng khắp nước Mỹ, kéo dài 13 năm kể
từ Memorial Day 28/5 năm 2012 đến Veterans Day 11/11 năm 2025, để vinh
danh một thế hệ người Mỹ tự hào đã giúp đất nước vượt qua một trong
những sứ mạng cam go, đầy thử thách mà Hoa Kỳ chưa từng phải đối phó.
Đồng thời để bày tỏ sự biết ơn đối với trên 3 triệu chiến binh đã hưởng ứng lời kêu gọi của quốc gia, hoàn thành nghĩa vụ với lòng dũng cảm, can trường.
Ký giả Peter Baker của tờ New York Times (May 29-2012) nhận xét về Dự án 13 năm tìm hiểu về Chiến tranh Việt Nam: “Đây
là một dự án đầy tham vọng của TT Obama, đã được Quốc hội Hoa Kỳ chấp
thuận, sẽ được tiến hành trong suốt 13 năm tới nhằm tìm hiểu, công bố sự
thật lịch sử trong quá trình của Chính phủ Mỹ tiến hành cuộc chiến Việt
Nam, đã bị khuất lấp trong suốt 50 năm qua”. Theo thiển ý của tôi,
HK khơi động lại chiến tranh VN nhằm phục vụ chiến lược mới của họ
trong thế kỷ 21 là hiện diện lâu dài ở Châu Á Thái Bình Dương. Nhìn lại
cuộc chiến VN, người ta sẽ nhận thấy HK đã tạo dựng những nền móng, giúp
các nước châu Á bên bờ Thái Bình Dương sống trong hoà bình, ổn định,
phồn vinh và hữu nghị.
Khơi
động lại chiến tranh VN là để xiễn dương chính nghĩa của Mỹ. Việt Nam
là địa bàn chính của cuộc xung đột giữa nhiều cường lực trong thời chiến
tranh lạnh của thế kỷ trước. HK gánh chịu những tổn thất nặng nề và kết
thúc chiến tranh bằng một giải pháp danh dự cho tất cả: không có kẻ
thắng người bại. Hòa bình được tái lập trong bầu không khí hữu nghị hợp
tác giữa các phe đối nghịch: không những giữa ba phe ở Miền Nam VN; giữa
Miền Nam và Miền Bắc để thống nhất VN trong hòa bình; mà còn giúp các
nước ASEAN trở thành khu vực hòa bình, tự do và trung lập. Nhờ đó, ba
cường lực Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Cộng không còn xung đột để tranh
giành ảnh hưởng, họ sẽ hợp tác với nhau để cùng phát triển, trên cơ sở
các bên đều có lợi.
HK
trở lại Châu Á/TBD trong thời điểm xảy ra cuộc tranh chấp ở Biển Đông
giữa Trung Quốc và Việt Nam. Cả hai đều là những nhân tố chính trong
cuộc chiến VN trước đây. Họ cũng sẽ nhìn lại cuộc chiến này một cách
nghiêm túc, hầu rút ra bài học để vạch ra hướng tiến tới của đất nước,
phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và lợi ích chung của thế
giới. Không những TQ và VN mà Iraq và Afghanistan cũng phải rút tĩa bài
học VN, sau khi HK rút lui khỏi cuộc chiến ở đây.
Chiến
tranh VN đến nay vẫn còn nhiều điều nghịch lý, mâu thuẫn chưa được sáng
tỏ. Ngày 24-2-1981, khi tưởng thưởng Huy chương cao quý nhất của HK
-Huân chương Danh dự của Quốc Hội- cho Thượng sĩ Roy P. Benavidez -một
cựu chiến binh VN, TT Ronald Reagan đã tuyên bố: “Các anh chiến đấu trở
về không mang theo chiến thắng -không phải vì các anh bị đánh bại, mà vì
người ta không muốn các anh chiến thắng”. (Nguyên văn: “They come home
without a victory not because they’d been defeated, but because they’d
been denied permission to win”) Tham chiến mà không mưu tìm chiến thắng,
nên hơn một thập niên trước, giới truyền thông và phản chiến không ngớt
rêu rao HK đã thất bại ở VN. Thất bại vì theo đuổi một cuộc chiến phi
nghĩa. Từ đó đi đến kết luận: HK không còn đạo đức để lãnh đạo thế giới.
Hậu quả, những chiến binh từ VN trở về không được chào đón mà còn bị
miệt thị khinh khi. Vì HK không còn đạo đức để can dự vào công việc thế
giới nên trong giai đoạn sau VN (1975-1980), CS mở rộng ảnh hưởng đến
tận Phi Châu Trung Đông và Trung Mỹ. Sau ba nước Đông Dương lần lượt đến
Mozambique, Angola, Ethiopia, Nam Yemen, Nicaragua, Afghanistan...Uy
thế nước Mỹ bị coi thường, Đại sứ HK tại Afghanistan bị giết chết tại
nhiệm sở, toàn bộ Tòa Đại sứ ở Iran bị bắt làm con tin trong suốt 444
ngày.
Sau này, Dân biểu New Ginrich -cựu Chủ tịch Hạ Viện HK đã nhận xét cuộc chiến VN: “Chúng ta đã tạo ra cuộc chiến mà chúng ta sẽ thua. Chúng ta dàn dựng cái thua theo cách chúng ta đã vạch ra”
(We designed a war we were going to lose, and we managed to lose it the
way we designed it). Như thế, HK đã có mưu đồ khi can dự vào cuộc chiến
VN. Dàn dựng để thua, là kế khổ nhục mà tôi thường nói “HK tìm cái bại
trong chiến thuật, để đạt cái thắng trong chiến lược”. Rất tiếc, mãi đến
ngày nay, giới lãnh đạo VNCH vẫn chưa thấy được điều đó. Họ vẫn còn ngộ
nhận HK can dự vào MNVN để đánh bại CS, bảo vệ đến cùng tiền đồn của
Thế giới Tự do. Khi HK không thực hiện được điều đó, họ lên án HK phản
bội, bán đứng MN tự do cho CS. Đây là một nhận thức vô cùng tai hại, bạn
bè có thể cho VNCH là vong ân. Kẻ thù càng có cớ miệt thị VNCH là tay
sai của Mỹ, khi Mỹ không cần tay sai nữa, họ cắt viện trợ. Người Việt
Quốc gia không làm tay sai cho Mỹ, trái lại VNCH là đồng minh của Mỹ
chiến đấu cho lý tưởng dân chủ tự do trong chiến tranh lạnh để chấm dứt
chủ nghĩa CS ở Liên Xô và Đông Âu. VNCH cũng không vong ân, mà luôn
trông cậy vào HK, vẫn là đồng minh của Mỹ để hoàn thành mục tiêu cuối
cùng là dân chủ tự do cho VN.
Thời
cơ đã đến, HK đang trở lại Châu Á và nhắc lại cuộc chiến VN. Cuộc chiến
đã kết thúc bằng HĐ Paris 1973 dựa trên cơ sở tôn trọng các quyền dân
tộc cơ bản của VN: đất nước thống nhất toàn vẹn, quyền tự quyết của nhân
dân là thiêng liêng bất khả xâm phạm, nhân quyền và các quyền tự do của
người dân phải được tôn trọng. Điều 1 của HĐ Paris đã ghi rõ: “Hoa
Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn
lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp Định Genève 1954 đã công nhận” .
VN và HK hiện đang thảo luận việc hợp tác chiến lược, đúng vào thời
điểm sự toàn vẹn lãnh thổ VN đang bị TQ đe dọa trầm trọng. HK sẳn sàng
thực hiện lời cam kết, một khi chính quyền VN tôn trọng nhân quyền, để
nhân dân được quyết định vận mạng đất nước qua các cuộc bầu cử dân chủ
tự do. Chỉ có dân chủ tự do, nhân dân hành xử quyền tự quyết của mình
mới bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ, đưa đất nước tiến lên.
Chiến
đấu giành tự do cho đồng bào là một sứ mạng khó khăn, VNCH phải cần sự
giúp đỡ của người bạn đồng minh Mỹ. Chiến lược của người bạn đồng minh
lại không chủ trương tiêu diệt cái ngọn (CSVN) mà chỉ xử dụng VN để tiêu
diệt cái gốc. Cộng sản Liên Xô và khối các nước Xã hội chủ nghĩa Đông
Âu sụp đổ là nhờ chiến tranh VN, nhờ sự đóng góp lớn lao của người chiến
sĩ QLVNCH. Ngày nay HK trở lại Châu Á, thế giới chỉ còn một nước duy
nhất mang danh Cộng hòa Xã Hội Chủ nghĩa, đó là VN. Quốc gia này lại bị
Đảng CSTQ chèn ép nặng nề, mất cả đất lẫn biển. Trước kia, VNCH chỉ đấu
tranh giành tự do cho Miền Nam, đến ngày 30/4/1975, TT Dương Văn Minh ra
lịnh binh sĩ MN buông súng để đất nước sớm thống nhất. Ngày nay, sứ
mạng của người Quốc gia càng nặng nề hơn, tranh đấu giành dân chủ tự do
cho đồng bào cả nước, còn là điều kiện tiên quyết để bảo vệ toàn vẹn
lãnh thổ quốc gia.
Đối
với người trong cuộc, cuộc chiến VN cũng có nhiều điều nghịch lý, đã
gây mâu thuẫn giữa VNCH và HK. Chính phủ VNCH không thừa nhận Mặt trận
Giải phóng Miền Nam vì đó là một tổ chức do Hà Nội dựng lên...Nhưng để
giải quyết cuộc chiến, HK lại coi MTGPMN là thực thể chính trị quan
trọng ở MN, được tham gia Hội nghị bốn bên ở Paris để kết thúc chiến
tranh VN, và Hội nghị hai bên MN để giải quyết công việc nội bộ MN. Trần
Bạch Đằng là Phó Bí thư Thành ủy CS ở Sàigòn-Chợlớn, đã chỉ huy cuộc
Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa hồi Tết Mậu Thân 1968, nhưng Đằng lại
báo cho Đại sứ Mỹ Bunker biết trước kế hoạch này. Việc hoà giải-hòa hợp
dân tộc, trung lập Miền Nam, chính phủ liên hiệp ba thành phần... đều bị
ngộ nhận. Ngày nay, nếu ai còn đề cập đến nó, dễ bị chụp mũ là ngụy
hòa, là tay sai CS hoặc Việt gian CS.
Cá
nhân tôi, suốt cuộc đời quân ngũ được quân đội phân công làm công tác
Nghiên cứu cuộc chiến VN, cùng với quân nhân Đồng minh HK, Úc Đại Lợi,
Đại Hàn tại Trung tâm Khai thác Tài Liệu Hỗn hợp. Nay vì quyền lợi dân
tộc, tôi sẽ nhìn lại cuộc chiến một cách toàn diện nhưng với tư cách cá
nhân để làm sáng tỏ những ngộ nhận lịch sử, mà tôi tin sẽ góp phần quang
hưng đất nước.
Lê Quế Lâm
|
Last Updated on Friday, 09 November 2012 15:57 |
Hoa Kỳ khơi động lại cuộc chiến Việt Nam
Trả lờiXóaHK trở lại Châu Á/TBD trong thời điểm xảy ra cuộc tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam. Cả hai đều là những nhân tố chính trong cuộc chiến VN trước đây. Họ cũng sẽ nhìn lại cuộc chiến này một cách nghiêm túc, hầu rút ra bài học để vạch ra hướng tiến tới của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và lợi ích chung của thế giới. Không những TQ và VN mà Iraq và Afghanistan cũng phải rút tĩa bài học VN, sau khi HK rút lui khỏi cuộc chiến ở đây.