“Trời nhập nhoạng tối. Toán lính Bắc Việt ngày càng đến gần hơn, vừa
chĩa súng bắn chúng tôi, vừa nhắm lên chiếc trực thăng Kingbee mà nhả
đạn xối xả.”
Cuốn “Across the Fence - The Secret War in Vietnam” của tác giả John
Stryker Meyer, thuộc lực lượng đặc biệt SOG Hoa Kỳ, kể lại thời gian
chiến đấu cùng VNCH. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
“Sáu và Hiệp bắn cản đường cho chúng tôi bò về hướng trực thăng trong
tuyệt vọng. Phải mất hơn 10 phút chúng tôi mới đi hết được 9 mét cuối,
đến gần được đến chiếc Kingbee đang bay lởn vởn cách mặt đất chừng 3
mét.”
“Kiểm nhanh lại vũ khí, tôi thấy mình chỉ còn một quả lựu đạn, một
lựu đạn khói và hai băng đạn 15 viên. Nếu không thoát được, thì quả lựu
đạn cuối cùng này tôi sẽ dành cho chính mình, vì tôi không thể chấp nhận
số phận một tù binh, nhất là sau khi toán trinh sát 'Idaho' đã giết
biết bao nhiêu là lính Bắc Việt. Nếu phải rút chốt để tự kết liễu đời
mình, tôi sẽ cố gắng gây tổn thất tối đa cho kẻ địch.”
“Cuối cùng chúng tôi cũng đứng được ngay dưới bụng chiếc Kingbee.
Wolken tiến lên, đứng đối mặt với tôi, lưng quay về đầu máy bay. Khi
Davidson đến gần, Wolken và tôi nắm lấy anh rồi ném vào chiếc trực thăng
vẫn đang bay là đà. Tiếp đó, chúng tôi đẩy Hiệp và Sáu vào. Vừa lọt vào
bụng Kingbee, họ nhào ngay cạnh thủ xạ đang đứng cạnh cửa sổ máy bay,
tiếp lấy vũ khí, nhắm vào đám lính Bắc Việt phía dưới mà xả đạn. Phước
tiến đến, Wolken và tôi túm lấy rồi ném Phước vào trong.”
“Từ dưới đất ngước lên, tôi kinh ngạc khi thấy nét mặt người đại úy
phi công Việt Nam tên Thịnh thật bình tĩnh, thản nhiên, như không hề
thấy sự hỗn loạn phía dưới, và đám lính Bắc Việt đuổi sắp đến nơi. Chúng
tôi đã chạm địch cả giờ đồng hồ, ai cũng nhếch nhác bẩn thỉu, mồ hôi vã
như tắm, và gần như kiệt sức, thân máy bay mang đầy vết đạn, thế mà
trông Thịnh vẫn bình chân như vại, như anh đang đón chúng tôi đi một
cuộc du ngoạn. Hình ảnh này đã khắc ghi như in trong tâm trí tôi cho đến
nhiều năm sau. Tôi nhớ đã thầm phục là không hiểu sao ngay trong khi
lửa đạn đang trút xuống như mưa, cái chết gần trong gang tấc, mà Thịnh
vẫn có thể vững vàng, thản nhiên, chăm chú điều khiển máy bay như thế.”
“Cuối cùng thì chỉ còn Wolken và tôi ở dưới đất. Vì là chỉ huy,
Wolken là người cuối cùng được lên máy bay. Wolken vừa đẩy tôi vào, thì
một lằn đạn nữa bắn gần đến rát cả màng tang. Tôi cúi rập người, nắm lấy
chiếc áo khoác ngoài của Wolken và cố nhấc thân hình nặng hơn 100 kg
của anh kéo vào khoang máy bay với mình. Bóng tối chợt ập xuống. Tôi nhả
nguyên một băng đạn về hướng lính Bắc Việt đang bám theo sát nút.”
“Không để phí một giây, đại úy phi công, tên Thịnh, đưa chiếc Kingbee
bay vụt lên, trong khi Hiệp và Sáu chăm chú bắn từ cửa sổ bên trái,
Phước và Davidson bắn xuống từ bên phải, Wolken và tôi nhả những băng
đạn cuối cùng vào bóng hàng chục, không, hàng trăm, bóng quân lính Bắc
Việt nhấp nhô bên dưới.”
“Tôi ném lựu đạn khói vào kẻ thù. Khói trắng bay lên làm sáng một
vùng rừng xanh thẳm phía sau và những lằn đạn lửa dọc ngang chi chít bầu
trời trông như một cây Giáng Sinh thắp đèn rực rỡ. Wolken và Hiệp la
lên mỗi khi nghe một tràng đạn bắn vào, rồi chỉ vào những lỗ thủng chi
chít trên thân máy bay. Tôi như không nghe thấy gì nữa vì tai đã ù đi.
Rồi máy bay vút đi, bỏ lại đám lính Bắc Việt lố nhố phía dưới.”
“Khi chiếc Kingbee chở chúng tôi biến vào đám mây, tôi cảm thấy lạnh.
Hơi lạnh như lời chào mừng chiến thắng. Không có tiệc liên hoan, không
có lời reo hò cổ vũ, cũng không có vòng tay thân nhân đón người sống sót
trở về. Vẫn chỉ có Ðại Úy Thịnh vẫn chăm chú điều khiển chiếc Kingbee,
nhưng hình như có một nụ cười mỉm rất mong manh trên môi anh. Không biết
Thịnh mừng vì điệp vụ thành công, hay mừng là chúng tôi lại một lần nữa
thoát chết.”
“Tôi nhìn trái lựu đạn cuối cùng trong tay mình, và rùng mình nghĩ
nếu Thịnh không kịp đưa chúng tôi thoát hiểm, thì tôi đã ôm trái lựu đạn
này và rút chốt. Thoát chết, có nghĩa là sáng mai lại nhìn thêm được
một bình minh nữa, lại không biết có phải đó là bình minh cuối cùng
trong đời mình không, và lại bắt đầu một điệp vụ mới.”
Ðó là vài đoạn trong cuốn “Across the Fence - The Secret War in
Vietnam” của tác giả John Stryker Meyer, thuộc lực lượng đặc biệt SOG
(Studies & Observation Group) Hoa Kỳ, kể lại thời gian cùng những
người lính Việt Nam Cộng Hòa trong đội “Idaho,” một nhóm trinh sát sáu
người (Mỹ và Việt Nam) cùng nhau vào sinh ra tử với nhiệm vụ len lỏi qua
Cambodia, Lào và Bắc Việt, để theo dõi hành tung của lính Bắc Việt dọc
đường mòn Hồ Chí Minh.
Trong cuốn sách dài hơn 300 trang, tác giả John Stryker Meyer kể lại
một cách rất sống động sự nguy hiểm, đau đớn, giận dữ, tình huynh đệ và
hoạt động bí mật của những người lính biệt kích Hoa Kỳ và Việt Nam trong
thời gian từ năm 1968 đến 1970.
Với lối kể chuyện thật xuất sắc qua những chi tiết rõ ràng, và cách
viết tỉ mỉ, tác giả đưa người đọc vào trận chiến, cùng ông sống những
giây phút nghẹt thở, trái tim đập thình thình trong lồng ngực vì hồi
hộp, lo sợ. Trong cuộc chiến bí mật này, John và những đồng đội biệt
kích Lôi Hổ Việt Nam, là những anh hùng không tên tuổi, những chiến sĩ
vô danh, không mặc quân phục, không đeo số quân, và nếu rủi ro phải hy
sinh, xác họ trở thành những tử thi vô chủ. Họ sống sót vì tận tụy với
nghĩa vụ, vì can đảm và hy sinh để bảo vệ nhau, và bằng những khả năng
không học ở trường lớp.
Trong phần đề tặng (dedication) của cuốn sách, tác giả John Meyer cho
biết ông viết cuốn sách này để riêng tặng cho thành viên các đội trinh
sát thuộc lực lượng biệt kích Lôi Hổ SOG Hoa Kỳ và Việt Nam, những phi
đoàn yểm trợ, đặc biệt là phi đoàn 219, đã ngày đêm sát cánh với ông và
đồng đội, lăn lóc dưới đất, phía bên kia hàng rào, trong cuộc chiến bí
mật của Mỹ.
Trong “Across the Fence - The Secret War in Vietnam,” tác giả John
Meyer không chỉ tả lại một cách tỉ mỉ và sống động một cuộc chiến khốc
liệt, mà còn bầy tỏ cảm tình và sự trân quý dành cho những đồng đội Việt
Nam, mà ông cho là can đảm, kiêu hùng và gan dạ.
Ðọc “Across the Fence - The Secret War in Vietnam” để hiểu, để
thương, để không bao giờ lãng quên những người anh dũng bỏ mình trong
cuộc chiến, và để hãnh diện về những người lính VNCH, đặc biệt là nhóm
biệt kích Lôi Hổ và phi đoàn 219.
Nguồn,
http://saigonecho.com/main/lichsuvn/37-chientranhvn/36097-ec-across-the-fence--thng-bit-kich-loi-h.html
Huỳnh Mai St.8872
{Người đồng cảm sưu tầm}
|
Tổng Biểu Tình-22-7-2012. Ngày dài nhất SÀIGON.
Trả lờiXóaNgày 22-7-2012,là ngày Tổng biểu tình của toàn dân cả nước chống Trung Quốc, đòi lại chủ quyền Hoàng Sa & Trường Sa là của Việt Nam. Nhưng cũng ngày buồn và dài nhất trong lịch chia đôi đất nước- Miền Bắc VN, cho Tàu Cộng 20-7- 1954.Tiếp theo, giao đất; nhượng biển Hoàng+ Trường Sa của CSVN,để trừ nợ chiến tranh chiếm đóng Miền Nam VNCH.
Ngày dài nhất...! của chờ đợi mỏi mòn, suốt 37 năm hẹn về Sàigon, tìm lại những gì Tự Do đánh mất tại Hòn Ngọc Viễn Đông này, là do xương máu; Xác thể của người lính chiến VNCH bảo vệ cho hậu phương an lành trong giấc ngủ bình an. Sao nay nở đành quên lãng, bỏ mặc những mãnh đời cùng khổ; thân tàn ma dại tại xó chợ đầu đường, tại góc công viên 30-4, hay nhà thờ Đức Bà/Saigon, dỏi mắt trông chờ "Tổng biểu tình...!". Nhưng chờ không thấy!? Hay là họ đã lãng quên, và im lặng chìm vào quá khứ!!!
Xin chia sẻ dòng đời quá khứ của người lính chiến QL.VNCH với quý độc giả. Hãy đọc, để thấy mà thương! cho chuỗi tiếp nối thương đau của những " Anh Hùng vị quốc vong thân"!!!
Huỳnh Mai St.8872