Biểu tình tại Ba Lan và Nga chống can thiệp quân sự vào Ukraina
Cập nhật 02/03/2014.
Cập nhật 02/03/2014.
Biểu tình tỏ đoàn kết với người dân Ukraina tại Vacxava, ngày 23/02/2014. Reuters
Hôm nay 02/03/2014 mấy trăm người đã biểu tình trước đại sứ quán Nga tại Vacsava để phản đối Nga đưa quân vào Crimée. Còn tại Nga, cảnh sát bắt giữ trên 300 người biểu tình phản đối chiến tranh, sau khi Quốc hội Nga thông qua đề nghị của Tổng thống Vladimir Putin chính thức cho can thiệp quân sự tại Ukraina.
Tại Vacsava, những người biểu tình cầm cờ Ba Lan, Ukraina, châu Âu và Belarus và giơ cao các biểu ngữ so sánh Tổng thống Nga với Hitler hay Stalin. Họ hô to : « Không được đụng đến Ukraina », « Không được đụng đến Crimée », « Ukraina tự do ».
Ba Lan vốn rất tích cực trong hồ sơ Ukraina, cảm thấy bị đe dọa trước khả năng Nga can thiệp quân sự vào nước Ukraina láng giềng, hôm qua đã yêu cầu NATO họp khẩn.
Tại Matxcơva, theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Ovdinfo, cảnh sát đã bắt giữ 352 người biểu tình chống chiến tranh ở trung tâm thủ đô. Interfax cho biết cảnh sát đưa ra con số thấp hơn : khoảng 50 người bị bắt vì « mưu toan vi phạm trật tự công cộng ».
Những người biểu tình chống can thiệp quân sự tập họp gần Bộ Quốc phòng ở trung tâm Matxcơva và tại quảng trường Manezhnaya gần điện Kremli. Nhiều người mang các biểu ngữ và áp-phích kêu gọi phản đối chiến tranh, một số mang cờ Ukraina và đính các ruban hai màu xanh và vàng của nước này.
Theo Ovdinfo, một số người biểu tình bị bắt vào đồn, bị quy tội là « chống lệnh cảnh sát » và có nguy cơ bị 15 ngày tù giam. AFP ghi nhận khoảng 500 người xuống đường ở Saint-Petersbourf, vài chục người bị bắt giữ.
Tuy vậy các cuộc biểu tình ủng hộ ông Putin thì được cho phép. Cảnh sát Matxcơva cho biết khoảng 20.000 người đã xuống đường ủng hộ chiến tranh với các khẩu hiệu như « Hoan hô ông Putin »./Thụy My(RFI)
Cuộc khủng hoảng Ukraine: "Vấn đề là Putin"
Cập nhật 02/03/2014.
Tổng thống Nga, Vladimir Putin, từ lâu bị ám ảnh bởi ý muốn ngăn chặn phương Tây ở bất kỳ chỗ nào ông có thể và tái lập xung quanh nước Nga một hệ thống các nước phụ thuộc như đã từng tồn tại dưới thời Liên Xô. Theo tạp chí “Statairik”, muốn làm được việc đó, ông cần phải nghiền nát nguyện vọng được tự do cua Ukraine.
Vladimir Putin là một nhà lãnh đạo không bao giờ ngần ngại hành hạ chính người dân nước mình nếu cần phải giúp một chế độ hay một chế độ độc tài nào đó. Ông cũng là người nếu không có Bashar al-Assad sẽ không bao giờ tồn tại được ở quyền lực. Những gì vừa diễn ra ở Ukraine cho thấy vẫn là chiến lược cũ được sử dụng: giành chiến thắng bằng bạo lực và làm cho những người chống đối phải hoảng sợ. Như vậy, ở Ukraine có một Ukraine trước và một Ukraine sau Sochi.
Trước đó, Nga có thể sợ bị các nước tẩy chay do áp lực của mình đối với Ukraine buộc ngừng mọi thỏa thuận có ý nghĩa giữa nước này với Liên minh châu Âu (EU). Quả thực là cả Tổng thống Mỹ, Barack Obama, lẫn người đồng cấp của ông ở Pháp, Franeois Hollande, đều không đến Sochi, nhưng trong những ngày trước đó, Putin đã nghi binh bằng cách trả lại tự do cho đối thủ cua ông là tỷ phú Khodorkovski và hai thành viên nhóm Pussy Riot lúc đó đang bị cầm tù. Tại Ukraine, lúc đó cũng là thời điểm diễn ra cuộc thương lượng giữa chính phủ và phe chống đối. Tiếp đó là Thế vận hội mùa Đông và truyền thông quốc tế, do đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền cho thành tích của vận động viên nước mình, nên dĩ nhiên không có nguy cơ bị tẩy chay nào. Đó cũng là thời điếm được lựa chọn để tổ chức cuộc tắm máu và cuộc tấn công nhằm vào phe chống đối Ukraine.
Đối với phương Tây, những gì diễn ra ở Ukraine chủ yếu được xem là cuộc đấu tranh của phái dân chủ thân phương Tây chống một chính phủ độc đoán theo đuôi Moskva, song lập trường chính thức của Nga đối với tình hình ở Ukraine phản ánh một quan điểm hoàn toàn khác: chính phủ các nước phương Tây tỏ ra quá ngây thơ và hỗ trợ những kẻ cực đoan bạo lực có khuynh hướng phát xít và cực hữu. Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, gọi các cuộc biểu tình là “Cách mạng Nâu” và ví nó với làn sóng phát xít những năm 1930. Truyền thông Nga và những người bạn Ukraine của Kremlin không ngớt nhắc đi nhắc lại rằng các cuộc biểu tình ở Quảng trường Độc lập đồng nghĩa với việc chủ nghĩa phát xít trở lại châu Âu và những người biểu tình là những kẻ phát xít. Dĩ nhiên, điều quan trọng là cần thấy được sức nặng của phái cực hữu trong chính trị và lịch sử của Ukraine. Sự hiện diện đó hiện nay lại càng lớn cho dù không bằng phái cực hữu ở Pháp, Áo hay Hà Lan.
Điều lạ lùng trong lời khẳng định của Moskva là lý tưởng chính trị của những người đưa ra tuyên bố đó. Liên minh Á-Âu (được Tổng thống Putin dự kiến thành lập) là kẻ thù của EU, không phải chỉ về quan điểm chiến lược mà cả trong lĩnh vực tư tưởng. Liên minh châu Âu ra đời từ một bài học được rứt ra từ lịch sử: các cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20 xuất phát từ những ý tưởng sai lầm và nguy hiểm – chủ nghĩa phátxít và chủ nghĩa Stalin – đáng lẽ phải bị bác bỏ và thậm chí phải bị thay thế bằng một hệ thống bảo đảm-thị trường tự do, quyền tự do đi lại của con người. Trái lại, chủ nghĩa Á-Âu được những người ủng hộ xem là đối kháng với dân chủ tự do.
Trên thực tế, tại Syria cũng như ở Ukraine, phương Tây luôn chậm chân. Cách đây hai năm, phe chống đối Syria, lúc đó với đại đa số là các lực lượng dân chủ, sắp giành chiến thắng. Thái độ lưỡng lự của Mỹ – do Washington bị ám ảnh bởi ý định không muốn can thiệp với lý do tổng thống Mỹ là vẫn sẽ là tổng thống của việc rút quân khỏi Iraq rồi Afghanistan – tạo khoảng trống cho vũ khí Nga và quân đội Iran cũng như phong trào Hézbollah ở Liban hoàn toàn tự do và thoải mái củng cố chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, trong khi cùng lúc đó, phe chống đối dần dần bị các nhóm Hồi giáo thánh chiến thâm nhập.
Tại Ukraine, đáng lẽ phải phản ứng mạnh sau khi Nga có ý định rõ ràng không muốn cho nước này được độc lập. Phản ứng có thể là tẩy chay Thế vận hội mùa Đông Sochi. Vậy lúc này có thể làm gì được để giúp Ukraine? vấn đề không phải là chiến đấu để nước này gia nhập EU và nước này lúc đó cũng không nhất thiết có thiên hướng muốn gia nhập tổ chức này. Nhưng vấn đề ở đây là không cho Chính phủ Nga xoay xở vì Moskva bị ám ảnh bởi ý muốn thành lập xung quanh mình một hệ thống các nước phụ thuộc như dưới thời Liên Xô. Sau Belarus và Ukraine sẽ là Gruzia và rồi nước nào khác nữa? Các nước vùng Baltic chăng? Chắc chắn là Putin đã nghĩ đến điều đó rồi. về vấn đề này, phương Tây có thể làm như đề xuất trong thời gian gần đây của Ba Lan: phải trừng phạt thật mạnh.
Điều đáng nói là Ba Lan đã học được từ lịch sử một sổ bài học đau buồn về mưu đồ của các chế độ độc tài ở Nga.
Nghịch lý ở đây là hiện nay, Nga đang suy yếu. Nền kinh tế nước này dựa chủ yếu vào khai thác dầu mỏ và khí đốt. Như vậy, cần phải làm sao để giảm nhu cầu về khí đốt và dầu mỏ của Nga. Gần đây, Bộ trưởng Tài chính Nga đã phải hủy bỏ việc huy động vốn trên các thị trường quốc tế vì tâm lý nghi ngờ đối với đồng rúp và Chính phủ Nga ngày càng tăng. Thêm vào đó là tình trạng chảy máu vốn ào ạt sang Thụy Sĩ hay các thiên đường thuế khác. Đồng rúp mất 8% giá trị kể từ đầu năm đến nay so với đồng USD và euro. Đó chính là điểm yếu nhất của Nga. Phương Tây nếu cần thì có thể nhấn mạnh vào điểm đó bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính thích hợp. vấn đề là Mỹ có thái độ như thế nào. Còn phái chủ trương hòa dịu ở Pháp luôn nhầm. Đại diện của phái này là Dominique de Villepin và Jean-Pierre Raffarin. Họ luôn nhầm trong những tình huống như vậy, đặc biệt không muốn thấy rằng Putin không hiểu được cán cân lực lượng và không ngừng tái tạo bầu không khí Chiến tranh Lạnh để lớn mạnh và hợp thức hóa quyền lực độc đoán của mình.
Tại Iran, Syria và Ukraine, Putin cho mình là đối thủ số một của phương Tây. Lập trường hòa dịu sẽ không làm thay đổi được lập trường đó mà trái lại, sẽ giúp Putin có được thêm lý do để thách thức phương Tây và làm nhục phương Tây bằng mọi cách./
Crimea: Quá khứ định đoạt tương lai
Cập nhật 02/03/2014.
Peter Eltsov & Klaus Larres
Diên Vỹ chuyển ngữ
Nguồn: Foreign Policy
Năm 1979, nhà văn Nga Vassily Aksyonov đã viết một cuốn tiểu thuyết châm biếm mang tên Hòn đảo Crimea, trong đó ông thay đổi lịch sử của Crimea trong thế kỷ 20: Khu vực này trở thành một quốc gia độc lập và đứng vào vị thế trung lập. Một trong những vấn đề chính trị quan trọng mà cuốn tiểu thuyết đặt ra là liệu người Nga, bao gồm những cư dân trong bán đảo Crimea có thể có được một nhà nước không bị ảnh hưởng bởi Nga hoàng, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa đế quốc hay không.
Những sự kiện hiện tại đã giúp chúng ta thấy rõ hơn tầm quan trọng về địa chính trị của Crimea, trong khi cũng cho thấy cốt truyện ca Aksyonov vẫn chỉ mang tính tưởng tượng, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Khả năng thật sự là một cuộc nổi loạn ly khai tại Crimea, theo sau việc Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ tại Kiev, có thể thật sự chia cắt Ukraine. Nếu đều này xảy ra, chắc chắn là Moscow sẽ không chính thức sát nhập Crimea vào mình -- nhưng ngay cả một nhà nước Crimea độc lập có thể sẽ bị thống trị trong tầm tay của Nga.
Ngày 25 tháng Năm, khi người dân Ukraine đi bỏ phiếu cho cuộc tổng tuyển cử vừa được công bố, các cử tri tại Crimea sẽ được yêu cầu quyết định liệu họ có muốn thoát khỏi sự kiểm soát của chính quyền Kiev hay không. Crimea từng là một phần của Ukraine vào năm 1954, và khu vực bao gồm khoảng hai triệu dân này vẫn mạnh mẽ ủng hộ Nga. Vì thế không gì ngạc nhiên khi người dân ở đây muốn có quyền tự trị nhiều hơn. Câu hỏi quan trọng hơn là liệu có những hành động nào được đưa ra để kết nối Crimea vào Nga, chính thức hoặc không chính thức -- có thể xảy ra ngay cả trước tháng Năm. Liệu quốc hội khu vực tại Simferpol sẽ tự quyết định tách Crimea ra khỏi chính quyền Ukraine và đòi hỏi trở thành một phần của liên bang Nga? Hoặc liệu Moscow sẽ được “mời” vào khu vực này sớm hơn nữa -- bằng cách gửi “cố vấn” quân sự và có thể là cả quân đội vào để bảo vệ an ninh cho Crimea và những người dân gốc Nga khỏi cái gọi là yếu tố nước ngoài cũng như chính phủ dân tộc ở Kiev?
Hiểu được những câu hỏi này cũng như bối cảnh chung quanh chúng, đòi hỏi ta phải xem lại nền lịch sử lâu dài, phức tạp và đa văn hoá của Crimea. Được thành lập từ thời kỳ Đồ đá, trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử, khu vực này đã được sát nhập vào nền văn minh Hy Lạp - La Mã, Đế chế Byzantine, Đại Công quốc Kiev (Kievan Rus - ND), Kim Trướng Hãn quốc (Ulus Jochi - thuộc đế chế Mông Cổ - ND), Đế chế Ottoman và Đế chế Nga. Sau khi đánh bại đội quân Mông Cổ của timur vào năm 1441, nó cũng trở thành một Hãn quốc (Khanate - ND), một thực thể chính trị độc lập của người gốc Tatar ở Crimea. Dân Tatar hiện là một nhóm dân thiểu số tại Crimea, sau khi nhiều người trong nhóm dân này đã thiệt mạng trong thời kỳ Đại Thanh trừng của Stalin hoặc trong quá trình trục xuất hàng loạt tới Uzbekistan vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ II. Chẳng có gì ngạc nhiên khi người Tatar đã đứng cùng phe với cuộc cách mạng Ukraine.
Ngày nay, Crimea vẫn nằm sâu trong tinh thần dân tộc Nga. Bán đảo này trở thành một phần của Đế chế Nga dưới thời Catherine Đại đế vào năm 1783, mở đường vào vùng Biển Đen và vùng đất mới để phát triển. Vào cuối thế kỷ thứ 19, Alexander Đệ tam đã xây hai cung điện xa hoa trong thành phố duyên hải Yalta, đặt tên là Livadia và Massandra. Stalin từng tiếp Roosevelt và Churchill tại Livadia nhân dịp Hội nghị Yalta vào tháng Hai 1945; vị tổng thống Hoa Kỳ thậm chí đã ở lại trong cung điện này. Thành phố Sevastopol, theo tiếng Nga là “Thành phố của nước Nga vinh quang”, đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nhận thức của người Nga về Crimea. Hai trận chiến đẫm máu đã xảy ra ở đây: trận chiến đầu tiền vào năm 1845 giữa một bên là Đế quốc Nga và phe kia là Ottoman, Pháp và Anh; trận chiến thứ hai vào Thế chiến II giữa Liên Sô và Đức Quốc xã. Cả hai trận đánh đều được vinh danh trong nghệ thuật, văn chương và văn học quần chúng Nga. Và Sevastopol hiện vẫn là nơi đóng quân của hạm đội Biển Đen của Nga.
Năm 1954 khi Nikita Khrushchev chuyển giao Crimea cho Ukraine -- một nghĩa cử khiến sau này khó có thể đảo ngược trong giai đoạn Liên Sô bị tan rã. Nỗi cay đắng về việc mất Crimea vẫn nằm sâu trong trái tim của nhiều người dân lẫn chính trị gia Nga, và những người dân tộc chủ nghĩa ủng hộ Nga vẫn tiếp tục đấu tranh đòi độc lập (với nỗ lực mạnh mẽ gần đây nhất xảy ra vào năm 2004, từ những bất bình về hệ quả của cuộc Cách mạng Cam).
Hiện nay, một số các nhà lãnh đạo Moscow dường như đang sẵn sàng đặt Sevastopol và toàn bộ khu vực Crimea trở lại dưới quyền kiểm soát của Nga. Thật thế, trong bối cảnh của cuộc cách mạng chính trính tại Kiev, đang có những diễn tiến đầy nguy hiểm gần vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Mặc dù bộ trưởng Ngoại giao nga nói rằng chủ ý của Moscow là tôn trọng “sự toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine, tuần này Nga đang tiến hành các cuộc diễn tập quân sự sát biên giới của Ukraine một cách đáng ngại. Trong khi đó, những người đeo mặt nạ đã chiếm đóng các toà nhà chính phủ tại Simferopol và treo cờ Nga lên. (Tính hiệu quả và tính chuyên nghiệp của họ khiến họ có vẻ là những quân nhân chuyên nghiệp -- có thể là lính Nga -- thay vì những người biểu tình tự phát.) “Crimea thuộc về Nga”, một trong những biểu ngữ tuyên bố. “Chúng tôi muốn một nước Nga thống nhất,” người lãnh đạo nhóm này nói.
Hai sân bay lớn tại Sebastopol và Simferopol cũng đã bị những tay súng ẩn danh chiếm đóng, và có báo cáo rằng các máy bay vận tải nga đã hạ cánh vào sân bay Simferopol vào hôm thứ Sáu. (Vùng không phận trong khu vực này hiện đang cấm bay). Bên cạnh đó, các chiến xa Nga đã hiện diện tại các thành phố lớn của Crimea và các khu vực khác. Trước những tiến triển trên, các quan chức Hoa Kỳ đã cảnh báo Nga không đuợc dùng hành động quân sự. “Tôi kêu gọi họ không nên thực hiện những bước đi mà có thể bị hiểu lầm, hoặc dẫn đến tính toán sai lầm trong thời điểm vô cùng nhạy cảm này,” Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel nói với các phóng viên.
Cơn khủng hoảng tại Ukraine và ảnh hưởng của Nga đối với nó gợi lại các cơn khủng hoảng tại Đông u trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đặc biệt làm người ta liên tưởng đến những sự kiện tại Hungary vào năm 1956 và tại Tiệp Khắc vào năm 1968. Trong cả hai trường hợp, can thiệp quân sự đã được yêu cầu để dập tắt tình trạng bất ổn, và Moscow đã làm theo sau một thời gian lưỡng lự cân nhắc. Tuy nhiên, còn trùng hợp hơn là sự so sánh cuộc chiến giữa Nga và Georgia vào tháng Tám 2008. Vào cuối cuộc chiến, các khu vực Nam Ossetia và Abkhazia đã tách khỏi Georgia, và Nga đã nhanh chóng thừa nhận hai lãnh thổ này là hai quốc gia độc lập. Mặc dù chẳng có mấy quốc gia làm theo trong việc thừa nhận quan hệ ngoại giao, cả hai lãnh thổ này hiện trên thực tế đang nằm dưới quyền kiểm soát hoàn toàn của Nga, trong khi Georgia không có một ảnh hưởng nào cả.
Đây có thể là một mô hình mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tính toán đối với Crimea. Một Crimea độc lập trên ý tưởng nhưng phụ thuộc vào Moscow sẽ thoả mãn quyền lợi của Nga. Về phương diện quốc tế Moscow có thể tuyên bố không sát nhập Crimea, nhưng chủ nghĩa dân tộc Nga, cụ thể là cảm giác sâu đậm rằng Crimea là một phần không thể thiếu của nước Mẹ Nga, sẽ được thoả mãn. Và tầm quan trọng địa chính trị của Crimea, bao gồm vai trò chủ nhà của Hạm đội Biển Đen dữ dội của Nga, sẽ được giữ nguyên cho Moscow.
Liệu Liên Âu và Hoa Kỳ sẽ hài lòng với một kết quả như thế? Hầu như là không. Liệu họ có sẵn sàng ra tay hơn vì nó? Không chắc lắm. Không phải ai ở phương Tây cũng muốn tham gia chiến tranh vì Crimea. Có lẽ Putin cũng đã nhận ra điều này, và vì thế đang phô trương bắp thịt của mình trong khu vực.
Trong Tập truyện về Sevastopol, Leo Tolstoy đã kể lại những nỗi kinh hoàng của cuộc Chiến Crimea (1853-1857) dẫn đến chiến thắng của quân đội đế chế Nga và tạo thêm quyền kiểm soát Crimea của Nga hoàng. Câu chuyện cuối trong ba truyện ngắn, “Sevastopol vào tháng Tám 1855”, được chấm dứt với một quan sát ảm đạm về tinh thần binh lính Nga dù họ đã thắng trong cuộc chiến:
Sau khi bước qua phía bên kia cầu, hầu như mọi người lính Nga đều ngã mũ và làm dấu cầu nguyện. Nhưng đằng sau bản năng này lại có một cảm giác khác đè nén và sâu sắc hơn đi cùng; đó là cảm giác giống như ăn năn, xấu hổ và thù hận.
Nói cách khác, chiến thắng của cuộc chinh phạt, đã bị hoen ố bởi sự ô nhục của chủ nghĩa đế quốc, trớ trêu thay đang ảnh hưởng xấu đến chủ nghĩa dân tộc vốn đã thúc đẩy cuộc xâm lăng này.
Ta hi vọng các nhà lãnh đạo tại Moscow, bao gồm Tổng thống Putin sẽ dành thời gian để đọc Tolstoy trước khi họ quyết định can thiệp sâu hơn vào chính trường Crimea, đưa ra hành động quân sự, hoặc tìm cách thống trị một khu vực mà Nga từng kiểm soát.
Ukraine kêu gọi thế giới giúp đỡ
Cập nhật 02/03/2014.
Hội đồng Bảo an đã họp khẩn hai ngày liên tiếp về tình hình Ukraine
Đại sứ Ukraine ở Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi Hội đồng Bảo an trong một phiên họp khẩn hôm thứ Bảy ngày 1/3 làm ‘tất cả những gì có thể’ để chấm dứt ‘sự hung hăng’ của Nga trong lúc quân đội nước này đang giành quyền kiểm soát khu tự trị chiến lược Crimea của Ukraine.
Trong lúc đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi ông Putin ‘đàm phán trực tiếp khẩn cấp với giới chức ở Kiev’.
Khó có hành động?
Đại sứ Ukraine Yuriy Sergeyev đã kêu gọi bốn nước thường trực của Hội đồng Bảo an là Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc giúp đỡ. Ông cho biết Nga đã từ chối đề nghị của Ukraine về việc tổ chức tham vấn khẩn cấp giữa hai nước.
Tuy nhiên Hội đồng Bảo an khó có thể đưa ra hành động gì về vấn đề này do Nga với tư cách là ủy viên thường trực có quyền phủ quyết có thể ngăn chặn bất kỳ nghị quyết nào lên án hay trừng phạt Moscow.
Khi được hỏi có phải Kiev đang trong tình trạng chiến tranh với Moscow, Đại sứ Sergeyev nói: “Không, chúng tôi không muốn chiến tranh. Chúng tôi chỉ muốn tránh xung đột. Chúng tôi đang bị khiêu khích’.
"Không cách gì có thể biện minh cho các hành động quân sự của Nga trong vòng 48 giờ qua."
Mark Lyall Elisson, đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc
Hội đồng Bảo an đã họp khẩn trong ngày thứ hai liên tiếp về tình hình diễn biến nhanh chóng tại Ukraine. Bất chấp phản đối của Nga, hội đồng đã họp công khai và được phát sóng qua màn ảnh truyền hình nhưng sau đó đã họp kín.
Chủ tịch luân phiên của hội đồng, Đại sứ Luxembourg Sylvie Lucas, cho biết các nước thành viên nhấn mạnh tầm quan trọng của toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và sự cần thiết phải làm giảm căng thẳng và cần phải triển khai giám sát viên quốc tế.
Tổng thư ký Ban ki-moon trước đó đã nói rằng ‘ông quan ngại sâu sắc về tình hình xấu đi ở Ukraine và kêu gọi tôn trọng hoàn toàn cũng như gìn giữ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine’.
Sau đó ông Ban đã điện đàm với ông Putin và văn phòng của ông ra thông cáo nói ‘điều tối quan trọng là khôi phục sự yên bình và tiến đến giảm căng thẳng ngay lập tức’.
Nga bị lên án
Quân đội Nga đã tiến vào Crimea
Tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an, bà Samantha Power, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, đã mô tả tình hình ở Ukraine là ‘vừa nguy hiểm vừa mất ổn định’ và nói ‘đã đến lúc Nga phải kết thúc can thiệp quân sự vào Ukraine’.
Bà Power và các thành viên khác của Hội đồng Bảo an kêu gọi triển khai các giám sát viên quốc tế đến Ukraine càng sớm càng tốt. Bà cảnh báo rằng ‘hành động khiêu khích của Nga sẽ đẩy tình hình đến chỗ bùng nổ’.
Đại sứ Nga Vitaly Churkin yêu cầu chính phủ mới ở Ukraine phải tránh xa ‘những kẻ cực đoan’ và cảnh báo rằng rằng ‘những hành động hiện tại của chính phủ Ukraine sẽ dẫn đến những diễn biến rất khó khăn mà Liên bang Nga đang muốn tránh’.
Ông nói nước ông can thiệp vì có yêu cầu của chính quyền thân Nga ở vùng bán tự trị Crimea – nơi có đông đảo người nói tiếng Nga và là nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen của Nga.
Hiện Moscow đang cưu mang ông Viktor Yanukovych, vị tổng thống bị lật đổ của Ukraine.
Đại sứ Anh Mark Lyall Elisson, người kêu gọi Hội đồng Bảo an họp khẩn, phát biểu trước báo giới rằng ‘không cách gì có thể biện minh cho các hành động quân sự của Nga trong vòng 48 giờ qua’.
Ông Jan Eliasson, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nói tình hình ở Ukraine ‘rất khó khăn và rất nguy hiểm’ và rằng họ đang nhìn thấy những ‘dấu hiệu xấu, những dấu hiệu nghiêm trọng và nguy cơ leo thang’./BBC
Nguồn: http://ngayphanxetdaden.blogspot.com/2014/03/bieu-tinh-tai-ba-lan-va-nga-chong-can.html
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét