Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Sự bất công với một đạo quân, 30 năm sau ngày tàn cuộc chiến


Sự bất công với một đạo quân, 30 năm sau ngày tàn cuộc chiến

Việt Long, phóng viên đài RFA
Mỗi năm, khi những ngày cuối tháng tư trở về, những người cộng sản Việt Nam ăn mừng chiến thắng, thì những quân dân cán chính phía Việt Nam Cộng Hoà ngày trước, còn sống sót/ lại một lần trăn trở quặn đau, hồi tưởng lại một sự nghiệp không thể hoàn thành. Người cộng sản Việt Nam thì ngay trong cuộc chiến đã chỉ vẽ lên hình ảnh cuộc chiến đấu của quân đội miền Bắc là chống Mỹ cứu nước.
VnWarParatroop200.jpg
Lữ đoàn Nhảy dù đặc nhiệm từ phi cơ C-123 trong đợt tấn công Phi Hoa II tháng 3-1963 tại Tây Ninh, miền Nam Việt Nam. AFP PHOTO/NATIONAL ARCHIVES >> Xem hình lớn hơn
Người đồng minh chính yếu của miền Nam cũng xem thường cuộc chiến đấu của quân đội miền Nam, sau mấy chục năm quân đội này gánh vác phần vụ nặng nề nhất của cuộc chiến, với những hy sinh xương máu lớn lao và những ngày tháng tù đày khổ ải của cả một đạo quân, một chế độ. Một phần trong dư luận và công chúng Mỹ có lúc phải kêu lên rằng QLVNCH là một đạo quân vô hình trong con mắt người Mỹ.
Để tìm câu trả lời cho vấn đề này, cuối trung tuần tháng ba năm nay, các chuyên gia, sử gia và nhân chứng người Mỹ người Việt tụ họp ở thành phố Lubbock, bang Texas trong một hội nghị do Trung Tâm Việt Nam của đại học Texas Tech tổ chức, nhằm đưa ra một cái nhìn khách quan của lịch sử, về vai trò của QLVNCH trong cuộc chiến ngày xưa. Việt Long tường trình.

Bị gạt ra bên lề lịch sử

Tháng tư 1975. Kiệt sức, rã rời, những người chiến binh đang xả thân chống đỡ cho miền Nam vào lúc quân đội miền Bắc ào ạt tiến chiếm từng mảnh quê hương của họ, được lệnh buông súng quy hàng, giữa những tấm gương tử tiết của các cấp chỉ huy anh hùng, giữa xác thân đồng đội và đồng bào gục ngã nơi nơi.
Một đạo quân từng chiến đấu suốt hơn hai muơi năm ròng với nhiều thắng lợi vang dội trước một quân đội đối phương đầy quyết tâm, thiện chiến, kiên trì, đột nhiên tan rã chỉ trong vòng mấy tháng. Đè nặng trên những nguyên do thất bại và những nhục hình trong tù đày dành cho người thất trận, là nỗi đau của những con người từng liều thân hy sinh cho lý tưởng của mình, nay gần như hoàn toàn bị quên lãng trong một trang lịch sử đã lật qua.
Bạn nghĩ gì về vai trò của QLVNCH trong cuộc chiến ngày xưa? Xin gửi email về Vietweb@rfa.org
Về phía những người cộng sản chiến thắng thì việc gạt bỏ vai trò của QLVNCH để nâng cao giá trị cuộc chiến đấu của họ ở chỗ đã chiến thắng một siêu cuờng tư bản, là điều không đáng ngạc nhiên. Nhưng phía bên kia, không ít những sử gia của Mỹ và những chiến binh Hoa Kỳ từng sát cánh với quân đội miền Nam đã phải kêu lên rằng điều quá bất công là QLVNCH đã trở thành một đạo quân vô hình trong phần đông dư luận Mỹ ngay từ thời còn chiến tranh, rồi trong những công cuộc nghiên cứu hậu chiến, và trong chính giới Hoa Kỳ.
Giám đốc Trung Tâm Việt Nam của đại học kỹ thuật Texas, tiến sĩ Jim Reckner, nhìn nhận điều này, nói rằng truyền thông và giới sử học Mỹ thường chỉ đóng khung cuộc chiến ở Việt Nam như chuyện của người Mỹ, khi quân đội Mỹ chiến đấu với lực lượng cộng sản Việt Nam. Nghĩa là lực lượng VNCH đã bị gạt ra bên lề lịch sử. Ông cho đó là điều đáng tiếc, khi quên đi những con người anh dũng đã chiến đấu biết bao năm trường cho lý tưởng của họ.
Thế nhưng một phần lớn nguyên do sự thất bại của khối đồng minh trong cuộc chiến lại được quy lỗi cho quân đội miền Nam, bị cho là kém cỏi về mọi mặt, dưới sự lãnh đạo của một chính quyền bị coi là tham nhũng, độc tài, kém hiệu năng.

Khả năng và tinh thần chiến đấu

Trong cuộc hội thảo ở Lubbock, một nhà nghiên cứu về Việt Nam, ông Bill Laurie, từng là chuyên viên tình báo chiến lược của Hoa Kỳ, phụ trách 18 tỉnh miền tây và Kampuchea, lên tiếng trình bày nhận xét về sức chiến đấu của QLVNCH kể từ năm 1968. Ông cho biết đã phải ngạc nhiên trước khả năng và tinh thần chiến đấu của Sư đoàn 7 bộ binh VNCH.
Ông nói các sĩ quan cố vấn Mỹ đều nói là Sư đoàn 7 rất tốt. Tư lệnh Nguyễn Khoa Nam là người chỉ huy xuất sắc, thực tâm yêu nước, một nhà lãnh đạo, một chiến sĩ tận tâm tận lực đem lại tự do no ấm cho người dân Việt. Nhưng công luận Mỹ không hề biết đến.
Ngay cả lực lượng địa phương quân Hậu Nghĩa cũng từng giữ vững tình nhà trước 3 trung đoàn quân Bắc Việt trong chiến dịch 1972, tuy họ không được không quân và pháo binh yểm trợ như các đơn vị chính quy, chỉ trông nhờ vào tài chiến đấu của người lính bộ binh. Những điều ông chứng kiến không hề được truyền thông Mỹ nói tới, ngay cả sau cuộc chiến, khi người ta làm công việc tự gọi là nghiên cứu lịch sử.
Sử gia tiến sĩ James Willbank, nguyên là một sĩ quan cố vấn Mỹ ở mặt trận An Lộc, nói về các đơn vị Việt Nam Cộng hoà chiến đấu ở nơi này.
Ông nói rằng giữa những đổ nát hoang tàn ở chiến trường An Lộc, người chiến sĩ VNCH giữ vững tinh thần chiến đấu cao, thấy được rằng họ giữ một vai trò quan trọng trong công cụôc phòng thủ đất nước của họ. Trận An Lộc là dịp tốt nhất để nhận định về sức chiến đấu của một binh đội trong những tình huống ác liệt nhất của chiến tranh.
VnWarHelicop200.jpg
Chiến trường Việt Nam ngày 16 tháng 5 năm 1966. AFP PHOTO/NATIONAL ARCHIVES >> Xem hình lớn hơn
Các đơn vị VNCH có những mức độ thiện chiến khác nhau, nhưng nhìn chung đều hoàn thành nhiệm vụ. Ông đặc biệt ca ngợi Liên Đoàn 81 biệt cách nhảy dù vô cùng dũng cảm, đã đánh suốt một đêm để tái chiếm hơn nửa thành phố bị địch chiếm giữ, chịu tổn thất cao, nhưng không bỏ sót một tử sĩ nào mà không chôn cất. Lữ đoàn Nhảy dù đặc nhiệm tham chiến ở nơi này tỏ ra thiện chiến ở mức tuyệt đỉnh. Họ gồm toàn những chiến binh từng được huấn luyện kỹ càng, dạn dày chiến trận, dũng cảm xông pha giữa một chiến trường mà đối phương hơn hẳn về hoả lực và quân số.
Tiểu đoàn 6 Nhảy dù bị thiệt hại nặng, mở đường máu rút về An Khê, trong khi hai tiểu đoàn 5 và 8 Dù nhảy vào chiến địa và lập tức xung trận dữ dội trong những trận tấn công, phòng thủ, phản công ác liệt; các cấp chỉ huy Nhảy Dù tỏ ra đầy tài năng và kinh nghiệm, tiếp tay các đơn vị bạn giữ vững được thị trấn sau lúc tình hình đã gần như tuyệt vọng. Họ chỉ giao lại An Lộc cho các đơn vị bạn trấn giữ nơi này, để đi dự trận phản công Quảng Trị sau khi tiểu đoàn 6 dù được bổ sung, từ An Khê đánh ngược trở lên, bắt tay với lực lượng phòng thủ.
Sử gia và cũng là nhân chứng, tiến sĩ James Willbank, còn nhấn mạnh đến gương chiến đấu dũng cảm của biệt động quân và lực lượng bộ binh Sư đoàn 5 cùng địa phương quân An Lộc, là lực lượng đã đuổi đánh xe tăng địch trong thành phố và bắn cháy toàn bộ những chiếc xe tăng này.

Lý do thất bại

Bên cạnh những thắng lợi của QLVNCH, thì những thất bại thường bị dư luận Mỹ quy trách cho tệ nạn tham nhũng của chính phủ Sài Gòn, hay nạn đào ngũ tràn lan trong quân đội miền Nam, cho rằng đó là những chứng cớ của tinh thần chiến đấu kém cỏi.
Các sử gia và diễn giả trong buổi hội thảo ở Lubbock không quên trình bày những mặt tiêu cực đó, nhìn nhận rằng chúng có phần nào ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu, nhưng đều cho rằng đó không phải là những lý do đưa đến sự đổ vỡ hoàn toàn. Trong cuộc chiến, cũng có 200 ngàn bộ đội và du kích về hồi chánh với chính phủ miền Nam, chưa kể khá nhiều bộ đội không chịu đi Nam trên đường Trường Sơn. Những hiện tượng đó thường xảy ra trong thời chiến ở bất cứ nơi nào.
Vậy lý do bại trận là ở chỗ nào? Nhà nghiên cứu Bill Laurie nói rằng QLVNCH đã mang vác một gánh nặng là chiến lụơc chểnh mảng đầy tội lỗi của Hoa Kỳ, khi người Mỹ đã không bao giờ có kế hoạch tấn công và trấn giữ đường mòn Hồ Chí Minh, cắt đứt huyết mạch của cuộc tấn kích vào miền Nam. Đó là điều mà các nhà chiến lược miền Bắc sợ nhất, nhưng cũng chỉ là một nguyên do về chiến thuật.
Theo nhà nghiên cứu này, lý do chính khiến quân đội miền Nam bị đánh tan trong vòng mấy tháng, là Hoa Kỳ đã cắt giảm viện trợ quân sự và kinh tế đến mức không một quân đội nào có thể chống đỡ để mà sống còn.
VnWarMcNamara200.jpg
Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Robert McNamara trong chuyến thăm Chu Lai, miền Nam Việt Nam ngày 18-7-1965. AFP PHOTO >> Xem hình lớn hơn
Bill Laurie nêu ra biểu đồ cho thấy vào những tháng sau cuối, tiếp vận đã bị thiếu thốn đến nỗi mỗi khẩu pháo chỉ còn được bắn mỗi ngày 10 viên so với 180 viên như hồi năm 1972, binh sĩ lục quân cũng không còn đủ đạn chiến đấu, máy bay, xe tăng nhiều nơi nằm ụ chờ rỉ sét chỉ vì thiếu xăng, thiếu cơ phận sửa chữa. Trong khi đó thì lực lượng miền Bắc vẫn thừa súng thừa đạn cho xe tăng đại pháo, với hoả lực đè bẹp đối phương trên mọi chiến trường, với quân số gấp năm lần quân số của họ tham chiến hồi năm 1968.
Ông nhắc lại rằng năm 1968 và năm 1972, tuy trang bị kém hiện đại hơn so với quân Bắc Việt, nhưng chỉ cần đủ đạn dược là QLVNCH cũng đã giữ vững cõi bờ, giáng trả đối phương những đòn mãnh liệt. Một diễn giả trong cuộc hội thảo là một giảng viên đại học ở Việt Nam trong suốt thời chiến tranh và nhiều năm sau đó, nay định cư tại Canada, ông Nguyễn Thế Tiến.
Được hỏi về sự lượng giá của ông đối với quân đội nhân dân miền Bắc và quân đội Việt Nam Cộng hoà, ông Tiến trả lời: “Tôi không phải là nhà quân sự để có thể phân tích chiến thuật chiến lược, nhưng theo những điều tôi tìm hiểu được thì quân đội Việt Nam công hoà cũng như quân đội miền Bắc đều tiếp thu được truyền thống quân sự của ông cha ta, chỉ có một điều, quân đội miền Bắc đã phục vụ một đường hướng sai lầm, phản chân lý, còn quân đội miền Nam thì đúng là đã làm sứ mệnh lịch sử của dân tộc.”
Một bài viết của người Việt hải ngoại đăng trên mạng Internet đã gọi nội dung cuộc hội thảo ở Lubbock là một điệu kèn truy điệu muộn màng cho QLVNCH.
 
Nguồn:  http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/TheUnjustnessAgainstAnArmy_VLong-20060430.html

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét