Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Người Sài Gòn nhớ Sài Gòn xưa


Người Sài Gòn nhớ Sài Gòn xưa

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014-09-05
sai-gon-305.jpg
Đường phố Sài Gòn ngày nay.
RFA


Với những cư dân lâu năm của Sài Gòn, thành phố này ngoài ý nghĩa là nơi cư trú, đây còn là kỉ niệm và chiếc nôi văn hóa phía Nam đất nước, nơi lưu giữ những dấu vết cổ xưa để người Sài Gòn có thể ra đường, đi vài chục bước đã gặp những con phố sầm uất, phồn thịnh và trầm mặc, bắt gặp mùi hương lưu cửu của Sài Gòn ba trăm năm trước, và cách đó không xa, một Sài Gòn khác nhộn nhịp ngựa xe, ồn ào phố thị với nhịp điệu cuống cuồng, hối hả… Đó là đặc trưng của Sài Gòn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bóng dáng của Sài Gòn xưa đang dần mất đi, thay vào đó là một chuỗi những công trình bê tông hóa khiến cho thành phố ngày càng trở nên xa lạ với những ai từng gắn bó và sống với Sài Gòn.

Những dấu xưa mất dần

Một vị trí thức Sài Gòn, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Thực ra thì Sài Gòn cũng chỉ là một thành phố trẻ thôi, 300 năm không phải là nhiều so với những thành phố khác trên thế giới nhưng so với trong khu vực Đông Nam Á thì Sài Gòn được biết đến không phải do bề dày lịch sử lâu dài của nó mà do nó được thiết kế, được dựng nên mang rất nhiều yếu tố lịch sử, cho nên nếu đập bỏ một di sản ngay giữa trung tâm Sài Gòn, mà thật ra là nó rất đẹp, không kịch cỡm, xấu xí nếu kịch cỡm, xấu xí thì nó đã không đứng vững được hơn 100 năm như thế này, nếu lưu giữ được nó thì Sài Gòn mới là Sài Gòn. Bây giờ người ta đang chứng kiến rất nhiều cảnh cưa đổ những hàng cây cổ thụ xanh, rồi phá chỗ này đập chỗ kia, thì nó đã mang lại nhiều vết thương trong lòng người yêu Sài Gòn lắm rồi, có lẽ đừng xoáy thêm vào vết thương đó trong lòng người Sài Gòn nữa!”
Bây giờ người ta đang chứng kiến rất nhiều cảnh cưa đổ những hàng cây cổ thụ xanh, rồi phá chỗ này đập chỗ kia, thì nó đã mang lại nhiều vết thương trong lòng người yêu Sài Gòn lắm rồi.
-Một cư dân Sài Gòn
Theo vị này, Sài Gòn hiện tại đang mất dần vẻ đẹp của một thành phố mệnh danh hòn ngọc viễn đông một thời, hay nói cách khác là thành phố trung tâm của phía Nam, đồng thời cũng là thủ đô của một nhà nước dân chủ ngắn ngủi này đang mất dần dáng vẻ riêng của nó và đi đến chỗ nó cũng giống y hệt mọi thành phố mới xây dựng, cũng bê tông và thiếu vắng những hàng cây trăm tuổi, cũng nhộn nhịp ngựa xe nhưng thiếu vắng sự bồi hồi của những khu phố yên tĩnh, cổ xưa, cũng thiếu vắng hẳn một triết lý trong xây dựng.
Sở dĩ nói rằng thành phố Sài Gòn hiện tại thiếu hẳn triết lý xây dựng bởi vì thông qua các dự án đập phá và xây dựng, chẳng bao lâu nữa, độ tuổi của thành phố này chỉ còn vài chục năm, không còn là thành phố ba trăm năm như trước đây người ta thường nói. Bởi vì mỗi thành phố có những nét riêng để phân biệt nó với thành phố khác, những nét riêng mang tính lịch sử, thương mại, văn hóa và cư dân cùng với nhịp điệu sống rất riêng của họ. Và khi qui hoạch thành phố, dù muốn hay không, người ta buộc lòng phải nghĩ đến những giá trị đó.
Nói về triết lý xây dựng thành phố, vị này chia sẻ thêm rằng trong xây dựng, nếu có triết lý xây dựng, người ta sẽ chú ý đến những chi tiết gắn với lịch sử, thời gian và có thể qui hoạch mở rộng thành phố để bằng mọi giá giữ lại những nét thuộc về văn hóa, lịch sử. Trường hợp hàng cây xanh trên trăm tuổi bị chặt bỏ để xây dựng đường tàu điện ngầm và phá bỏ thương xá Tax để xây dựng một trung tâm thương mại lớn hơn và nhiều trường hợp qui hoạch vô tội vạ khác cho thấy hiện tại, Sài Gòn không có triết lý xây dựng. Và điều này sẽ dẫn đến hậu quả là một thành phố lai căn ra đời.
Nghĩa là trên danh nghĩa, người ta nói rằng đây là thành phố có độ tuổi lâu đời, nhưng mọi bằng chứng về tuổi đời của thành phố thì tìm không thấy. Và với đà xây dựng này, cái điều người ta tìm thấy được ở thành phố Sài Gòn sẽ chẳng có gì ngoài những dãy nhà tầng tầng lớp lớp bê tông nhưng lại thiếu vắng cây xanh và những con đường luôn đông nghẹt người, tấp nập, đua chen nhưng trống rỗng, vô hồn.

Lấy đi dấu vân tay của một con người

sai-gon-400.jpg
Cây xanh ở Sài Gòn không còn nhiều như trước nữa. RFA PHOTO.
Một cư dân Sài Gòn tên Thi, chia sẻ, sự mất đi của rất nhiều công trình cổ ở thành phố Sài Gòn cũng như hàng cây xanh trăm tuổi và thương xá Tax gần đây đã khiến cho ông thấy hụt hẫng một cách khó hiểu. Vì với ông, mỗi sáng, chừng 5h, đạp xe đi dạo qua những con phố còn vắng bóng người, chỉ có cây xanh và những căn nhà còn ngái ngủ, chỉ có thương xá Tax, dinh Độc Lập, chùa Giác Lâm, cầu chữ Y, phố Lê Công Kiều… lướt qua tầm mắt, ông luôn có cảm giác Sài Gòn rất bình yên, thân thiện và đáng yêu hơn bất kì thành phố nào. Bởi cái nơi ông sinh ra, lớn lên, học hành, làm việc, lấy vợ, sinh con rồi làm ông ngoại, cái nơi mà ông chứng kiến nhiều bận dâu bể, chứng kiến hai chế độ chính trị đi qua, cái nơi mà mới ngày hôm qua, ông còn là một cậu sinh viên trên ghế nhà trường, hôm nay phải hốt hoảng không biết tương lai sẽ ra sao, mọi sự đổi thay trong chốc lát đối với ông kể từ sau 30 tháng Tư năm 1975 đến nay… Sài Gòn đã thành máu thịt của ông, mỗi một góc phố cũ kĩ giống như một nét vân tay để nhận dạng một con người, và thành phố này là một con người hiện hữu trong ông.
Việc xóa dần những dấu vết cũ trên thành phố, với ông Thi chẳng khác nào người ta cố tình lấy đi mọi dấu vân tay của một con người, và sau đó lại tiếp tục phẫu thuật thay hình đổi dạng, thay cả máu và cuối cùng là thay họ đổi tên, biến con người này thành một con người khác nhưng nghiệt ngã là con người khác đấy vẫn mang căn cốt của con người xưa mà lại không thể giống được chính họ. Đó là bi kịch của một thành phố, cũng là bi kịch lịch sử, nó phản ánh sự thiếu vắng những giá trị tinh thần.
Theo ông Thi, có lẽ không riêng gì ông mà sẽ có rất nhiều trí thức nói riêng và cư dân Sài Gòn nói chung tiếc nuối những giá trị đã gắn kết vào tâm thức của họ, những nét xưa cũ của một Sài Gòn hoa lệ, sầm uất, phồn thịnh và lịch lãm đang dần mất đi, thay vào đó là một thành phố mới mẽ với tên tuổi mới mẽ và lộn xộn trên mọi nghĩa, từ dân cư cho đến nhịp sống, Sài Gòn đã vĩnh viễn bị mất đi bóng dáng hòn ngọc viễn đông một thuở.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.


Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/reminiscence-of-former-saigon-09052014130940.html
------

Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi!

Mục Âm Nhạc Cuối Tuần do Việt Long phụ trách đã mời quý vị thưởng lãm hình ảnh trong âm nhạc của hai chốn kinh thành Việt Nam thời cận đại.
Việt Long, phóng viên RFA
2010-10-17
Chợ Bến Thành trước năm 1975.
Chợ Bến Thành trước năm 1975.
Photo courtesy of DaiHoangNguyenblog

Sau Hà Nội vừa tưng bừng lễ hội và Huế cùng miền Trung ngập đắm giữa thiên tai, hôm nay, mời quý vị hãy cùng nhau đến nơi từng là thủ đô của xứ sở miền Nam, nước Việt Nam Cộng Hòa, trong hai thập niên của thế kỷ 20.
Cùng đến Sài Gòn ... Bạn ơi hãy cùng nhau đến Sài Gòn tươi sáng muôn màu với 8 bông hoa khoe sắc thắm tươi trong nền ca nhạc Việt Nam: Như Quỳnh, Bảo Hân, Loan Châu, Minh Tuyết, Tâm Đoan, Hương Thủy, Hồ Lệ Thu và Như Loan.
le-loi-nguyen-hue-250.jpg
Đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ về đêm. Photo courtesy of Wikipedia.
Hai nhạc phẩm quý vị vừa nghe, Sài Gòn của Y Vân và Ghé bến Sài Gòn của Văn Phụng, đã vẽ nên những nét say sưa náo nức của những người đất Bắc vừa giã từ Hà Nội mới tan khói lửa chiến tranh để vào tới thủ đô của xứ miền Nam nắng ấm thanh bình với tình người rộn rã nơi nơi.
Và lạ thay, người nghệ sĩ như có tài tiên tri, sức sống của Sài Gòn với người Sài Gòn vẫn mãi tươi vui rộn rã sau bao cuộc bể dâu. Ta cùng lắng xem hình ảnh Sài Gòn trong mắt những người trẻ hơn một vài thế hệ, khi nước Nam trở lại thanh bình sau hai mươi năm binh đao tiếp nối.
Tam ca Áo Trắng đang vẽ nên hình ảnh Nắng Sài Gòn như trong mắt nhìn của nhạc sĩ Xuân Hồng...
Nhắc đến Nắng Sài Gòn... Nắng Sài Gòn… thì chúng ta nhớ đến điều gì nhỉ? À, mọi người Việt từng cầm sách đến trường, tuổi từ 15, 17 cho đến tám chín mươi, không ai chẳng biết đến câu thơ Nguyên Sa “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”.
Tuấn Ngọc hát nhạc phẩm phổ thơ Nguyên Sa của Ngô thuỵ Miên.
ho-con-rua-305.jpg
Hồ con rùa. Photo courtesy of Wikipedia.
Vâng. Trời chợt mưa chợt nắng như những cơn hờn dỗi của người yêu nũng nịu chẳng vì đâu, chẳng vì đâu cả vì chỉ là hờn mát của tình yêu... Nhưng người yêu bé bỏng kia hay ngồi trong vạt nắng Sài Gòn mùa thu rải chung quanh, vẫn chợt vui chợt buồn, nhưng rồi chợt bỏ ra đi chẳng bảo gì nhau... khiến người tình xót xa nhớ về những ngày mưa chợt nắng...
Quang Dũng đang hát Nhớ mưa Sài Gòn của Vĩnh Tâm.
Người ở lại lang thang giữa Sài Gòn thương nhớ những ngày mưa kỷ niệm, thì người ra đi nơi phương trời tuyết giá cũng hằng ngồi một mình nhớ về khung trời Sài Gòn ăm ắp những kỷ niệm thân yêu.
saigon-notre-dame-200.jpg
Nhà thờ Đức Bà về đêm. Photo courtesy of Wikipedia.
Diễm Liên trong nhạc phẩm Trái tim Sài Gòn của Minh Khang.
Rồi cũng có người trở lại Sài Gòn, mà vẫn thương về quá khứ, lúc đởi reo vui trên từng góc phố lề đường... và Quang Tuấn đang kể chuyện Sài Gòn nhớ Sài Gòn thương của Thanh Trang, khi người lữ khách trên quê hương xưa ước mơ về một gọi tên như lòng người mơ ước...
Nhưng dường như thương nhớ nhớ thương chỉ dành cho những người đi kẻ ở của những cuộc tình chia xa. Còn những tuổi trẻ Sài Gòn thỉ chỉ thấy toàn những niềm vui trong thành phố khi tình yêu tới cùng nhau. Với thế hệ 8X, 9X thì Sài Gòn là một bài nhạc rap nồng nhiệt tươi trẻ như tuổi teens hừng hực sức sống, tay trong tay như mãi mãi có nhau với tình yêu kết trái, bên hồ Con Rùa, bên xe bò bía, xe nước mía, bên bờ sông ... Sài Gòn đẹp vui mãi mãi, phải không em...

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/MusicForWeekend/Images-of-vietnam-capitals-in-music-part3-saigon-vlong-10172010125221.html

Stream

 
HẬN ĐỒ BÀN & HẬN SÀI GÒN!
 Tôi cùng là quân nhân tác chiến, thường lê gót giày sault khắp mặt trận chiến trường vùng 2 chiến thuật- Bình Đinh, Qui nhơn, Tuy Hòa... Nhưng không đâu làm tôi xúc động bồi hồi khi dừng quân bên những cổ thành Hời- Champa-  rêu phong vách đá. Tôi vẫn còn nghe vang động đâu đây những lời thơ vong quốc-  Chế Lan Viên,  và giọng ca  sầu cố quốc Champa ai oán nảo lòng " Hận Đồ Bàn " Chế Linh....Sao mà, nó mang tâm sự của người lính chiếm QL.VNCH suốt thời gian tù binh cải tạo trong tù Cộng Sản. Và nó vẫn da diết Trong lòng tôi suốt 39 năm qua...Nó bắt tôi phải ' Thua Cuộc " như Hận Đồ Bàn, nhưng tôi không chấp nhận phải " Hận Sài Gòn ". Vì Sài Gòn Đẹp Mãi Trong Tôi..."
Sài Gòn Đẹp Lắm Sài Gòn Ơi
http://youtu.be/ms_8EARbLnk  Huỳnh Mai St.8872

                   Sài Gòn Đẹp Lắm Sài Gòn Ơi



          Huỳnh Mai St.8872
    Sài Gòn cũ- Nhớ Sài Gòn xưa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét