"Biển Đông không phải để chia"
Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-08-27
2014-08-27
Sau chuyến làm việc ở Trung Quốc của ông Lê Hồng Anh, đặc phái viên của đảng cộng sản Việt Nam, Trung Quốc và Việt Nam đã đưa tuyên bố về Ba nhận thức chung. Trong tuyên bố này có phần nói về biển Đông, và nói rằng hai bên sẽ tích cực nghiên cứu và thương lượng về vấn đề cùng khai thác. Tiến sĩ Địa chất Nguyễn Thanh Giang, người làm việc nhiều năm ở Tổng cục địa chất Việt Nam, và có nhiều bài viết về tài nguyên biển Đông, cho đài RFA biết quan điểm của ông về chuyện này. Trước hết ông nói:
Chuyện cùng nghiên cứu và khai thác biển Đông là một sự nhượng bộ vô lối của Việt Nam, vì biển Đông là của Việt Nam, Việt Nam phải có cái quyền khai thác như là sở hữu của mình. Còn Trung quốc muốn vào hợp tác thì làm hợp đồng như các nước, đến và ăn chia sản phẩm theo sự thỏa thuận giữa đôi bên. Chứ không thể xem biển Đông là cái chỗ chung của hai bên. Tôi cho rằng cái cách ăn nói ỡm ờ đó là một sự khiếp nhược. Coi như là ta mất một nửa tài sản chăng? Chúng tôi thấy là không thể chấp nhận được. Không thể chung nhau khai thác được.
Kính Hòa: Cũng có những tiền lệ chẳng hạn như Việt Nam và Malaysia cùng khai thác vùng tranh chấp, và việc đó khá thành công. Liệu là cũng có những vùng tranh chấp với Trung Quốc, và cũng nên suy nghĩ giải pháp này?
TS Nguyễn Thanh Giang: Phải khoanh được những vùng tranh chấp. Như có tranh chấp ở một số nơi ở Vịnh Bắc bộ đấy, mà Trung Quốc cũng lấn lướt mình. Chuyện giữa mình và Malaysia là chuyện tay đôi giữa hai bên đều giữ cái phần của mình, còn phần hợp tác là ở ranh giới. Còn thực tế vừa qua thì thấy cái sự lấn lướt của Trung Quốc. Cho nên chúng tôi nghĩ là dân Việt Nam sẽ không chấp nhận chuyện này, không tin vào cái sự sòng phẳng của Trung Quốc.
Kính Hòa: Vậy về lâu về dài làm thế nào để Việt Nam giữ được tài sản của mình ở biển Đông?
Bài học lịch sử cho thấy rằng Trung Quốc rất không tử tế đối với Việt Nam. Không tử tế trên nhiều phương diện: chính trị, lãnh thổ, kinh tế,…TS Nguyễn Thanh Giang: Bài học lịch sử cho thấy rằng Trung Quốc rất không tử tế đối với Việt Nam. Không tử tế trên nhiều phương diện: chính trị, lãnh thổ, kinh tế,… Phải hết sức dè dặt, cảnh giác trong cái chuyện làm ăn với Trung Quốc. Gần đây có tin là họ đưa đến một vạn người Trung Quốc vào Vũng Áng để làm việc. Trong khi là lao động Việt Nam không có công ăn việc làm, kể cả lao động có học vấn. Bây giờ có đến 25 nghìn lao động của ta có cử nhân và chưa có việc làm. Mà không chỉ có công ăn việc làm, mà đó có thể là những người gọi là đạo quân thứ năm của Trung Quốc, phòng khi có căng thẳng xảy ra. Cho nên tôi nói là làm ăn với Trung Quốc là hết sức khó khăn và hết sức dè chừng. Các trí thức Việt Nam gần đây đều nhắc đến chuyện thoát Trung. Tôi thì tôi nói là lúc nào cũng phải cảnh giác trước Bắc Triều.
- TS Nguyễn Thanh Giang
Kính Hòa: Nhưng về lâu về dài chúng ta cũng phải ở cạnh họ…
TS Nguyễn Thanh Giang: Dạ vâng, tôi đã nói rằng là không thể quay lưng lại với Trung Quốc. Không nên đẩy họ thành kẻ thù của chúng ta mà luôn luôn giữ tình hữu nghị. Nhưng phải luôn luôn cảnh giác, vì cái bài học lịch sử nó cho thấy như thế. Đó là một sự cay đắng, đối với hàng xóm láng giềng thì lúc nào chúng ta cũng muốn hữu hảo, nhưng bài học lịch sử lẫn cái thời gian gần đây đều cho thấy là chơi với họ thì nguy hiểm lắm.
Cho nên hữu nghị thì vẫn phải hữu nghị, không nên đặt vấn đề đối chọi với họ. Cho nên tôi rất mong các nhà lãnh đạo đề cao cảnh giác với Trung Quốc, và đề cao cảnh giác với trong cả nội bộ lãnh đạo, xem có những người nào có tư tưởng thần phục Trung Quốc, dựa vào Trung Quốc để giữ lợi riêng, giữ lấy ghế của mình, thì phải loại họ khỏi thành phần lãnh đạo, ra khỏi dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét