Hoa Kỳ Quyết Định Để Cho Miền Bắc Xâm Lăng Miền Nam – Vanuxem
Người
Trung Hoa có một câu châm ngôn: “Thất trận rồi người ta mới đếm xác
chết và mới đi tìm người trách nhiệm.” Phản ứng của người dân, thường
hay trút hết trách nhiệm cho người lãnh đạo hoặc cho người lính chiến.
Tại Việt Nam thì cả hai đều có phần trách nhiệm của mình, nhưng cả hai
đều không thể làm gì hơn được với hai bàn tay trắng vì đã bị người ta
tước hết khí giới từ lâu!
Việt Nam là một nước nông nghiệp nên
không thể sản xuất vũ khí được, do đó trong cuộc chiến, cả hai bên miền
Nam và miền Bắc đều bắt buộc phải nhận sự viện trợ quân sự từ bên ngoài.
Do vậy, người ta thường nói rằng chỉ cần chấm dứt viện trợ ngoại quốc
cho cả hai bên Nam và Bắc thì ngọn lửa chiến tranh ở Việt Nam sẽ yếu dần
và đi đến chỗ tàn lụi ngay, cuộc chiến đương nhiên phải chấm dứt. Nhưng
cũng có người chỉ đứng về một phía, đã khẳng định quá đơn phương, và
khiếm diện rằng chỉ cần người Mỹ, hay đúng hơn là đế quốc Mỹ như người
ta đã cáo buộc, chấm dứt mọi viện trợ kinh tế và quân sự cho miền Nam
Việt Nam, là miền Bắc sẽ chấm dứt cuộc chiến tranh nầy trong chiến
thắng. Và đó là những điều đã xảy ra trên thật tế.
Người ta đã từng cho rằng chiến tranh ở
Việt Nam không phải là một cuộc nội chiến giữa miền Nam và miền Bắc, vì
nếu giữa người Việt với nhau thì không chóng thì chầy họ đã có thể đạt
được một sự thỏa thuận nào đó với nhau rồi. “Nhưng đây là một cuộc chiến
tranh giữa các siêu cường”
Nhưng đây là một cuộc chiến tranh giữa
các siêu cường quốc, mượn tay người Việt Nam (hay sinh mạng người Việt
Nam cũng thế) và ngay trên lãnh thổ Việt Nam, để so tài hơn thua cao
thấp với nhau, ngăn chặn nhau không cho bên nào bành trướng thêm ra hơn
nữa, vì hai bên không thể trực tiếp đối đầu với nhau được, tránh bị tổn
thất nặng có thể đi đến chỗ tiêu diệt lẫn nhau. Có điều là cả hai bên
đều nuôi dưỡng một mối thù hằn mà nguyên nhân không phải xuất phát từ
nước Việt Nam và nước Việt Nam cũng không có gì để mà thiết tha quan tâm
đến.
Hoa Kỳ thì “ngăn chận”
Khối Cộng Sản thì “xâm chiếm, bành trướng”
Người ta có thể thấy được rất rõ là Nga
và Trung Quốc vẫn không bao giờ che dấu tham vọng xâm chiếm toàn cầu của
họ theo đúng hướng chiến lược đã hoạch định trước rất rõ ràng, và nếu
Hoa Thịnh Đốn chỉ bo bo theo sách lược “tạo uy tín và bành trướng kinh
tế” thì chiến lược đó của Hoa Kỳ hoàn toàn nằm trong thế thủ, bị động.
Đặc biệt là ở Á Châu, Hoa kỳ nhất nhất theo thuyết “ngăn chận” các bước
tiến của Cộng Sản. Do vậy mà trên mảnh đất đầy hình ảnh đau thương và
tàn khốc của cuộc chiến, người ta đã “đóng khuôn” cho miền Nam Việt Nam
trong nhiệm vụ phòng thủ thụ động, và các đồng minh lớn của họ không bao
giờ muốn cho họ đi ra ngoài khuôn khổ nhiệm vụ đó, trong khi bộ đội Bắc
Việt thì được tung ra trên khắp cả 3 nước Đông Dương, từ Lào, Cam Bốt
đến Miền Nam Việt Nam, ẩn hình dưới danh nghĩa của lực lượng cách mạng
Pathet Lào, Khmer đỏ, và Việt Cộng, để rồi cuối cùng họ cũng phải bỏ cái
mặt nạ của họ ra, hiện “nguyên hình” là quân xăm lăng Bắc Việt, là kẻ
chiến thắng, để tiến vào Sài Gòn.
Tuy trận tấn công vào tỉnh lỵ Phước Long
vào tháng 1-75 của bộ đội Bắc Việt là một cuộc tấn công có giới hạn (mà
phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa một phần vì sợ bị nhử vào bẫy có thể bị
hao quân và mất thêm chiến cụ, một phần cũng không có đủ lực lượng để
đối phó được với một loại tấn công qui mô như vậy, nên không có phản ứng
đối kháng mạnh, nhưng họ cũng thu lượm được quá đủ bằng cớ để chứng
minh với những ai còn chút nghi ngờ, là “Hoa Kỳ không còn can thiệp vào
chiến cuộc nữa”. Và như vậy là Bắc Việt cho tiến hành ngay cuộc tổng tấn
công mùa xuân với đầy đủ bảo đảm trong một sự an toàn tuyệt đối.
Rõ ràng là Hoa Kỳ đã khuyến khích Bắc
Việt bằng thái độ im lặng và quá thụ động của họ sau vụ tấn công quan
trọng vi phạm rất nặng và rất trắng trợn “Hiệp Định Paris 1973 về Ngừng
Bắn và Tái Lập Hòa Bình ở Việt Nam”. Thật ra, Chánh Phủ Việt Nam Cộng
Hòa đã được báo động về thái độ “bất can thiệp” nầy của Hoa Kỳ từ lâu
rồi. Trong những tháng 1, 2, và 3-75, đã có nhiều nghị sĩ dân biểu Hoa
Kỳ đến thăm Việt Nam và đã từng xác nhận với Tổng Thống Thiệu là “viện
trợ của Hoa Kỳ cho Việt Nam Cộng Hòa trong những ngày sắp tới sẽ rất là
mong manh trong may rủi”. Mỉa mai thay, viện trợ nầy trước đó đã được
Tổng Thống Hoa Kỳ là ông Nixon long trọng tuyên hứa với Tổng Thống Việt
Nam Cộng Hòa!!!
Những cuộc vận động của Hoa Kỳ
Tại Guam, Tổng Thống Nixon đã công bố kế
hoạch 5 điểm trong sách lược yểm trợ Thế Giới Tự Do của Hoa Kỳ, chính
yếu là “cây dù nguyên tử” và viện trợ đầy đủ vô điều kiện cho tất cả mọi
quốc gia dân tộc nào chứng minh có quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do
của mình.
Hiệp Định Paris 1973, cuối cùng rồi cũng
được Tổng Thống Thiệu bằng lòng ký tên vào, vì ông không còn có khả năng
từ chối thêm lần thứ hai, dù đó chỉ là trong cung cách ngoại giao thôi,
nhưng với những lý lẽ vững chắc mà ông đưa ra trước khi ký, Tổng Thống
Nixon đã phải đích thân nhận chịu trách nhiệm chẳng những bằng lời nói
mà còn cả trên giấy trắng mực đen nữa:
“Hoa Kỳ sẽ cung cấp viện trợ kinh tế và
quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa để giúp Việt Nam Cộng Hòa đương đầu với
mọi biến cố mà vì không có thiện ý, Bắc Việt sẽ có thể không ngớt tạo ra
sau nầy.”
Nếu trước kia Tổng Thống Nixon đã thật
lòng đưa ra lời hứa chắc chắn như vậy, không có một hậu ý quanh co ngoằn
ngoèo nào, thì sau đó với một anh chàng Kissinger mà ông chưa từng quen
biết nhưng vì áp lực từ sự vận động của cánh Do Thái sau khi ông đắc
cử, ông đã trở nên bớt nhiệt tình hơn nhiều đối với những gì mà ông đã
long trọng cam kết với ông Thiệu.
Nhiều cuộc tranh luận gay gắt đã xảy ra
trong những cuộc thăm viếng sau đó, và ông Thiệu đã phải can thiệp thẳng
với Nixon để cho thơ từ công văn của ông, thường không được hồi âm, nay
phải được tới tay ông Nixon mà không đi qua sự kiểm duyệt của Bộ Ngoại
Giao Hoa Kỳ. Dã tâm của Kissinger, một con người mà ai cũng cho là
“bạn”, là “tri kỷ”, sau đó được phát giác tiết lộ ra là: xuyên qua một
đệ tam nhân, ông đã có những lời hứa hẹn cũng như thi hành những cam kết
không đồng nhứt với từng nhân vật cùng có trách nhiệm trong công tác
ngăn chận bước tiến của Cộng Sản Bắc Việt trên bán đảo Đông Dương, như
Hoàng Thân Souphana Phouma, Thống Chế Lon Nol và Tổng Thống Nguyễn Văn
Thiệu.
Thế nhưng, vụ việc gây nhiều tai tiếng
“Watergate” đã đưa Nixon ra khỏi Nhà Trắng đồng thời giết chết cả thân
thế và sự nghiệp chính trị của ông ta, dẫn đến hậu quả tai hại là những
gì ông Nixon đã cam kết, dù là trên giấy trắng mực đen, đã không còn một
chút giá trị nào nửa. Và sau đó, vào tháng 8-1973, Thượng Viện Hoa Kỳ
đã bỏ phiếu thuận cho tu chính án “Case-Church” nhằm cắt hết ngân khoản
dành cho mọi viện trợ quân sự cho các quốc gia Đông Nam Á.
Cộng Sản tiến chiếm miền Nam qua hai cửa ngỏ chính: Cam Bốt và Lào
Do vậy, việc Mỹ chánh thức hứa giúp thành
lập và trang bị quân đội Cam Bốt với quân số 205,000 người phải được
hủy bỏ. Hình thành được việc nầy sẽ giúp cho Cam Bốt chẳng những có thừa
khả năng dẹp được lực lượng Khmer Đỏ (tất cả cán bộ khung đều là bộ đội
Bắc Việt) mà còn lập lại được trật tự trong nước, đuổi các sư đoàn Bắc
Việt ra khỏi lãnh thổ Cam Bốt nữa, vì chính các đơn vị xăm lăng Bắc Việt
nầy đã tạo ra không khí cách mạng bất ổn ở nông thôn Cam Bốt, sau đó
Hoàng Thân Shianouk đã phải thoái vị và nước Cộng Hòa Khmer ra đời.
Điều đáng tiếc là ở Cam Bốt cao trào của
giới trẻ mà người ta gọi là “những anh lính chiến giờ thứ 24” đang lên
vùn vụt, trong số nầy có những sinh viên và học sinh lớp 5 lớp 6, tình
nguyện ra mặt trận, chiến đấu rất anh dũng bằng vũ khí tịch thu được của
quân ngoại xâm Bắc Việt. Những người “Khmer Tự Do” nầy (Khmer Krom) đã
học và tiêm nhiễm lịch sử Pháp, rất tự tin và đặt hết lòng tin vào lời
hứa của Hoa Kỳ, đã nhất tề đứng dậy khi tổ quốc lâm nguy, y như người
Pháp chúng ta trong những biến cố cách mạng trong lịch sử vậy. Trong lúc
đó tại Thượng Viện Hoa Kỳ, nghị sĩ Fulright lại tuyên bố là cuộc chiến ở
Cam Bốt là một “cuộc chiến vô đạo đức!” Với một ít ngân khoản vụn vặt
du di được đâu đó, chánh phủ Hoa Kỳ “nhỏ từng giọt” giúp cho Cam Bốt,
trong khi những sư đoàn Bắc Việt ồ ạt viện trợ đúng mức cho các đơn vị
“Khmer Đỏ” đang thành lập, càng ngày càng lớn mạnh thêm lên. Do đó quân
lực Cộng Hòa Khmer bị tiêu hao lần lần để đi đến sụp đổ, và ngày 1-4-75,
Thống Chế Lon Nol phải “chạy” khỏi thủ đô Cam Bốt, sau đó Phnom Penh bị
thất thủ vào ngày 10-4-75. Cũng trong thời gian nầy, nỗ lực thành lập
một chánh phủ “liên hiệp 3 thành phần” tại Vương Quốc Lào bị thất bại và
Cộng Sản Pathet Lào lên nắm chánh quyền, tuyên bố không chấp nhận sự có
mặt của người Mỹ tại đây.
Người ta thường hay nói chiến tranh ở
Việt Nam chỉ là một cuộc nội chiến, rất hạn chế giữa người Việt và người
Việt mà thôi. Nhưng đến cuối cùng sự thật cho thấy không phải như vậy.
Cam Bốt là mục tiêu chủ yếu, là bàn đạp quan trọng hàng đầu để từ đó
Cộng Sản tiến chiếm miền Nam Việt Nam, và theo quan điểm từ đầu của Hà
Nội thì mục tiêu không phải chỉ có miền Nam Việt Nam mà phải là toàn bộ
bán đảo Đông Dương, vì đó mới là giấc mơ thật sự từ lâu của Hồ Chí Minh.
Việc chiếm giữ các tỉnh miền Đông của cả
hai quốc gia Lào và Cam Bốt là chỉ nhằm dọn đường cho công tác tiếp vận
của quân đội Bắc Việt. Sau khi Hiệp Định Paris 1973 được ký kết, trong
thời gian hơn một tháng, hệ thống đường mòn thường gọi là “đường mòn Hồ
Chí Minh” được họ cải tiến, mở rộng và trải đá suốt cả tuyến đường, để
từ Hà Nội, Bắc Việt có thể đưa quân lính, chiến cụ, đạn dược cũng như
xăng nhớt, đến một nơi chỉ còn cách Sài Gòn dưới 100 cây số (Lộc Ninh)
mà chỉ mất trên dưới có 5 ngày đường. Các sư đoàn Bắc Việt đóng quân
thường xuyên dọc theo biên giới Lào và Cam Bốt, trên các cao điểm từ Bắc
xuống Nam, từ đó lúc nào cũng sẵn sàng tấn công xuống Miền Nam Việt
Nam, một lãnh thổ quá dài mà bề ngang quá hẹp, có đoạn dưới 100 cây số
tính từ miền núi xuống đến biển, nên thủ đô Việt Nam Cộng Hòa luôn bị đe
dọa vì Sài Gòn chỉ cách biên giới Lào-Khmer không quá 100 cây số ngàn,
cũng giống y như hiệp ước đình chiến 1919 của nước Pháp chúng ta đã “bị”
để cho các đơn vị Đức đóng quân ở vùng Aisne và La Marne vậy.
Ngày 10-4 thủ đô Phnom Penh bị thất thủ, ở
Vientiane thì một chánh phủ Cộng Sản đã lên cầm quyền, trong khi Vùng I
và Vùng II của Việt Nam Cộng Hòa cũng đã bị rơi vào tay Bắc Việt, như
vậy Hà Nội được quá rảnh tay để sẵn sàng đưa quân tràn xuống vùng đồng
bằng sông Cửu Long.
Hoa Kỳ sẽ không can thiệp nữa
Nhưng vẫn còn một yếu tố chưa biết rõ
được: đó là phản ứng của Hoa Kỳ. Trước đó, ngày 21-3-75, chánh phủ Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt), trong một bản tuyên bố, đã yêu cầu
chánh phủ Hoa Kỳ chấm dứt tất cả mọi dính líu quân sự và mọi hành động
can thiệp vào việc nội bộ của Miền Nam Việt Nam. Ngày 25-3-75, Tổng
Thống Ford gởi đến Sài Gòn tướng Weyand, Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa
Kỳ. Tướng Weyand có vẻ thuận cho một hành động tiếp ứng tuy hơi muộn
nhưng hữu hiệu bằng cách cho lệnh thiết lập hai cầu không vận
Bangkok-Saigon và Manila-Saigon, để kịp tiếp vận cho Quân Lực Việt Nam
Cộng Hòa. Ngày 3-4-75, trong một cuộc họp báo, Tổng Thống Ford tuyên bố
là ông sẽ không bỏ rơi Đông Nam Á. Ông nói không nhất thiết ông Thiệu
phải rời khỏi chánh quyền, nhưng ông cũng bảo đảm thêm rằng cho dù có
một sự thay đổi nào đó của cấp lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa thì sự việc đó
cũng không thay đổi được nỗ lực của Hoa Kỳ tại Sài Gòn.
Ngày 10-4-75, ngay lúc Phnom Penh thất
thủ, trong bài diễn văn đọc trước Quốc Hội, Ông cho biết là ông có ý
định tiếp tục cuộc chiến ở Việt Nam, và tiếp tục ủng hộ chánh phủ Thiệu.
Ông đề nghị với Quốc Hội một ngân khoản viện trợ quân sự 722 triệu đô
la, và một ngân khoản viện trợ kinh tế là 250 triệu. Các nghị sĩ
Stevenson, Humphrey, Jackson, Mc Govern và Kennedy đều chống lại đề nghị
nầy. Gần như Quốc Hội Hoa Kỳ đã mặc nhiên bỏ rơi cả ông Ford. Thế là
hết ! Hoa Kỳ sẽ không can thiệp, và những quốc gia đã từng ký tên bảo
đảm cho việc thi hành Hiệp Định Paris 1973 cũng giữ một sự im lặng hoàn
toàn! Còn nước Pháp thì xuyên qua lời tuyên bố của Tổng Trưởng Ngoại
Giao tại Dublin, trước một số ngoại trưởng phần đông đều không muốn chen
sâu vào việc nội bộ của một nước khác, thì lại tỏ ý muốn thấy Tướng
Thiệu rút lui, một điều rất trùng hợp với sự mong muốn của Cộng Sản Bắc
Việt, vì dưới con mắt của họ Tướng Thiệu là biểu tượng của một tinh thần
chống Cộng cực đoan, chống đến giọt máu cuối cùng.
Như vậy là thật sự Bắc Việt nay đã được
rảnh tay trong hành động rồi. Họ đã được bảo đảm là Hoa Kỳ sẽ không còn
can thiệp được nữa. Họ cũng đã thấy một sự tán thành ngấm ngầm của các
nước khác, không những trong khối Cộng Sản mà còn có cả các quốc gia cấp
tiến, tự do nữa, trong đó dĩ nhiên là có cả nước Pháp. Với tất cả mọi
điều kiện thuận lợi chánh trị và quân sự như thế, Bắc Việt quyết định
cho tiến hành ngay “chiến dịch Hồ Chí Minh”, không cần phải mất thêm
thời gian chờ thành lập một “chánh phủ ba thành phần”, để nhanh chóng
thôn tính cả bán đảo Đông Dương trên cả hai phương diện quân sự và chánh
trị.
Đúng như họ tuyên bố đây là một cơ hội ngàn năm mới chỉ có một lần !
Vậy liệu người ta có nghi ngờ là người Mỹ
đã phản bội đồng minh ? Nhân vật chính yếu liên can trong nội vụ là
Tổng Thống Thiệu, người biết rõ nhiều về những lời hứa hẹn, cam kết, và
thi hành. Ông đã công khai nêu rõ trước dư luận mà Hoa Kỳ không dám có
một tiếng trả lời, có chăng chỉ là những lời an ủi cam kết quá muộn màng
của một mối tình bạn bè, một mối tình loại “qua đường!”
Ông Thiệu là người không muốn chơi trò
người hùng, cũng không thích biểu tình hoan hô rầm rộ, nhưng rất nhạy
cảm với lòng tin tưởng sâu đậm của đồng bào miền Nam, bây giờ ván bài đã
ngã ngũ, ông đã thua cả về chánh trị lẫn quân sự, nên ông quyết định
phải rời quê hương mà ông đã từng hiến dâng tất cả. Với một tâm hồn chết
lặng ông nói lên những lời từ biệt cuối cùng. Những lời lẽ thật cảm
động của ông được truyền đi trên đài phát thanh làm cho những người dù
cứng lòng đến đâu cũng phải nhỏ lệ, ngay những người đã từng muốn ông
phải từ chức cũng vậy. Ông ra đi, mang theo sự tin yêu và lòng mến phục
của dân chúng miền Nam mà từ đây không có ông, họ sẽ cảm thấy mất mát
một cái gì …
Đối với người Mỹ, ông đã có những sỉ vả thật dữ dội và nặng nề:
-Tôi đã nói với họ (Hoa Kỳ) rằng: Các ông muốn rút chân ra khỏi cuộc chiến ở Việt Nam trong danh dự, mà các ông đòi hỏi chúng tôi những điều thật vô lý không thể làm được chút nào. Đánh giặc mà viện trợ quân sự cứ nay bị cắt mai bị xén mốt bị cúp mãi như thế, thì có khác nào chỉ cho tôi mỗi ngày có 3 đồng mà bảo tôi phải ăn tiêu như một ông hoàng hay một người khách du lịch sang trọng! Các ông muốn chúng tôi hôm nay với một “xu ăn mày” phải làm được những gì mà ngày hôm qua các ông không sao làm được với ngân khoản 6 tỷ đô la …! Tôi đã nói với họ rằng câu hỏi duy nhất hiện giờ là liệu Hoa Kỳ có quyết định giữ những gì mà Hoa Kỳ đã cam kết với Việt Nam Cộng Hòa hay không? Và liệu những lời nói và chữ ký của Tổng Thống Hoa Kỳ còn có chút giá trị gì nữa hay không!
-Tôi đã nói với họ (Hoa Kỳ) rằng: Các ông muốn rút chân ra khỏi cuộc chiến ở Việt Nam trong danh dự, mà các ông đòi hỏi chúng tôi những điều thật vô lý không thể làm được chút nào. Đánh giặc mà viện trợ quân sự cứ nay bị cắt mai bị xén mốt bị cúp mãi như thế, thì có khác nào chỉ cho tôi mỗi ngày có 3 đồng mà bảo tôi phải ăn tiêu như một ông hoàng hay một người khách du lịch sang trọng! Các ông muốn chúng tôi hôm nay với một “xu ăn mày” phải làm được những gì mà ngày hôm qua các ông không sao làm được với ngân khoản 6 tỷ đô la …! Tôi đã nói với họ rằng câu hỏi duy nhất hiện giờ là liệu Hoa Kỳ có quyết định giữ những gì mà Hoa Kỳ đã cam kết với Việt Nam Cộng Hòa hay không? Và liệu những lời nói và chữ ký của Tổng Thống Hoa Kỳ còn có chút giá trị gì nữa hay không!
Thế là quá rõ, Hoa Kỳ thật sự đã phản bội…..
Ngạo mạn và ngu xuẩn, lưỡng viện Hoa Kỳ
đã nói lên sự vui mừng của họ về sự từ chức của ông Thiệu, vì họ nghĩ
nhờ đó sẽ có khả năng “đạt được một nền hòa bình nào đó trong thương
lượng” với Cộng Sản, trong giới hạn một thời gian nào đó, “với đường lối
chánh trị mềm dẻo hơn, để làm giảm đi những chết chóc vô ích, và nhất
là để bảo vệ cho những người Mỹ hiện còn tại miền Nam Việt Nam”. Nước
Pháp cũng có một thái độ tương tự, vì hoàn toàn không nắm vững được tình
hình và cũng vì quyền lợi của chính nước Pháp. Đối với Hoa Kỳ, trên thế
giới nầy tất cả đều có thể bị mất hết, chỉ riêng có người công dân Mỹ,
được coi như thần thánh, là không thể mất được.
Ngũ Giác Đài không chấp nhận như vậy
Các cấp chỉ huy quân sự của Ngũ Giác Đài
cũng như các cấp quân nhân đã từng tham chiến bên cạnh Quân Lực Việt Nam
Cộng Hòa không đồng ý về những hành động của Hoa Kỳ, vì tình cảm gắn bó
với người chiến hữu Việt Nam cũng như gắn bó với quốc gia nầy, giống
như người Pháp chúng ta vậy. Họ có cố gắng thử giúp đỡ cho Việt Nam một
cái gì đó, nhưng người ta đã ngăn cấm họ. Họ chỉ còn có một cách là càu
nhàu, và sự hằn thù trong căm lặng nầy mãi mãi sẽ là một yếu tố của tình
trạng phân hóa tại Hoa Kỳ.
Bốn năm trước đó, dựa theo bản tuyên ngôn
Guam của Tổng Thống Nixon, Ngũ Giác Đài đã soạn thảo một quan niệm mới
cho chiến lược ở Á Châu. Bây giờ thì bắt buộc họ phải duyệt xét lại để
giảm bớt khả năng tiềm lực quân sự của Hoa Kỳ: đó là bỏ cả các căn cứ ở
lục địa Á Châu và các quốc gia đồng minh “nhược tiểu”, dùng Nhật Bản và
Úc Châu như những pháo đài phòng thủ cho lục địa Hoa Kỳ tại Thái Bình
Dương. Dầu sao, theo họ nói, đó là một quyết định cấp quốc gia mà họ là
những người chịu trách nhiệm, không thể cưỡng lại được: “quân nhân chúng
tôi trước quyết định như vậy không thể làm gì hơn là phải thi hành, dù
dư luận Mỹ có cho rằng Hoa Kỳ không nên sửa đổi chiến lược như vậy.”
Hoa Kỳ đã không làm đúng lời hứa của họ.
Họ đã phản bội những người mà chính họ đã đưa vào cuộc chiến, một cuộc
chiến mà họ chẳng những phải tốn quá nhiều đô la mà còn phải hy sinh gần
60 ngàn quân nhân các cấp (chưa tính thương binh) để chỉ đem về một
“con số không” to tướng. Nói như thế có gì quá đáng lắm không?
Tướng Westmoreland, cựu chỉ huy trưởng
lực lượng Mỹ tại Việt Nam thì phát biểu có phần nào nhẹ lời hơn cho Hoa
Kỳ, nhưng cũng đã quy trách nặng nề cho giới chánh trị về hành động làm
mất hết danh dự của Mỹ: “Miền Nam Việt Nam phải chăng không thể tránh
được một sự chiến bại? Vâng, đúng như vậy. Nhưng chúng ta phải xét lại
tình hình: Bắc Việt đã vi phạm hoàn toàn Hiệp Định Paris 1973, Hoa Kỳ
hoàn toàn bất lực trên phương diện chánh trị, và các quốc gia có nhiệm
vụ bảo đảm việc thi hành Hiệp Định thì hoàn toàn im lặng không nhúc
nhích.”
Người ta phải nhìn những cảnh cướp xe,
hôi của, dọn sạch nhà cửa, phòng ốc hay kho tàng của người Mỹ tại Sài
Gòn, thì mới thật sự thấy được mức độ thù ghét Hoa Kỳ của cả một dân
tộc. Người ta phải nhìn cảnh ông Martin, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam lúc
rời khỏi Việt Nam sau khi cho di tản xong xuôi người Mỹ cuối cùng, thì
mới thấy được cả một sự thẹn thùng nhục nhã của Hoa Kỳ trên nét mặt xanh
xao như người chết của ông. Và người ta cũng phải nhìn thấy cảnh một
người Việt Nam kéo lê bằng hai ngón tay lá cờ Mỹ to lớn của tòa Đại Sứ
Mỹ để dìm xuống rạch những “50 sao và 13 vạch” mà người Mỹ thường hãnh
diện.
Tổng Thống Hoa Kỳ, Ông Ford, đã từng nói: “Chúng tôi không thể bỏ được những người bạn của chúng tôi.”
Nhưng nói là nói như vậy, mà họ lại không làm đúng như vậy!
Tác giả: Vanuxem, cựu Trung Tướng Quân Lực Pháp
Phỏng dịch: Cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa
Phỏng dịch: Cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa
Nguồn: http://vantuyen.net/2014/07/11/hoa-ky-quyet-dinh-de-cho-mien-bac-xam-lang-mien-nam-vanuxem/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét