Tướng Phùng Quang Thanh
Phạm Đình Trọng (Danlambao)
- Trong những ông tướng đương quyền, Phùng Quang Thanh là ông tướng dày
dạn trận mạc nhất. Đầu năm 1971, khi chiến dịch Đường 9 – Nam Lào nổ
ra, tôi là thượng sĩ đang học tại trường sĩ quan Thông tin, đang đi diễn
tập trong rừng Yên Thế, Hà Bắc, bây giờ là Bắc Giang thực hành bảo đảm
thông tin chỉ huy cho bốn hình thức chiến thuật bộ binh thì Phùng Quang
Thanh cũng là thượng sĩ, trung đội trưởng thuộc đại đội 9, tiểu đoàn 9,
trung đoàn 64, sư đoàn 320 tham chiến ở Đường 9 – Nam Lào.
Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào kết thúc khi cuộc dã ngoại diễn tập của
chúng tôi vẫn chưa kết thúc. Nhưng cuối khóa học, trận đánh trên đồi
Không Tên, trận đánh chiếm điểm cao 543 bắt sống đại tá Nguyễn Văn Thọ,
lữ đoàn trưởng lữ đoàn 3 nhảy dù quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong chiến
dịch Đường 9 – Nam Lào đã trở thành bài học chiến lệ bổ xung cho khóa
học của chúng tôi vì một giáo viên chiến thuật của trường Sĩ quan Thông
tin tham gia chiến dịch trở về đã viết ngay thành giáo án giảng dạy.
Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào là chiến dịch chống phá cuộc hành quân Lam
Sơn 719 của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Thời Norodom Sihanouk cầm quyền ở
Campuchia, cảng Sihanoukville và hệ thống đường bộ nối Sihanoukville,
Campuchia với Tây Ninh, Việt Nam đã bảo đảm tới hơn 70 phần trăm hàng
tiếp tế của Bắc Việt Nam cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt
Nam. Sau cuộc đảo chính của Lon Nol thân Mỹ lật đổ Norodom Sihanouk,
18.3.1970, chính quyền Lon Nol cấm cửa Bắc Việt Nam vào cảng
Sihanoukville. Tiếp đến, từ tháng tám, năm 1970, quân Lon Nol phối hợp
với quân Việt Nam Cộng Hòa mở liên tiếp hai cuộc hành quân lớn Chenla 1
và Chenla 2 đánh vào các kho hậu cần của Mặt trận Dân tộc Giải phóng
miền Nam Việt Nam ở vùng rừng Đông Bắc Campuchia. Cuộc hành quân Lam Sơn
719 là bước tiếp theo Chenla 1, Chenla 2, cắt con đường hậu cần từ phía
Bắc, hoàn toàn cô lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng.
Cuộc hành quân Lam Sơn 719 còn có ý nghĩa rất quan trọng với quân đội
Việt Nam Cộng Hòa. Vì đây là cuộc hành quân lớn đầu tiên của quân đội
Việt Nam Cộng Hòa trong chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ. Lần
đầu ra quân lớn, quân đội Việt Nam Cộng Hòa tác chiến độc lập, không có
bộ binh Mỹ trong đội hình hành quân, chỉ có hỏa lực phi pháo Mỹ yểm trợ.
Đây cũng là trận đánh lớn đầu tiên chỉ có người Việt bắn giết người
Việt. Và Phùng Quang Thanh là người hùng trong cuộc bắn giết đẫm máu đó.
Ngày 9. 2. 1971 tiểu đoàn 3 cùng sở chỉ huy lữ đoàn dù số 3 quân miền
Nam do đại tá Nguyễn Văn Thọ chỉ huy nhảy dù xuống chiếm điểm cao 543,
phía Bắc đường 9.
Ngay tối hôm đó, tiểu đoàn 9 trung đoàn 64 quân miền Bắc chiếm đồi Không
Tên nhìn sang điểm cao 543 ở phía Nam với khoảng cách chưa đến 3 km.
Hai ngày sau, từ sáng sớm máy bay phản lực Mỹ đã đến rải bom phá băm nát
đồi Không Tên, rải bom cháy napan phủ kín đồi Không Tên trong ngọn lửa
rừng rực. Rồi máy bay lên thẳng đến quần đảo bắn rốc két và đạn 20 mm
vào những mỏm đất, những lùm cây mà bom phá chưa phạt và bom napan chưa
đốt cháy.
Dứt tiếng nổ, trung đội trưởng Phùng Quang Thanh vừa chui ra khỏi hầm đã
thấy máy bay lên thẳng rợp trời và những cánh dù đang chênh chếch rơi
như muốn chụp xuống đầu. Vừa lệnh cho trung đội vào vị trí chiến đấu thì
Thanh cũng nhận được lệnh của đại đội trưởng cho xuất kích đánh bật
quân nhảy dù ra khỏi những nơi họ đã đổ quân. Thấy mỏm đồi sát sở chỉ
huy tiểu đoàn 9 đã bị quân nhảy dù chiếm và những chiếc mũ sắt đang lò
dò tiến về sở chỉ huy tiểu đoàn, Thanh liền lệnh cho trung đội xuất
kích. Vừa chạy vừa xả đạn vào những thân hình đội mũ sắt Thanh bỗng thấy
máu ướt đẫm tay áo bên trái. Nhưng những chiếc mũ sắt liên tiếp đổ gục
trước mũi súng của Thanh làm cho Thanh không quan tâm đến vết thương,
không thấy đau đớn, vẫn băng băng dẫn đầu trung đội và họng súng AK của
anh vẫn quất những đường đạn thẳng căng vào những chiếc mũ sắt lom khom
nhấp nhô phía trước.
Làm chủ được mỏm đồi, Thanh mới thấy đau ở tay trái và khát khô cổ.
Nhưng mở bi đông ra chưa kịp tợp ngụm nước thì những làn đạn lại quất
tới tấp vào trung đội và những chiếc mũ sắt nhấp nhô lại tràn đến đánh
bật trung đội của Thanh khỏi mỏm đồi. Cho đến khi tiểu đoàn 9 hoàn toàn
làm chủ đồi Không Tên, trung đội của Thanh phải hai lần giành đi giật
lại mỏm đồi, hi sinh mất gần nửa trung đội. Chín tù binh bị bắt cho biết
lực lượng nhảy dù xuống đồi Không Tên là tiểu đoàn 3 cùng một trung đội
công binh thuộc lữ đoàn dù số 3.
Từ đồi Không Tên, trung đoàn 64 đào hào vây lấn đánh lên điểm cao 543.
Ngoài sở chỉ huy lữ đoàn dù số 3, trên điểm cao 543 còn có tiểu đoàn 6
nhảy dù, trận địa pháo 105 mm, đơn vị công binh, thông tin đều là lực
lương tinh nhuệ, trang bị hiện đại nhất của quân miền Nam. Quân tinh
nhuệ cùng với hầm hào kiên cố, ba lớp rào thép gai bịt bùng và hỏa lực
phi pháo Mỹ yển trợ dày đặc tạo ra sức mạnh không dễ khuất phục của 543.
Cuộc chiến người Việt xả súng vào người Việt trên điểm cao 543 diễn ra
vô cùng ác liệt. Hai bên giành đi giật lại từng gò đất, từng đoạn hào.
Đất điểm cao 543 đẫm máu của cả quân miền Bắc và quân miền Nam và đều là
máu người Việt. Cho đến khi có một đại đội xe tăng với bốn chiếc T54
phối thuộc với trung đoàn 64 miền Bắc, thế giằng co mới chấm dứt. Vừa
tiến vừa bắn trả máy bay Mỹ, xe tăng nghiến nát hàng rào thép gai đưa
lính trung đoàn 64 đến trước những căn hầm trên đỉnh 543 để quân miền
Bắc bắn đạn khói vào trong hầm, xua quân miền Nam đưa hai tay lên trên
đầu chui ra khỏi hầm. Đại tá lữ đoàn trưởng lữ đoàn 3 nhảy dù Nguyễn Văn
Thọ là người cuối cùng đưa những ngón tay múp míp lên trên đầu.
Sau trận đánh trên đồi Không Tên, Phùng Quang Thanh liền được nhận cấp
bậc, chức vụ mới: thiếu úy đại đội trưởng và được nhận danh hiệu Anh
hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Những nhà trường, học viện quân sự
trong nước, ngoài nước mở rộng cánh cửa đón Phùng Quang Thanh. Trường Sỹ
quan Lục quân. Học viện Quân sự Việt Nam. Học viện Quân sự Voroshilov,
Liên Xô. Học viện Quân sự cao cấp Việt Nam.
Một con người của binh nghiệp. Binh nghiệp là xả thân giữ nước. Trong
thế nước hiện nay, nếu đất nước là của mọi người dân, đất nước chỉ có
một chính quyền của dân, của nước, tất sẽ có những hội nghị Diên Hồng,
diễn đàn Diên Hồng để nhắc lại câu hỏi của bảy thế kỉ trước còn âm vang
trong lịch sử Việt Nam: “Nên hòa hay nên đánh?” và con người binh nghiệp
vì dân vì nước đó phải bật lên tiếng nói mạnh mẽ, dứt khoát từ trong
tim: Đánh!
Nhưng đất nước là của đảng Cộng sản. Chính quyền cũng của đảng Cộng sản.
Con người binh nghiệp kia lại là đảng viên cộng sản, thành viên ban
lãnh đạo cao nhất của đảng vì vậy cũng chính là phần hữu cơ tạo nên
đảng. Mà lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1990 đã sang tận Thành
Đô, cửa sau nhà kẻ xâm lược xin qui phục họ và kí kết đủ các văn bản để
duy trì sự tồn tại của đảng cộng sản, duy trì chủ nghĩa xã hội ở Việt
Nam. Với cuộc gặp xin qui phục ở cửa sau Thành Đô, với những cam kết đó
nên từ khi kẻ xâm lược kéo giàn khoan vào biển Việt Nam, đến Tổng bí thư
của đảng cầm quyền còn không nói được một lời lên án, chỉ mặt kẻ xâm
lược thì ông ủy viên Bộ Chính trị dù là con người nhà binh cũng phải nói
những lời ve vãn, hòa hoãn với giặc cướp đã xông vào tận nhà cũng là
điều tất yếu cộng sản!
Say mê bắn giết người Việt, là người hùng trong cuộc bắn giết đẫm máu
đó. Nhưng với kẻ xâm lược từ bên ngoài đến cướp đất, cướp biển thiêng
liêng của cha ông, cướp nơi làm ăn sinh sống từ ngàn đời của người dân
Việt Nam, với kẻ chống phá quyết liệt, độc ác đất nước Việt Nam trên mọi
lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội thì người hùng trong nội
chiến lại mềm lòng và lầm lẫn đến mức coi kẻ xâm lược là bạn: “Quan hệ
giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt
đang phát triển tốt đẹp”! Vì chỉ biết có đảng phái, chỉ biết có ý thức
hệ, không biết đến dân tộc, không biết đến giống nòi, không biết đến “Như nước Đại Việt ta từ trước / Vốn xưng nền Văn hiến đã lâu” (Nguyễn Trãi. Bình Ngô đại cáo) mới ra nông nỗi này. Ôi người hùng của đảng!
Nguồn: http://danlambaovn.blogspot.com/2014/06/tuong-phung-quang-thanh.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét