Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Hoàng Nhất Phương - Điểm sách "Sau Bức Màn Đỏ" của Hoàng Dung


Hoàng Nhất Phương - Điểm sách "Sau Bức Màn Đỏ" của Hoàng Dung

Hoàng Nhất Phương
 
 

Tháng Tư năm 1975, khi những người cộng sản tiến vào Sài Gòn "giải phóng Miền Nam," kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 21 năm giữa hai miền Nam-Bắc. Gần bốn mươi năm sau, nhiều tài liệu mật được công bố, và nhiều quyển sách viết về cuộc chiến tại Việt Nam, trong đó có "Sau Bức Màn Đỏ: Hậu Trường Chính Trị Việt Nam Sau Năm 1975" của tác giả Hoàng Dung, cho thấy điều gọi là "công cuộc giải phóng Miền Nam" do những người Cộng Sản Việt Nam tiến hành, thật sự không phải vì Việt Nam, mà vì Liên Xô muốn đưa Chủ Nghĩa Cộng Sản vào Việt Nam, muốn biến Việt Nam thành tiền đồn của phe Xã Hội Chủ Nghĩa ở Đông Nam Á. Viết về cuộc chiến "giải phóng Miền Nam" do Miền Bắc khởi xướng, nhà sử học Douglas Pike nhận xét:
"Trong lúc phát triển khái niệm đấu tranh, Việt Nam đã cách mạng hóa nghệ thuật chiến tranh, đặt nó vào một "khuôn khổ khái niệm" hoàn toàn mới. Trong khuôn khổ này, chiến tranh tâm lý cũng ngang hàng với chiến tranh vũ trang. Giờ đây toàn dân là chiến trường, và truyền thông - nghệ thuật tuyên truyền bằng hình ảnh - chính là vũ khí." [ "Pike's thesis is that in developing the concept of dau tranh the Vietnamese have revolutionized the art of war, giving it an entirely new "conceptual framework." In this framework, psychological warfare has parity with armed warfare. The entire people are now the battlefield, and communication--the art of projecting an image--is the weapon."][1]
"Sau Bức Màn Đỏ: Hậu Trường Chính Trị Việt Nam Sau Năm 1975" dày 456 trang của Hoàng Dung, là quyển sách thứ 33 do Tủ Sách Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2007. Tác giả tên thật là Hoàng Xuân Trường - một bác sĩ y khoa cư ngụ tại Washington D.C. Ông sinh trưởng tại Miền Bắc Việt Nam, theo gia đình di cư vào Miền Nam sau Hiệp Định Geneva năm 1954, học Trung Học Chu Văn An, Đại Học Y Khoa Sài Gòn và trở thành bác sĩ quân y. Ông từng có mặt tại chiến trường bên cạnh các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trong những năm khốc liệt nhất của chiến tranh kéo dài đến năm 1975. Ông bị đi học tập cải tạo tại nhiều trại tù cộng sản trước khi được thả, và đã vượt biển để tìm tự do. Có thể nói tác giả Hoàng Dung đã từng trải đầy đủ những đoạn đường đau khổ của một người Việt Nam, đã "khóc cười theo vận nước nổi trôi" [2] của giòng lịch sử giống như những người ở trong lứa tuổi của ông.
Nội dung của "Sau Bức Màn Đỏ" nói về những dữ kiện và những biến chuyển trong Đảng Cộng Sản Việt Nam, kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đằng sau những điều mọi người từng biết về chế độ cộng sản là gì? Đây chính là cốt lõi vấn đề của "Sau Bức Màn Đỏ." Tác giả trình bày đại cương về Tổ Chức của Chính Quyền Cộng Sản Việt Nam, và cho thấy:
"Tổ chức hành chánh của những quốc gia Cộng Sản có một số khác biệt, theo đó, đảng Cộng Sản là đảng độc tôn và duy nhất, nắm thực quyền lãnh đạo tất cả các cơ quan, các ngành, kể cả quân đội của quốc gia. Tất cả những nhân vật lãnh đạo chính quyền đều phải là đảng viên. Trong những cơ quan cấp thấp hơn, dù đôi khi vì khả năng mà không ở địa vị lãnh đạo, đảng viên vẫn là những người có quyền lực và dễ được thăng tiến nhất. Song song với những ban lãnh đạo đơn vị hành chánh hay quân đội từ cấp lớn đến cấp nhỏ, có những đơn vị đảng ủy cơ quan, chẳng hạn quận ủy, tỉnh ủy, chính ủy trung đoàn, sư đoàn..."[3]
Những diễn biến quan trọng nhất của đảng là các kỳ đại hội, được ghi lại trong "Sau Bức Màn Đỏ" từ Chương 1 đến Chương 7 - nói về những gì xảy ra sau bảy đại hội đảng, từ đại hội đảng lần thứ tư năm 1976, đến đại hội đảng lần thứ mười năm 2006. Phần mục lục bao gồm những bài viết về mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và hai nước láng giềng Campuchia ở phía Tây Nam và Trung Quốc ở phía Bắc, với hai cuộc chiến biên giới năm 1979. Từng sự kiện nối tiếp nhau đan kết thành bức tranh toàn cảnh của hậu trường chính trị, là nguyên nhân sâu xa và trực tiếp đối với những thay đổi trong nền chính trị Việt Nam, đối với những bước thăng trầm và sóng gió từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.
"Bộ Chính Trị của đảng là cơ quan có quyền lực nhất nước. Chính Bộ Chính Trị thành lập chính phủ, đề cử Chủ Tịch Nhà N,ước để cho Quốc Hội chấp thuận. Bộ Chính Trị cũng đề ra chính sách để chính phủ thi hành. Nhiều khi, ủy viên Bộ Chính Trị còn phổ biến thông tư hay chỉ thị cho từng đơn vị, từng cơ quan để thi hành qua hệ thống đảng ủy mà không cần qua hệ thống hành chánh. Sự quan trọng của mỗi ủy viên Bộ Chính Trị sẽ tùy theo thứ tự cao thấp trong danh sách, cao nhất là Tổng Bí Thư. Tuy nhiên, do tệ nạn bè phái, đôi khi có những ủy viên Bộ Chính Trị dù ở thứ tự cao cũng không có thực quyền, chẳng hạn trong thời gian Lê Duẩn làm Tổng Bí Thư, Lê Đức Thọ (thứ 6) là người có quyền hành nhiều hơn Trường Chinh (thứ 2) hay Phạm Văn Đồng (thứ 3)..."[3]
Chính vì Bộ Chính Trị của đảng là cơ quan có quyền lực nhất nước, dưới chế độ đảng trị quyền lợi đi đôi với chức vụ, cho nên những tranh chấp nội bộ của các lãnh tụ Cộng Sản luôn diễn ra. Bề ngoài đảng là một khối đoàn kết nhất trí, nhưng bên trong ngấm ngầm chia bè kết phái rất khốc liệt. Tác giả Hoàng Dung viết:
"Trong đảng Cộng Sản Việt Nam, sự tranh giành quyền lực trong bóng tối tuy không dã man như thời Staline, tàn bạo như thời Mao Trạch Đông, nhưng những thủ đoạn được dùng cũng rất tinh vi. Trong những năm gần đây, sự tranh giành quyền hành được coi như xảy ra giữa hai phe nhóm (hay bè phái) trong đảng, tạm gọi là bảo thủ và tiến bộ (đúng hơn là thực dụng ). Hai từ ngữ bảo thủ và tiến bộ này đúng ra chỉ áp dụng được về phương diện kinh tế. Ông Đặng Văn Việt, anh hùng quân đội Cộng Sản trong chiến tranh Đông Dương I, năm 2006 đã phân biệt hai xu hướng chính trị ở Việt Nam đúng nghĩa hơn như sau: "bảo thủ là những người có chức, có quyền, có thể bắt bớ và gán tội người khác, còn tiến bộ là những người không chức không quyền, chỉ có ngòi bút và cái mồm."[3]
Đảng Cộng Sản Việt Nam luôn hãnh tiến và cả tin vào thế chủ động tiến công của ba giòng thác cách mạng - một khái niệm chính trị do Tổng Bí Tư Lê Duẩn đề ra đầu thập niên 1980. Ba giòng thác cách mạng này là cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng văn hóa tư tưởng, và cách mạng khoa học kỹ thuật. Trong hàng thập kỷ qua dưới ba giòng thác cách mạng của chế độ đảng trị, xã hội Việt Nam đã phát triển đầy hy vọng, hay đã thụt lùi một cách tuyệt vọng như thế nào, đều được phân tích trong "Sau Bức Màn Đỏ." Tác giả Hoàng Dung hy vọng quyển sách giúp người Việt có cái nhìn tổng quát và thứ tự, đối với những điều thuộc về lịch sử.
Hoàng Nhất Phương


Tâm Như gửi hôm Chủ Nhật, 15/06/2014
Bạn đánh giá bài viết này thế nào?

Nguồn: http://www.danluan.org/tin-tuc/20140615/hoang-nhat-phuong-diem-sach-sau-buc-man-do-cua-hoang-dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét