Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

TQ muốn biến VN thành trung tâm sản xuất hàng giả


Trung Quốc muốn biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất hàng giả


Chủ Nhật, ngày 27 tháng 4 năm 2014

Đó là cảnh báo của nhiều chuyên gia và doanh nhân tại buổi hội thảo có tên “Doanh nghiệp đồng hành cùng quản lý thị trường trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”.



Hàng hóa trong một siêu thị. Nếu không hành động ngay và dứt khoát, Việt Nam sẽ bị các doanh nghiệp Trung Quốc biến thành trung tâm sản xuất hàng giả trên thế giới. (Hình: TBKTSG)

Những chuyên gia và doanh nhân này nhận định, đang có một làn sóng chuyển các cơ sở sản xuất hàng giả từ Trung Quốc sang Việt Nam vừa vì giá nhân công tại Việt Nam rẻ hơn, vừa vì khi xuất cảng sang các quốc gia khác, hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam không bị chiếu cố kỹ như hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc.

Điều này tạo ra một nguy cơ mới, đó là nếu không có các biện pháp hữu hiệu và quyết liệt, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất hàng giả của thế giới, thế chỗ cho Trung Quốc.

Tại hội thảo, ông Đỗ Thanh Lam, Cục phó Cục Quản lý thị trường của Bộ Công Thương Việt Nam, than rằng, việc sản xuất, mua bán hàng giả tại Việt Nam càng ngày càng tinh vi. Ngoài chuyện được sản xuất tại Việt Nam, hàng giả còn được nhập cảng dưới dạng nguyên chiếc hoặc dưới dạng linh kiện, nên rất khó phát giác.

Viên Cục phó Cục Quản lý thị trường tiết lộ, có những công ty Trung Quốc xuất cảng tới 90% hàng giả sang Việt Nam mà sự tinh vi đạt tới mức, chỉ có những công ty là nạn nhân trực tiếp của chuyện bị làm giả, phải dùng những thủ thuật riêng mới phân biệt được.

Cục Quản lý thị trường của Bộ Công Thương Việt Nam công bố một thống kê để phác họa mức độ nghiêm trọng của vấn nạn hàng giả đến từ Trung Quốc. Theo đó, năm 2010, cơ quan này chỉ phát giác, xử lý khoảng 10,500 vụ hàng giả, giá trị hàng giả khoảng 3.8 tỉ đồng, thu về số số tiền phạt là 44.4 tỉ đồng thì ba năm sau (2013), số vụ hàng giả bị phát giác, xử lý lên tới 14,000, giá trị hàng giả khoảng 32.1 tỉ đồng, thu về số số tiền phạt là 62 tỉ đồng.

Một viên chức tên là Nguyễn Thanh Hồng, đang đảm nhiệm vai trò Trưởng phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại của Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ Việt Nam, góp rằng, bởi tiếp giáp với một siêu cường quốc về hàng giả nên sẽ rất khó tránh hàng giả thẩm lậu vào Việt Nam.

Ông Phan Minh Nhựt, Giám đốc Bảo vệ nhãn hiệu của Công ty Nike, nhấn mạnh, trước khuynh hướng các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng giả của Trung Quốc đang đầu tư để chuyển việc sản xuất hàng giả của họ sang Việt Nam, nếu không hành động ngay và dứt khoát, Việt Nam sẽ thế chỗ Trung Quốc, trở thảnh trung tâm sản xuất hàng giả của thế giới, hàng hóa xuất cảng từ Việt Nam sẽ bị các quốc gia săm soi, khám xét rất kỹ, y như họ đang làm với hàng hóa xuất cảng từ Trung Quốc.

Trưởng phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại của Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ Việt Nam, cho biết, theo một thống kê gần đây của Hải quan Hoa Kỳ, 70 % hàng giả bị Hải quan Hoa Kỳ thu giữ có xuất xứ từ Trung Quốc và số hàng giả có xuất xứ từ Việt Nam đã tăng lên, hiện chiếm 1% .

Trung tuần tháng trước, sau khi nhà cầm quyền tỉnh Nam Định cho phép một tập đoàn của Trung Quốc xây dựng một nhà máy trị giá 1,400 tỉ đồng, các chuyên gia kinh tế Việt Nam đã từng công khai bày tỏ sự lo ngại trước những dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Ngoài việc tăng số lượng các dư án đầu tư, các doanh nghiệp Trung Quốc còn rót tiền mua lại cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang khó khăn về tài chính. Lúc đó, các chuyên gia kinh tế chỉ cảnh báo về viễn cảnh, các công ty Trung Quốc sẽ nhan nhản ở Việt Nam và sẽ đến lúc họ có thể thao túng thị trường, tác động đến chính sách.

Nay đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tạo ra một nỗi lo mới. Nỗi lo Việt Nam được Trung Quốc biến thành trung tâm sản xuất hàng giả, thế chỗ của mình.

(Người Việt) 
 
 Nguồn:  http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=28463

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét