Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

LÁ THƯ TÌNH CỦA NGƯỜI LÍNH VNCH VIẾT TỪ CHIẾN TRƯỜNG Trước Tháng 5-1975





Bài Viết
LÁ THƯ TÌNH CỦA NGƯỜI LÍNH VNCH VIẾT TỪ CHIẾN TRƯỜNG Trước Tháng 5-1975
Bởi Mường Giang
Cuộc chiến VN kéo dài gần ba mươi năm (1945-1975) nay xem như đã kết thúc nhưng đâu đó dường như vẫn còn những tiếng rên nghẹn ấm ức của những người lính già miền Nam thua trận đã may mắn được sống sót sau một cuộc đổi đời. Tất cả như một màn kịch có nhân vật, thời gian và địa điểm, được đạo diễn cho mở màn và kết thúc sân khấu một cách tài tình. Có điều màn kịch được các diễn viên hay nói đúng hơn đó là những người lính trận mà hầu hết đang ở cái tuổi ‘xuân thì đầy mộng mơ hoa bướm‘ ghi lại qua những Tình Khúc được viết từ mặt trận đang còn nghi ngút khói, bên xác của bạn lẫn thù, đã làm cho những người xem sửng sốt tới rơi lệ vì không mấy ai tin là sự thật.

‘băng đạn cuối chìm rơi khi qua sông
người lính mệt nhoài nằm ngủ
đầu dựa góc đa
hàng bình vôi trắng răng cười cợt
thép súng khô dầu bụi nước hoen
có phải hòa bình vừa nở một bông hoa
nở giữa tình yêu và tiếng hát .. ’ ’ ’
(Thơ Tình Của Người Lính - Thi Vũ tháng 1/1973)

Họ là lính nên ai cũng viết rất chân thật về tâm trạng của mình qua sự lo âu, thương xót, phẩn nộ, bi ai và chán đời trong lúc đang đối mặt với tử thần từng phút từng giây vì tình hình bất ổn tại hậu phương và cảnh chiến tranh loạn lạc hầu như khắp bốn vùng chiến thuật mà người lính trận nào cũng phải đăt chân tới. Tất cả đã trở thành những sự kiện có tính chất lịch sử qua những tiếng khóc thực dù không dám khóc to trước mặt bạn bè đồng đội. Mà dù có khóc to thì cũng chẳng để làm gì vì ai biểu chúng ta sinh ra làm trai hùng nước Việt?

‘em mắt nghìn thu xanh cỏ biếc
ta lên rừng thắm ngủ chiêm bao
vòng tay thần thánh xa biền biệt
ta gặp nhau mà vẫn nhớ nhau
*em nhớ ta hay ta nhớ em ?
từng đêm lặn lội giữa bưng biền
ta qua Hậu Nghĩa ngày mưa xám
róc vỏ thân chàm ta viết tên
năm tuổi chiến trường xuôi vạn lý
núi sông biết mặt đứa phong trần
yêu em ta bổng thành thi sĩ
thơ lính hào hoa vỗ súng ngâm...’
(Chiêm Bao - Tôn Nữ Kim Phượng)

Đó là cái đỉnh cao của thơ văn do lính viết qua suốt cuộc chiến từ 1960-1975. Cho dù nay phần lớn những tác giả đã không còn nhưng kỷ niệm ngày xưa vẫn cứ ngổn ngang trong tâm trí mọi người, một phần bởi tiếng thơ đầy nước mắt tuy rất cởi mở và ấm áp tình người. Đó cũng là lý do xuân tết xưa nay luôn được thi nhân ưu ái trong thi ca nhưng với lính thì ngày nào cũng như mọi ngày, vất vã cơ cực tới cái mức không còn ai khổ hơn. Cho nên với họ lấy gì vui để mà xuân hay Tết như người lính Vũ Hoàng qua bài thơ ‘Mưa Xuân Ngoài Biên Khu‘ viết tặng Lâm Hảo Dũng :

‘hãy uống cạn cho lòng vơi nổi nhớ
rượu chất đầy: Nón sắt bình đông
người lấy rượu đốt men xuân càng nồng
ta say khướt để quên đời dưới đó
*
dẫu là xuân hay hạ đông gì cũng thế
bởi quanh năm ta với rượu : đôi bạn già
(tiển thằng bạn vừa mất ta nốc đầy cốc rượu
mừng kẻ nhập đàn ta lại cụng ly ).. ’ ’ ’
*
‘bó gối trong căn hầm tránh đạn
chia nhau một cốc cà phê đen
hít dăm ba điếu quân tiếp vụ
ấy tết cô đơn của lính quèn
*
rừng vẫn viễn miên buồn ủ rũ
gục đầu tắm đạn pháo thương đau
chim rừng cũng bỏ đàn về núi
để mặc chinh nhân vạn cổ sầu .. ’ ’ ’
(Xuân Chiến Địa - Phong Nhân Hoài)

Thân phận và hiện hữu là hai mộng ước mà người lính trận nào cũng canh cánh bên lòng. Vì vậy nó đã chắp cánh thành thơ đậu trên đầu súng, đầy ắp trong chiếc ba lô và chan chứa khắp mặt đất. Nhờ vậy mà người lính mới phần nào phôi pha cái ranh giới tử sinh trước mắt. Nổi nhớ của người lính khác hẳn với những tình cảm thừa mứa nơi chốn hậu phương vì ở đây con người có nhiều thời gian để mà yêu hờn ghét giận như Thanh Tâm Tuyền đã viết ‘ ôm em trong tay mà nhớ em những ngày sắp tới ‘ hay cùng lắm thì ‘ vắt mẫu thuốc cuối cùng xuống dòng sông mà lòng phơi trên kè đá ‘.Ngược lại người lính Trần Văn Sơn thì tự mình kể chuyện trong một đêm kích ở Dốc Đồn Đền làm cho những người một thời trong cuộc, đọc tới thấy thật là gần gũi thân thương và hối tiếc vì nó đã không còn :

‘Đêm nằm nghe vượn hú
ba lô, súng gối đầu
mắt mở trừng không ngủ
rừng tiếp rừng âm u
*
gió lòn qua kẽ lá
cuốn tròn trong ba lô
rét rừng cơn mệt lã
đồi tiếp đồi bao la
hay :
‘ dẫu nước mắt mọi người có vỗ về hy vọng
ta vẫn cười khan nhìn bạn bè say
có phải không em dù mây vẫn cứ bay
và mai mốt ta có nằm yên trong lòng đất
em hãy giữ trong lòng những điều thành thật
ta đã cho em và chưa vội mang theo
giữa đời ta không phân biệt bạn thù
chuyện sinh tử là chuyện từng giây phút ‘
(Khi Xa Bình Tuy)

Phần lớn những bài thơ của lính là loại thơ ‘Tự Sự‘ được viết như những ‘tình khúc chiến trường‘ vì tự nó có đủ tầm vóc của môn thi ca chứa đựng các phần ngôn ngữ, nhạc điệu, cảm xúc và sự gợi cãm. Sự đồng điệu ngẫu hứng giữa thơ lính và những nhạc khúc được Nhật Trường Trần Thiện Thanh, Dũng Chinh Nguyễn Văn Chính.. sáng tạo trước tháng 4-1975, phải chăng đó là tâm cảnh của đời lính, nên ai cũng đều có sự suy nghĩ giống nhau cho dù xa cách muôn trùng. Nhưng yếu tố tạo nên sự đồng cảm đó , trước hết cũng là do tình yêu quê hương của mọi người. Có yêu nước thương dân mọi người mới hy sinh đời mình để chấp nhận tử sinh thua thiệt. Chân thành trong câu chuyện kể đã làm rung cảm một cách sâu sắc tới người đọc, nhất là những em gái hậu phương, vì yêu lính bằng lời, nên đã cất giữ những hình bóng cũ, nhờ vậy mà nó đã trở thành bất tử tới ngày nay, cho dù anh có hiên ngang hay đã trở thành tàn phế:

‘Rừng thưa dạt gió Hạ Lào
đêm nằm phục kích nhìn sao, nhớ nhà
tháng tư thương nụ hoa cà
hồn quê gởi ngọn mây xa cuối trời
(viết ở căn cứ Tiên Sa)

Phất phơ áo lụa trên cầu
nắng nghiêng cổ tháp ngã màu thời gian
gió xao sóng nước mênh mang
thương em, nhớ mẹ ngập tràn nhánh sông
(chiều qua sông)

Ba mươi tuổi bóng tôi về hối hả

đàn em nhìn như người lạ quây quanh
chân khập khểnh đứng trên bờ đất lở
tuổi ngày xuân theo lá rụng tan tành.. ’ ’ ’
(Tình Cảnh Người Về - Trần Vạn Giả)

Bạch Cư Dị là một trong những nhà thơ cổ Trung Hoa được nổi tiếng khi ông viết ‘Tỳ Bà Hành‘ kể lại số phận hẩm hiu của người ca kỹ về chiều trên bến Tầm Dương. Trong xã hội miền Nam VN thời chinh chiến, số phận của người lính cũng thương đau chất chứa hằng hằng, cho dù là người đã chết hay bị thương tật tàn phế như Phế Binh Trần Quang Thiếu đã ghi lại trong bài thơ ‘Buổi Nhớ Núi‘:

‘mới hôm nào dừng chân ven núi
có bạn có bè có đứa còn vui
anh có anh, chúng ta đời lính
còn lúc này tay nắm môi cười
*
đêm nằm ngủ cay hơi khói đạn
chân co tìm dấu mất chân xưa
ta bỏ quên bên ngoài biên trận
tặng cho rừng ướt lá thêm mưa
*
Buổi đến rừng cây cao nhớ núi
gió nhớ đời ta nhớ anh em
giờ một chân, tật nguyền đau dại
mưa móc người, ơn núi nghĩa sông

Đời ai mà không có bạn nhưng đậm đà thắm thiết hơn vẫn là tình lính sống chết có nhau, chính cái thâm giao huynh đệ chi binh đó , đã làm bén lửa trong hồn những con người mà ai cũng tưởng là chai đá nhưng thật sự có ai sưót mướt trữ tình bằng họ ?

Chợt nhớ xuân nào trên chiến địa,
Tao mày hiu hắt đón xuân chơi
Một thằng lính bộ đời như bỏ
Một đứa nhảy dù cũng tả tơi..

Bốn câu thơ của người lính Phong Nhân Hoài viết cho bạn năm nào, đã làm cho người lính gia tha hương càng thêm trơ trọi, lạc lõng giữa tối ba mươi lạnh lẽo nơi chốn quê người.. Trong quán khách bên đường, ta một mình sóng đôi với ngọn đèn hiu hắt, qua đêm lại một năm buồn. Rượu chưa nhắp mà môi dã muốn cay sè, ngoài trời con chim kỹ niệm vẫn như thiết tha giục giã dù khói lửa đã ngưng trên chiến địa, bạn bè cũng không còn quan hà cạn chén ly bôi , sau những tiếng tỳ bà nhặt khoan nức nỡ. Tan tác, chia xa,giờ đây chúng ta đang lang thang như mây chiều, sau những năm tháng đã dốc ngược đời mình cho quê hương.

‘ Tội nghiệp đời trai chưa thỏa chí
sa trường dung ruổi đã phơi thây
đoàn quân hùng liệt nay về đất
hồn vẫn quanh co giẩm lối gầy
Chiều chiều đứng ngóng ngàn mây nổi
mà khóc quê hương khuất bến bờ
đêm hát vang lừng nơi chiến địa
mộng hoàng hôn khép giữa hư vô .. ’ ’ ’

Thời gian trôi đi tưởng có thể làm vơi phần nào nổi đau của thân phận nhưng ai có thể làm ngơ khi được đọc qua những lời thơ viết của Trần Dzạ Lữ, của Tô Thùy Yên, của Trần Đức Uyển.. những người lính được sống sót sau chiến trận, đã gởi vào gió đất những tiếng thầm thì, để cố níu lại thời gian để mình được sóng với đồng đội vừa gục ngã :

‘ giặc đánh lớn, mùa mưa đã tới
mùa mưa như một trận mưa liền
châu thổ mang mang trời sát nước
hồn chừng hiu hắt nổi không tên
tiếp tế khó, đôi lần phải lục
trên người bạn gục đạn mười viên
di tản khó, sâu giòi lúc nhúc
trong vết thương người bạn nín rên
người chết mấy ngày chưa lấy xác
thây sình, mặt nát lạch mương tanh .. ’ ’ ’
(Qua Sông)

‘bốn năm thằng lơ láo
áo quần rách tả tơi
ăn cơm bên xác người
tay bốc tay cầm súng

lòng nhớ mẹ phương tây
ý thương em chạy giặc
xóm làng sầu khôn khuây

ăn xong múc nước ruộng
uống đại cho qua ngày
quê nhà em có biết
chinh chiến thân lưu đày
*
ăn được là điều may
có khi hai ba ngày
không ăn chẳng có uống
ta nằm với cỏ cây.. ’ ’ ’
(Bữa Cơm Ngoài Chiến Trường - Trần Dzạ Lữ)

‘ Tự hỏi về đâu, đâu chả được ?
hãy tìm bên suối ngủ đêm nay
gối đầu lên đá nhìn trăng sáng
rừng núi sương mù ướt chẳng hay.. ’ ’ ’
(Buổi Chiều Ngồi Trên Đá - Trần Đức Uyển)

Cuộc chiến đã khuất dần trong quá khứ hơn một phần tư thế kỷ nhưng dư âm của nó vẫn còn phảng phất khắp nơi nơi, in đậm trên từng khuông mặt héo gầy của những chàng trai Việt một thời ngang dọc, đã bỏ lại chiến trường một phần cơ thể của mẹ ban cho. Nhưng xương máu của chúng ta tới nay cũng vẫn là những đóng góp cao quý trong công cuộc ngăn chống giặc thù bảo vệ quê hương Miền Nam suốt hai mươi năm chinh chiến.

‘Trên non năm bảy thằng tuổi trẻ
buổi chiều thu uống rượu không cười
ôi người tuổi trẻ sầu trong mắt
đêm trong rừng mộng gởi quê cxa
*
quê xa ta có em và mẹ
nhớ ao bèo xanh bông tím thiết tha
nhớ người con gái bên hàng xóm
chiều thả thuyền vớt mộng nở hoa.’
(Vũ Hữu Đinh viết cho Trần Dạ Lữ).

Trên đường mênh mang đi tìm đồng đội cũ khắp miền yêu thương trong ký ức, qua hàng ngàn bài thơ được viết từ chiến trường lửa đạn, nơi chòi canh đồn vắng, trong giao thông hào hay nơi quán lẽ bên đường những lúc người lính tạm dừng chân. Cao Thoại Châu một người lính trẻ, hồi tưởng lại thời gian theo học tại Trường Bộ Binh Thủ Đức với tâm trạng thương nhớ em nên chỉ muôn cho mau tới kỳ đi phép hay mãn khóa để chúng mình lại tương ngộ :

‘ thứ hai này nhớ em buồn vỡ mắt
ước làm chim bay qua cổng quân trường
qua cánh đồng có lúa mạ xanh non
những mái nhà đỏ tươi ngói mới
muốn bay lên từ tối tăm hiện tại
phải qua cổng nào em chọn cho anh ?
ký ức anh phai mờ như bụi đóng
áo ngả màu ba lô mũ sắt
và giấc ngủ vẫn rình trên mắt
và tương lai như một góc phòng
mà bóng đêm đã lấp dần ánh sáng
như tận cùng ước muốn đời ta ‘
(Cao Thoại Châu viết trong cánh cửa quân trường)

Đời lính gian lao cực khổ nên đâu sá gì chuyện đổi thay của trời đất. Nhưng thật tình mà nói mỗi khi tới mùa mưa làm nhớ không chịu được, dù là mưa bụi lất phất từng hạt nhẹ hay những cơn mưa đầm đìa nước mắt rơi lộp độp trên nón sắt hay những tấm poncho. Bởi vì mỗi mùa mưa là những mùa kỷ niệm buồn vui của tuổi học trò. Thời tao loạn, mấy đứa con trai tới tuổi lớn đã không còn được cắp sách đến trường, đã xa rồi một cuộc tình thương nhớ. Năm 1966, từ chiến trường Bùi Khiết đã viết gửi về em những niềm thương nhớ :

‘Vào đêm em ngủ chưa em ?
Trong mơ có gặp ưu phiền nhiều không ?
Đèn xanh thành phố xa trông
Hoang vu anh đứng mà lòng chiêm bao
Mưa rừng tiếng lá xôn xao
Tay ôm súng lạnh buồn sao là buồn .. ’ ’ ’
(Thơ Bui Khiết viết trong Đêm Mưa Hành Quân 1966)

Nhận được tin con đầy tháng, Vũ Trong Quang người lính Sư Đoàn 2 Bộ Binh rất vui nhưng rồi buồn vì đang hành quân đâu có phép để về thăm con vợ. Cùng một tâm trạng, Tô Nhược Châu cũng viết những lời thơ rất nồng nàn trìu mến gửi lại cho vợ con trước giờ hành quân :

‘ Hay tin con đầu vừa tròn một tháng
vui thì vui nhưng lòng cũng thật buồn
vui vì con hiện hữu trên đời sống
buồn bởi ta không được phép về thăm
*
Ta còn phải lội vượt sông trèo núi
đường vào Ba Gia trăm nẻo hiểm nguy
sáng pháo Sa Huỳnh lửa chiều Mộ Đức
đêm nằm Trà Bồng xôi đậu phân ly.. ’ ’ ’
(Đầy Tháng Con - 1973)

‘Hãy ngủ ngoan đừng kinh hoàng nghe con

dù đêm nay thật nhiều súng nổ
hãy ngủ yên đừng đợi chờ nghe em
dù đêm nay anh đi ra trận
dù đêm nay anh đi không về .. ’ ’ ’
(Lời Dặn Vợ Con Trước Giờ Hành Quân - Tô Nhược Châu)

Buồn quá đời lính thú đã kéo chúng ta ra khỏi cuộc gối chăn, tất cả những con đường ngắn dài của tuổi thơ đã trở thành những nẻo đường trong trí nhớ nên chỉ còn biết vui với rừng sâu mưa núi qua cuộc rượu những lúc dừng chân bên quốc lộ đêm nhớ ngày mong :

‘rượu pha xá xị đầy nón sắt
dăm thằng chuyền nhau uống vòng vòng
đuổi bắt nhau như ngày với tháng
như khoanh tròn tựa một số không ‘
(Linh Thú - 1973)

Đà Lạt mù sương với những đồi thông và muôn ngàn cỏ hoa nỏn nưởng khoe hương sắc, Ban Mê Thuộc, PleiKu, Kon Tum cát bụi mịt mù, những địa danh đến và đi của người lính biên trấn Quân Khu II một thời oanh liệt, những chiến sĩ Lôi Hổ, Biệt Động Quân, Nhảy Dù, Sư Đoàn 22 và 23 Bộ Binh một thời vẩy vùng ngang dọc, đã được người lính Vũ Hửu Định ghi lại qua nhiều tình khúc rất nồng nàn. Tiếc thay Anh đã qua đời quá sớm vào năm 1980 khi mới có 34 tuổi (1980-1946):

‘phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương
*
em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
nên mắt em ướt và tóc em ướt
da em mềm như mây chiều trông
*
xin cám ơn thành phố có em
xin cám ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc trên đường biên giới
còn một chut1 gì để nhớ để quên.. ’ ’ ’
(còn một chút gì để nhớ)
*
cũng có khi nào anh trở lại
phố xưa đường cũ mùa mưa bay
mưa như gió ướt nên lòng lạnh
gió thổi sầu sương đậu tóc bay
*
phố không đèn điện con đường lặng
những ánh đèn cây sáng chập chờn
anh gặp em ngồi đang rẽ tóc
mái tóc dài xanh những ngón tay
*
và anh yêu lấy sầu chẳng nói
mình anh ở lại quán mù mù
tưởng bao năm trước ta là bạn
chỉ nhìn nhau mà cảm được nhau.’
(Cũng Có Khi Nào)

Thật là cảm động biết bao những người lính sau cuộc chiến may mắn được sống sót, ngồi hồi tưởng lại những đêm say cùng bạn trong ‘ Quán Cô Hồn ‘ với bửa tiệc nơi quán xếp bằng xị rượu nồng, miếng khô nai cứng ngắc nhai trong miệng mà ta cứ tưởng như đang nhai cả cuộc đời lận đận đắng cay của kiếp lính, cho nên uống vào như ta uống cả niềm đau sầu cháy long đong. Buồn quá đổi lại càng buồn thêm khi chạnh nhìn cô quán trẻ vừa mới làm quả phụ khi cuộc tình chưa quá một mùa đông. Sau đó bạn ra đi và đã gảy cánh tại Kon Tum năm 1974, được Tiếp Sĩ Trường một phi công ở Phi Đoàn 218 ghi lại qua bài thơ ‘ Nữa Mảnh Phi Bào ‘ khóc bạn cố Trung Uý Nguyễn Văn Phú :
*
‘ .. cởi mảnh phi bào anh để lại
trao về quê mẹ một trời xuân
mai đây nếu có ai thương tiếc
xin đốt cho người một nén hương

ngày xưa anh đứng bên song cửa
nhìn áng mây trời ngó cánh bay
giờ đây mây trắng anh xây mộng
lại biến vành tan buổi xum vầy.. ’ ’
(Nửa Mãnh Phi Bào)

Lính là thế đó, buồn nhiều vui ít, với một chút nhun nhén tình cờ bắt gặp, trên các nẽo đường hành quân vô định, qua dăm ba ngày Tết dưỡng quân hay canh giặc chốn tiền đồn, lẽ loi ngoài quan tái. Ai đã từng là lính, mới cãm thông cho lính, sống thật cô đơn lếch thếch và chết cũng rất hiu hắt ngậm ngùi. Thời gian và không gian đời lính cũng chẳng qua chỉ là một cái mốc vô tình để biết ta hiện hửu. Nhưng thôi tiếc làm gì ai biểu ta sinh ra làm trai hùng đất Việt nên phải chấp nhận kiếp lính “ôm yên gối trống đã chồn, nằm vùng cát trắng ngủ cồn rêu xanh“ để rồi thui thủi “đêm từng đêm ngó mông lung, vỗ bờ kiếm thép hát rừng mà nghe“.N ổi buồn của lính đã được Yên Bằng viết trong một bức thư gửi về cho người vợ lính của Sư Đoàn 21 Bộ Binh, đọc sao mà thảm thiết quá :

‘ Nghe ta chết ở một nơi nào trong rừng U Minh
em rót rượu uống mừng nhau nhé
hởi người vợ lính Sư Đoàn 21 Bộ Binh
có nhìn thấy mặt trời mỗi khi lặn khuất
là cuộc tình ta đó
trên tháng ngày chờ ôm tấm mộ bia
nên mỗi sáng ngồi uống chum cà phê
ta bổng thấy tim hồng rớm máu
*
Em hãy nhận dùm ta tấm thẻ bài
ở đó có số quân cùng loại máu
vì máu ta đã chảy
trong khu rừng vàng úa cỏ vô tâm
chẳng biết rằng khi chết có vui không ?
nhưng chắc hẳn em buồn quá đổi
vì ở Đầm Dơi có nhiều chuyện lạ
người chôn người như thể thù nhau..
là nổi đau thương của người vợ lính ..
*
quyển sổ dầy mở rộng
tôi ghi gì nữa đây ?
từng đốt tay tê cóng
máu trong tim đã đầy.. ’ ’ ’

Với lính thì tết nào cũng tết tha hương, xuân nào cũng xuân lữ thứ. Đêm trừ tịch giữa tối ba mươi, cái khoảnh khắc năm cũ sắp tàn, khi mà mọi nhà chặt then kín cửa, để sửa soạn đón giao thừa, trong niềm hạnh phúc của gia đình, thì lính cũng đón chào năm mới trong chiếc hầm trốn đạn hay mái chòi canh giặc đen tối lạnh lùng. Nhớ từ đâu bổng kéo tới, vây kín cái không gian nhỏ hẹp . Chu Trầm Nguyên Minh, tác giả của ‘ Cuộc Tình Người 1969’ cũng là một người lính trẻ, viết thư gởi về cho người yêu trong một phiên gác đêm :

‘ Súng kê giấc ngủ mơ hồ
đêm nghe tiếng nhảy ngựa thồ đổi phiên
xin cho em ý ngoan hiền
biển sương rơi đọng trên miền dung thân
anh nhìn anh những phân vân
đời trai giờ chỉ có ngần ấy sao ?
(Chu Trầm Nguyên Minh viết trong Phiên Gác Đêm Tại Đồi 182)

Ngoài trời mưa xuân đến sớm nhưng sao buốt lạnh quá chừng, khiến cho ta thêm buồn rầu trong bóng tối một tết tha hương. Dường như có ai đang hát ru NHỮNG TÌNH KHÚC CHIẾN TRƯỜNG giúp ta nhắp một chút men nồng để thấy lại ngày xưa, để ta dìu ta trở về trong kỷ niệm buồn vui của đời lính với những tết không bao giờ quên được dù nay bạn bè người còn kẻ mất, trong đó có rất nhiều anh em đã gục chết ngay giữa tuổi thanh xuân mộng thắm tràn đầy.

‘Giữa đồi sương và gió
Tình cờ ta ghé qua
Ngu ngơ nhìn ngọn cỏ
Quanh mộ đời phôi pha
*
Giun dế đọc dùm ta .
Tên một loài dễ vỡ
Chim một bầy gọi nhỏ
Tên một loài hư vô
*
Người ôm bờ huyệt lạnh
Ngủ cùng đất ngàn năm
Ta ôm đời lẽ bạn
Mang mang sầu uanh quanh..
(Một Chiều Viếng Mộ Bạn - Chinh Yên)

Ngày đầu tiên về đơn vị cũng là ngày cuối năm, nên khi xe lủa tới Đà Lạt, cũng là lúc thiên hạ đang rộn rịp đón giao thừa. Cao nguyên Lâm Viên mùa Tết, nên trời rét căm căm. Chúng tôi tát cả là dân miền biển và miền nam,nên chịu không thấu với cái lạnh miền núi,cát da tím thịt, trong bộ đồ trận mõng manh, qua đêm đầu tiên tại nhà vãng lai của Tiểu Khu Tuyên Đức. Viết sao cho hết nổi buồn rầu của bọn lính xa nhà trong đêm Tết ? dù đêm Xuân Đà Lạt thật tuyệt vời, khiến ta cứ ngở như mình đang lạc lối đào nguyên, giữa hoa và người đẹp, cả hai sắc hương đường như cùng với mây trời ngạt ngào trong sương giá. Đà Lạt đêm xuân thú vui không kể xiết, khắp phường phố thiên hạ quần áo là lượt hạnh phúc, gắn bó từng cặp, từng đôi trong muôn màu đam mê rực rỡ nhưng với bọn lính mới đầu đời, Đà Lạt lại vô tình hờ hửng.

‘Xin chào mi , hởi núi rừng Trung Việt
Ta đã qua và ta đã dừng chân
Ta đã nhiều đêm giấc ngủ chập chờn
Những tối trăng sao không buồn ló dạng
Những tối nghe mưa lòng buồn vô hạn
Những hạt mưa như nước mắt mẹ già
Những hạt mưa lạnh buốt cõi hồn ta
(Hạ Đình Thao giả từ )
Không dưng mà lạnh thật đầy
với hồn thương tích với thây ma người
chiều lên ôm súng nhìn trời
bâng quơ ngó xuống cuộc đời buồn tênh
rươu đâu mà uống cho quên
người đâu mà họp đủ phiên chợ nghèo
lá rừng ai đốt đen thui
chim về ngơ ngẩn ngày vui năm nào
hởi em tình thoảng chiêm bao
giờ không khí đó đã vào cổ sơ ‘
(Giang Hữu Tuyền viết ở biên giới Việt Miên)

Bởi vậy cả bọn đều mong mau sáng, để sớm trả lại cái thiên đường hạnh phúc mà trời trót dành cho những giai nhân tài tử. Rồi thì chia tay, dăm đứa gọi là kém may mắn khi về TD 3/43 gần mặt trời. số còn lại bổ sung cho TD 1 và 2/43. Một cuộc hành quân mở ra vào ngày mùng ba tết nguyên đán, mục đich khai thông quốc lộ 12, đưa lính mới và quân trang quân dụng bổ sung cho hai đơn vị tại Bình Thuận. Nhờ vậy mới có dịp hưởng được một cái tết núi rừng vui nhộn với người Koho, quanh bếp lửa hồng.

‘Những chiều Trường Sơn gió cao, gió nhớ
Sao người không về theo gió chiều nay
Cho em tình ấm vui hồn nhỏ
Đợi chờ nhiều, em giận cả mây bay
Những chiều buồn đường lên dốc thẳng
Em ngở chừng đang về cửa trời cao
Mây đệm trắng êm đềm thân thể mới
thông rừng xanh gọi gió nhớ lao xao
Thôi Anh rượu đắng thôi đừng rót
Sương khuya chùng lạnh xuống vai em
Như đời băng giá trong đáy cốc
Người đi làm rượu đổ nghiêng nghiêng .. ’ ’ ’
(Nẻo Cao thơ Hoàng thị Bích Ni)

Được vui Tết với người Koho là một thích thú tột cùng. Ở đây hoa nhiều không đếm hết nhưng cũng không có hoa gì đẹp hơn hoa mai làm đêm thêm ngát, làm cho lính đã ngây ngất bên ché rượu cần, lại càng ngẩn ngơ hóa bướm vì tiếng hát ngây thơ hồn nhiên của các cô gái vùng cao,khiến cho mấy chục năm qua rồi, mà trong hồn mỗi lần chợt nhớ, như muốn khựng vì mùi chua của rượu cần và muì hương của núi rừng tây bắc. Sáng tới lính lại lên đường, không được như người Koho, sung sướng tiếp tục cuộc vui Tết quanh các gia đình, cho đến hết tháng giêng mới chấm dứt khi cả Buôn không còn rượu và thịt.:

“Ớ chàng trai lính ơi,
đùng quên đêm nay bên vũ điệu Lam Tơi,
đôi ta tình cờ quen nhau ngắn mgũi,
nhưng em nguyện chờ chàng trở về ..”
‘ Mai mốt em về em về đâu?
Con sông nước chảy trắng chân cầu
Tiếng hát già nua người bạn cũ
Đêm dài muôn thuở buộc lòng nhau
Ngoài kia buồn buồn không em ?
Xa hởi ngàn xa bóng nhạn chìm
Thương ai ái ngại tìm đôi mắt
Chưa biết đêm nào thức trắng đêm ..
(Cõi Nghìn Trùng - Hoàng Trúc Ly)

“ Đón giao thừa một phiên gác đêm
chào xuân đến súng xa vang rền
Xác hoa tàn rơi trên bán súng.. ngở pháo tung bay, ngở tóc em vương..”

Bài hát cũ của nhạc sĩ Nguyễn văn Đông, mấy chục năm về trước ,nay sao vẫn nhớ như niềm nhớ về một cái tết xa xưa rất tình cờ với đồng bào Thái Trắng, khi tiểu đoàn nằm tiền đồn, giữ an ninh ngoài vòng đai Tùng Nghĩa.

‘ Buổi cà phê cuối cùng
Thôi rời trường Thủ Đức
ta lên đường lên đường
tiếng ca buồn ở lại
*
Bốn đứa nhìn bàn ăn
đĩa thịt bò kỷ niệm
những bãi nắng khô cằn
bước chân buồn xa lạ
*
Chung quanh anh toàn là dây cháy chậm
ô vuông bản đồ sao toàn màu rừng man thiên
nhìn một bận bóng thiết tha nhòa bóng tối
anh giật mình kinh rạch nhện đan luôn
*
Anh trằn trọc từng nằm đêm nhẩm từng tọa độ địch
màu bút chì xanh đỏ đứng nghênh nhau
nghe một thoáng tên em nhòa tiếng súng
anh đứng nhìn hoa lửa cháy trăng sao.. ’ ’ ’

(Thư Gởi Người Phương Cũ của Hoàng Yên Trang cũng là Trần Như Liên Phượng tử trận tại Chương Thiện năm 1965 mới 29 tuổi)

“Chốn biên thuỳ này xuân tới chi, tình lính chiến khác chi bao người “.,nên đêm tiền đồn được vui ké với bản làng một cái tết vui nhộn từ đầu thôn tới cuối ấp, nơi nào cũng vang vang tiếng pháo, khiến người lính trẻ xa nhà chạnh lòng để rơi nước mắt, khi nhớ về những ngày xuân củ, nhớ màu hoa cúc hoa mai, tết đến nở tròn như mắt môi em một thời tuổi học “ tay anh ghì nhẹ trên bán súng, cứ ngở cùng em sóng bước xuân “.

‘ Dưới chân đồi Xích Thổ này có con sông
Con sông có cây cầu bắt qua
Bên này là vườn táo là nghĩa địa là ruộng hoang
Là lô cốt là hầm chông là bãi mìn
Buổi sáng anh ở nơi đây
Đu đưa lời tình bên khóm táo
Với bầy te te với tiếng gió sang mùa
Anh phải ngủ thật hiều vào ban ngày
Để đêm từng đêm ngồi ôm súng gác
Anh phải cười nơi đây thật to
Để khỏi nghe tiếng súng
Mỗi khi đài quân đội đưa lời ‘ em yêu lính’
Anh phải văng tục nơi đây cho đã
Vì thiếu bóng đàn bà suốt tháng .. ’ ’ ’
(Huỳnh Hữu Võ viết nơi đồn trú dưới chân Đồi Xích Thổ)

Đâu đâu cũng là chiến trường, nơi nào cũng chết chóc đau thương kể cả những ngày Tết đến. Bởi vậy chỉ mong gặp nhau một lần thôi để lòng bớt vấn vương thương cảm, rồi thì cứ phó mặc cho số phận đẩy đưa bởi chiến trận đâu phải là trò đùa :

‘ .. sau những đợt xung phong ào thác lũ
còn lại gì vườn trống cạnh nhà hoang
và hoa cỏ im lìm nghe đón gió
bầy gà con vừa lạc mẹ kêu đàn
*
trên sân nắng nhiều quân thù phơi xác
thanh AK Tiệp Khắc lỏng tay gầy
ngoài bờ lúa nhiều anh em nhắm mắt
vuông đất hồng làm gối lạnh từ đây
*
khi tôi đến quê xa chìm tiếng hát
chiều hành quân vai nặng túi cơm rời
để nép bóng tòa bin đinh cao ngất
trên đường về nghe đắng mặn đầy vơi .. ’ ’ ’
(Sau Chiến Trận - Ý Yên)

Chiến tranh tàn nhẩn, oan nghiệt khiến suốt đời lính không quên được hình ảnh chết chóc của những người dân lành vô tội, giữa nhang đèn bánh mứt.. chờ đón xuân về.

‘thằng Vũ chết rồi trong trận Pleime đó em
khủng khiếp và khốc liệt
những lần về phép sau này em ra cửa đón anh
sẽ không bao giờ thấy nó
nó chết rồi
nó chết cho quê hương đó...’
(Người Chết Ở Pleime - Phan Huy Mộng)

Cố nhân xa rồi nên đâu còn ai thương nhớ ai, khiến cho người lính trận thêm cô đơn lạc lỏng nơi chốn thị thành khi nhớ lại những ngày còn tóc bồng còm em mười sáu thơ ngây, để ngày ra đi người lính trẻ chỉ còn có môi em gói lại làm hồn nhớ bâng khuâng:

‘mai ta trở về với núi cao
có mây xanh ngắt lá reo sầu
đêm chờ đạn nổ ngày tạp dịch
ta còn lúc nào để nhớ thu
*
mai ta trở về cùng khói núi
tình mình còn chăng sợi khói bay
nhớ thu ta đứng trên triền dốc
mà lối đi về mây xám bay
*
đã lỡ một đời thân lính thú
còn mơ ước gì chuyện tương lai
tuổi trẻ cháy dần trong khói súng
ta lấy đời mình đánh cuộc chơi .. ’ ’ ’
(Với Thu Như Một Giã Từ - Vũ Hoàng).

Một thời đại chinh chiến bao lớp người nối tiếp ra đi vì nước non nên chỉ biết giả từ tất cả mà Hoàng Trọng đã gom lại để viết thành một ca khúc rất nổi tiếng ngay từ năm 1962:

‘biết đến bao giờ gặp lại người em thời thơ ấu
để báo tin rằng cuộc đời từ nay đã khác xưa
một phút gần nhau rồi tình mãi mãi lìa xa
quà nghèo chỉ có lời ca
tặng nàng trước khi từ giã
(Giã Từ)

Em yêu hãy hôn anh một lần trước khi anh đi lính
giữa thời đại chiến tranh cái gì cũng vội vã hết
phải không em
nhưng nhớ hôn anh một lần này thôi
vì không chừng anh sẽ ra đi
hoặc trong mười năm mười lăm năm
hay vĩnh viển
bây giờ anh còn tay bây giờ anh còn chân
bây giờ anh còn mắt
bây giơ anh chưa đui mù
chưa câm điếc chưa què quặt
nhưng biết mai anh còn đủ không
và cả trái tim anh nữa
biết còn rung động hay im lìm ngừng đập
nhiều lúc anh tự hỏi chiến tranh để làm gì ?
(Trước Khi Đi Lính - Trần Uyên Phương).

‘tao để Tiểu Đoàn 6 cho mày
trạm cứu thương
có thằng Khiên mù
có thằng Nhu ngọng
tao để Vũng Tàu lại cho mày
bãi trước bãi sau
gió biển ngây ngây mùi gái
hỡi thằng Y Sĩ Dù bé nhỏ của chúng tao ơi
đi chưa bao giờ biết mệt
chiến đấu chưa bao giờ biết nằm
Đêm Gio Linh xác địch chất bên miệng hầm
Chiều Cao Lãnh đạn ghìm sâu vào gối
và Dakto mãnh sướt bờ vai
để một sớm mai buồn chúng tao thức dậy
lặng người đau đớn
nghe tin mày hy sinh.. ’ ’ ’
(Một Bài Thơ Cho Tuấn - Trang Châu)

Hình như giao thừa sắp đến, trong mông mênh cùng tận, như những năm nao, tôi lại âm thầm lâm râm cầu nguyện cho mẹ già, em gái, cho ngươi yêu củ, bạn bè, đồng đội, đồng bào.. được may mắn an bình trong buổi hổn mang dâu bể.. Kỹ niệm xưa từng mảng lại trôi bềnh bồng trên mắt, lén lút đẩn dắt hồn người lính trẻ về thuở hoa niên, khi những cánh hoa phượng đỏ ối nối hàng, dọc theo con đường Nguyễn Hoàng dẫn vào lớp học, đã bắt đầu rụng rơi lã tã giữa các trang lưu bút, trên từng rèm mắt ô môi, cũng là lúc bọn học trò nghĩ hè làm gã giang hồ lãng tử, trên những chuyến tàu hỏa chui Phan Thiết-Sài Gòn rồi Sài Gòn-Phan Thiết, đi hoài vẫn không thấy chán. Nhưng em đã đi rồi từ khi tôi vào lính:

‘năm năm rồi không gặp
từ khi em lấy chồng
anh dặm trường mê mãi
đời chia hai nhánh sông
*
phong thư tình ngây dại
đường xưa quen lối về
trong mịt mùng gió cuốn
nghe nhạt nhòa mưa qua
*
ngày nhà em pháo nổ
anh cuộn mình trong chăn
như con sâu làm tổ
trong trái vải cô đơn
*
năm năm rồi ly biệt
một màu tang ngút trời
chúa buồn trên thánh giá
nằm trơ vơ gác chuông .. ’ ’ ’
(Năm Năm Rồi Không Gặp của Phạm Văn Bình).

Rồi những ngày dài chinh chiến, định mệnh lại đẩy đưa đời lính về chốn cũ Long Khánh-Bình Tuy-Phan Thiết. Tuy tàu hỏa đã bị gián đọan nhưng suốt con đường sắt từ Mường Mán về Gia Ray, con đường mòn Võ Xu tới Suói Kiết, kể cả những suối rạch, bải đá ven sông La Ngà, đều là những lối lại qua quen thuộc , đã cùng tôi chắt chiu suốt đoan đường tuổi trẻ. Làm sao quên được những ngày dừng quân ở Văn Phong, Mường Mán ? ngày ngày ngồi ngâm nga tách cà phê đen ngon tuyệt nơi quán lẽ ven sông, ngó nhìn các chuyền tàu xuôi ngược.

‘quê cũ mười năm mây lớp lớp
mười năm mưa khóc buổi sang mùa
dưới trời sương lạnh rơi tan tác
rét mùa đông cũ rét lê thê

đường tôi đi có bom và đạn
có hận thù trên mỗi dấu chân
ai thả vào hồn tôi mới lớn
những mùa xương máu ngập tang thương...’
(Đi Giữa Chiến Tranh - Phạm Cao Hoàng)

Những người tuổi trẻ như chúng ta một thời chinh chiến đã lần lượt rũ nhau đi trong lửa đạn, làm kiếp lang thang mây chiều, cũng vì ai mà xương máu ngất núi trên quê hương hận thù. Tan tác, chia ly kẻ còn người mất, kỷ niệm chỉ còn vương lại một hớp rượu cay mà ta cố giữ lại trên đầu lưởi.
Hồn ta nay đã mất, có còn chăng là dư ảnh của ngày xưa, của đồng đội bạn bè.. như những giọt nước mắt cứ chảy dài của những người góa phụ trẻ mà Lê Xuân Hảo đã viết cho chồng là cố Thiếu Tá Pháo Binh VNCH Nguyễn Tấn Hưng thuộc Tiểu Đoàn 155 ly Pháo Binh, đã mất tích tại Kon Tum vào mùa hè đỏ lửa 1972 :

‘Ngày anh lên thiếu tá
với chữ cố đứng đầu
em trở thành góa phụ
trầm mình trong vực sâu
*
ngày anh lên thiếu tá
sao chẳng có rượu nồng ?
ngoài năm vành khăn trắng
nay dật dờ cô đơn
(Ngày Vinh Thăng Của Anh)

25 tuổi đầu, tôi làm góa phụ
bốn đứa con thơ tỉnh yêu chưa tròn
10 năm chiến chinh vai đời pháo thủ
chồng tôi bây giờ nằm xuống cô đơn
*
25 tuổi đầu tôi làm góa phụ
má đỏ môi hồng còn gì nữa đâu
thu đến đông sang xuân qua hè lại
màu trắng khăn sô: Tôi chít trên đầu‘
(Góa Phụ 25)

Trong số phát hành vào ngày chủ nhật 28 tháng 8 năm 1994, nữ ký giả Lily Le Diron của tờ Los Angeles Times đã đăng bài ‘"A Viet Nam Odyssey" được Lê Xuân Hảo dịch ra tiếng Việt ‘Đi Tìm Cha Tôi: Một Cuộc Hành Trình Vô Vọng‘. Đây là một câu chuyện có thật do cô Nguyễn Tấn Băng Phương, tức là nữ ký giả trên, ghi lại cuộc hành trình đi tìm xác người cha đã mất tích từ năm1972 trong cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa . Ông là Cố Thếu Tá PB/VNCH Nguyễn Tấn Hưng mà vợ là Lê Xuân Hảo đã nhắc tới trong bài thơ "Ngày Anh Vinh Thăng" (cố thiếu tá) và "Tôi Là Góa Phụ", đã được Phó Tổng Thống VNCH Trần văn Hương trao tặng giải nhất trong cuộc thi thơ năm 1973.

Gọi là cuộc hành trình vô vọng dù cô Băng Phương đã ròng rã suốt hai tháng trường, đi khắp lãnh thổ Miền Nam, từ Nghĩa Trang Quân Đội tai Biên Hòa ra tới miền Bắc, lên tận Pleiku, Kon Tum.. nhưng tin tức của người cha yêu dấu vẫn biền biệt phương ngàn. Thật là cảm động biết bao về tấm lòng hiếu thảo của một người con chí hiếu, xin chân thành dâng lên một nén hương lòng lên các Anh: Những người lính oai hùng của VNCH một thời lửa đạn, người có tên, người còn mồ hay người đã biệt tích. Tất cả đều xứng đáng được hậu thế tôn vinh, sử xanh ghi công rạng rỡ:

‘mai về nẻo ấy chiều sương khói
ta biết tìm đâu bước bạn hiền
vượt thác Mê Kông qua cầu khỉ
Paské héo hắt bóng trăng đơn
*
mai về quê mẹ qua biên giới
thăm lại Trường Sơn thuở kiếm cung
rừng núi vẫn xanh màu khát vọng
chỉ ta hờn tủi kiếp tha hương
(Thì Thôi Hãy Khóc Để Quên Đời, 1972- Phong Nhân Hoài).

Có ai còn nhớ lối xưa để tìm về mà có tim chăng nữa thì cũng chỉ thấy những thành mộ chí hoang vu, cỏ lau xưa hiu quạnh, khiến cho những người lính già cứ ngẩn ngơ hóa bướm dù bàn tay vẫn ấp trên những trang báo ngày nào. Ngoài đêm bây giờ hình như tiếng ngựa vẫn còn lao xao hí hoài những hồi thúc giục, đời vẫn mỡ ra trước mắt như đang gọi hồn người lính đi vào cõi mộng lung muôn trùng.

‘còn ba năm nữa anh sẽ về
anh biết chắc không còn quê hương để ở
em gắng sắm cho anh một cây đàn bầu
làm bằng nắp hòm người lính nghèo
chết ngoài mặt trận
anh sẽ đàn cho mọi người cùng nghe
mà không xin tiền
chỉ tìm lại những đôi mắt trân tráo
những bước chân đi qua vĩa hè
với nụ cười
mà nhiều năm anh đã mất...’’
(Khi Giải Ngũ - thơ Hà Nguyên Dũng).

Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy Di
Mười lăm Tháng Hai 2009
MƯỜNG GIANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét