Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

VN phản đối TQ điều tàu cá tới Trường Sa

VN phản đối TQ điều tàu cá tới Trường Sa

Cập nhật: 10:57 GMT - thứ sáu, 13 tháng 7, 2012

Đội tàu cá Trung Quốc trước khi ra khơi
Đây là đợt triển khai tàu cá Hải Nam lớn nhất từ trước tới nay
Việt Nam vừa tuyên bố hoạt động của ngư dân Trung Quốc ở Trường Sa là "phi pháp".
Hôm thứ Năm 12/7, Trung Quốc cho một đội tàu đánh cá gồm 30 chiếc rời cảng Tam Á, tỉnh Hải Nam, đổ xuống Trường Sa.
Cũng có tin chiến hạm Đông Quan 560 của hạm đội Nam Hải vừa bị mắc cạn tại bãi Trăng Khuyết.
Chiều thứ Sáu 13/7, đại diện Ủy ban Biên giới Quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam ra phản ứng: “Lập trường của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định nhiều lần".
"Hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc có trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn ngư dân tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế."
Hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã trước đó cho biết các tàu đánh cá được hỗ trợ của "các tổ chức, hợp tác xã ngư nghiệp và ngư dân", nhưng không đả động gì đến các lực lượng khác như tuần ngư hay hải giám.
"Hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này."
Ủy ban Biên giới Quốc gia Việt Nam
Tuy nhiên một số ngư dân được dẫn lời nói họ trông đợi sẽ có hỗ trợ của các "ban ngành liên quan" nếu có sự cố.
Tân Hoa Xã nói thêm rằng chuyến đi đánh cá này sẽ kéo dài 20 ngày quanh đảo Vĩnh Thử (Việt Nam gọi là Đá Chữ Thập) ở Trường Sa, và "mỗi tàu có một nhiệm vụ riêng", nhưng không nói rõ là nhiệm vụ gì.
Trung Quốc vẫn đang áp dụng lệnh cấm đánh bắt kéo dài hai tháng rưỡi, tới 1/8 tại Biển Đông, trong đó có cả vùng biển Trường Sa và việc đội tàu được điều tới đảo Chữ Thập dường như trái với lệnh cấm này.
Giới quan sát cho hay đây là đợt điều động tàu cá Hải Nam lớn nhất từ trước tới nay.
Họ cũng đánh giá đây là cử chỉ tiếp tục tuyên bố chủ quyền trong vùng biển đang đầy sóng gió, với các tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam.
Theo Tân Hoa Xã, trong số các tàu cá có một chiếc tiếp vận trọng tải tới 3.000 tấn; 29 chiếc còn lại đều trên 140 tấn.

Tàu chiến mắc cạn?

Trong một diễn biến khác, Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận một tuần dương hạm chở hỏa tiễn của nước này đã bị mắc cạn khi đang trên đường tuần tra trong khu vực Biển Đông gần Philippines.
Thông cáo trên website của bộ này sáng thứ Sáu 13/7 viết đã không xảy ra thương vong và chiến dịch ứng cứu đang được tiến hành. Tuần dương hạm gặp sự cố lúc 7 giờ tối giờ địa phương hôm thứ Tư 11/7 khi tuần tra gần Bãi Trăng Khuyết (Trung Quốc gọi là Bán Nguyệt Tiêu), cách tỉnh Palawan của Philippines chừng 60 hải lý (111km) về phía Tây.
Tuần dương hạm Đông Quan 560
Các tàu chiến Trung Quốc đang hoạt động mạnh ở Biển Đông
Đây là địa điểm nằm trong khu vực kinh tế đặc quyền 200 hải lý của Philippines.
Một số nguồn tin phương Tây cho hay chiến hạm này đã bị mắc kẹt khá nghiêm trọng, và việc cứu hộ sẽ khá khó khăn.
Họ còn cho biết thêm rằng tàu này có tên Đông Quan, mang số hiệu 560, lớp Giang Hồ, thuộc hạm đội Nam Hải của hải quân Trung Quốc.
Tàu này vốn chuyên trách tuần tra và xua đuổi tàu cá của Philippines trong vùng biển tranh chấp giữ́a hai bên.
Việc các tàu cá và tàu hải quân Trung Quốc vẫn hoạt động rầm rộ tại Biển Đông cho thấy thái độ của Bắc Kinh trong xung đột biển.
Chủ nhật tuần rồi, tại một hội nghị về Biển Đông ở Bắc Kinh, các tướng lĩnh và giới hoạch định chính sách quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi chính phủ có hành động để bảo vệ chủ quyền.
Ông Thôi Lập Như, Chủ tịch Học viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc, cơ quan nằm dưới quản lý của ngành tình báo, nói từ trước tới nay Bắc Kinh tập trung quá nhiều vào tìm kiếm tiếng nói chung với các nước láng giềng và gác tranh chấp.
Ông Thôi cảnh báo với tư duy như vậy, tình hình châu Á-Thái Bình Dương vài năm tới có nguy cơ 'hết sức hỗn loạn'.
Theo nguồn BBC Vietnamese

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét